Apple Watch đã đánh bại đồng hồ Thụy Sĩ như thế nào?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Khi mua đồng hồ truyền thống, thực tế người dùng đã mua một phần lịch sử và kỹ năng chế tạo của con người. Với smartwatch, đó còn là những ý tưởng và một nền tảng kết nối tốt hơn.

Ai cũng biết phần lớn các hãng đồng hồ nổi tiếng trên thế giới có xuất xứ từ Thụy Sĩ. Tuy nhiên cái nôi đầu tiên của đồng hồ không phải là Thụy Sĩ, mà là Đức. Và trước Thụy Sĩ, Anh mới là quốc gia sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới.

Những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên giống với ngày nay nhất được Peter Heinlein - nhà chế tạo người Đức sống ở vùng Nuremberg - phác thảo vào thế kỉ thứ 16. Với tên gọi “Taschenuhren”, đồng hồ là vật bỏ túi tiện dụng chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

Trong hơn một thế kỉ sau đó, thiết kế đồng hồ bỏ túi hầu như không thay đổi. Thế rồi, người Anh đã làm cuộc cách mạng công nghệ chế tạo biến đồng hồ trở thành như ngày nay.

pocket.jpg

Đồng hồ bỏ túi từng là vật dụng chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Ảnh: Time.

“Swiss made”
Các phát minh về lò xo cân bằng, quả lắc ngang và chronometer đã biến Anh quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ chế tạo đồng hồ cuối thế kỉ thứ 18.

Đồng hồ của Anh là những cỗ máy chính xác nhất mà người ta có thể mua được. Tuy vậy, chúng có nhược điểm chí mạng là quá dày để có thể đeo tay. Thách thức này cũng tương tự đối với các nhà sản xuất đồng hồ thông minh ngày nay.

Nhu cầu thời trang cùng sự thoải mái đòi hỏi đồng hồ phải mỏng hơn khi đeo. Các nhà chế tác đồng hồ trên toàn châu Âu bắt đầu nghiên cứu những cách chế tạo đồng hồ khác. Một lần nữa, đây cũng là điều mà các nhà sản xuất smartwatch ngày nay đang cố gắng làm: nhỏ, mỏng mà vẫn đủ mạnh.

Chính nhờ tài năng và tầm nhìn của một nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ là Abraham-Louis Breguet, đồng hồ đeo tay hiện đại đã ra đời. Một thiết kế phẳng, trơn và có mặt đồng hồ lớn, thời trang. Nếu người Anh tập trung vào độ chính xác của đồng hồ, người Thụy Sĩ lại coi trọng tính thời trang.

Không lâu sau đó, Thụy Sỹ đã trở thành nơi sản xuất đồng hồ chất lượng cao, thời thượng và sang trọng. Longines, IWC Schaffhausen và Rolex đều đạt được chứng nhận chronometer cho đồng hồ đeo tay.

bu.jpg

Trong thế kỷ 20, đồng hồ Thụy Sĩ không có đối thủ. Ảnh: Watch & Bullion.

Từ đầu thế kỉ 20 cho tới những năm 1960, đồng hồ Thụy Sĩ không có đối thủ trên toàn thế giới. Họ bắt đầu đánh dấu thương hiệu. Do mặt đồng hồ nhỏ, các hãng cho rằng chỉ 2 từ đơn giản: “Swiss made” là đủ tôn lên vẻ sang trọng của sản phẩm.

Rất nhanh chóng, “Swiss Made” trở thành con dấu được săn tìm nhiều nhất trong lịch sử ngành tiêu dùng. Một khảo sát vào năm 2016 thực hiện bởi Đại học St.Gallen cho thấy người dùng sẵn sàng trả gấp đôi cho một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp, chứ không mua loại có chất lượng tương tự mà không rõ xuất xứ.

