Intel thất thế trước AMD, người dùng được hưởng lợi nhiều nhất

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Thời kỳ Intel "độc bá" thị trường vi xử lý đã đi tới hồi kết.

2014342.jpg


Khi AMD tung ra vi xử lý Ryzen Zen 2 thế hệ 3 hồi đầu năm nay, Intel đã phải toát mồ hôi hột. Đối thủ sừng sỏ của họ đã phát triển được một kiến trúc hoàn toàn mới với nhiều cải tiến về xung nhịp, số nhân, hiệu quả năng lượng, đồng thời hứa hẹn mang lại hiệu năng ngang ngửa – và thậm chí đánh bại – các CPU của Intel.

Tiếp đó, AMD tiếp tục ra mắt các CPU Ryzen 9 3900X và 3950X với lần lượt 12 và 16 nhân, có số luồng cao gấp đôi chip Intel i9-9900. Chúng đe dọa không chỉ thị trường gaming của Intel mà còn lấn sang "lãnh thổ" máy trạm. Để đấu lại AMD, Intel buộc phải ra mắt CPU Cascade Lake i9-10980X với giá 999 USD – chỉ bằng một nửa giá của mẫu 9980XE trước đó. Không may cho họ, 3950X vẫn bám đuổi sát sao với i9-10980X trong hầu hết các bài test, mặc cho có giá chỉ 750 USD.

Tin xấu chưa dừng lại với Intel, khi các đánh giá dành cho vi xử lý Threadripper 3970X 32 nhân và 3960X 24 nhân mới nhất của AMD bắt đầu xuất hiện. Những con chip desktop cao cấp (HEDT) này "ngon" hơn hẳn so với CPU i9-10980X mới nhất của Intel cả trong dựng video lẫn 3D. Hơn nữa, chúng còn khiến nhiều CPU Xeon cao cấp dành cho máy trạm của Intel trở nên lỗi thời. Đó là chưa tính đến chuyện AMD vẫn còn một vũ khí bí mật sắp ra mắt: CPU Threadripper 3990X 64 nhân.

Intel vẫn dẫn trước trên thị trường gaming, nhưng xét những thành quả mà AMD đã đạt được, và dòng chip Zen 3 vừa công bố gần đây, thì liệu có còn thị trường nào là an toàn đối với Intel?

Hãy cùng tìm hiểu về thế đối địch giữa Intel và AMD, và nhận định xem Intel sẽ phản đòn như thế nào, qua tổng hợp từ trang tin Engadget.

Sự vùng dậy thần tốc

2014345.jpg


Kể từ khi AMD tung ra kiến trúc Zen vào 3 năm trước, hãng đã vùng lên với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Ở thời điểm đó, CPU i7-6900 8 nhân giá 1.100 USD của Intel có vẻ như là quá đủ cho mọi nhu cầu của bạn. Tuy nhiên, AMD đã thay đổi điều đó bằng cách ra mắt CPU Ryzen 7 1800 8 nhân ở mức giá thấp hơn nhiều, chỉ 499 USD. Sau đó không lâu, họ tiếp tục ra mắt CPU Threadripper 1950X giá 999 USD, với số nhân lên đến 16.

Intel có một CPU 18 nhân là i9-7980XE, nhưng giá của nó cao gấp đôi 1950X của AMD: 1.999 USD. CPU này có tốc độ cao hơn đáng kể so với Threadripper 1950X, nhưng AMD đã bắt đầu xóa nhòa khoảng cách đối với các CPU máy trạm đa luồng – một thị trường trọng điểm và có khả năng sinh lời rất cao của Intel.

AMD nhanh chóng thay đổi cục diện cuộc chơi một lần nữa với các CPU Ryzen Zen 1 (thế hệ 2) và Threadripper. Lúc mới ra mắt, Threadripper 2990X 32 nhân, giá 1.799 USD đã có hiệu năng gần ngang ngửa với những con chip máy trạm khủng nhất của Intel, bao gồm Xeon W-3175X 28 nhân, giá 3.000 USD.

