Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

bd2tienthanh2

Active Member
Có một câu hỏi thường gặp: “Nếu đã có sẵn dàn âm thanh stereo hoặc 5.1 thì có thể tận dụng để hát karaoke không?”.

Câu trả lời có thể là:
- Xem phim, nghe nhạc, hát hò... đòi hỏi những thiết bị âm thanh khác nhau, không thể dùng chung được! Câu này đúng bài nhưng lạnh lùng.
- Tùy theo đòi hỏi về mức độ hát hò, ta vẫn có thể tận dụng những gì đang có, dĩ nhiên là kèm theo một số hạn chế nhất định. Câu này có phần linh hoạt hơn.

Sau đây là hình ảnh minh họa thực tế về hệ thống karaoke được thử nghiệm theo 2 cách: dùng dàn 5.1 và dùng dàn chuyên karaoke (do vị trí lắp đặt chưa xong, nên em tạm để trên mặt đất):

dan2.jpg


Hệ thống bao gồm:
- Thành phần chung bắt buộc phải có: TV, đầu karaoke và micro.
- Thành phần bên trái: hệ thống âm thanh 5.1 muốn tận dụng để karaoke. Trường hợp này cần trang bị thêm mixer.
- Thành phần bên phải: hệ thống âm thanh chuyên karaoke, gồm ampli + loa. Ampli đã tích hợp mixer.

Sở dĩ em chọn 2 hệ thống âm thanh này để so sánh, vì chúng gần tương đương nhau về công suất mỗi kênh cũng như chi phí đầu tư. Kết quả như sau:
- Nếu muốn hát kiểu VN (tra tấn hàng xóm), thì hệ thống chuyên karaoke là lựa chọn tốt nhất.
- Nếu muốn hát kiểu Úc (không làm phiền hàng xóm), thì hệ thống 5.1 là một trải nghiệm rất khác lạ.

Đây là 2 loại dàn đối lập nhau: ưu của cái này là nhược của cái kia và ngược lại.
- Khi hát karaoke bằng dàn 5.1, phần âm nhạc mà nó phát ra không hề “sa sả” như hệ thống chuyên karaoke; mà hết sức tinh tế, đầy đặn theo đúng kiểu dàn nghe nhạc. Nghe nền nhạc này, tự nhiên mọi người sẽ có cảm xúc muốn ngân nga hát theo.
- Ngược lại, hát bằng dàn 5.1 đòi hỏi phải sắm thêm một mixer phù hợp và một chút kỹ thuật xử lý, nếu không tiếng hát sẽ bị “rạn vỡ” trên hệ thống loa vốn dĩ không dành cho việc hát hò.

Trong thực tế, người ta có sở thích hát lớn/bé khác nhau, có thể chọn dàn to/nhỏ khác nhau để phục vụ theo đúng nhu cầu, không nhất thiết phải trang bị hẳn một dàn chuyên karaoke làm cồng kềnh không gian gia đình.

Như vậy, trước khi quyết định đầu tư một dàn âm thanh để karaoke, phải xác định đúng “cấp độ” hát hò của mình để từ đó chọn trang thiết bị phù hợp. Để biết cụ thể hơn về 5 “cấp độ” hát hò, mời các bác đọc thêm ở Phụ lục 1.


Nhằm tránh trình bày tràn lan, các nội dung bên lề được em gom vào phần phụ lục, để chung trong 1 file. Các bác chỉ cần download 1 lần duy nhất tại đây: PHỤ LỤC.

Nếu nhu cầu của các bác thuộc cấp độ B-, D và E thì các bác có thể quan tâm đến các thử nghiệm mà em trình bày ở dưới đây. Bao gồm 4 thể loại chính:
- Hát bằng dàn stereo nhỏ.
- Hát bằng dàn stereo lớn.
- Hát bằng dàn 5.1 nhỏ.
- Hát bằng dàn 5.1 lớn.
Ngoài ra, em cũng trình bày thêm 2 dàn chuyên karaoke (loại hàng chợ và hàng chính hãng) để tiện so sánh.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

CHỌN THIẾT BỊ CHUNG:

Sơ đồ sau đây mô tả 2 cách hát karaoke: phương án 1 dùng dàn chuyên karaoke, phương án 2 dùng dàn âm thanh. Nếu chọn phương án 2 thì phải trang bị thêm mixer rời.

sodo.jpg


Dù chọn phương án nào, thì 3 thiết bị bắt buộc phải có là: TV, đầu MIDI karaoke, micro.

1) TV:

Chọn kiểu TV gì cũng được, tùy thuộc không gian lắp đặt và khả năng tài chính. Trong trường hợp hát một mình ở cự ly gần, có thể tận dụng một màn hình vi tính! Có sao đâu!

2) Đầu MIDI karaoke:

Trên thị trường có nhiều loại đầu karaoke. Với thương hiệu cũng khá phổ biến là California thì em thấy tồn tại 2 vấn đề:
- Chất lượng âm thanh không đồng đều: bài lớn, bài nhỏ.
- Phối âm nhạc nền các bài cũng không đồng đều: có bài rất hay, có bài rất sơ sài.
Nói chung, dùng đầu California rất dễ bị cụt hứng, mặc dù về tổng thể thì nó không xoàng.

Loại đầu karaoke được ưa chuộng nhất trên thị trường chắc chắn là Arirang. Khi đi chọn mua Arirang, về cơ bản người bán hàng sẽ giới thiệu 2 nhóm sản phẩm:
- Nhóm sản phẩm “gia đình”: tầm giá trên dưới 2 triệu; phục vụ nhu cầu hát tại gia.
- Nhóm sản phẩm “kinh doanh”: tầm giá gấp 2-3 lần, thậm chí 4-5 lần; phục vụ nhu cầu kinh doanh karaoke.

arirang.jpg


Để biết nên chọn loại nào, mời các bác xem Phụ lục 2.

3) Micro:

Micro có rất nhiều loại giá, nhiều thương hiệu, hàng nhái hàng thật... đủ cả, nguời mua sơ sểnh là nhầm lẫn như chơi. Nên tìm mua micro ở cửa hàng nào có nhiều chủng loại, có loa thử tại chỗ. Nếu khéo chọn có thể tìm được micro dùng được với vài trăm ngàn đồng.

Các bác tham khảo một số loại micro sau đã được em thử nghiệm:
- Loại thông thường: Arirang 3.6A (hàng tặng kèm đầu karaoke); Shuboss 959 (giá 250 k); Shure 242/Beta58 không dây (giá 1,5 tr).
- Loại chuyên nghiệp: BostonAudio 99III không dây; Shure UR6D không dây (cả 2 cùng ở tầm giá 4 tr). Dĩ nhiên chữ “professional” ghi trên bao bì chỉ mang ý nghĩa tương đối, nó không sánh được với loại chuyên nghiệp dành cho sân khấu có giá hàng ngàn đô.

mic3.jpg


mic2.jpg


Trong 3 loại thông thường, Shure 242/Beta58 gây ấn tượng nhất nhờ có... bao bì là một cái vali nhựa rất pro. Điều đó khiến nó thường bị hét giá cao ở ngoài chợ, còn tại các shop âm thanh nó chỉ được xếp vào loại xoàng. Đánh giá về 3 loại micro này như sau:
- Arirang: dùng được so với mức giá free.
- Shuboss: ngon bổ rẻ (best choice trong số 3 loại thông thường).
- Shure 242/Beta58: có thể lựa chọn micro này nếu thích không dây, nhưng phải giảm tone treble và giảm volume vì độ nhạy của nó bị khuếch đại quá mức. Lưu ý rằng không thể đòi hỏi cao ở loại micro này.