Ngay cả website chính thức của nhà nước Thụy Sĩ cũng nói về con dấu “Swiss made”: “Đây không đơn thuần là con dấu cho biết xuất xứ. Đây là dấu hiệu cho người dùng biết rằng họ đang mua một sản phẩm có chất lượng và độ tin cậy tuyệt hảo”.

Cuộc khủng hoảng thạch anh
Trong khi người Thụy Sĩ đeo đuổi cách chế tạo đồng hồ truyền thống, một công ty Nhật Bản là Seiko giới thiệu mẫu đồng hồ đeo tay chạy pin đầu tiên trên thế giới vào năm 1969. Đây chính là bước ngoặt cho một cuộc cách mạng chế tạo đồng hồ mới.

Giá thành rất rẻ của loại đồng hồ chạy pin này đã phá giá thị trường thế giới, khiến ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ của Thụy Sĩ mất hơn 60.000 việc làm. Cuối năm 1982, hơn 1.000 nhà sản xuất đồng hồ phá sản trên toàn cầu.

Thời khắc mà Seiko giới thiệu mẫu đồng hồ Quartz Astron 35SQ vào năm 1969 được lịch sử gọi là “cuộc khủng hoảng thạch anh” (do đồng hồ Seiko dùng thạch anh). Để sống qua mùa đông khắc nghiệt năm đó, người Thụy Sĩ buộc phải thực hiện cuộc cách tân.

Bằng những ý tưởng cấp tiến lẫn kỳ quặc, Nicolas Hayek đã sáng tạo lại chiếc đồng hồ Thụy Sĩ bằng dòng đồng hồ Swatch mới. “Đổi mới, thách thức, vui vẻ, trường tồn”, khẩu hiệu của Swatch không chỉ thể hiện trong bản thân sản phẩm mà còn trong cách quảng cáo.

swatch.jpg

Đồng hồ Swatch hướng tới giới trẻ. Ảnh: Wristwatch Life.

Swatch hướng đến giới trẻ với những chiếc đồng hồ bằng nhựa. Nhờ đó, sản phẩm có chỗ đứng riêng, không chỉ đơn thuần chức năng đếm giờ, nó còn trở thành món phụ kiện thời trang.

Việc chuyển mình từ công nghệ sang thời trang thậm chí cũng phù hợp ở thời đại smartphone và smartwatch như ngày nay. Tuy nhiên, phải đến vài chục năm sau, thế giới mới biết đến nút “Home” trên điện thoại.

Hơn 30 năm sau khi đồng hồ Swatch ra đời, ngành công nghiệp này vẫn ổn định như hồi người Thụy Sĩ trở thành những nhà sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới.

Song, lại có một người khổng lồ với năng lực marketing đáng sợ cùng tầm nhìn vạn dặm, âm thầm trỗi dậy khuấy đảo ngành công nghiệp đồng hồ một lần nữa.

Thời đại của smartwatch
Đồng hồ thông minh không hẳn là ý tưởng mới. Từ khi James Bond mang một chiếc Seiko TV trong phim Octopussy, người ta đã tưởng tượng đến ngày có thể tích hợp màn hình vào thiết bị đeo tay. Đáng tiếc, các nỗ lực ban đầu đều dẫn đến một thiết kế cồng kềnh và tuổi thọ pin rất ngắn.

Không thiết kế nào thành công về mặt thương mại. Cho đến năm 2012, Eric Migicovsky tung chiến dịch trên trang Kickstarter cho chiếc đồng hồ kết nối với điện thoại thông minh tên gọi Pebble. Với mong muốn thu được 100.000 USD tiền đầu tư, cuối cùng chiến dịch lại thu về tới 10 triệu USD.

Pebble mang đến cho người dùng trải nghiệm mới, thiết bị có tuổi thọ pin dài, kết nối được cả hệ điều hành Android lẫn iOS. Pebble chính là chiếc smartwatch đầu tiên thành công về mặt thương mại.