Nhiều tháng sau, Intel tung ra i9-9980XE giá 2.000 USD. Đây vẫn là một lựa chọn tốt hơn cho những tác vụ yêu cầu xung nhịp cao, như Adobe Creative Suite và gaming, so với chip Threadripper hay Ryzen 7 của AMD, nhờ hiệu năng trên mỗi nhân mạnh hơn và kiến trúc bộ nhớ tốt hơn. Tuy nhiên, 2990WX vẫn có những ưu thế riêng khi dựng hình đa luồng, nhờ số nhân cao, và vượt lên trong các tình huống dựng hình kiểu lát gạch như Blender.

Khi AMD công bố Ryzen 9 3950X 16 nhân với giá chỉ 750 USD, hãng có lý do chính đáng để tự tin. Nhờ những cải tiến lớn về kiến trúc và xung nhịp được đẩy cao, hiệu năng của CPU này mạnh hơn đáng kể so với Core i9-9980XE, trong khi giá chỉ bằng 1/3. Để phản đòn, Intel tung ra Core i9-10980XE 18 nhân và giảm giá xuống một nửa, còn 1.000 USD – điều mà hãng sẽ không bao giờ làm nếu không vì cuộc đấu sống còn này – nhưng chừng đó là vẫn chưa đủ.

Intel gọi, AMD trả lời một lần nữa với các CPU Threadripper 3960X và 3970X với lần lượt 24 và 32 nhân, giá 1.399 USD và 1.999 USD. Theo các đánh giá, những con chip này ngang ngửa với i9-10980XE xét về các tác vụ đòi hỏi xung nhịp, nhưng dễ dàng chiến thắng khi xét về hiệu năng dựng hình máy trạm đa luồng, dù có mức giá cao hơn đáng kể.

Chỉ trong một thời gian ngắn, AMD đã tiến từ 8 lên 32 nhân và đi từ quy trình 14nm xuống còn 7nm, đồng thời đưa ra những cải tiến lớn về kiến trúc để giảm thiểu khoảng cách về IPC (số chỉ thị mỗi giây). Hãng còn hoàn thiện kỹ thuật sản xuất "chiplets" – một phương pháp rất hiệu quả nhằm tạo ra các CPU đa nhân. Trong khi đó, Intel vẫn loay hoay hoàn thiện quy trình 14nm++ đối với các CPU gaming và máy trạm trọng điểm, và phải vật lộn để duy trì thế cạnh tranh trong phân khúc đa nhân.

AMD đánh chiếm thị trường máy trạm

2014348.jpg


Những con chip Threadripper mới của AMD gây ra một vấn đề lớn cho Intel. Đúng là chúng đắt hơn so với con chip Core i9-10980XE nhắm vào người tiêu dùng, nhưng Intel hiện nay không còn quân bài nào để đối phó với chúng trên thị trường HEDT. Con chip gần nhất hãng này có là Xeon W-3275M 28 nhân, nhưng nó có giá cao gần gấp 4, tức khoảng 7.453 USD (chip Xeon W-3175X 28 nhân ra mắt năm ngoái có hiệu năng thua xa chip 3970X của AMD).

Một điểm cộng lớn khác của AMD là nền tảng TRX40 mới dành cho những con chip HEDT mới nhất. Dù nền tảng này không cho phép bạn gắn những con chip Threadripper mới vào các bo mạch chủ Zen 1 cũ, những kiến trúc mới có một vài ưu điểm lớn dành cho các nhà sản xuất, mà quan trọng nhất là nó hỗ trợ PCIe 4.0, mang lại tốc độ SSD cao hơn nhiều, đáp ứng nhu cầu của các nhà biên tập video 4K và 8K. Các bo mạch chủ mới còn có nhiều khe PCIe, nhiều ECC RAM (256GB), và nhiều cổng USB 3.0 hơn.