Còn với 2 loại micro professional (BostonShure UR6D), chúng đều có âm thanh trung thực, chất lượng chỉ chênh nhau rất ít. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở mẫu mã. Nếu thích gọn gàng thì chọn Boston. Nếu thích xếp chồng lên dàn máy thì chọn Shure UR6D.

Phương pháp thử micro và đánh giá chi tiết tất cả 5 loại micro trên, mời các bác xem Phụ lục 3.

4) Mixer:

Mixer là thành phần phải bổ sung nếu chọn phương án hát karaoke bằng dàn âm thanh. Có 2 loại mixer:
- Loại truyền thống: nút chỉnh nằm ở mặt trước.
- Loại chuyên nghiệp (mixer bàn): nút chỉnh nằm ở mặt trên.
Trung gian giữa 2 loại trên còn có loại mixer bàn rút gọn. Dùng loại này để hát karaoke gia đình cũng thú vị: vừa gọn gàng vừa có dáng vẻ chuyên nghiệp!

mixer.jpg


Ở hình trên, em đề xuất chọn 1 trong 2 loại mixer bên trái, riêng loại mixer thứ 3 chỉ để tham khảo. Để biết lý do và khảo sát chi tiết, các bác xem trong Phụ lục 4.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

PHẦN ĐÁNH GIÁ: HÁT KARAOKE BẰNG CÁC DÀN ÂM THANH

Bảng điểm tổng hợp:
diem.jpg


1) Dàn chuyên karaoke “hàng chợ”:

Phần âm thanh của dàn karaoke này gồm có: ampli Nanomax 768E và cặp loa Damaco SP777 (giá khoảng 4 tr mua cách đây vài năm).

Dàn này chỉ được xếp vào loại hàng chợ, nhưng xứng đáng là “đại ca ngoài chợ”. Vì ampli có công suất mạnh, xuất ra được 4 loa. Đầu vào cũng có 4 mic cho phép kết nối thêm với vài nhạc cụ. Tích hợp 10 band chỉnh equalizer.

k1.jpg


Dàn karaoke này được em lấy làm chuẩn để so sánh với các dàn khác, điểm số lấy chuẩn là 7-7 (nhạc nền 7 điểm, tiếng hát 7 điểm).

Dùng đầu karaoke 36K và micro Shuboss, cho ra kết quả:
- Nhạc bass/treble rất mạnh.
- Lời rất vang.
Đây là những đặc trưng đúng kiểu “karaoke VN”, bảo đảm tra tấn hàng xóm tới nơi tới chốn.

2) Dàn chuyên karaoke hàng “chính hãng”:

Phần âm thanh của dàn karaoke này gồm có: ampli Jarguar 604D, cặp loa Yamaha KMS-910, sub SW325 (giá 25 tr). Có thể xếp dàn âm thanh này vào loại “đại ca siêu thị” do thuộc hàng karaoke mạnh nhất được bán tại siêu thị điện máy.

k2.jpg


Thực tế nếu dàn này dùng đầu karaoke đầu 36K và micro Shuboss thì không tương xứng cho lắm, ở đây chỉ nhằm mục đích so sánh công bằng.

- Nhạc trong, rõ; nhưng yếu bass/treble. Gần như phải chỉnh treble ở mức maximum, nhưng do là hạng xịn nên tiếng treble vẫn “nhuyễn”.
- Lời trong, rõ; nhưng echo yếu hơn.

Bác nào karaoke theo phong cách Việt Nam (inh ỏi, ầm ĩ), thoạt nghe cho rằng dàn này còn thua hàng chợ. Nhưng nếu nghe kỹ sẽ cảm nhận được sự tinh tế của âm thanh, đây thuộc loại hàng “nghe lâu mới thấm”.

Điểm số: 8-8 (nhạc nền 8 điểm, tiếng hát 8 điểm).

Nhận xét 1: Với giá đắt hơn nhiều so với dàn chuẩn ở trên, nhưng điểm số chỉ nhỉnh hơn 1 điểm. Đó là lý do tại sao ngoài thị trường, thiết bị karaoke “hàng chợ” vẫn có đất sống.

Nhận xét 2: Em đã thử cặp loa Yamaha 910 và Bose 301 khá kỹ ngoài siêu thị. Kết quả cho thấy rõ hơn giá trị của loa Bose 301: nó đánh ngang ngửa với loa Yamaha, bất chấp kích thước và giá cả chỉ bằng một nửa. Vấn đề duy nhất của loa Bose 301 là hơi nhỏ, nhìn không hợp lắm nếu treo trong một phòng rộng.

3) Dàn stereo nhỏ:

Nếu đang sở hữu một bộ dàn mini phòng ngủ, thật khó hình dung việc có thể dùng nó để hát kaoraoke. Tuy nhiên, nếu thỏa 2 điều kiện sau đây:
- Công suất hiệu dụng của dàn tối thiểu 120 W.
- Kích thước loa bass tối thiểu 12 cm.
Thì có thể dùng nó để làm dàn karaoke mini phục vụ nhu cầu karaoke ở cấp độ D- và E.

k3.jpg


Bộ dàn mini JVC G980V ở hình trên, với công suất 160W, hoàn toàn đáp ứng được 2 điều kiện đã nêu. Với cùng kích cỡ và tầm tiền (khoảng hơn 5 triệu) thì thật khó tìm thấy dàn âm thanh mini nào có chất âm mạnh mẽ như bộ dàn này.

Để phù hợp với kích thước nhỏ bé của dàn, nên chọn mixer F4 và tận dụng một màn hình vi tính sẵn có. Điểm số: 6-6 (nhạc nền 6 điểm, tiếng hát 6 điểm).

Với điểm số này nhiều người có thể thất vọng. Nhưng phải hiểu rằng: nếu chỉ mở volume nhỏ để ca hát khiêm tốn, thì chất lượng ca hát của dàn này chẳng khác dàn chuẩn ở trên là mấy. Riêng trường hợp này, có thể chấm điểm là 6,5-6,5. Quan trọng là hát đúng nhu cầu của mình, chứ không phải là dàn to hay dàn nhỏ.

Nếu đang ngồi một mình trong gian phòng nhỏ, bật nhạc karaoke cho dàn này ta rất phấn khích vì chất âm rất hay: bass chắc nịch, treble sắc sảo... quả thực ham muốn cầm micro hát ngay.