Không may, Pebble bị hạ đo ván bởi một tay chơi sừng sỏ sắp dấn thân vào cuộc đua này. Đầu năm 2014, có tin cho rằng Apple đã liên kết với các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ. “Chúng tôi không thấy có lí do gì cho việc hợp tác với bất kì ai cả", CEO của Swatch Nicolas Hayek khi ấy nói với báo chí.

Ông Hayek, sau nỗ lực chế tạo đồng hồ thông minh với Microsoft thất bại, cho rằng các hạn chế về công nghệ sẽ chẳng đưa tương lai loại đồng hồ này đi tới đâu.

pe.jpg

Pebble là đồng hồ thông minh đầu tiên có thành công thương mại. Ảnh: The Verge.

Chỉ một tuần trước khi sản phẩm của Apple ra mắt vào năm 2014, nhà thiết kế Jonathan Ive nói với tờ New York Times rằng người Thụy Sĩ sắp gặp rắc rối to. Một thời gian sau, người ta thấy quả đúng là như vậy.

Ngày 9/9/2014, ngay sau khi ra mắt iPhone 6, Tim Cook bước lên sân khấu nói với khán giả Apple "One more thing". Sau đó, ông giới thiệu Apple Watch, thay vì iWatch như dự đoán trước đó.

Cook gọi đây là một chương mới trong câu chuyện của Apple. "Chúng tôi tin rằng sản phẩm mới này sẽ định nghĩa lại cách mà mọi người mong đợi ở một chiếc đồng hồ thông minh", Cook nói.

Nhiều chuyên gia hoài nghi về thiết kế của Apple. “Thực lòng mà nói, đây giống như được thiết kế bởi sinh viên mới nhập học 3 tháng”, CEO của Tag Heuer, Jean-Claude Biver nhận định.

Các phản hồi chỉ trích không cản nổi Apple thúc đẩy ngành công nghiệp tiến lên. Gần như ngay sau khi tung ra, phiên bản đầu tiên của Apple Watch trở thành chiếc đồng hồ thông minh bán chạy nhất mọi thời đại. Tiếp đến với Series 3, Tim Cook bước một bước tiến dài hơi, khẳng định vị trí của Apple Watch trong ngành công nghiệp đồng hồ một lần và mãi mãi.

Với tất cả sự tử tế dành cho những người bạn Thụy Sĩ của Apple, Cook chỉ đơn thuần nhắc mọi người nhớ rằng đồng hồ thông minh của họ bán chạy nhất thị trường, chấm hết.

Smartwatch là sự kế thừa đồng hồ truyền thống
Sự khác biệt giữa Apple Watch với các thiết bị trước đó không chỉ là tính tương tác liền mạch giữa phần cứng và phần mềm, mà còn là khả năng độc nhất vô nhị của Apple trong việc biến công nghệ mới trở nên quen thuộc.

Khác với các đối thủ cạnh tranh ban đầu của mình, Apple có một quân bài trong tay áo. Họ chế tạo thiết bị giống với các đồng hồ đeo tay truyền thống, nhẹ nhàng chấm phá thêm chút thiết kế đặc trưng của Apple dựa trên thành công từ iPod và iPhone.

Có lẽ đáng nể hơn cả thảy là trong 3 năm, Apple không hề thay đổi thiết kế của đồng hồ. Sự thay đổi chậm chạp này một phần làm cho đồng hồ Apple trở thành biểu tượng.

Hoặc là bạn có Apple Watch, hoặc là không có. Series 1, 2 hay 3 không quan trọng. Bằng cách trung thành với thiết kế ban đầu, Apple muốn tuyên chiến với "Neomania" - văn hóa có mới nới cũ của người dùng, đặc trưng bằng việc liên tục thay đổi sản phẩm công nghệ mỗi năm.

Apple Watch giống như sự kính trọng đối với ngành chế tác đồng hồ truyền thống. Có lẽ, Apple muốn nói với thế giới rằng đồng hồ thông minh của họ sẽ trường tồn hơn cả iPhone.

photo151742087952486d64ac2f339_1.jpg

Apple Watch đang chiếm lĩnh thị trường đồng hồ thông minh. Ảnh: The Verge.

