Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

TV của bác đã được cân chỉnh bao giờ chưa?

  • Thấy việc cân chỉnh là không cần thiết, họ sản xuất thế nào thì mình dùng thế ấy

    Số phiếu: 5 12.2%
  • Biết là cần cần chỉnh nhưng chẳng biết phải làm thế nào cho chính xác

    Số phiếu: 19 46.3%
  • Có cân chỉnh dùng đĩa nguồn và chủ yếu là ước chừng bằng mắt

    Số phiếu: 12 29.3%
  • Có cân chỉnh bẳng thiết bị đọc màu và phần mềm

    Số phiếu: 5 12.2%

  • Số lượng người bầu chọn
    41

tarzan1234

New Member
(Nhân tiện thử thăm dò mọi người về việc cân chỉnh màn hình)


Định viết bài để chia sẻ những căn bản trong cân chỉnh màu sắc màn hình đã mấy tuần nay nhưng phần cũng vì cứ bận liên miên, phần cũng vì thấy có vẻ ít người quan tâm đến chủ đề này nên chưa dành thời gian để ngồi viết. Hôm qua đọc được gợi ý của mấy bác trên này nên hôm nay quyết định ngồi viết ra với hy vọng chia sẻ được với những ai quan tâm, giúp cân chỉnh màu sắc của chiếc TV hay máy chiếu độ phân giải cao có được màu sắc chính xác hơn. Vì em không có nhiều thời gian, nên em sẽ viết thành từng phần, từ căn bản đến nâng cao mỗi khi có thời gian rảnh. Không phải ai cũng sẽ có điều kiện để thực hiện được toàn bộ các bước em đưa ra dưới đây vì điều này phụ thuộc vào mấy yếu tố:

(1) Các bác có đủ tất cả các thiết bị cần thiết không?
(2) TV của các bác có đủ các lựa chọn đề tinh chỉnh không?
(3) Các bác có đủ kiên nhân và thời gian để thực hiện không?

Dù xác định trước là không phải ai cũng có thể thực hiện được toàn bộ, em sẽ cố gắng trình bày từng bước, từ căn bản nhất để ai cũng có thể thực hiện được và cải thiện được phần nào chất lượng hình ảnh, đến phần nâng cao dành cho những ai có thể mày mò và mong muốn có được chất lượng tốt nhất từ TV/máy chiếu của mình.

Trong bài viết này em sẽ dùng từ TV để chỉ chung hầu hết các thiết bị hình ảnh thông dụng cho gia đình, từ TV Plasma, TV LCD, TV LCD có đèn nền LED, TV DLP, máy chiếu hay thậm chí là màn hình CRT cũ rích. Về căn bản, nguyên tắc cân chỉnh là tương tự, nếu có gì khác biệt em sẽ có gắng chỉ rõ.

Ngoài ra, có nhiều thuật ngữ và các lựa chọn điều chỉnh trên TV em sẽ để nguyên gốc từ tiếng Anh và giải thích một lần ý nghĩa của nó. Nếu bác nào có TV với các lựa chọn bằng tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác thì cố gắng tìm lựa chọn tương đồng, hoặc chuyển ngôn ngữ sang tiếng Anh để so sánh cho chính xác.