Cất tiếng hát, âm thanh phát ra cũng rất tròn trịa. Âm thanh không hút mạnh, cần phải một chút lớn giọng (có thể do hạn chế của micro, mixer). Với nhu cầu hát một mình, hoặc hát cùng vài người bạn trong không gian nhỏ, dàn này hoàn toàn chấp nhận được. Chỉ cần lưu ý chỉnh mixer cho khéo (không quá vang, không quá lớn).

4) Dàn stereo phòng khách:

Đúng ra dàn JVC DXU8 ở hình dưới là dàn 5.1, công suất hiệu dụng 600W. Dàn này không có ngõ vào 5.1 mà chỉ có một ngõ ra optical. Trong trường hợp “mượn” nó để làm dàn phát âm thanh karaoke, có thể tạm xem nó tương đương một dàn stereo.

k4.jpg


Thực tế một bộ loa 5.1 đòi hòi phải bố trí đúng cách, nhiều người do vướng không gian và không muốn đi dây lằng nhằng nên để loa “chung cả đám” nên hiệu ứng âm thanh đa kênh cũng chẳng khác mấy so với dàn ở trên.

Tuy nhiên, nhờ có dàn loa 5.1 thực thụ với khá nhiều loa tấc rưỡi chất lượng cao, âm thanh mà dàn này phát ra khá chắc chắn và mạnh mẽ. Khi phát phim HD, vẫn cảm nhận đủ sức nặng “ì ùng” của âm thanh; còn khi phát DVD Thúy Nga thì chắc chắn tốt hơn dàn stereo 2.0 thông thường.

Dùng dàn này để hát karaoke, kết quả như sau:
- Nhạc nền midi phát ra rất đầy đặn từ dải âm trầm đến âm bổng. Bất kỳ ai quen thuộc với thứ âm thanh chát chúa của loa karaoke “hàng chợ” sẽ cực kỳ ấn tượng với nhạc nền này.
- Khi dùng micro, tiếng hát phát ra khá tốt. Tất nhiên không thể chỉnh lời hát quá lớn để tránh rè loa, một số người hát không thật sự thích điều này. Nhưng với người nghe, họ có cảm giác đang được nghe một thứ âm nhạc “cân đối” giữa nền nhạc và tiếng hát, tương tự như nghe từ đĩa CD chứ không phải thứ nhạc oang oang của dàn karaoke. Đây là một trải nghiệm rất khác biệt!

Nhược điểm của loại dàn này là không thể hát thật lớn, mặc dù bình thường mở CD hoặc MP3 dàn này có thể mở volume thoải mái ở mức rung rinh tường nhà. Ở đây, ưu thế lại nghiêng về dàn chuyên karaoke. Sau khi cân nhắc kỹ và dung hòa các yếu tố, em đưa ra mức điểm: 7,5-6,5 (nhạc nền 7,5 điểm, tiếng hát 6,5 điểm)

Với các gu ca hát khác nhau sẽ cho ra các đánh giá khác nhau. Nếu bác nào thích hát theo kiểu "nhã nhặn" sẽ chấm điểm ở mức: 8-7.

5) Dàn 5.1 loại nhỏ:

k5.jpg


Hình trên là dàn Sony 640K, vừa đại hạ giá xuống dưới 7 triệu, kết quả thử nghiệm dàn này chỉ ngang ngửa dàn JVC G980V (160W) ở trên về mặt tổng thể. Em so sánh trực diện 2 dàn này cho mọi người dễ hình dung:

Về công suất phát nhạc, Sony 640K hơn JVC G980V một cách rõ ràng, âm thanh sắc sảo và mạnh mẽ đúng chất Sony. Mở đầu, nghe nhạc dạo karaoke phát bằng dàn Sony 640K rất lôi cuốn. Tiếc rằng khi cất tiếng hát thì có đôi chút thất vọng. Do kích thước 2 loa front quá nhỏ nên phần tiếng ca của Sony 640K là kém nhất trong 5 dàn đã thử nghiệm. Tiếng hát hơi bị rè và không thật tròn tiếng. Giọng hát nữ thì tạm ổn, nhưng giọng hát nam thì hơi xoàng.

Nói vậy không có nghĩa là dàn Sony là kém JVC, vì mỗi dàn có một ưu thế riêng. Nếu hát trong một phòng nhỏ cỡ 12 m2 thì dàn JVC G980V sẽ trội hơn. Nếu hát trong phòng lớn hơn (tầm 20 m2) thì dàn Sony 640K sẽ trội hơn. Trong mọi trường hợp, nếu muốn thi sức "to mồm lớn miệng" thì Sony 640K chắc chắn sẽ thắng JVC G980V.

Lưu ý: cả 2 dàn trên đều có một nhược điểm nhỏ về việc kết nối với mixer, đó là phải nối mixer vào đường Audio In ở mặt trước dàn máy nên trông hơi thiếu thẩm mỹ.

Thật ra dàn Sony 640K cho phép 3 cách kết nối với mixer để hát karaoke:
- Cách 1 (tận dụng tính năng ARC của đường HDMI-1): Đây là tính năng cực kỳ tiện lợi của Sony 640K khi ráp nối với TV có hỗ trợ ARC, nhất là khi nghe nhạc, xem phim, hoặc xuất ngược âm thanh TV ra dàn... chỉ cần 1 dây HDMI duy nhất. Khi hát karaoke, có thể nối mixer lên TV rồi xuất ngược lại dàn. Cách này tiện về dây nhợ nhưng chất lượng karaoke bị giảm.
- Cách 2 (dùng đường cắm composite L/R ở phía sau máy): Đáng lý đây là cách tốt nhất, nhưng khổ nỗi đường composite này bị vô hiệu nếu dàn đang nối với TV bằng dây HDMI, do đó muốn hát thì phải rút dây HDMI ra.
- Cách 3 (dùng đường Audio In ở mặt trước): Cuối cùng đây lại là cách tối ưu, chỉ hơi mất công rút dây ra sau khi hát xong. Dù sao rút dây mặt trước vẫn dễ hơn rút dây mặt sau!

Tóm lại, dàn này có điểm số: 6,5-5,5 (nhạc nền 6,5 điểm, tiếng hát 5,5 điểm). Điểm tiếng hát có thể cải thiện nếu dùng mixer và micro loại xịn hơn.

6) Dàn 5.1 loại lớn:

Trong hình là dàn âm thanh Yamaha bao gồm: receiver V571, cặp font NS-555, cặp surround NS-333, center NS-C444, sub SW325 (trên 30 triệu).

k6.jpg


Nhược điểm cơ bản của các dàn 5.1 khi karaoke là âm thanh cứ bị “loang” ra, không “gom” lại 2 kênh như dàn chuyên karaoke. Kể cả khi chỉnh mode của dàn 5.1 về stereo cũng không cải thiện tình hình nhiều lắm.