Tuy nhiên, Táo khuyết lại tiến một bước xa hơn khi từ các công nghệ làm đồng hồ truyền thống, họ phát triển và biến nó trở thành cái mới của riêng. Trong khuôn khổ lĩnh vực của mình, các nhà thiết kế máy tính có thể cho rằng cụm từ "Complication" khá quái đản. Nhưng những nhà làm đồng hồ lại nhìn nhận nó theo đúng bản chất.

"Complication", theo cách hiểu của những nhà sản xuất đồng hồ, là đa chức năng. Rõ ràng là người dùng cần các đồng hồ phức tạp hơn bằng cách cho thêm ngày tháng, chức năng bấm giờ, cơ chế lên dây... Nhưng việc đa chức năng trong đồng hồ cơ chỉ thể hiện năng lực chế tạo đồng hồ của nhà sản xuất.

Còn đa chức năng trong smartwatch là cần thể hiện nhiều thông tin cùng một lúc. Apple đã dùng cụm từ “Complication” để diễn tả nhiều thông tin trên mặt đồng hồ. Họ cũng dùng một cụm từ chuyên môn khác trong ngành làm đồng hồ truyền thống là “crown” để đặt tên nút “Digital Crown” bên hông thiết bị.

Bằng cách sử dụng chung một thuật ngữ và nguyên lý chế tạo đồng hồ, Apple đảm bảo rằng sản phẩm của họ vừa tạo cảm giác hiện đại mà cũng thân thuộc trên cổ tay của người dùng.

Thay đổi từ trong nhận thức
Thực tế, smartwatch không hề thay thế cho đồng hồ truyền thống. Người mua đồng hồ automatic không phải để mua trang sức, họ đang mua một phần của lịch sử và kĩ năng chế tạo khéo léo của con người. Với khách hàng của smartwatch, họ không phải đang mua một phương tiện đếm giờ tốt hơn, mà là muốn sở hữu ý tưởng, một nền tảng kết nối tốt hơn.

Đồng hồ thông minh chỉ là định hình lại chính nó, giống như Swatch đã làm vào cuối thập niên 1980. Dù smartwatch từng được sử dụng chỉ để kết nối với điện thoại, giờ đây chúng được trang bị các công nghệ hướng đến thói quen người dùng nhằm mang đến nhiều trải nghiệm hơn.

Apple Watch đã phát triển nhanh tới nỗi chúng ta còn chưa kịp nhận ra chuyện gì đã xảy ra. Đánh bại đồng hồ Thụy Sĩ ngay trên sân nhà của họ không phải chuyện dễ làm. Nhưng đó là điều mà Apple đã làm được.

Bằng cách tích hợp điện tâm đồ vào đồng hồ thông minh lần đầu tiên trên thế giới, Apple cho phép chúng ta mong đợi nhiều thứ thú vị hơn nữa từ sự phát triển trong lĩnh vực này. Đồng hồ đeo tay đã luôn là một phần của nhiều người. Và khi món đồ này trở nên mạnh mẽ hơn, chúng ta một lần nữa đứng trước kỉ nguyên máy tính mới.

Ngày nay, công nghệ không chỉ “dùng” mà còn được “đeo”. Sự kết hợp này cho chúng ta trải nghiệm chưa thế hệ nào trước đây có được. Apple Watch ra đời tuy là sự kiện đáng buồn nhất với ngành công nghiệp đồng hồ kể từ thời khủng hoảng thạch anh, lịch sử ngành sản xuất đồng hồ lại cho thấy thành công hiện tại và sự phát triển tương lai đôi khi lại chẳng liên quan mấy.

Vậy hãy chờ xem, biết đâu thế hệ đồng hồ tiếp theo sẽ là nơi lưu trữ toàn bộ dự liệu của cuộc đời của bạn?

