Trung Quốc đang manh nha xây dựng mạng internet riêng

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Các vấn đề về chính trị và công nghệ có thể sẽ ngăn chặn New IP của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể tái định hình mạng internet theo một cách khác tinh tế hơn.

Trung Quốc muốn xây dựng một mạng internet mới và có thể bạn sẽ thích nó. Kế hoạch này hứa hẹn sẽ tạo ra một mạng internet với tốc độ đủ nhanh để bạn có thể thực hiện một cuộc gọi hologram, đủ an toàn để ngăn chặn các cuộc tấn công dữ liệu có thể khiến các website ngưng hoạt động, đủ linh hoạt để dễ dàng kết hợp với mạng vệ tinh băng thông rộng Starlink của Elon Musk và đủ trách nhiệm để bạn hoàn toàn có thể lái xe về nhà từ xa.

2095002.jpg


Tuy nhiên, có một vấn đề lớn mà kế hoạch này phải đối mặt, nó được gọi là New IP. Đây là một tiêu chuẩn mới cho công nghệ mạng lõi mà Huawei cùng ba công ty viễn thông quốc gia của Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển. New IP gặp phải trở ngại cả về mặt chính trị lẫn công nghệ, do đó, khả năng thành công của nó là rất thấp.

New IP sẽ thay đổi sự điều hành internet, nó chuyển quyền lực cho các chính phủ và những công ty viễn thông lớn của nhà nước cả về mặt phát triển lẫn vận hành internet. Khi đó, những vấn đề bất đồng chính kiến trên mạng internet sẽ dễ dàng bị dập tắt. Công nghệ trong New IP được sử dụng để chống lạm dụng mạng nên sẽ làm giảm quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Và theo các chuyên gia đang nỗ lực cải tiến công nghệ internet hiện nay, New IP sẽ khiến việc triển khai ý tưởng mới hay thêm một cơ sở hạ tầng mạng mới gặp khó khăn hơn nếu không có sự cho phép của chính phủ.

"Trung Quốc cho rằng vấn đề họ cần giải quyết là gì? Đó là họ không nắm quyền điều khiển. Họ muốn điều khiển mạng internet", James Lewis cho biết, ông là giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Washington, DC). "Mục đích của nó là chính trị, chứ không phải công nghệ".

Thứ công nghệ quan trọng bậc nhất mà con người từng sáng tạo đang bị đe dọa. Mạng internet đã được chứng minh rằng nó có khả năng tùy biến rất tốt, từ một nghiên cứu học thuật được Mỹ tài trợ cho đến khi trở thành một nền tảng toàn cầu cho phép giao tiếp, thương mại và giải trí. Các vấn đề về New IP đã trở nên nóng hơn trước Hội nghị Tiêu chuẩn hóa viễn thông thế giới (WTSA-20) vào tháng 11.

Thậm chí, nếu không có New IP, Trung Quốc vẫn có thể tác động đến mạng internet bằng cách phổ biến các công nghệ cùng với những thủ đoạn của mình. Một số nhà quan sát lo sợ rằng mạng internet toàn cầu ngày nay sẽ bị phân tách thành các hệ thống mạng quốc gia riêng lẻ và không tương thích với nhau, trong đó có cả Eric Schmidt, nguyên CEO của Google.

Tại Mỹ, chính quyền Trump chưa có động thái trực tiếp nào đối với New IP. Tuy nhiên, ông đã mạnh tay "đánh" vào tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và ngăn chặn nỗ lực thống trị của nước này trên lĩnh vực công nghệ mạng di động 5G và trí thông minh nhân tạo. Trong một bài phát biểu hôm 16/7, Tổng chưởng lý William Barr cho biết Trung Quốc đang âm mưu "thống trị hạ tầng kỹ thuật số của thế giới".

New IP xuất hiện từ khi nào?