Trong karaoke, đường kính loa đóng vai trò tối quan trọng. Đó là vì nguyên lý màng rung loa: âm treble chủ yếu rung gần tâm loa (nên loa treble chỉ cần kích thước nhỏ); tần số càng thấp xuống thì diện tích rung càng rộng ra (nên loa càng phải lớn); đến âm bass thì rung toàn bộ màng loa. Hát karaoke cần âm trung trở xuống nên rất cần loa lớn. Loa dưới 2 tấc rất khó hát hay.

Để tránh “hụt hơi” nên dùng đầu cắm XLR để cắm micro vào mixer, nếu mixer có đầu cắm này.

xlr.jpg


Về cơ bản, dùng dàn 5.1 để hát có hiệu quả gần giống với dàn stereo lớn (JVC DXU8 ở trên), với 2 khác biệt nhỏ:
- Điểm hơn: Tiếng đàn, đặc biệt là các loại đàn dây, nghe “nhuyễn” hơn hẳn; âm thanh nói chung rất trong sáng.
- Điểm kém: Khi hát, âm thanh dễ rè ở loa surround. Cần phải bỏ ít công sức ra điều chỉnh lại phần này.

Điểm số: 8-6 (nhạc nền 8 điểm, tiếng hát 6 điểm).

Điểm số không được cao lắm là do loa cột. Nếu sử dụng loại loa cột nào được giới thiệu “có khả năng karaoke” như một số loại loa Jamo, có thể sẽ có điểm cao hơn. Dù sao dùng dàn 5.1 để hát cũng là một điều khác thường. Nếu không hợp gu, các bác có thể không thích lắm, thậm chí chấm điểm thấp hơn so với dàn chuẩn.

LỜI KẾT:

Như vậy em đã liệt kê các loại dàn âm thanh có thể dùng để karaoke và nêu rõ ưu/nhược của chúng. Lưu ý rằng ở trên em chỉ dựa vào những dàn mẫu đang có trong tay, chúng chỉ là khái niệm tham khảo. Chúng không phải là tiêu biểu, hoặc là “best choice” cho từng thể loại. Hơn nữa, đầu mixer + micro + đầu karaoke trong tất cả thử nghiệm trên đều chọn loại thông thường, kết quả sẽ cải thiện nếu các bác dùng thiết bị tốt hơn.

Nguyên tắc chung là: Mỗi người trong chúng ta đều có nhu cầu ca hát khác nhau, và nếu như dàn âm thanh của mình phù hợp với nhu cầu đó, thì tại sao ta không tận dụng nó để làm dàn karaoke cho riêng mình?

Miễn mình cảm thấy thích và phù hợp với bản thân, đừng sợ người khác chê bai. Khi hát bằng cả tình yêu âm nhạc, các bác sẽ thấy rằng:
TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG CHÊ!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

genzo1984

Well-Known Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Bài viết rất công phu, cảm ơn bác
mình vừa mua dàn Sony W3500, công suất 1000W, không biết dùng để karaoke luôn được k nữa?
mình nghe nói khi dùng dàn 5.1 làm dàn karaoke thì phải mua micro chống hú, nếu k thì mau hư loa
bác cho ý kiến giúp mình nha
thanks:>
 

phuongthu

Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Em cũng đang chơi bộ xem Film 9.1 và kết hợp hát KoK chung, nhưng khi sử dụng thì hoàn toàn độc lập và rất vừa ý cho cả Film và KoK, nếu muốn kết hợp như vậy thì ngay từ đầu, đầu tư 2 loa main và 2 loa SB phải chơi loa dùng hát KoK tốt như Bose,BMB,JBL....để khi chuyển qua chơi KoK vẫn hay , tham khảo link :
http://www.hdvietnam.com/diendan/19.../302393-dan-karaoke-mau-cua-thanh-vien-5.html
 

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

@genzo1984:

Nhìn tướng tá, xem giò cẳng... của dàn Sony W3500 thì em nghĩ dàn này hát karaoke ăn đứt dàn JVC 600W giới thiệu ở trên.

Vấn đề dàn 5.1 hú hư loa vừa đúng vừa sai:
- Nếu để hú nhiều thì loa nào cũng hư (đặc biệt củ loa treble) chứ không riêng gì loa 5.1. Nhưng cũng có một phần đúng nếu loa 5.1 bố trí khắp phòng, khả năng mic quay vào mặt loa thì dễ hú hơn.
- Loa hú do chỉnh hơi quá phần volume và/hoặc phần treble. Trước tiên giảm bên mic, rồi mới giảm bên tổng. Với karaoke gia đình, chỉnh sao để mic cách mặt loa 1 mét mà không hú là ổn.
- Khi đi mua mic, bác đừng nên nói với người bán về vấn đề "chống hú". Chỉ cần quan tâm chọn mic tốt (trung thực, không rè, nhạy vừa phải không cần nhạy quá...) là OK rồi. Mic tốt đương nhiên là có khả năng chống hú tốt rồi, vì hú phụ thuộc nhiều vào cách chỉnh hơn là do bản thân của mic.

@phuongthu:

Cám ơn bác đã show hàng, bộ dàn khủng của bác dĩ nhiên là phải karaoke hay rồi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

genzo1984

Well-Known Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

bác chủ có vẻ rất rành về KOK nhỉ
mình đang phân vân k biết mua các dụng cụ về rồi lắp ghép, nếu k được như ý thì có đổi được không?
bác chủ có ở SG không?cho mình qua tham quan học hỏi kinh nghiệm lắp ghép dàn 5.2 của mình
thanks:)
 

hayhay

Well-Known Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Mình không thích hát nhạc karaoke mà dạng midi như bác chủ đã trình bày vì âm thanh nhạc .midi nghe nó không High-Definition tí nào, đầu phát MIDI thì chỉ được cái tiện dụng, đơn giản cắm vô nhét đĩa vào là có thể hát, phù hợp với mọi tầng lớp xã hội mà không cần phải biết tí gì về IT...
Hiện nay thì ổ cứng dung lượng lớn cũng đã tương đối phổ biến mà nhà ai đã có dàn hát karaoke thì cũng chắc có dàn máy vi tính, vậy tại sao không dùng máy vi tính chứa nhạc, làm nơi phát nhạc karaoke HD (file video ca nhạc karaoke .vob, độ nét cao HD) âm thanh surround AC3, phát qua soundcard 5.1 rồi đẩy sang cho các dàn amply xử lý hoặc Receiver để rồi phát ra loa...khỏi cần đầu MIDI, nhạc nghe lại hay sống động hơn với hình ảnh hiển thị phù hợp liên quan đến bài hát như vậy thì mới pro, nghe đã hơn rất nhiều...Chí phí thì lại giảm hẳn phù hợp với dân thích hát karaoke đại trà!
Các tiệm kinh doanh karaoke hiện nay sao chả thấy ai dùng đầu phát đĩa MIDI cả.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

bác chủ có vẻ rất rành về KOK nhỉ
mình đang phân vân k biết mua các dụng cụ về rồi lắp ghép, nếu k được như ý thì có đổi được không?
bác chủ có ở SG không?cho mình qua tham quan học hỏi kinh nghiệm lắp ghép dàn 5.2 của mình
thanks:)

