Những lần lập công của Skynet - 'lưới trời' công nghệ ở Trung Quốc

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Hệ thống giám sát có thể nhận dạng khuôn mặt, dáng đi của một người để xem có trùng khớp với hồ sơ tội phạm không.

Skynet hay "Thiên võng", là hệ thống giám sát bằng công nghệ cao với quy mô khổng lồ, bắt đầu được triển khai từ 2015 và đã đưa vào sử dụng ở hàng chục tỉnh thành khắp Trung Quốc. Một số cái tên khác của hệ thống này là "Dự án thành phố an toàn" hoặc "Hệ thống giám sát video an ninh công cộng".

Nó bao gồm hàng trăm triệu camera giám sát đặt tại các nơi trọng yếu như nhà ga, sân bay, ngã tư... Đi kèm là các công nghệ số hiện đại như nhận diện khuôn mặt, nhận dạng dáng đi, báo cáo vị trí qua GPS kết hợp hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) để giám sát hoạt động và cuộc sống của hơn một tỷ công dân nước này.

Theo dự tính đến năm 2020, số lượng camera được lắp đặt sẽ lên tới hơn 600 triệu chiếc. Những lần lập công nổi bật của Skynet cũng luôn được giới truyền thông Trung Quốc cũng như quốc tế theo dõi ghi nhận.

Skynet bắt quan tham khi vừa ra mắt

5b02c03f3797e92b008b4e88-750-5-7152-8039-1553059303.png

Skynet đã có mặt tại hầu hết các sân bay, nhà ga lớn ở Trung Quốc. Ảnh Business Insider

Năm 2015, khi hệ thống này bắt đầu được triển khai tại các thành phố lớn, chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức đưa lên hệ thống hồ sơ danh sách những tên tội phạm gắn mã truy nã đỏ, thuộc nhóm nguy hiểm và cần bắt khẩn cấp.

Chỉ vài ngày sau, một cựu tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Thượng Hải sa luới. Người này đã lạm dụng chức quyền để tham ô số tiền gần 5 triệu USD. Trước đó, hắn đã trốn ra nước ngoài và nhập tịch ở Anh. Từ năm 2010 tới 2014, tên này nhiều lần trở về nước và cuối cùng bí mật định cư tại quê nhà ở tỉnh An Huy.

Khi hệ thống xác nhận sự trùng khớp giữa thông tin cá nhân, nhận dạng khuôn mặt với hồ sơ trên hệ thống, cảnh sát địa phương đã ngay lập tức được thông báo. Cuộc vây bắt diễn ra thành công ngày 25/5/2015.

Phóng viên BBC muốn kiểm chứng Skynet, bị bắt sau 7 phút

r5kw-fypnsip9250617-1553053409-6984-1553059303.png

John Sudworh trước khi bắt đầu hành trình chạy trốn kéo dài 7 phút của mình ở Trung Quốc. Ảnh Sina

Ngày 10/12/2017, phóng viên John Sudworth của BBC (Anh) muốn tự mình thử nghiệm chất lượng của hệ thống Skynet ở thành phố Quý Dương, thuộc tỉnh Quý Châu. Đầu tiên, anh để cảnh sát chụp lại ảnh khuôn mặt bằng điện thoại di động. Sau đó, Sudworth bắt đầu hành trình chạy trốn của mình, với mục đích di chuyển càng xa càng tốt.

Tuy nhiên, chỉ 7 phút sau đó, khi vừa bước chân vào phòng vé của nhà ga thành phố anh đã bị cảnh sát ở đây bắt giữ. Để theo dấu Sudworth, Skynet đã phân tích nhận dạng khuôn mặt và dáng người của anh theo thời gian thực. Các camera đặt trên đường phố Quý Dương có thể xác định tuổi, giới tính, quần áo và thông tin của một người khi họ đi qua. Sau đó, hệ thống tự khớp chúng với thông tin trong cơ sở dữ liệu để phát hiện những người như Sudworth đang có ý định chạy trốn và báo cho cảnh sát.