Câu hỏi đầu tiên là tại sao phải cân chỉnh màn hình?
Trước khi dành nhiều thời gian, công sức và có thể cả tiền bạc cho việc cân chỉnh màn hình, chắc nhiều người tự hỏi tạo sao phải làm như vậy? Tại sao không đề nguyên những gì nhà sản xuất đã cài đặt để dùng? Câu trả lời là hầu như KHÔNG có bất kỳ một chiếc TV nào có thể cho màu sắc chính xác với các lựa chọn mặc định, từ TV rẻ tiền đến TV đắt tiền. Vì sự chính xác phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên không có cái nào giống cái nào, thậm chí các TV cùng một dòng, cùng đời nhưng cũng không cho màu sắc giống nhau. Khi ta đã bỏ ra cả chục triệu, thậm chí là vài chục triệu cho chiếc TV, có lẽ ai cũng muốn có được chất lượng hình ảnh tốt nhất có thể.
Vậy như thế nào là hình ảnh "tốt nhất" hay "đẹp nhất"? Chẳng phải khái niệm "tốt" hay "đẹp" đều phụ thuộc vào sở thích của mỗi người hay sao? Người thích đậm, người thích nhạt, người thích đỏ, người thích xanh. Điều này hoàn toàn không sai. Tuy nhiên các bộ phim HD đều được sản xuất theo một tiêu chuẩn màu sắc nhất định và nhà sản xuất mong muốn người xem cũng nhìn thấy đúng (hoặc gần đúng nhất) với những gì họ muốn truyền tải đến người xem. Do vậy, cân chỉnh màn hình để mình có thể nhìn thấy và cảm nhận được như những gì mà nhà sản xuất mong muốn sẽ cho kết quả tốt nhất. Tóm lại có thể coi việc có được hình ảnh "tốt nhất" tương đương với việc cân chỉnh để có được hình ảnh "chính xác" và "trung thực" nhất. Phần lớn các TV bán ngoài thị trường đều có phần ngả xanh, và thường quá sáng. Một TV rẻ tiền nếu được cân chỉnh đúng cách có thể cho hình ảnh tốt hơn môt TV tốt, mắc tiền mà không được cân chỉnh để nó có thể phát huy hết khả năng. Nếu ai thực sự quan tâm đến việc tận dụng hết khả năng có thể của TV, dù TV mắc tiền hay rẻ tiền, thì việc cân chỉnh để TV có thể phát huy hết khả năng là điều hết sức cần thiết.


Những thứ cần thiết để thực hiện cân chỉnh màn màu sắc màn hình một cách hoàn chỉnh:

(1) Một nguồn phát các màu sắc căn bản đúng với tiêu chuẩn HD. Giới chuyên nghiệp thường có thiết bị phát tín hiệu riêng với các màu sắc chuẩn. Món này ta không bàn đến ở đây vì ta không phải dân chuyên nghiệp. Phổ thông nhất là các đĩa cân chỉnh màn hình với các dải màu chuẩn. Trên thị trường hiện nay có một số đĩa như "DVE HD Basics", "Disney WOW". Ngoài ra một số thành viên của diễn đàn AVSForum của Mỹ đã phối hợp với nhau tạo ra đĩa AVS HD 709 và chia sẻ miễn phí với tất cả mọi người. Đây là một sản phẩm miễn phí, và cũng có chất lượng rất tốt. Các bác có thể tải dưới các dạng sau:
(a) Nếu ai có đầu ghi đĩa Blu-ray, tải file này xuống, giải nén và chép vào đĩa Blu-ray trắng để dùng: HDMV-2d.exe - Wuala
(b) Nếu ai chỉ có đầu ghi đĩa DVD, tài file này xuống, giải nén ra và chép vào đĩa DVD. Lưu ý kiếm tra đầu phát Blu-ray của các bác phải hỗ trợ định dạng AVCHD mới dùng được đĩa này (phần lớn đều có hỗ trợ): AVCHD-2d.exe - Wuala
(c) Nếu ai không thể thực hiện cả 2 lựa chọn trên, có thể tải dưới định dạng MP4: MP4-2c.exe - Wuala

Đây là một số hướng dẫn căn bản cách dử dụng đĩa này (chỉ có bản tiếng Anh): http://dl.dropbox.com/u/8968806/Patterns-Manual.pdf



(2) Yêu cầu thứ 2 cần phải có là thiết bị đọc màu sắc (colorimeter hoặc spectrometer). Đây là thiết bị dùng để đọc và phân tích các màu sắc phát ra trên màn hình. Nó là một cục như thế này:
399195-albums847-picture25286.jpg

Em biết không nhiều người có thứ này (những ai chơi ảnh số thì có thể có để cân chỉnh màn hình máy tính để xử lý ảnh). Tuy nhiên để thực sự cân chỉnh được màn hình, đây là thứ không thể thiếu. Vì muốn cân chỉnh được các màu sắc khác nhau, cần phải đọc được màu đó một cách chính xác tương đối chứ không thể nhìn và phán đoán bắt mắt thường. Loại rẻ nhất trên thị trường hiện này là Spyder3Express, giá khoảng $70 trên Amazon. Có nhiều loại đắt tiền hơn có thể vài trăm, vài ngàn và thậm chí là vài chục ngàn đô la. Đương nhiên thiết bị càng đắt thì càng chính xác, nhưng cá nhân em nghĩ cái Spyder3Express giá 70 đồng là thiết bị có độ chính xác tương đối tốt, hoàn toàn chấp nhận được với điều kiện sử dụng trong gia đình. Các bác có thể 5-7 người chung nhau mua, vì thứ này chỉ thỉnh thoảng mới dùng. Hoặc có thể mượn nếu có ai trong số bạn bè có thứ này, đặc biệt là dân chụp ảnh số hay có thiết bị này để cân chỉnh màn hình máy tính xử lý ảnh. Trên trang này (của nhóm viết phần mềm miễn phí ở phần (3) dưới đây) có thảo luận và hướng dẫn tự làm đầu đọc màu. Em nghe nói có người đọc hướng dẫn và tự làm được. Tuy nhiên em trang này bằng tiếng Pháp, em không hiểu nên chẳng biết đầu đuôi nó làm sao. Bác nào đọc được và muốn tìm hiểu thì vào xem thử xem sao: LE post qui a tout demarré: fabriquer son colorimetre - FAQ