Về mặt hiệu năng, chip Threadripper 3960X và 3970X đánh bại Core i9-10980XE trong mọi bài benchmark máy trạm, kể cả trong chế độ đơn luồng. Do đó, dù những chip này đắt hơn, hiệu năng dựng hình trên mỗi USD lại cao hơn đáng kể.

Phương trình đó nhiều khả năng sẽ chuyển biến theo hướng có lợi hơn nữa cho AMD, khi chip Threadripper 3990X ra mắt vào năm 2020, bởi con chip này sẽ có giá trị trên mỗi nhân thậm chí còn thấp hơn nữa. Nhờ đó, các công ty hoạt họa 3D và hậu kỳ có thể giảm chi phí, vì họ sẽ có thể có được hiệu năng dựng hình cao hơn trên mỗi máy trạm hoặc thiết bị dựng hình.

Intel vẫn chiến thắng trên thị trường gaming và máy tính phổ thông (tính đến thời điểm hiện tại)

2014351.jpg


Các CPU gaming chủ đạo của Intel, như i9-9900K và i9-9900KS, vượt trội hơn Ryzen 9 3950X của AMD một khoảng vừa đủ - và có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, những con chip dành cho người tiêu dùng như Ryzen 3600 và 3700 lại có giá thấp hơn 9900K và được xem là lựa chọn tốt hơn các sản phẩm i7 và i5 của Intel.

Hầu như mọi laptop cao cấp đáng mơ ước hiện nay đều được trang bị chip Intel Core i9 hoặc i7, cùng với card đồ họa GTX hoặc RTX của NVIDIA. Tại sao? Intel vẫn có ưu thế về xung nhịp nói chung, dù thế hệ chip gần đây nhất của AMD đã thu hẹp khoảng cách đó. Đồng thời, AMD dường như quyết tâm tạo ra những con chip thu hút cả người dùng máy trạm lẫn gaming, tung ra những con chip chuyên game như 3700 với số luồng cao hơn các sản phẩm cạnh tranh từ Intel (hiệu năng gaming phụ thuộc nhiều vào GPU hơn là CPU, do đó những khác biệt nhỏ về hiệu năng CPU thực ra không quan trọng lắm).

Và khi xét đến laptop, Intel đơn giản là chưa thể bị truất ngôi, với một danh sách dài các CPU thế hệ 8, 9, và 10, tất cả đều có GPU tích hợp. Để chuyển từ Intel sang AMD, các nhà sản xuất phải thực hiện rất nhiều bước – bạn không thể đơn giản thay CPU bởi chipset và kiến trúc bo mạch chủ cũng phải thay đổi. Các IO cao cấp như Thunderbolt cũng là một điểm khác biệt quan trọng, chỉ Intel mới có, dù rằng USB4 đã thay đổi điều đó. Vì không thực sự cạnh tranh được, AMD buộc phải tránh né phân khúc hiệu năng cao. Các chip laptop của hãng có hiệu năng trên mỗi watt kém hơn Intel, và rất ít CPU của AMD có chip đồ họa tích hợp. Điều này có thể thay đổi với kiến trúc Zen 3 7nm+. Có vẻ như AMD sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đánh chiếm phân khúc này nếu họ thực sự muốn làm vậy.

Intel còn nắm trong tay thị trường laptop phổ thông, đặc biệt là phân khúc CPU 15-25 watt, nơi bạn có thể thấy những cỗ máy như MacBook Pro 13-inch. Một lần nữa, rất khó để AMD có thể cạnh tranh với một danh sách dài các CPU Intel có được, gồm các nền tảng di động thế hệ 8, 9 và 10. Đánh chiếm thị trường laptop lúc này chủ yếu phụ thuộc vào ý đồ - AMD có muốn hay không – chứ không phải năng lực công nghệ. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ sẽ tốt hơn nếu AMD tập trung vào phân khúc cao cấp có khả năng sinh lời cao hơn.

Điều gì sẽ diễn ra trong thời gian tới?

