Hệ thống cáp quang thế giới - cuộc chiến gián điệp dưới biển sâu

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Tháng 2.2008, đột nhiên kết nối viễn thông bằng cáp ngầm của các nước Bắc Phi và Vùng Vịnh bị gián đoạn hoặc tốc độ kết nối sụt giảm thảm hại.
toanthegioihienco380tuyencapquangbiencotongchieudai12c2trieukmketnoicacchauluc-submarinecablemap_eiid.png

Toàn thế giới hiện có 380 tuyến cáp quang biển có tổng chiều dài 1,2 triệu km kết nối các châu lục

Bị phá hoại

Nguyên nhân là ba đường cáp ngầm ở vùng bờ biển Ai Cập bỗng nhiên cùng lúc bị hư hỏng nặng. Trong đó, đường cáp nối Dubai và Oman bị đứt do vướng vào một cái neo tàu cũ chìm dưới đáy biển, cái neo này nặng đến 5,4 tấn. Nhưng, hai trường hợp còn lại thì không thể giải thích được nguyên nhân, các nhà điều tra cho rằng chúng đã bị cố tình phá hỏng bởi con người.
duongcapdientindautiencuathegioiduocdatduoibientumysanganhduochoanthanhvaonam1858-cnn_bzyj.jpg

Đường cáp điện tín đầu tiên của thế giới được đặt dưới biển từ Mỹ sang Anh được hoàn thành vào năm 1858

Ảnh: CNN

Đây là một nguy cơ có thật. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nếu các tuyến cáp kết nối ra thế giới của một quốc gia bị đối phương phá hoại, thì toàn bộ thông tin liên lạc của nước đó có thể bị gián đoạn trong một thời gian dài, gây rối loạn sinh hoạt xã hội và an ninh quốc phòng. Nhất là trong trường hợp quốc gia đó chỉ có một vài tuyến cáp ra thế giới. Và, không phải nước nào cũng có khả năng xây dựng hệ thống liên lạc dự phòng bằng vệ tinh, vốn rất đắt tiền. Chỉ có các nước giàu mới có khả năng thiết lập nhiều tuyến cáp quang và nhiều hệ thống vệ tinh viễn thông dân sự lẫn quân sự.

Bị nghe trộm

Chuyện câu móc vào cáp ngầm để nghe trộm không phải là mới đây. Theo thông tin của Military.com, vào thời Chiến tranh lạnh, trong chiến dịch tuyệt mật Ivy Bells, chiếc tàu ngầm USS Halibut của Mỹ đã đưa người nhái và thiết bị chuyên dụng để câu móc vào đường cáp ngầm của Liên Xô đặt dưới đáy biển Okhotsk. Nhờ đó mà phía Mỹ đã thu thập được rất nhiều thông tin quân sự có giá trị của đối phương. Việc nghe trộm này kéo dài một thập kỷ, và chỉ bị vỡ lỡ khi một nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA là Ronald Pelton bán thông tin này cho người Nga.
chiectaungamgiandiepussjimmycarterduocmydungvaovieccautromcapquang-wikipedia_gncz.jpg

Chiếc tàu ngầm gián điệp USS Jimmy Carter được Mỹ dùng vào việc câu trộm cáp quang

Ngày nay, 99% lượng thông tin truyền tải giữa các châu lục là bằng cáp quang dưới biển. Việc câu móc vào đường truyền điện thoại để nghe trộm đã khó, câu móc vào cáp quang càng khó hơn nhiều, nhưng không phải là không làm được đối với những cường quốc công nghệ.

Để nối thiết bị nghe trộm vào một đường cáp quang phải có những thiết bị chuyên dụng. Đầu tiên là phải kéo đoạn cáp đó lên khỏi đáy biển, khó khăn nhất là khâu cắt cáp để gắn thiết bị nghe trộm vào, và nối cáp lại nhưng không được làm gián đoạn tín hiệu ánh sáng truyền dẫn thông tin. Mọi việc phải làm thật nhanh để tránh gây gián đoạn thông tin quá lâu làm nhà mạng nghi ngờ. Các kỹ thuật viên thực hiện cắt cáp cũng gặp nguy cơ bị điện giật vì bên trong có lớp vỏ đồng dẫn dòng điện 10.000 volt.