Nếu ai không thể có được thứ này thì vẫn có thể thực hiện được một phần căn bản của việc cân chỉnh màn hình với việc dùng đĩa nguồn chuẩn ở phần (1), nhưng sẽ chỉ hạn chế ở nhứng thứ căn bản như Color/Saturation, Brightness/Contrast, và Hue/Tint.



(3) Một máy tính với phần mềm đọc và phân tích màu ở gần cái TV. Tốt nhất là máy tính xách tay. Phần mềm đọc và cân chỉnh màu sắc hiên nay có nhiều, từ miễn phí đến các phần mềm thương mại trả tiền. Ở đây em giới thiệu phần mềm miễn phí có tên là ColorHCFR. Phần mềm này được phép tải và dùng miễn phí, và nó có đủ các tính năng căn bản để có thể đọc và phân tích màu sắc trong quá trình cân chỉnh.

Các bác có thể tải bản cho Windows tại đây: http://www.homecinema-fr.com/colorimetre/release/Setup_v2_1_0.exe

Hoặc bản dành cho MAC tại đây: http://www.homecinema-fr.com/colorimetre/mac_software/files/ColorHCFR_1.1.2.zip


(4) Một vài đĩa phim có chất lượng cao, hình ảnh chuẩn để xem và thử kết quả. Cá nhân em thích dùng mấy đĩa hoạt hình của Pixar như "Toy Story", "Up", "Cars" và một vài đĩa có hình người thật để kiểm tra màu da người như "The Dark Knight" hay "No Country for Old Men". Ngoài ra một số đĩa có nhiều phong cảnh thiên nhiên như "Planet Earth" hay "Life" cũng cũng tốt. Tuy nhiên ai có đĩa nào thì dùng đĩa đó, miễn là chất lượng đĩa phải tốt, hình ảnh phải chuẩn để có căn cứ để so sánh là được


Trong số các yêu cầu trên thì (1) và (4) là tối thiểu cần thiết cho việc cân chính ở mức căn bản nhất. Còn nếu có cả 4 thì sẽ cho phép thực hiện cân chỉnh nâng cao, cả cân chỉnh từng màu sắc, thang cân bằng xám, gamma và nhiệt độ màu.


Đâu tiên em giới thiệu một số thuật ngữ căn bản sẽ dùng trong quá trình cân chỉnh:

- Color/Saturation: Đây là lựa chọn để cân chỉnh độ bão hòa (đậm nhạt) của màu sắc. Tuy TV, có hãng dùng Color, có hãng dùng Saturation. Em sẽ dùng từ Saturation trong toàn toàn bộ bài viết này để chỉ lựa chọn này.

- Tint/Hue: Em không biết từ tiếng Việt tương đương của từ này. Tuy nhiên có thể giải thích nôm na đây là lựa chọn sắc độ của một một màu nào đó. Có hãng dùng từ Hue, có hãng dùng từ Tint. Em sẽ dùng từ Tint để chỉ lựa chọn này trong toàn bộ bài viết.

- Brightness: Đây là lựa chọn để điều chỉnh độ ĐEN của màn hình. Đúng, nghe có vẻ ngược đời, "Brightness" mà lại là điều chỉnh màu đen. Nhưng đúng là nó như vậy, không hiểu nguồn gốc tại sao họ dùng từ đó, chỉ biết là cái này dùng để sắc độ của màu đen. Nếu cái này quá thấp, sẽ bị mất chi tiết ở phần tối gần màu đen. Nếu cái này quá cao thì màu đen sẽ có màu xám lờ nhờ.