Em chỉ đơn giản là người mê nhạc thôi. Hồi nhỏ được học nhạc lý và biết chơi vài nhạc cụ. Có dạo tập tành học ráp ampli ở chợ Nhật Tảo. Mỗi thứ chỉ biết một chút, nhưng được cái biết lắng nghe học hỏi và sẵn lòng chia sẻ... =P~

Vấn đề đổi thiết bị sau khi mua mà không vừa ý, bác phải đi hỏi cửa hàng chứ! Theo em, do đây là sản phẩm kỹ thuật, đòi hỏi phải phù hợp khi dùng chung với nhau nên đa số các cửa hàng chấp nhận cho đổi, miễn là mình giữ kỹ bao bì và không làm trầy xước. Quan trọng là phong cách ăn nói của bác và mức độ tử tế của người bán hàng nữa. Các thiết bị ở trên phần lớn em mua ở nguyenkim.com và tca.vn, họ đều cho đổi và thực tế em đã đổi mấy món.

Hiện tại em đang ở nhà tạm (đến nỗi không có chỗ để đặt các dàn âm thanh như trên đã nói). Bác có thể liên lạc qua tin nhắn forum, em sẵn sàng trao đổi nếu biết.

Mình không thích hát nhạc karaoke mà dạng midi như bác chủ đã trình bày vì âm thanh nhạc .midi nghe nó không High-Definition tí nào, đầu phát MIDI thì chỉ được cái tiện dụng, đơn giản cắm vô nhét đĩa vào là có thể hát, phù hợp với mọi tầng lớp xã hội mà không cần phải biết tí gì về IT...
Hiện nay thì ổ cứng dung lượng lớn cũng đã tương đối phổ biến mà nhà ai đã có dàn hát karaoke thì cũng chắc có dàn máy vi tính, vậy tại sao không dùng máy vi tính chứa nhạc, làm nơi phát nhạc karaoke HD (file video ca nhạc karaoke .vob, độ nét cao HD) âm thanh surround AC3, phát qua soundcard 5.1 rồi đẩy sang cho các dàn amply xử lý hoặc Receiver để rồi phát ra loa...khỏi cần đầu MIDI, nhạc nghe lại hay sống động hơn với hình ảnh hiển thị phù hợp liên quan đến bài hát như vậy thì mới pro, nghe đã hơn rất nhiều...Chí phí thì lại giảm hẳn phù hợp với dân thích hát karaoke đại trà!
Các tiệm kinh doanh karaoke hiện nay sao chả thấy ai dùng đầu phát đĩa MIDI cả.

Em cũng mê HTPC nữa, nên rất thích dạng karaoke qua vi tính như bác đã nói. Tuy nhiên đề tài này đã có bác khác post rồi (còn được sticky nữa!), cho nên bài này em chỉ viết về dạng karaoke đơn giản, chỉ tận dụng dàn âm thanh sẵn có và không dùng vi tính bác ạ.
 

NBK_FOF

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Em cũng mê HTPC nữa, nên rất thích dạng karaoke qua vi tính như bác đã nói. Tuy nhiên đề tài này đã có bác khác post rồi (còn được sticky nữa!), cho nên bài này em chỉ viết về dạng karaoke đơn giản, chỉ tận dụng dàn âm thanh sẵn có và không dùng vi tính bác ạ.
Hic hic em còn chưa thấy hình bộ dàn HT tổng thể của bác bên box cấu hình HTPC mà tới đây bác đã quất qua tới KOK rồi :-<
 

megaultima

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Công phu quá Bác ơi hihi ^:)^
Kết câu "TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG CHÊ! " :))
 

Zing

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Đọc xong mới cảm thấy mình nhỏ bé :(
 

m1984

Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Ở nhà em co dàn giống JVC G980V, bác cho hỏi Mixer F4 mua ở đâu và khoảng nhiêu thóc ạ, cuối tuần làm vài bài cho vui :)
 

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

- F4 mua tại chợ Nhật Tảo, chịu khó lên tầng 1 lô A hoặc B để có giá tốt hơn bên ngoài. Khoảng 1,1 tr hoặc ít hơn nếu khéo miệng. Nếu dự định dùng mic có dây, bác nhờ họ bấm luôn cặp dây XLR (thay cho dây 6 ly của mic), giá cỡ 100k/sợi tùy chất lượng dây. Ngoài chợ, có người còn gọi đầu XLR là đầu mic 3 chấu hoặc đầu... Ca-nông?!
- Trên diễn đàn cũng có bác rao bán F4 ở Thanh Đa, giá 1,2 tr. Qua trao đổi bằng điện thoại, em hơi hãi cách nói chuyện của bác ấy nên thôi.
- Bác chú ý, nếu dùng dàn G980V thì nhạc tương đối mạnh, nhưng nếu là dàn G500V thì nhạc hơi bị yếu.

Chúc bác cuối tuần ca hát vui vẻ.
 

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

CÁCH CHỈNH AMPLI 604D:
(hướng dẫn chi tiết cho người chưa quen, bác nào đã am hiểu xin bỏ qua)

Em có nhận được một lời nhắn, đề nghị chụp màn hình các nút chỉnh của ampli 604D:

vol.jpg


Tuy nhiên, việc dựa theo hình trên để chỉnh âm thanh không phải là ý hay, vì 4 lý do sau:
- Việc chỉnh phải căn cứ theo thực tế: thiết bị đang có, không gian,...
- Dù ampli 604D được giới thiệu là ampli số thế hệ mới, nhưng các nút chỉnh vẫn sử dụng các biến trở liên tục, 2 ampli khác nhau chỉnh cùng 1 vị trí vẫn có thể cho giá trị khác nhau.
- Vị trí các nút dễ dàng bị xáo trộn vì một ai đó táy máy hoặc khi lau chùi ampli.
- Trong quá trình hát, tùy giọng và tùy nhạc vẫn có thể phải chỉnh đi một chút ít.

Do đó, quan trọng nhất phải hiểu được ý nghĩa mỗi thông số, từ đó tự chỉnh theo nhu cầu. Thứ tự điều chỉnh dưới đây không bắt buộc, nhưng được khuyến khích làm theo:
- Chỉnh hiệu ứng chung (echo, reverb).
- Chỉnh từng micro cụ thể.
- Chỉnh phần nhạc.
- Chỉnh phần master.

1) Chỉnh khối 1: hiệu ứng chung (echo, reverb)

vol1.jpg


Khối hiệu ứng chung sẽ tác động lên toàn bộ micro, do đó đang cắm micro ở lỗ nào thì phải tạm thời để toàn bộ dàn nút chỉnh của micro đó vào vị trí giữa (vị trí 12 giờ). Mục đích là để thấy được tác dụng khi đang chỉnh echo, reverb.