Theo CNN, chiếc tàu ngầm gián điệp USS Jimmy Carter của hải quân Mỹ được trang bị đặc biệt cho việc cắt nối cáp, nó có một khoang riêng để người nhái và chuyên viên thực hiện việc câu móc cáp mà không phải ra ngoài tàu ở độ sâu lớn. Tàu cũng có mang theo robot lặn điều khiển từ xa dùng vào trinh sát hỗ trợ người nhái.
hangngankmcapquangduoccuonlaitrentau-reddit_yuvj.jpg

Hàng ngàn km cáp quang được cuộn lại trên tàu

Để thao tác dễ dàng hơn, việc câu móc thường nhắm vào nơi tuyến cáp kết nối với trạm trên bờ nằm sát bờ biển. Năm 2013, theo thông tin của báo Anh Guardian, "người thổi còi" Edward Snowden đã tiết lộ rằng cơ quan tình báo Anh GCHQ đã lén lút câu móc vào 200 tuyến cáp quang truyền tải các cuộc điện thoại và kết nối internet của thế giới. Nhờ đó, mỗi ngày, GCHQ thu thập được thông tin của 600 triệu cuộc gọi trên toàn cầu. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA cũng thực hiện việc tương tự bằng chiến dịch mang mật danh Upstream trong cùng thời gian. GCHQ và NSA đã được sự hỗ trợ ngầm của các nhà mạng tư nhân lớn ở hai nước này.
mottauchuyendungchovieckeocapquang-maritimeconnector_fdgy.jpg

Một tàu chuyên dụng cho việc kéo cáp quang

Không chỉ người Mỹ và Anh là làm chuyện câu móc trộm này, người Nga cũng chẳng chịu thua kém. Năm 2015, các bộ cảm biến gắn dưới đáy biển của Mỹ đã ghi nhận được các tàu ngầm Nga lảng vảng quanh các tuyến cáp quang quan trọng của Mỹ. Trên mặt nước vùng biển đó thì có một chiếc tàu gián điệp Nga có chở theo một thiết bị lặn điều khiển từ xa, có thể dùng để cắt hoặc làm hư hỏng các cáp ngầm.

Năm 2016, Viện nghiên cứu chiến lược - CSIS (Mỹ) đã đưa ra một bản báo cáo cảnh báo về nguy cơ người Nga dùng các thiết bị lặn điều khiển từ xa để phá hoại hoặc gắn thiết bị nghe trộm vào các tuyến cáp quang dưới biển của Mỹ và châu Âu. CSIS cũng nhận định rằng Trung Quốc đang đóng thêm nhiều tàu ngầm, nên không loại trừ việc nước này rồi cũng tham gia cuộc chơi gián điệp dưới biển sâu.

Theo Thanh Niên​
 

taynguyendie

Well-Known Member
Hèn chi dạo trước AAG với APG hay bị đứt. Đúng là kẻ thù lớn nhất của loài người chính là loài người
 

Shangri-La

Well-Known Member
Ha ha, thảo nào cá mập lại ưa cắn đứt cáp. Mà hình như bọn nó hoàn thành nhiệm vụ rồi hay sao í, dạo này không thấy cắn nữa.
 

hoangphong264

Active Member
Ấy thế mới bảo NSA của Mỹ có thể kiểm soát hoặc hack được gần hết thế giới, trừ TQ.
 

Dana Smart

New Member
Năm 2016, Viện nghiên cứu chiến lược - CSIS (Mỹ) đã đưa ra một bản báo cáo cảnh báo về nguy cơ người Nga dùng các thiết bị lặn điều khiển từ xa để phá hoại hoặc gắn thiết bị nghe trộm vào các tuyến cáp quang dưới biển của Mỹ và châu Âu. CSIS cũng nhận định rằng Trung Quốc đang đóng thêm nhiều tàu ngầm, nên không loại trừ việc nước này rồi cũng tham gia cuộc chơi gián điệp dưới biển sâu.
Hầu hết các tuyến cáp quang biển Việt nam đều có đi qua vùng biển Trung Quốc, Đài loan, Hồng Kong, nơi TQ có thể thử nghiệm cho cuộc chơi này.
 
Bên trên