Khi Intel tung ra những con chip gaming 10nm được trang bị tận răng, phương trình chắc chắn sẽ bị thay đổi theo hướng bất lợi cho AMD. Từ những gì quan sát được, những con chip này sẽ có mức tăng hiệu năng khiêm tốn, khoảng 10%, trong khi tiêu thụ điện năng thấp hơn.

Chừng đó là quá đủ để giúp hãng duy trì thế dẫn trước trên phân khúc phổ thông mà hãng đang thống trị - và có thể là cả phân khúc gaming nữa (tùy thuộc vào động thái của phía AMD). Còn máy trạm thì sao? Ở thời điểm này, ít có khả năng Intel sẽ đánh bại được AMD khi xét đến hiệu năng trên mỗi USD, vốn rất quan trọng, trừ khi họ thực sự đưa ra được một sản phẩm kỳ diệu.

Về phía AMD, họ cho biết quy trình Zen 3 đã sẵn sàng và sẽ lần đầu xuất hiện trên các CPU máy chủ Epyc. Hãng hứa hẹn một kiến trúc "hoàn toàn mới" dựa trên quy trình sản xuất 7nm++. Kiến trúc này có thể mang lại mức tăng hiệu năng khoảng 15%, với mức tiêu thụ điện năng thấp hơn. Đồng thời, AMD sẽ tiếp tục tăng số nhân, băng thông bộ nhớ, và kết nối I/O.

Một điều thú vị nữa là AMD đã hứa sẽ tiếp tục chu kỳ thiết kế tick-tock hiện nay. Có nghĩa là hãng sẽ thu nhỏ kích cỡ chip vào chu kỳ "tick", và thay đổi kiến trúc ở chu kỳ "tock". Intel đã từ bỏ chiến lược này từ vài năm trước, thay vào đó là một chiến lược "ba bước".

2014354.jpg


Kết

Tất cả những điều này đều không tốt cho Intel. Ngay cả nếu Ice Lake 10nm mang lại mức tăng hiệu năng như hứa hẹn khi ra mắt vào năm sau, gã khổng lồ chip cũng sẽ không vui vẻ được bao lâu trước khi chip Zen 3 4000-series của AMD xuất hiện.

AMD hiện nay đang dẫn trước về hiệu năng máy trạm HEDT, và hãng này thực sự có thể giành thị phần của đối thủ trong phân khúc sinh lời cao này. Intel vẫn dẫn trước trong phân khúc gaming, nhưng phân khúc này cũng đang đứng trước nguy cơ nếu AMD duy trì chiến lược tick-tock, còn Intel sử dụng chiến lược ba bước.

Nếu bạn thường xuyên chơi game lẫn biên tập video, bạn hẳn sẽ hứng thú hơn với AMD so với Intel khi chọn vi xử lý. AMD có lẽ là tương lai của máy tính để bàn cao cấp, với những công nghệ hấp dẫn và tiên tiến hơn. Intel thì đang chật vật "dọn kho" những sản phẩm hiện có, chứ chưa nói đến tạo ra những sản phẩm mới. Hãng này thực sự cần làm gì đó để giải quyết vấn đề, nếu không, sẽ sớm thôi, Intel phải chấp nhận một vị trí mà họ luôn thấy lạ lẫm: vị trí thứ hai.

Theo Vn review​
 

lostangel

Member
Giá chip AMD rẻ hơn, nhưng giá main còn cao, bù qua lại giá cũng gần bằng nhau khi so với intel
 

lostangel

Member
Giá chip AMD rẻ hơn, nhưng giá main còn cao, bù qua lại giá cũng gần bằng nhau khi so với intel
 

tudotuong

Well-Known Member
phần em, xài một lần máy có AMD, sợ quá, em phải chuyển qua Intel :rolleyes:
 

isildur

Active Member
vẫn cứ xài intel để chiến game, nhưng vẫn mong AMD mạnh lên để thằng intel đỡ hiếp dâm ví tiền người dùng cuối nữa,
 

tatam

Well-Known Member
Đã quen xài Intel nhưng vẫn mong AMD phát triển mạnh hơn nữa để Intel phải có giá tốt hơn.
 
Bên trên