Tiêu chuẩn New IP được đề cập lần đầu tại một cuộc họp của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) năm 2019. Liên minh này là một tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cuộc họp của liên minh thường là nơi để các nước bàn luận về các vấn đề liên quan đến công nghệ điện toán và truyền thông. Người ủng hộ đề xuất này là công ty sản xuất thiết bị mạng Huawei của Trung Quốc, cũng là công ty đang bị chính phủ Mỹ tìm cách ra lệnh cấm giao dịch trên toàn thế giới; cùng với đó là một trung tâm nghiên cứu của Huawei tại Mỹ là Futurewei Technologies, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc và ba công ty viễn thông chính của Trung Quốc là: China Mobile, China Unicom và China Telecom.

Trong một buổi giới thiệu, Huawei cho biết New IP sẽ cung cấp tốc độ dữ liệu lớn hơn, độ trễ ngắn hơn chuẩn internet hiện nay, chuẩn TCP/IP. TCP là viết tắt của Tranmission Control Protocol (giao thức kiểm soát truyền dẫn), đây là quy tắc nhằm đảm bảo dữ liệu mạng đi đến đúng nơi; và IP là viết tắt của Internet Protocol (giao thức mạng internet), giao thức này chi phối cách dữ liệu chia thành các gói và định tuyến chúng qua nhiều nút mạng một cách độc lập để đến đích cuối cùng.

TCP/IP vẫn đang được phát triển. Một ví dụ là dự án QUIC của Google đã giúp tăng tốc độ mạng và đang được hoàn thiện để trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp tại tổ chức IETF, đây là tổ chức quan trọng trong định hình tương lai của internet.


Phần trình bày của Futurewei đã kêu gọi một sự thay đổi toàn diện thay vì chỉ trong một nhóm thuộc ITU và đề nghị IETF tham gia. Nếu thành công, New IP sẽ mang lại một sức mạnh mới cho nỗ lực kiểm soát internet của chính phủ, trong khi đó sẽ làm suy yếu quá trình phát triển hiện tại.

Huawei còn hứa hẹn một lợi nhuận khổng lồ từ công nghệ này. "New IP hứa hẹn sẽ thúc đẩy đầu tư và mang lại nền công nghiệp mới trị giá hàng nghìn tỉ đô", Huawei tuyên bố.

Một tiêu chuẩn khác được coi là "đàn anh" của New IP cũng đã đề nghị ITU nên "gánh vác tránh nhiệm cho một kết cấu mạng phân cấp trong tương lai". Tiêu chuẩn này không được công bố chính thức, tuy nhiên tờ Financial Times cũng đã có bài viết về nó.

Hệ thống mạng internet phân cấp?

Cách tiếp cận này với sự quản lý của chính quyền là một hình thức trái ngược với mô hình "đa bên" ngày nay. Mô hình ngày nay gồm nhiều người tự phát triển các công nghệ internet thông qua nhiều nhóm tiêu chuẩn khác nhau. Nó không giống như những âm mưu tranh giành quyền lực tại Liên hợp quốc. Ví dụ, IETF có hai lựa chọn là một phần mềm thật sự hoạt động được và các đề xuất dựa trên lý thuyết. Liên minh sẽ đưa ra quyết định dựa trên việc cái nào được đông thành viên hô hào ủng hộ hơn.

"Bất cứ ai quan tâm đều có thể ghi tên vào danh sách gửi thư của IETF", Andrew Sullivan, chủ tịch Hiệp hội Internet, cho biết; đây là một tổ chức phi lợi nhuận vì mục tiêu cải thiện internet và giữ nó rộng mở. "Những ai thật sự cần xây dựng và triển khai một hệ thống đều có thể trở thành một phần quyết định cách hệ thống vận hành. Mô hình quản trị internet đa bên có thể đáp ứng nhu cầu của internet hơn bất cứ thỏa hiệp nào giữa các chính phủ trên thế giới".

Hiệp hội Internet đã chỉ trích New IP trong một bài viết vào tháng 4, tổ chức này cho rằng New IP trùng dẫm với một tiêu chuẩn trước đó. Đồng thời, tổ chức này còn lo ngại New IP sẽ bắt buộc người dùng phải xác thực danh tính trên mạng. Dù yêu cầu này hữu ích đối với việc truy nguồn các cuộc tấn công, nhưng cũng đi ngược lại với việc phát triển một internet rộng mở.