- Contrast: Đây là lựa chọn để điều chỉnh màu TRẮNG. Đúng nghĩa gốc của nó là độ tương phản. Nhưng bản thân độ tương phản chính là tỷ lệ độ sáng của màu trắng và màu đen. Và lựa chọn này chính là đề điều chỉnh phần màu trắng. Nếu cái này quá thấp, thì cấc cảnh có màu trắng sẽ có màu xám tối lờ nhờ, còn lựa chọn quá cao thì các cảnh sáng sẽ bị "cháy" mất chi tiết.


Phần 1: Căn bản: Điều chỉnh Brightness, Contrast, Saturation và Tint.

Điều chỉnh những thứ căn bản này dành cho tất cả mọi người và chỉ cần dùng mắt thường cùng với đĩa HD-709 mà chưa cần đến thiết bị đọc màu hay máy tính.
Trên TV thường có các lựa chọn chế độ màu khác nhau như "Standard", "Vivid", "Sport", hay "Movie/Cinema" hay tương tự như vậy. Một số TV đời cao còn có chế độ như "THX". Mặc dù hầu hết các chế độ này không cho màu sắc chính xác, thông thường có cái tốt hơn những cái còn lại. Trong hầu hết mọi trường hợp, chế độ "THX" (nếu có) hoặc "Movie/Cinema" thường cho độ chính xác màu sắc tốt hơn cả. Tuy nhiên thông thường các chế độ này có độ sáng và độ tương phản rất thấp. Nếu bác nào chỉ có điều kiện để cân chỉnh các bước căn bản, thì nên bắt đầu với những chế độ khá hơn cả này và điều chỉnh thêm phần tương phản và độ sáng.

(1) Điều chỉnh Brightness: Mở đĩa HD-709, đi vào Menu "Basic Settings", chọn Black Clipping. Trên màn hình sẽ có dải màu từ đen đến xám đánh số từ 1 đến 25. Nửa bên phải của màn hình sẽ có các vạch màu xám thẳng đứng nhấp nháy. Tăng giảm Brightness của TV làm sao cho chỉ có các vạch từ 17 trở lên nhấp nháy, còn từ 16 trở xuống là đen kịt.
399195-albums847-picture25293.jpg



(2) Điều chỉnh Contrast: Cũng vẫn ở cùng mục "Basic Settings" chuyến đến phần "White Clipping" (thường là nhấn nút "Next" hoặc nút có tính năng tương tự trên điều khiển). Trên màn hình sẽ có các vạch thẳng đứng đánh số từ 230 đến 253. Điều chỉnh Contrast lên xuống làm sao cho các vạch từ 234 trở xuống nhấp nháy, còn từ 235 trở lên chỉ có màu trắng. Nếu không đạt được đúng như vậy thì con số phân cách giữa phần nháy và phần trắng có thể lớn hơn 235, chỉ cần chỉnh làm sao màn hình có 2 phần rõ ràng, nữa nháy và nửa trắng.
399195-albums847-picture25292.jpg



(3) Điều chỉnh Saturation và Tint: Vẫn ở phần "Basic Settings", chọn đến phần "Flashing Color Bars" (thường là nhấn nút "Next" hoặc tương tự). Ở phần này sẽ có các cột màu sắc khác nhau giống như tín hiệu chờ của truyền hình 15 năm về trước. Trong các cột này có 4 ô chữ nhật có màu sắc khác nhau nhấp nháy. Hai cột ở giữa dùng để chỉnh Tint, hai cột ngoài cùng dùng đẻ chỉnh Saturation. Bây giờ các bác phải kiếm trong Menu điều chỉnh hình ảnh có một lựa chọn nào đó dùng để bật bộ lọc màu xanh lam (Blue Filter) lên. Thông thường lựa chọn này nằm dưới chế độ hình ành "Custom" hoặc "Advance" hoặc "Expert" hay tương tự như vậy (có thể mở hướng dẫn sử dụng ra để tìm). Sau khi bật "Blue Filter" này lên, phần lớn màn hình sẽ chuyển thành màu xanh lam, trừ mầy cái ô chữ nhật nhấp nháy sẽ có sắc độ hơi khác. Giờ quay lại phần điều chỉnh Saturation, chỉnh lên xuống sao cho 2 ô chữ nhật nhấp nháy ngoài cùng chuyển về màu gần với màu nền nhất. Chỉnh lên xuống lựa chọn Saturation, sẽ thấy sắc độ màu (xanh lam) của 2 ô chữ nhật ngoài cùng thay đổi. Chỉnh đến khi cả 2 gần với màu nền nhất. Giờ chuyển đến chỉnh Tint với 2 ô chữ nhật nằm giữa. Tương tự như trên, chỉnh Tint sao cho sắc độ của 2 ô chữ nhật này gần nhất và gần như hòa vào màu nền. Sau khi cả 4 ô chữ nhật có màu gần như hòa vào màu xanh lam của toàn màn hình, có thể quay lại chỗ lựa chọn "Blue Filter" để tắt nó đi. Hầu hết các TV đời mới đều có lựa chọn bật/tắt "Blue Filter", nhớ kiểm tra hướng dẫn sử dụng xem nó nằm ở đâu. Tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất, TV không có lựa chọn này, cố gắng kiếm cặp kính lọc màu xanh lam để sử dụng. Tuy không chính xác lắm nhưng cũng còn hơn không. Em không biết món này có bán ở đâu vì em không có nhu cầu, nhưng em đã thấy có người có món này.
399195-albums847-picture25291.jpg