Tội phạm bị nhận diện giữa đám đông 50.000 người

32f2f4aa-3e04-11e8-b6d9-57447a-7046-1880-1553052657.png

Nghi phạm bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát sau khi được tách khỏi đám đông trong buổi hòa nhạc. Ảnh: 163.com

Theo Kankan News, vào tháng 4/2018, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã bắt được một tên tội phạm bị truy nã tại buổi hòa nhạc của ca sĩ Trương Học Hữu. Đây là sự kiện âm nhạc thu hút khoảng 50.000 người tham dự và công nghệ giám sát đã được áp dụng để quét khuôn mặt từng người tới xem.

Khi bị tiếp cận và bắt đem tới một đồn cảnh sát lân cận, tên tội phạm này vẫn chưa hết bất ngờ. Hắn cho biết đã lái xe hơn 90km, từ Chương Thụ đến Nam Xương chỉ để xem buổi hòa nhạc cùng với vợ. Trước khi tới đây, hắn rất tự tin và cảm thấy an toàn vì nghĩ giữa một đám đông lớn như vậy sẽ không ai có thể nhận ra mình.

Cũng trong buổi hòa nhạc này, nhiều tên tội phạm nhỏ khác cũng bị phát hiện và bắt giữ dù đã cố gắng trà trộn vào đám đông đi xem ca nhạc

Tội phạm bị bắt sau 19 năm trốn chạy dù đã thay tên đổi họ

c0496c16b38f843e339b761ce397ba-4904-6667-1553059303.png

Tội phạm trốn truy nã 19 năm bị bắt nhờ hệ thống camera giám sát.

Theo Sohu, năm 1996, một người đàn ông họ Vương bị phát lệnh truy nã vì lợi dụng chức vụ và tín nhiệm khi làm ngân hàng để chiếm đoạt hơn 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 300.000 USD). Từ Bắc Kinh, hắn đã trốn đến Thiểm Tây, Hà Nam, Giang Tô, Tứ Xuyên và nhiều nơi khác, thay tên đổi họ và làm đủ loại công việc khác nhau. Cuối cùng, hắn được nhận vào làm nhân viên bán thuốc tại một công ty dược phẩm ở tỉnh Hà Nam.

Vào ngày 11/7/2018, khi đang trên đường tham dự một khóa đào tạo kinh doanh, Vương đã bị cảnh sát đường sắt bắt giữ tại nhà ga Tần Hoàng Đảo ở tỉnh Hà Bắc. Hệ thống camera giám sát đã nhận dạng và phát hiện người này trùng khớp với dữ liệu trên hồ sơ truy nã tội phạm.

"Chúng tôi đã so sánh ảnh truy nã với gương mặt thật của Vương. Thành thật mà nói, rất khó để tìm ra sự kết nối bằng mắt thường. Hệ thống nhận dạng chân dung đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phá vụ án này. Nó cũng đồng thời thay đổi cách thức làm việc của cảnh sát so với trong quá khứ, giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất", đại diện phía cảnh sát cho biết.

Cùng ngày, một tên tội phạm họ Lưu đã bỏ trốn 12 năm vì tội lừa đảo cũng bị hệ thống giám sát phát hiện sự trùng khớp với dữ liệu nhận dạng. Hắn ngay lập tức bị bắt giữ tại phòng vé của nhà ga này.

Theo thống kê trong nửa đầu năm 2018, cảnh sát đường sắt Trung Quốc đã sử dụng hệ thống nhận dạng chân dung để bắt giữ 1.892 tên tội phạm thuộc nhiều loại khác nhau, bao gồm 141 kẻ chạy trốn lâu năm.

Tội phạm giết người bị bắt sau 24 năm

michael-sheng-1553050531-15530-3636-8974-1553052657.png

Thịnh Mỗ Chí bị bắt tại sân bay Thượng Hải sau 24 năm trốn chạy. Ảnh Qianjiang Evening News

Ngày 14/2/1994, tại thị trấn ven biển Tiêu Giang, tỉnh Triết Giang, Thịnh Mỗ Chí cùng nhóm bạn thân đi ăn rồi gây gổ đánh nhau. Kết quả cuộc ẩu đả khiến một người chết. Bốn trong 5 người tham gia gây án bị bắt, riêng Thịnh Mỗ Chí trốn thoát với mức án 14 năm tù trên người. Khi đó, thanh niên này mới 20 tuổi.

