Air Tight ATM-300 - Hồi sinh sức hút của đèn điện tử “Nữ hoàng”

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Ampli Air Tight ATM-300 là một trong số những mẫu thiết kế ampli Single-ended chạy bóng 300B được đánh giá thành công nhất kể từ khi ra đời cách nay hơn 15 năm nhờ khả năng tái tạo các dải tần cực rộng, nhạc tính cao với độ nhiễu cực thấp.

products_atm_300r_2_1000x1000_gfmi.jpg

Air Tight AT-300

Đối với những audiophile yêu thích dòng nhạc trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng, ampli đèn 300B được xem là lựa chọn hàng đầu của họ, nhất là với những ai đang sở hữu loa đồng trục hoặc toàn dải có độ nhạy cao như Tannoy, Lowther, Fostex… Bởi đơn giản bóng đèn điện tử 300B hoàn toàn đáp ứng được những “cái thiếu” trong âm nhạc mà họ luôn đi tìm, từ những giai điệu du dương của tiếng đàn violon đến giọng ca mượt mà, trong trẻo hoặc cao vút của những ca sĩ, đem lại những cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn sau thời gian làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Vì vậy, chẳng có gì lạ khi rất nhiều hãng sản xuất đồ điện tử hi-end đã chọn loại bóng được mệnh danh là “Nữ hoàng” này để chế tạo ra những chiếc ampli đèn đẳng cấp và đáng giá.

Vài nét về lịch sử thương hiệu Air Tight

So với những thương hiệu của nước Nhật đã thành danh và khẳng định tên tuổi trên thị trường hi-end thế giới từ khá lâu như Luxman, Audio Note Kondo, Reimyo…, cái tên Air Tight khá lạ lẫm và mới mẻ. Tuy nhiên, ít ai biết người sáng lập ra Công ty A&M limited, nơi cho xuất xưởng những sản phẩm mang thương hiệu Air Tight, lại là một người từng gắn liền với Công ty có thâm niên trong làng hi-end - Luxman.

products_atm_300r_1_1000x1000_lfbz.jpg


Ông Atsushi Miura, người sáng lập A&M limited, gia nhập Luxman năm 1956. Đến năm 1961 ông cưới con gái lớn nhất của K. Yoshikawa, ông chủ của hãng Luxman. Trở thành thành viên gia đình Luxman, năm 1968 ông làm tổng giám đốc chi nhánh Luxman tại Tokyo. Đến năm 1985 ông nghỉ hưu, sau đó ông cùng Masami Ishiguro thành lập A&M Ltd và khởi đầu sự nghiệp bằng chiếc ampli đèn ATM-1. Đây cũng là chiếc ampli được tạp chí The Absolute Sound chọn trao giải thưởng năm 2007.

Nếu như Atsushi Miura chịu trách nhiệm toàn bộ các thiết kế electronics của Air Tight thì mảng loa lại được một huyền thoại audio khác đảm nhiệm. Ông Takaanorri Ohmura, trước đây từng là nằm trong nhóm kỹ sư chính của Luxman, đảm nhiệm thiết kế loa con và thùng loa cho dòng Air Tight Bonsai. Là một chuyên gia nghiên cứu về màng loa, ông Ohmura tập trung vào các mẫu loa con toàn dải trong hơn 15 năm. Hiện tại ông Ohmura điều hành nhà máy riêng có tên là AMM Laboratory, nơi chế tạo loa con và lắp ráp hệ thống loa Bonsai.

Có lẽ cũng như bao audiophile Nhật Bản khi đó, ông Miura đã bị chất âm ma mị của đèn 300B Western Electric mê hoặc, vì thế ông và các cộng sự quyết định thiết kế mạch và chế tạo loại ampli đèn này và chiếc ATM-300 đầu tiên đã ra đời vào năm 2002. Trải qua 15 năm tồn tại, ATM-300 đã khẳng định tên tuổi không chỉ tại thị trường nội địa mà còn vươn ra khắp thế giới.

Thiết kế và cấu tạo

screen_shot_2020_02_18_at_11_12_42_am_jaag.jpg


Nhìn vẻ bề ngoài, Air Tight ATM-300 được thiết kế khá đơn giản nhưng hài hòa, vững chãi. Việc sắp xếp vị trí các bóng đèn và biến thế khá hợp lý, giúp nó càng trở nên bắt mắt. Chỉ cần nhìn qua những chi tiết đơn giản như hai vòng xuyến mạ vàng đặt trên lỗ chân đèn 300B hoặc cái đồng hồ hiển thị thông số phân cực (bias) cho đèn công suất đặt ở trước mặt máy, sẽ lên ánh đèn vàng khi bật nút bias test, mọi người đều phải thừa nhận sự tinh tế, thanh thoát của chiếc ampli này. Phần nắp đáy của Air Tight ATM-300 được hãng đầu tư hẳn một tấm đồng dày, chi tiết này góp phần chống rung và đặc biệt khử các loại nhiễu sóng điện từ EMI và RFI gây ảnh hưởng đến đường truyền cũng như các linh kiện bên trong mạch máy.