Đa số các ampli dùng để karaoke chỉ có hiệu ứng echo, một số ampli khác có thêm hiệu ứng reverb. Về mặt từ ngữ, echo dịch là “tiếng vang”, còn reverb là “tiếng dội”. Nhưng theo em thì phải hiểu ngược lại thì mới phù hợp với cảm nhận ngoài đời.

a) Hiệu ứng reverb:

Reverb là hiệu ứng âm thanh giống như tiếng nói bị vang vang ở trong một không gian kín như: khán phòng, viện bảo tàng, thánh đường... Trước hết hãy nhấn nút tắt ECHO và mở REVERB (có 2 đèn LED báo trạng thái tắt/mở).

Hiệu ứng Reverb được quy định bởi 2 nút chỉnh: DECAYVOL.

- Nút DECAY (thời gian tiêu tán âm thanh): Nút này quy định độ dài thời gian của hiệu ứng reverb, kể từ khi hiệu ứng này phát sinh đến khi biến mất.
- Nút VOL (Volume): Quy định độ mạnh của hiệu ứng reverb. Mức chỉnh như trong hình chụp phù hợp với việc hát nhỏ. Nếu hát lớn tiếng, nên giảm DECAY đi một chút, nếu không âm thanh sẽ “nhộn nhạo” nghe rất lộn xộn.

Nguyên tắc chỉnh hiệu ứng reverb: chỉ chỉnh sao cho tiếng vang vang vừa phải thôi. Lúc này nghe chưa hay đâu. Nhưng sau khi hoàn thành phần chỉnh echo, mọi chuyện sẽ khác hẳn.

Trong karaoke đại chúng, người ta chỉ coi trọng hiệu ứng echo. Nhưng trong ca hát chuyên nghiệp (dùng mixer bàn), tùy vào không gian cụ thể, người ta thường chọn các hiệu ứng reverb như: small hall, large hall...

b) Hiệu ứng echo:

Để chỉnh echo, tạm thời phải tắt hiệu ứng reverb đã chỉnh ở trên. Rồi phải tự tạo âm thanh gốc bằng 1 trong những cách sau:
- Gõ nhẹ vào đầu micro.
- Chắt lưỡi.
- Nói “Alô” trong đó tiếng “lô” phải thật mạnh và dứt khoát (để nghe âm echo: Alô...lô...lô...)
Một vài kỹ thuật thử micro được dùng để chỉnh hiệu ứng echo, mời các bác xem lại Phụ lục 3.

Hai chức năng quan trọng nhất của echo là delay và repeat:
- Nút RPT (repeat): Chỉnh số lần lặp lại. Sau khi phát sinh âm thanh gốc, âm thanh lặp lại từ 3-6 lần tùy sở thích mỗi người. Lặp lại ít quá nghe “mỏng”, lặp lại nhiều quá nghe “loạn”.
- Nút DLY (delay): Chỉnh tốc độ lặp lại nhanh hay chậm (hay nói khác đi là chỉnh khoảng thời gian giữa 2 lần lặp lại). Chỉnh delay sao cho số lần repeat được lặp lại kéo dài trong khoảng 1-2 giây.

Nguyên tắc chỉnh (theo cảm tính): Những bài chậm buồn thì DLY chậm và RPT lặp nhiều, những bài hát sôi nổi thì DLY nhanh và RPT lặp ít.

Nguyên tắc chỉnh (theo kỹ thuật): Chỉnh theo cảm tính như trên đòi hỏi một chút kinh nghiệm cảm nhận. Để chỉnh cách khác chính xác hơn, thì làm theo 1 trong những cách như sau:
- Hãy nhịp nhịp chân theo điệu nhạc (ai cũng biết làm việc này!), sau đó chỉnh tốc độ echo gấp đôi nhịp chân đó.
- Hoặc nếu biết nhạc lý, chỉnh tốc độ echo bằng nửa phách.
- Hoặc chẳng cần biết nhạc lý, lắng nghe tiếng treble “chắt, chắt...” là tiếng động do người đánh trống gõ gõ vào chập chã (hãy nhìn tay phải của anh ta!); từ đó chỉnh tốc độ echo bằng tốc độ này.

Nguyên tắc chỉnh theo kỹ thuật như trên được vận dụng vào một số mixer chuyên nghiệp: thay vì xoay nút để chỉnh tốc độ echo, thì gõ Tap Tempo 2 lần để tạo nhịp.

Hai nút repeat RPT và delay DLY là linh hồn của hiệu ứng echo, chúng thường được chỉnh phối hợp cùng nhau. Sau khi tìm ra vị trí tối ưu, chỉ cần nhích nhẹ là kết quả sẽ khác, cho nên phải xoay chỉnh từng chút một.

Khi đã hoàn tất repeat và delay, chỉnh tiếp 2 nút LO (low) và nút HI (high), để thay đổi mức độ âm trầm và âm bổng của hiệu ứng echo. Nếu muốn tiếng echo lặp lại được thanh thoát hơn âm gốc ban đầu, ta giảm LO và tăng HI (so với mức trung bình 12 giờ).

Các bà bán hàng rong đã vô tình vận dụng rất tốt nguyên lý echo vang xa ở trên: khi rao hàng “ai mua bánh không?”, người ta luôn luôn phải lên giọng. Bởi vì âm bổng sẽ lan truyền xa hơn âm trầm, càng rao lảnh lót thì càng vang xa và càng dễ nghe. Chẳng có ai rao hàng bằng cách xuống giọng trầm cả.

Cuối cùng, chỉnh nút VOL (volume) là độ mạnh của hiệu ứng echo. Nếu hát lớn, các bác giảm đi một chút này so với vị trí trong hình chụp.

Sau khi hoàn chỉnh hiệu ứng echo, lúc này mới bật hiệu ứng reverb trở lại. Kết quả tổng hợp của 2 hiệu ứng này rất ép-phê. Cô bé Quỳnh Anh VN’s Got Talent cứ gào toáng lên là bị tắt mất reverb nên hát mới dở, là các bác đủ hiểu vai trò của reverb rồi đấy! Nói chung, ampli nào có cả echo và reverb thì thường là hay hơn ampli chỉ có echo.

2) Chỉnh khối 2: chỉnh cụ thể cho từng micro

vol2.jpg


Nhắc lại là khi đang chỉnh ở khối 1, thì toàn bộ nút chỉnh micro đang để tạm thời ở vị trí giữa. Do đó sau khi chỉnh khối 1 xong thì ta bắt đầu tinh chỉnh lại khối micro này.

Ampli 604D có 2 dãy chỉnh micro giống nhau. Dãy trên áp dụng cho MIC1 và MIC2, dãy dưới áp dụng cho MIC3 và MIC4.

Nếu các bác sử dụng một cặp micro xịn, chất lượng đồng đều thì nên cắm chung 1 dãy. Nhưng nếu dùng một cặp micro chất lượng không đồng đều thì nên cắm riêng mỗi cái một dãy, rồi chỉnh sao cho kết quả cuối cùng là 2 micro tương đương nhau.