Trong suốt 24 năm sau đó, tên tội phạm này đã sinh sống ở Myanmar rồi làm giấy tờ giả để nhập tịch sang Ba Lan với tên gọi Micheal Thịnh. Tại đây hắn cưới vợ và khởi nghiệp thành công bằng việc kinh doanh quần áo. Từ năm 2006, hắn đã nhập cảnh về nước hơn 100 lần để buôn bán với hộ chiếu Ba Lan và chưa bao giờ bị xét hỏi.

Tuy nhiên, cảnh sát Triết Giang chưa quên vụ án này. Khi hệ thống Skynet bắt đầu được triển khai, hình ảnh và hồ sơ của Thịnh Mỗ Chí được đưa lên hệ thống. Qua nghiên cứu dữ liệu Big Data kết hợp sàng lọc thông tin, cảnh sát đã xác nhận doanh nhân Micheal Thịnh chính là tên tội phạm giết người 24 năm trước.

Ngày 13/12/2018, camera của Skynet đã nhận diện và thông báo cho cảnh sát khi người đàn ông quốc tịch Ba Lan này vừa đặt chân xuống sân bay Thượng Hải. Khi bị bắt, hắn khai nhận chưa bao giờ liên lạc với gia đình trong hơn 20 năm qua và thậm chí còn không biết mẹ mình đã qua đời. Hắn từng rất tự tin vào việc cảnh sát Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm thấy mình.

Theo Số Hóa​
 

hiepkmai

Well-Known Member
Bao giờ VN mới có công nghệ này? mấy ông quan tham của mình cứ biến mất rồi lại xuất hiện như người vô hình ấy
TIỀN ĐÂU ĐẨU TIÊN.

Còn tham quan muốn bắt lúc nào chẳng được lmao. Vấn đề là sếp nó là ai. Đừng nói là tàu khựa giờ hết tham quan, sếp nó là nhà vua vẫn tại vị thì thằng nào dám bắt lmao. Chẳng hạn chục năm nữa khi có người khác lên thay thì thế éo nào chẳng lòi ra cả rổ cả mả giống vụ đả hổ diệt mèo của lão Tập =))
 

v_anh

Well-Known Member
Bao giờ VN mới có công nghệ này? mấy ông quan tham của mình cứ biến mất rồi lại xuất hiện như người vô hình ấy
Quan tham bị bắt chỉ là vấn đề tranh giành miếng cơm chứ ko phải là vấn đề thực thi pháp luật.
Công nhận Trung Quốc quá tởm, những công nghệ trong phim viễn tưởng Mỹ ngày xưa giờ đã thành hiện thực ở Trung Quốc. Thậm chí có phim còn đi sau Trung Quốc.
 

suonggiomuadong

Active Member
Quan tham bị bắt chỉ là vấn đề tranh giành miếng cơm chứ ko phải là vấn đề thực thi pháp luật.
Công nhận Trung Quốc quá tởm, những công nghệ trong phim viễn tưởng Mỹ ngày xưa giờ đã thành hiện thực ở Trung Quốc. Thậm chí có phim còn đi sau Trung Quốc.


Mỹ đã muốn làm từ lâu nhưng hệ thống pháp lý họ không cho
 

Shangri-La

Well-Known Member
Đáng sợ, đằng sau của những chiến công tiêu biểu mà họ gọi đó là công năng của skynet là gì ? Công dân của họ sẽ bị kiểm soát từ hành vi, suy nghĩ, thói quen, quan hệ, ... 24/24.
 

suonggiomuadong

Active Member
Đáng sợ, đằng sau của những chiến công tiêu biểu mà họ gọi đó là công năng của skynet là gì ? Công dân của họ sẽ bị kiểm soát từ hành vi, suy nghĩ, thói quen, quan hệ, ... 24/24.

cảm thấy mất tự do, và cũng chính vì thế mà dân Mỹ họ phản đối, còn dân China giống The Silence of the Lambs
 
Bên trên