(4) Điều chỉnh sharpness: Đây là phần đề điều chỉnh độ sắc nét của hình ảnh. Nếu đặt sharpness quá thấp, hình sẽ thiếu độ sắc nét cần thiết. Nếu để quá cao, nhiều chi tiết nhỏ của hình ảnh như tóc sẽ bị biến dạng. Cũng vẫn ở phần "Basic Settings", chọn phần "Sharpness & Overscan". Chỉnh sao cho các chi tiết và các đường nét nhỏ trên màn hình sắc nét nhưng không bị biến dạng. Nói thực, cá nhân em thấy phần này không thực sự hiệu quả lắm nên em chỉ chỉnh lựa chọn này ở mức vừa phải thấy vừa mắt là được.
399195-albums847-picture25294.jpg



Có một điều lưu ý là thông thường việc cân chỉnh chỉ có tác dụng ở một chế độ nhất định. Ví dụ các bác cân chỉnh ở chế độ xem Video, dùng kết nối HDMI 1 thì các thông số cân chỉnh chỉ có tác dụng cho kết nối đó. Muốn việc cân chỉnh có tác dụng cho cả các chế độ kết nói khác, thường cần phải copy các thông số và đưa đến từng chế độ và nạp vào.


Sơ sơ phần căn bản nhất như vậy đã. Thực hiện xong các bước trên là đã đạt được khoảng 30% của quá trình cân chỉnh và đã cải thiện được phần nào chất lượng hỉnh ảnh.
Lúc nào có thời gian em sẽ viết tiếp phần 2 về tinh chỉnh thang độ xám (Gray Scale), Gamma, nhiệt độ màu (Color Temperature) và phần 3 nâng cao nhất là chỉnh dải màu (Color Gammut) với việc sử dụng CMS (Color Management System). Đây là những phần cốt lõi để thực sử có được màu sắc chính xác và cũng là những phần tốn nhiều công sức nhất. Để thực hiện các bước tiếp theo, cần có thiết bị đọc màu. Nếu bác nào không có món này thì thử hỏi loanh quanh xem có ai có để mượn/thuê. Em biết có mấy bác bên diễn đàn Vnphoto.net có món này, nếu ai có quen người biết đó có thể hỏi mượn/thuê để dùng.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

tusontay

Huyền Thoại
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Một bài viết khá hay về màu sắc! Thanks bạn! :D
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Tui chủ yếu dùng phần mềm để căn chỉnh màu sắc, cái này chỉnh bằng tay không thành thạo lắm. Nhưng việc khác thì phải dùng tay ...
 