Một số tổ chức khác quyền lực hơn cũng chỉ trích New IP gồm Ủy ban châu Âu, IETF và RIPE (một hình thức đăng ký chia sẻ địa chỉ internet tại châu Âu). RIPE cảnh báo rằng New IP sẽ giúp người quản trị dễ dàng chặn dữ liệu từ một nguồn cụ thể. Và Ủy ban châu Âu cho biết họ "bảo vệ một internet đơn nhất, rộng mở, trung lập, miễn phí và không phân mảnh, ủng hộ những đổi mới không cần cấp phép, quyền riêng tư và trao quyền cho người dùng, cũng như bảo đảm mọi quyền cơ bản".

Không tương thích với mạng internet hiện nay

Trên thực tế, sẽ rất khó để thuyết phục vô số các nhà mạng chấp nhận một công nghệ không tương thích với mạng internet hiện nay. Mốt số lời biện hộ cho New IP như nó được thiết kế để kết nối các "đảo" mạng tốt hơn, nhưng khoảng cách giữa mạng internet ngày nay với hệ thống không tương thích của New IP có thể khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn và chí phí cũng cao hơn. Sự phụ thuộc vào chính phủ cũng là vấn đề khiến New IP không được khu vực tư nhân chấp nhận rộng rãi, từ đó dẫn đến sự không tương thích.

2095005.jpg


Tuy cuộc gọi hologram chưa tồn tại, nhưng nếu có, nó sẽ cần một lượng lớn lưu lượng mạng cùng với độ trễ cực thấp. Đây là công nghệ mà Trung Quốc cho rằng mạng internet hiện nay không thể gánh vác nổi mà chỉ có New IP làm được (Ảnh: Futurewei/ITU)

Chuyên gia phân tích tại Canalys, Alex Smith cho biết trên thực tế, các công ty công nghệ quyền lực tại Mỹ có quyền phủ quyết đối với New IP.

"Quyền lực nằm trong tay các công ty công nghệ lớn", Smith cho biết. "Nếu Amazon, Facebook và Google muốn đi theo một hướng họ sẽ cần sự hậu thuẫn của công ty sản xuất hạ tầng tầm cỡ thế giới như Ciscos. Đó cũng là điều kiện cần có để chuyển sang hướng đi khác".

New IP có thể phát triển tốt ở Trung Quốc với thị trường nội địa được định hướng bởi chính quyền. Nhưng đến nay, công ty điện toán đám mây lớn của Trung Quốc như Alibaba vẫn chưa thể nổi bật ở thị trường nước ngoài.

Dù vậy, Trung Quốc đủ lớn và có đủ quan hệ với một số nước để tạo cơ sở cho bất kỳ tham vọng nào nhằm biến mạng internet thế giới trở thành một phiên bản nội địa của Trung Quốc.

Cách mạng internet của Trung Quốc vận hành

Trung Quốc đã triển khai một mạng internet rất khác so với mạng internet mà thế giới đang dùng.

Từ rất sớm, mạng internet phi tập trung đã được sử dụng rộng rãi. Hệ thống này được thiết kế để có thể tồn tại sau một cuộc tấn công hạt nhân khiến một số thiết bị mạng hư hại.

Thỏa thuận ngang hàng giữa các công ty và tại các sàn giao dịch công khai giúp rút ngắn đường dẫn dữ liệu.

Dù vậy, giám đốc cấp cao Hiệp hội Internet, Andrei Robachevsky cho biết lưu lượng mạng tại Trung Quốc được tập trung hơn nhiều, thường được phân cấp thông qua "ba C": China Mobile, China Unicom và China Telecom. "Đây là cách định tuyến tĩnh, nó không thể hiện được khả năng mở rộng và linh hoạt của internet", ông nói.