Trong các nút chỉnh micro, 2 nút GAINVOL cho ra cùng một kết quả là điều chỉnh âm lượng lớn nhỏ cho micro. Tuy nhiên, bản chất hoạt động của chúng là khác nhau:
- Nút GAIN (độ lợi): dành cho mục đích xử lý tín hiệu vào.
- Nút VOL (âm lượng): nút này mới đúng là dành cho mục đích điều chỉnh lớn nhỏ của người sử dụng.

Sở dĩ có sự khác biệt này là vì nút GAIN điều chỉnh độ khuếch đại tín hiệu trước khi đi vào phần xử lý micro. Còn nút VOL điều chỉnh độ khuếch đại tín hiệu sau khi đi ra phần xử lý micro. Ta biết rằng các mạch xử lý luôn chỉ có một vùng làm việc lý tưởng (vùng tuyến tính). Điều chỉnh nút GAIN đảm bảo tín hiệu vào sẽ làm việc ở vùng lý tưởng đó.

Thật ra cũng khó lòng mà biết thế nào là vùng làm việc lý tưởng. Em cứ tạm tính thế này: với các micro nhạy và tốt, chỉnh GAIN ở mức 5-6, nếu micro không nhạy và tốt lắm thì tăng thêm 1-2 mức nữa. Nếu cắm nhạc cụ vào lỗ MIC thì chỉnh GAIN ở mức dưới 5.

Các mixer chuyên nghiệp có đèn PEAK giúp xác định chính xác vùng lý tưởng. Ta chỉnh GAIN sao thỉnh thoảng PEAK mới lóe lên một cái, tức là thỉnh thoảng tín hiệu mới “lên đỉnh”. Điều này đồng nghĩa với phần còn lại đang làm việc ở vùng khuếch đại tuyến tính.

Sau khi đã chỉnh GAIN thì giữ luôn ở mức đó, từ đây về sau muốn chỉnh micro lớn nhỏ theo nhu cầu thì chỉ dùng nút VOL mà thôi.

Lưu ý: Trong quá trình ca hát, ta có thể chỉnh lớn nhỏ tùy thích, nhưng trong quá trình chỉnh các nút tiếp theo thì nút VOL phải đặt ở độ lớn nhất mà ta dự tính (không đặt quá nhỏ).

- Nút ECHO: Hiệu ứng echo chung thì phụ thuộc vào các thông số echo đã chỉnh ở khối 1. Nút này nhằm mục đích gia giảm thêm hiệu ứng echo cho từng micro.

Ở khối 1, ta đã dùng các nút LO/HI để chỉnh tone cho âm echo (là âm lặp lại từ âm gốc). Còn ở khối 2 này, ta sẽ chỉnh tone cho âm gốc, thông qua nút LO/MID/HI:
- Nút LO: Hãy nói giọng trầm “Alồ, Alồ” (xem lại Phụ lục 3 về kỹ thuật nói giọng trầm). Nếu tiếng bị “rạn rạn” trong loa thì ta phải lùi LO về một mức.
- Nút MID: Nút này tác động lên âm trung nên tác động rất mạnh lên tiếng hát. Trong phần lớn trường hợp, ta để nút MID ở vị trí giữa. Nhưng nếu người hát có giọng hơi yếu, ta thêm 1-2 mức. Ngược lại, nếu người hát có giọng quá rổn rảng thì nên giảm 1-2 mức.
- Nút HI: Dùng kỹ thuật suỵt gió và tắc lưỡi trong Phụ lục 3, lắng nghe và chỉnh nút HI để âm cao được sắc bén. Trong phần lớn trường hợp, nút HI ở loanh quanh vị trí 3 giờ là hợp gu ca hát của người VN. Tuy nhiên đừng lạm dụng nút chỉnh này trong trường hợp micro quá nhạy hoặc ampli chất lượng kém, chỉnh HI cao quá sẽ khiến giọng hát bị “loẹt xoẹt”.

Sau khi đã chỉnh xong phần micro, đừng vội vàng chuyển qua phần khác mà hãy rà soát lại toàn bộ các nút này một lần nữa (gọi là tinh chỉnh từng milimét), đặc biệt là nút VOL:
- Nếu tự alô thì chính âm thanh từ miệng ta phát ra (tuy nhỏ nhưng lại rất gần với tai) sẽ khiến ta cảm nhận không chuẩn về âm thanh từ loa phát ra. Hãy nhờ một người khác alô để nghe chính xác nhất và tinh chỉnh các nút cho phù hợp nhất.
- Tuy nhiên người khác nói thì ta lại không cảm nhận được độ “hút âm” của micro, có thể chỉnh VOL chưa đủ nhạy, khiến việc ca hát bị “tốn hơi tốn sức”. Lúc này, ta phải tự alô bằng giọng nhỏ nhẹ rồi đẩy VOL lên tối ưu, nếu bị hú loa thì phải lùi về 1 mức. Việc này sẽ đảm bảo cho việc ca hát luôn được nhẹ nhàng, không tốn hơi sức mà tiếng vẫn vang!

3) Chỉnh khối 3: chỉnh nhạc

vol3.jpg


Nhạc là phần chỉnh dễ nhất, đa số mọi người thích tăng bass (nút LO) và tăng treble (nút HI). Nút MID thường để ở giữa. Nếu kỹ tính, vào lúc nhạc dạo hoặc nhạc giữa bài thì có thể tăng MID lên 1 mức, lúc vào phần ca thì giảm MID xuống 1 mức. Trong thực tế chẳng ai siêng năng đến thế, vả lại hát karaoke là để giải trí, cứ chỉnh chọt suốt như vậy cũng mệt!

Ampli 604 cho phép gắn đến 4 loa nên có 2 hàng chỉnh nhạc: hàng trên để chỉnh cặp loa front, hàng dưới để chỉnh cặp loa rear. Ngoài ra, cũng như phần lớn ampli khác, nó có nút chọn kênh A/B để chọn 1 trong 2 nguồn phát nhạc.

Các ampli thường có thêm 1 nút để tăng cường hiệu ứng bass/treble. Mỗi khi nhấn vào là bass/treble tăng 10-20%, hoặc tạo ra hiệu ứng âm thanh nổi. Các hãng thường đặt cho nút này các tên thương mại khác nhau, VD: Dynamic, Enhanced, S. Sound... Còn ampli 604D đặt tên là nút MUSIC TONE. Tiếc là hiệu quả tăng cường bass/treble rất ít (khoảng 5%) nên đôi khi khó biết nút này đang bật hay tắt.

4) Chỉnh khối 4: chỉnh phần tổng thể (Master)

vol4.jpg


Nút CH. TEST (channel test): Dùng để kiểm tra các kênh âm thanh. Chức năng này tiện lợi khi đang ráp nối loa vào ampli.

Nút FADER: Chỉnh độ cân bằng giữa cặp loa front và rear. Nếu chỉ dùng 2 loa, có thể đặt nút này ở giữa hoặc vặn hết về bên front cũng được. Nếu dùng 4 loa, nên đặt tỷ lệ giữa cặp front/rear là 6/4 hoặc 7/3.