thz

Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Bác ơi bác còn viết tiếp không vậy ạ :)
 

superudar

Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Tìm mãi mới có được một bài viết về cách căn chỉnh màu sắc ánh sáng để cho hình ảnh trung thực (có lẽ đa phần mọi người đều bằng lòng khi xem với cái gì ta có, nếu ko trung thực thì tại...cái TV chứ không phải tại ta ;)) . Tuy nhiên em gặp phải rắc rối muốn nhờ bác chủ thớt giúp đỡ: Em trình chiếu 3D qua máy chiếu dùng DLP, và tất nhiên là kính shutter. Khi chiếu 3D, để tránh tình trạng pha chuyển động nhanh bị giật hình, nên phải chuyển qua chế độ dùng tần số quét 120Hz và nó sẽ làm hình ảnh tối đi, tất nhiên tất cả những thứ khác như màu sắc, độ nét, độ tương phản, v.v sẽ biến dạng theo. Cái này có thể khắc phục được bằng cách chỉnh lại ở chế độ 120Hz, nhưng thế vẫn chưa hết. Khi xem bằng kính shutter, tất cả lại tối đi thêm 1 lần nữa. Lúc này sẽ thật sự khó khăn vì kính chỉ hoạt động khi chiếu phim 3D ở chế độ full-screen, còn không nó sẽ nhấp nháy loạn xạ. Vậy bác cho hỏi có cách nào để chỉnh khi xem phim có được hình ảnh trung thực, hay ít ra là hình ảnh với chất lượng tốt nhất về cả độ sáng, độ tương phản, màu sắc? Cảm ơn bác.
 

trangtruong2111

New Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Bên Mình cung cấp thiết bị cân chỉnh màn hình Spyder 3 Express. Tặng kèm phần mềm Spyder 3 Elite

Thu Trang 0907074137
89 Hồ Văn Huê, P9, Q.Phú Nhuận, TP HCM
" Free ship toàn quốc"
 
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Em không có đâu brulay thì chỉnh như cho đĩa vào như bác làm sao được
 

bvt

New Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Vậy các bác cho hỏi có dịch vụ cân chỉnh màu cho LCD không ?
 

tarzan1234

New Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Bác ơi bác còn viết tiếp không vậy ạ :)

Xin lỗi các bác vì dừng giữa chừng. Lâu rồi không có thời gian nên có vào đây cũng chỉ ngó qua loa trang chủ. Đợt này đang hơi bận nên chưa có thời gian để hoàn thành nốt. Chắc khoảng 1-2 tuần nữa sẽ giành vài tiếng cuối tuần đề hoàn thành nốt chủ đề này. Đặc biệt bác trangtruong2111 vào đây thông tin là bên bác ấy có cung cấp thiết bị cân chỉnh, như vậy sẽ có nhiều người có điều kiện tiếp cận hơn vì để thực hiện phần sau (cân chỉnh nâng cao) thì cần phải có thiết bị đọc màu mà phổ biến và rẻ tiền nhất là Spyder3Express.
Hẹn các bác 1-2 tuần nữa.
 
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Bài hướng dẫn khá chi tiết, cảm ơn bác chủ thớt. Tôi chủ yếu là hiệu chỉnh theo mắt cảm nhận, thấy đẹp là ok ^__^
 

ninoninaxx

Well-Known Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

bài viết rất đáng để lưu trữ và nghiên cứu. thank bạn. qua tết rãnh mình sẽ test thử xem sao
 

trangtruong2111

New Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

@ tarzan1234: Cảm ơn Bác nhiều, mong Bác viết tiếp phần còn lại để Anh em có thể hiểu rõ hơn về lợi ích khi sử dụng Thiết bị cân chỉnh màu màn hình Spyder 3 và phần mềm Spyder 3 Elite và BasICColor nhé.

Bên mình có viết bài review về Thiết bị cân chỉnh màn hình Spyder 3 các Bác tham khảo thêm nha.

http://www.hdvietnam.com/diendan/3-thiet-bi-khac/312813-thiet-bi-can-chinh-man-hinh-spyder-3-a.html
 

fallengt

New Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Mua Spyder3 là hố nặng rồi, con này trong quá trình sx, thì hãng không hề tinh chỉnh filter của nó cho chính xác, cho nên mua về thì hên xui nó đọc đúng. Người ta xài vì con này rẻ chứ chả ai khuyên dùng vì độ chính xác không cao. Mua về mà nó đọc lệch màu thì chỉnh cũng như không.
 

duchuu

Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Thanks bác chủ, mình đã là theo hương dẫn của bác thấy có hiệu quả hẳn ra
 

tuekhung

Member
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

Hiện đang có con Spyder4Pro, chờ bác tarzan1234 viết tiếp các phần còn lại để chỉnh cho cái Plasma Pana ở nhà.
 
Ðề: Hướng dẫn cân chỉnh màu sắc màn hình

cân chỉnh cứ search trên mạng là ra ấy mà, tội gì phải mua sắm một đống thứ thế này :(
 
Bên trên