Trung Quốc còn sử dụng "Vạn lý trường thành điện tử" (Great Firewall) để ngăn chặn truy cập vào các trang như Google, Facebook và Twitter. Ngoài ra, bức tường này còn buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu trong nước.

Tại phòng thí nghiệm Citizen, một nhóm nghiên cứu về an ninh và quyền trực tuyến của Đại học Toronto đã khám phá ra một cách được Trung Quốc sử dụng để có thể tự động hóa công tác quản lý mạng internet của mình. Nhóm phát hiện ra rằng Trung Quốc bí mật theo dõi những người dùng WeChat (một ứng dụng nhắn tin của nước này) không phải người Trung Quốc để phát hiện các tin nhắn mới với những hình ảnh hay văn bản nhạy cảm về mặt chính trị được liệt kê trong danh sách đen. Sau đó, hệ thống tự động làm mờ những hình ảnh tương tự được gửi giữa những người dùng là người Trung Quốc.

Khoảng thời gian từ lúc phát hiện hình ảnh nhạy cảm đến lúc nó được làm mờ có thể chỉ trong 10 giây, Jeffrey Knockel, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nguy cơ phân mảnh mạng internet

Trên thực tế và về nguyên tắc, nhiều nước khác không thích cách tiếp cận internet của Trung Quốc. Nhưng thậm chí khi New IP thất bại, Trung Quốc vẫn có tầm ảnh hưởng. Các công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng internet theo kiểu-của-Trung-Quốc cho các chính phủ ủng hộ "chủ quyền số", chính sách này cho phép các quốc gia tự thiết lập các chính sách trực tuyến riêng cho nước mình.

"Trung Quốc triển khai và vận hành rất nhiều mạng tại châu Phi", Robachevsky cho biết. "Họ sẽ rất vui vẻ đáp ứng mọi yêu cầu về chủ quyền số mà quốc gia đó đưa ra", bao gồm cả nội địa hóa dữ liệu, theo dõi và quản lý dữ liệu.

New IP có thể là một bước đột phá từ mạng internet hiện nay, đó là một phần lý do khiến nó gặp nhiều thách thức trước khi được đồng thuận. Nhưng một hệ thống mạng phân mảnh có thể được tạo ra sau vô số các bước nhỏ từ những chính sách do các nước đặt ra cho mạng internet hiện nay dựa trên cái gọi là chủ quyền số. Những bước này có thể tích lũy và dần dẫn đến vấn đề lớn trong khả năng tương thích.

"Điều nguy hiểm là internet hiện nay có thể biến mất khi nó bị cắt ra thành nghìn mảnh", Robachecsky nói. "Đó là con đường dẫn đến hệ thống mạng phân mảnh".

Theo Vn review​
 

duyenvnpt

Active Member
Mới manh nha thôi. Hình như trên thế giới hiện tại chỉ có Nga là có mạng Internet riêng!
 

chumb0

Well-Known Member
cái bọn tàu khựa này riêng về cntt thì dẹp đi cho nhanh
 

Escalante

Well-Known Member
Hehe, mạng internet an toàn của tung của phải phát triển tỷ lệ thuận với sức chứa của mấy nhà tù. Đọc mấy dòng thấy dòng internet an toàn mà cừ mún chít á

:rolleyes:
 

Shangri-La

Well-Known Member
Làm luôn một hệ thống darkweb lớn nhất thế giới luôn, thế thì khỏi phải lo sợ IP này IP nọ chi cho nó mệt.
 

caothudeche

Moderator
TQ nó bị điên à? Nó có hiểu thế nào là internet không?
INTERconnected NETworks, cái này nó không chỉ nói lên việc là một mạng lưới vật lý được kết nối với nhau, mà là thông tin trên đó được trao đổi với nhau mới là vấn đề chính.
Cho dù ông có dùng tiêu chuẩn mẹ gì đi nữa mà ông cấm cửa dân ông kết nối với mạng lưới toàn cầu thì chỉ là internet nửa vời.
 
Bên trên