Nút BAL (balance) và MASTER: 2 nút này chắc không cần giải thích!

Trong khối chỉnh này, mới đầu em tưởng 4 đèn LED từ CH1-CH4 có tính năng tương tự như đèn PEAK thì thật hoàn hảo. Tiếc là 4 đèn này lấy tín hiệu ở sau tầng công suất nên không giúp ích được gì nhiều. Giả sử nhà sản xuất thay bằng dàn đèn Main Meters thì sẽ tiện lợi hơn.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

genzo1984

Well-Known Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

bác chủ bây giờ còn làm về âm thanh KOK không vậy? nếu có mình đến gặp bác nhờ bác chỉ dẫn cụ thể hơn chứ mình gà mờ lắm
mình k biết chỉnh dàn Sony W3500 thế nào để hát được như bác chủ nói
 

hinpapa

Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

Bài viết rất chi tiết kèm hình ảnh và phụ lục,chứng tỏ tác giả rất kì công.
Thanks chia sẻ!
Em có câu hỏi mong bác bd2tienthanh2 giải đáp hộ.
Trong trường hợp nếu không mua thêm MIDI karaoke mà em muốn dùng nguồn phát là hd player thì sao à(chỉ mua thêm mixer thôi).
Bác có thể tư vấn và thử thực tế luôn được thì tốt,không hiểu kok so với các bài viết phía trên của bác thì thế nào?
Do điều kiện không có để chuột bạch nên mong bác chủ topic giúp nhé,hi hi.Đọc từ đầu bài viết bác khẳng định điều kiện cần kiên quyết là phải có midi kok mà.
Mong bác help cho với trường hợp không có Midi mà dùng hd player để hình ảnh pro hơn và cũng dễ dàng tách lời được.
Vậy, dàn lớn 5.1 (receiver) + mixer + micro + hd player , tất nhiên cả tivi thì hát hò ra sao và kết nối như thế nào?
Mong bác giúp đỡ và chia sẻ.
Thanks!
 

bd2tienthanh2

Active Member
Ðề: Hát cùng dàn nhỏ, dàn to

bác chủ bây giờ còn làm về âm thanh KOK không vậy? nếu có mình đến gặp bác nhờ bác chỉ dẫn cụ thể hơn chứ mình gà mờ lắm
mình k biết chỉnh dàn Sony W3500 thế nào để hát được như bác chủ nói

Thật ra em chuyên về lãnh vực IT, nhờ có vài năm kiêm nhiệm làm băng đĩa cho công ty nên có thêm vài kinh nghiệm về audio/video mà thôi. Trong post #17 em đã chỉ dẫn đến từng chi tiết rồi, bác cứ mạnh dạn thử làm theo, chắc chắn là được bác ạ. Lúc đầu có thể không hay, chỉ vài ngày bác sẽ quen tay và... quen tai, rồi sẽ chỉnh vèo vèo thôi. :-" Dàn W3500 của bác bậm trợn như thế chắc chắn là hát hay.

Trong trường hợp nếu không mua thêm MIDI karaoke mà em muốn dùng nguồn phát là hd player thì sao à(chỉ mua thêm mixer thôi).
Bác có thể tư vấn và thử thực tế luôn được thì tốt,không hiểu kok so với các bài viết phía trên của bác thì thế nào?
Do điều kiện không có để chuột bạch nên mong bác chủ topic giúp nhé,hi hi.Đọc từ đầu bài viết bác khẳng định điều kiện cần kiên quyết là phải có midi kok mà.
Mong bác help cho với trường hợp không có Midi mà dùng hd player để hình ảnh pro hơn và cũng dễ dàng tách lời được.
Vậy, dàn lớn 5.1 (receiver) + mixer + micro + hd player , tất nhiên cả tivi thì hát hò ra sao và kết nối như thế nào?
Mong bác giúp đỡ và chia sẻ.
Thanks!

Thì bác cứ nhìn sơ đồ tổng quát ở post #2, rồi thay đầu MIDI Karaoke bằng đầu HDP của bác là xong phần kết nối. So sánh 2 đầu này như sau:

- Đầu MIDI Karaoke ưu thế về tiện lợi: chọn bài, chỉnh nhanh/chậm, chỉnh cao/thấp. Lý do như trong Phụ lục em đã nói về file MIDI chỉ ghi lại các "mệnh lệnh" để đưa ra cho Bộ tổng hợp âm thanh làm theo và từ đó phát ra "âm thanh nhân tạo". Chính vì vậy, file MIDI rất nhỏ gọn, và khi thay đổi tốc độ và cao thấp, thực chất ta chỉ thay đổi "mệnh lệnh" cho nên chất lượng âm thanh không suy giảm. Nhưng với file WAV, MP3... thì thay đổi tốc độ và cao độ chắc chắn sẽ dẫn đến méo tiếng.

- Đầu HDP có ưu thế về chất lượng âm thanh (với giả sử file nguồn tốt). Đầu HDP có thể phát nhiều định dạng nhạc khác nhau, đặc biệt khi dùng DVD Karaoke thì chất lượng hình ảnh và âm thanh chính là chất lượng của DVD ca nhạc mà ta thường xem.

Điều trên không đúng nữa nếu dùng đầu HDP phát các file nguồn không tốt. VD sử dụng một số file dạng dat, mpg... ghi âm 2 kênh L/R trong đó có một kênh có lời hát. Việc tắt tiếng hát của loại này giống hệt kỹ thuật tắt tiếng trong băng VHS thời trước. Kết quả là nhạc phát chỉ là pseudo stereo (lấy 1 kênh xuất ra 2 loa giống nhau) rất chán. Nó khác với kỹ thuật tắt tiếng trên đĩa DVD Karaoke là dùng track âm thanh riêng (trong đó track này là true stereo).

Một nhược điểm nữa của đầu HDP là thao tác chọn bài. Em không thử thực tế bằng đầu HDP, thay vào đó thử bằng HTPC. Qua thử nghiệm với 3 phần mềm Karafun, Tkaraoke, Walaoke thì em thấy:
- Thao tác chọn bài linh hoạt, nói chung không thua đầu MIDI Karaoke. Thậm chí còn làm tốt hơn trong một số trường hợp như tạo/xuất play list.
- Chất lượng âm thanh: phụ thuộc file nguồn, nhưng chắc chắn là sound card trên HTPC cho ra chất lượng âm thanh chuẩn hơn board âm thanh trong đầu MIDI Karaoke.
- Trong trường hợp phát file MIDI, việc tăng/giảm tốc độ và cao độ trên HTPC cũng cho ra kết quả tương tự như trên đầu MIDI Karaoke.

Lưu ý thêm là nếu cắm mic vào máy tính và dùng phần mềm chỉnh echo, thì không cần dùng mixer. Giọng hát trong trường hợp này không được hay cho lắm. Theo em vẫn nên mua mixer ngoài để có giọng hát hay hơn.

Bác có thể so sánh kết quả trên để áp dụng cho đầu HDP.
 
Bên trên