Theo Zing​
 

happythanh

Active Member
Bài viết hay nhưng hơi mang tính chất chủ quan của người viết, không biết lấy gì chứng minh là đã đánh bại đồng hồ thụy sĩ, đây là 2 phân khúc khác nhau cho các đối tượng khách hàng khác nhau.
Dân vp hay kinh doanh nếu đeo 1 chiếc omega hay rolex nhìn sẽ mẫu mực và cá tính hơn là 1 chiếc smart watch giá vài trăm đô.
 

TPAT

Well-Known Member
Dân vp hay kinh doanh nếu đeo 1 chiếc omega hay rolex nhìn sẽ mẫu mực và cá tính hơn là 1 chiếc smart watch giá vài trăm đô.
Bạn nói như vậy thì cũng có khác nào đó là sự chủ quan của bạn đâu?
Vẫn đầy doanh nhân nổi tiếng họ dùng smart watch đó thôi. Quan trọng nó tiện lợi cho họ và công việc, họ vẫn cảm thấy sang trọng thì họ mới đeo & Apple Watch mới có doanh số khủng như vậy.
"vài trăm đô" có vẻ rẻ tiền quá nhỉ :rolleyes:
 
chưa thấy số liệu so sánh cụ thể nào để chứng minh rằng đồng hồ thuỵ sĩ đã "thua" apple watch.
Mà đồng hồ thuỵ sĩ thì mỗi người có thể mua vài cái (nếu có điều kiện), trong khi đó, với smartwatch thì có lẽ 1 cái đã đủ rồi. Đồng hồ thuỵ sĩ nó vẫn ở 1 đẳng cấp khác, một phân khúc thị trường khác, nên để bị đánh bại thì còn lâu lắm.
 
chưa thấy số liệu so sánh cụ thể nào để chứng minh rằng đồng hồ thuỵ sĩ đã "thua" apple watch.
Mà đồng hồ thuỵ sĩ thì mỗi người có thể mua vài cái (nếu có điều kiện), trong khi đó, với smartwatch thì có lẽ 1 cái đã đủ rồi. Đồng hồ thuỵ sĩ nó vẫn ở 1 đẳng cấp khác, một phân khúc thị trường khác, nên để bị đánh bại thì còn lâu lắm.
 

hiepkmai

Well-Known Member
Đùa, những tên nào viết ra cái bài này chả hiểu cái mẹ gì cả. Đồng hồ thông minh - smartwatch - thực chất có khởi điểm là một "thiết bị đeo được" - wearable device - thứ mà các nhà sáng chế muốn đem những tính năng theo dõi sức khỏe lên cổ tay người dùng. Rồi sau đó họ thêm tính năng hiển thị giờ vào nên sau này mới gọi là đồng hồ thông minh cho thân thiện. Vì đeo 1 thiết bị điện tử có hình dáng hao hao cái đồng hồ mà lại không có tính năng hiển thị thời gian thì nghe cũng hơi ngu. Và theo sự phát triển của công nghệ, hàng tá tính năng khác đc tích hợp vào. Ở thời đại này, chắc chắn không ai sản xuất/mua 1 cái "đồng hồ thông minh" mà chỉ có duy nhất tính năng hiển thị giờ cả. Đám Casio ngon lành hơn nhiều. Thực tế thì tôi dám chắc chả ai mua cái đồng hồ thông minh chỉ với mục đích xem giờ. Và nếu mua 1 cái chỉ để phục vụ mục đích xem giờ, gần như không ai mua đồng hồ thông minh.

Nói ngắn gọn: mục đích sinh ra của đồng hồ thông minh không phải là để phục vụ việc xem giờ.

Còn đồng hồ cơ nó nằm ở 1 đẳng cấp, lãnh địa khác hoàn toàn. Ngoài tên gọi có chung từ "đồng hồ" ra thì nó chả có cái quái gì chung để mà phải so kè. Đám dân đen mua đc cái đồng hồ thông minh mà cứ nghĩ cao sang lắm, vênh mặt với đời, đi dè bỉu "người khác".
 
Bên trên