products_atm_300r_3_1000x1000_ebwj.jpg


ATM-300 sử dụng bóng 12AU7A và 12BH7A cho tầng mở và lái cho bóng công suất 300B. Phần nắn điện được một bóng 5U4G phụ trách. Ông Miura cho biết tất cả những bóng này đều của Electro-Harmonic (Nga) nhưng được các kỹ sư của hãng test cân nhau cẩn thận, được in logo của Air Tight và dán nhãn “Platinium Selection”, nghĩa là chọn lựa theo tiêu chuẩn bạch kim! Ông Miura từng tiết lộ hãng phải bỏ đi 80% bóng trong số test để lựa được những bóng đạt chuẩn nhất cho từng ampli.

screen_shot_2020_02_18_at_11_13_33_am_fwck.jpg


Biến áp xuất âm, đóng vai trò quyết định đem lại một chất âm đẹp của ampli đèn, được ông Miura đặt hàng từ Tamura, một hãng sản xuất biến áp nổi tiếng thế giới. Với biến áp xuất âm Tamura F-2007, ATM-300 có thể đạt dải tần từ 10hz – 60kHz, thông số cực kỳ ấn tượng với một chiếc ampli đèn. Phần đi mạch bên trong máy đều được đi thủ công theo kiểu point to point (không dùng mạch in) để các linh kiện được đấu nối trực tiếp và tiếp xúc nhau tốt nhất.

screen_shot_2020_02_18_at_11_13_20_am_flih.jpg


Một điều đặc biệt nữa của ATM-300 là dù chạy mạch single-ended Class A nhưng nó vẫn được thiết kế mạch hồi tiếp âm (negative feedback) với núm chỉnh 3 nấc (từ 0 / 4 đến 6dB) ở phần mặt trên thân máy, trong khi nhiều hãng khác đã không còn sử dụng cho mạch single end. Nhờ mạch hồi tiếp này mà tín hiệu đầu vào và ra của ATM-300 trở nên cân bằng đồng thời giúp giải tần được mở rộng hơn.

Trình diễn

Để kiểm tra chất lượng trình diễn của Air Tight ATM-300, chúng tôi sử dụng preamp Air Tight ATC-3 và đôi loa Swisshonor B.A.C.H 12. Air Tight ATM-300 phối hợp tốt với đối Thụy Sĩ, bước đạo tạo ấn tượng với giọng vocal rất thoải mái, khỏe khoắn, các dải chi tiết, rộng, không hề hụt hơi. Bật những bài vocal có độ khó cao hoặc da diết như Misa Criolla do danh ca giọng nam cao lừng danh thế giới José Carreras trình bày trong nhà thờ lớn hay Something Cool của June Christy trong phòng thu, chúng tôi có thể thấy được sân khấu trình diễn khá rõ ràng, nhạc cụ chi tiết; đồng thời tái tạo trình diễn của ca sĩ một cách xuất sắc, tự nhiên. Độ cân bằng của từng nốt nhạc được thể hiện rõ qua từng tiếng gõ trên phím piano của bài Something Cool hay nhịp trống đều đặn đệm cho lời ca của José Carreras cùng dàn đồng ca lớn trong nhà thờ. Điều đáng ngạc nhiên là dù công suất chỉ 8W nhưng ATM-300 vẫn có thể cho ra tiếng bass rất ấn tượng, tròn và sâu thẳm, cả với những đôi loa khó nhằn từ loa cột Dynaudio cho đến bookshelf Roger LS3/5a.

Kết

thumb_hkiy.jpg


Trước đây, chúng tôi cũng đã từng nghe qua các ampli cũng sử dụng bóng 300B như Shindo Cortese 300B, Wavac MD-300B, Ancient Audio Silver Grand mono block (paralleled 300B)… nhưng rõ ràng trung âm của các ampli trên không tuyến tính và tự nhiên bằng ATM-300. Theo giải thích của những người cùng nghe, sở dĩ ampli của Air Tight hơn hẳn về mặt này vì nó dùng phần nắn điện bằng đèn thay vì bằng diode kết hợp với những bí quyết riêng về mạch của nhà sáng lập Atsushi Miura, người có tình cảm đặc biệt với dòng bóng “Nữ hoàng”.

Một chi tiết thú vị nữa với ATM-300 là nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, hãng Air Tight đã cho ra mắt phiên bản kỷ niệm ATM-300 30th Anniversary Version. Phiên bản này sử dụng bóng công suất 300B do hãng Takasuki Electric của Nhật chế tạo, mà theo lời ông Miura, đây sẽ là yếu tố giúp Air Tight mở ra kỷ nguyên mới làm hồi sinh dòng bóng 300B danh tiếng, đồng thời thúc đẩy tham vọng mới của chính mình. Với số lượng sản xuất giới hạn chỉ 100 chiếc, hiện tại cơ hội sở hữu một chiếc Air Tight ATM-300 30th Anniversary Version gần như đã không còn.

Thông số kỹ thuật

Công suất: 8W

Cấu hình bóng: 300B x 2, 5U4GB x 1, 12BH7A x 2, 12AU7A (ECC82) x 2

Độ méo: THD: <1% (6W)

Hồi tiếp: 0/4/6dB

Kích thước: 430 x 275 x 245mm

Trọng lượng: 24kg

Theo Nghe Nhìn​
 
Bên trên