Chi phí của RAM và bộ nhớ trong các chiếc điện thoại thật sự là bao nhiêu?

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Ngày nay, những chiếc smartphone luôn có những tùy chọn bộ nhớ cao ngất ngưởng. Đi kèm với đó là mức giá cũng khá "chua chát". Một ví dụ điển hình là phiên bản S10+ 12GB RAM, 1TB bộ nhớ trong có mức giá lên đến 34 triệu đồng. Vậy chi phí thật sự của 2 phần bộ nhớ này là bao nhiêu mà khiến giá của một chiếc smartphone đội giá lên cao vậy?

samsung-lpddr5-drammain1-1552847324997785245966.jpg




Thường những biến thể cao cấp nhất của một chiếc smartphone chỉ nâng cấp duy nhất RAM và bộ nhớ trong. Các thông số kỹ thuật khác gần như không thay đổi. Tuy nhiên, mức chi phí người dùng phải trả cho phần bộ nhớ tăng thêm này dường như lại tăng theo cấp số nhân.

Lấy một ví dụ với Samsung Galaxy S10 Plus, phiên bản 6GB RAM/128GB bộ nhớ trong, có mức giá 23 triệu đồng; phiên bản 8GB RAM/512GB bộ nhớ trong lại có giá 29 triệu đồng (tính theo giá của TGDD) và 34 triệu đồng (tính theo giá của các cửa hàng xách tay do phiên bản này chưa được phân phối chính hãng) cho phiên bản cao cấp nhất 12GB RAM/1TB bộ nhớ trong.

Như những con số trên, mức chênh lệch giá giữa 6GB RAM/128GB và 8GB RAM/512GB bộ nhớ trong là 6 triệu đồng. Nói một cách khác, chúng ta phải chi thêm 6 triệu đồng để được bổ sung 2GB RAM và 384GB bộ nhớ trong. Con số này đã rất đắt, điều này cũng diễn ra khi phải thêm một mức xấp xỉ gần 6 triệu nữa (hoặc hơn đối với hàng chính hãng) khi "nhảy" từ bản 8GB RAM/512GB bộ nhớ trong lên 12GB RAM/1TB bộ nhớ trong.

Thông thường, bộ nhớ không phải là thành phần đắt nhất trong một chiếc smartphone mà chúng lại là bộ xử lý ứng dụng và màn hình. Dù vậy, chũng ta cũng phải hiểu rằng những bộ nhớ sử dụng công nghệ tiên tiến với mức dung lượng rất cao thường có giá rất đắt.

Bộ nhớ thường có mức giá bao nhiêu?

Định mức giá chính xác của bộ nhớ RAM và NAND Flash là một công việc không hề dễ chút nào bởi gần như không thể tìm thấy giá các thành phần cấu thành. Các rất nhiều dung lượng, công nghệ hay nhà sản xuất để lựa chọn, và chúng lại có mức giá hơi khác nhau. Đó là chưa kể đến việc Samsung và các OEM còn có khả năng đàm phán mức giá linh kiện giảm xuống rất nhiều so với những gì chúng ta tìm thấy trên mạng.

Dù vậy, Android Authority đã tìm được một hóa đơn tính tổng toàn bộ các linh kiện trên Samsung Galaxy S9 Plus và thấy rằng mức 6GB chỉ có giá 39 USD (có lẽ là vì nó được sản xuất bởi chính Samsung), trong khi đó, bộ nhớ flash UFS 64GB đến từ Toshiba cũng chỉ có 12 USD.

Bộ nhớ flash

Với những con số ở trên, chúng ta có thể suy luận mức giá của Samsung Galaxy S9 nếu có bộ nhớ tối đa 512GB và 1TB. Bỏ qua việc giá bộ nhớ flash đang giảm và tiết kiệm bằng cách tăng dung lượng, mức giá chênh lệch lần lượt sẽ rơi vào khoảng 2,2 triệu đồng cho 512GB và khoảng 4,5 triệu đồng cho 1TB. Chi phí thực thế có khả năng thấp hơn nếu chúng được sản xuất theo quy mô lớn. Các chuyên gia ước tính rằng bộ nhớ flash có giá khoảng 0,08 USD (2.000 đồng) cho mỗi GB trong năm nay.

RAM

Tương tự với RAM, chuyển từ 6GB lên 8GB RAM sẽ không tiêu tốn quá 33%. Điều này cho thấy rằng con chip LPDDR4 8GB sẽ chỉ có mức giá khoảng 1,2 triệu đồng và 1,8 triệu đồng cho 12GB.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, đây chỉ là những con số ước tính nên có thể không chính xác hoàn toàn. Dù vậy, nó vẫn cho chúng ta một cái nhìn thực tế hơn so với những con số giá chênh lệch như vậy, bởi chắc chắn, mức giá thực tế Samsung chi trả còn thấp hơn con số giả định này. Một điều nữa, giá DRAM trên toàn cầu hiện vẫn đang giảm do mức cung vượt xa mức cầu và nhu cầu của thị trường đang đứng sững lại.

Theo như phép ước tính trên, chúng ta có thể suy luận như sau:

- Giá RAM và bộ nhớ trong của phiên bản Galaxy S10 Plus 6GB/128GB rơi vào khoảng 1,4 triệu đồng.

- Giá RAM và bộ nhớ trong của phiên bản Galaxy S10 Plus 8GB/512GB rơi vào khoảng 3,4 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng so với phiên bản thấp hơn.

- Giá RAM và bộ nhớ trong của phiên bản Galaxy S10 Plus 12GB/1TB rơi vào khoảng 6,2 triệu đồng, cao hơn khoảng 2,8 triệu đồng so với phiên bản thấp hơn gần nhất.

Lưu ý rằng, những ước tính sơ bộ này chỉ tính riêng phần bộ nhớ mà không cộng thêm các chi phí phát triển khác như thiết lập driver hay những phần mềm khác có liên quan. Dù vậy, những nhà sản xuất smartphone phải sử dụng một mức tăng giá đáng kể cho việc sở hữu dung lượng lưu trữ lớn hơn.

Tại sao lại như vậy?

Có một điều chúng ta cần phải nói ở đây. Áp dụng một mức giá cao hơn cho những phiên bản cao cấp hoàn toàn là một điều bình thường và không chỉ trong ngành công nghiệm di động. Từ góc nhìn của người tiêu dùng, có vẻ như các nhà sản xuất đã quá tham lam. Nhưng nếu đặt mình vào một CEO của một công ty di động, bạn sẽ từ bỏ đi suy nghĩ như vậy.

Mức giá cao mà khách hàng phải trả cho phiên bản điện thoại cao cấp hơn có thể "hỗ trợ" cho những mẫu tiêu chuẩn vốn có mức lợi nhuận thấp hơn. Hơn nữa, các thành phần bộ nhớ là một trong số ít cơ hội để tăng giá bán sản phẩm cho công ty sản xuất điện thoại. Trong một thị trường cạnh tranh gay gắt như vậy, việc đưa ra các biến thể cao cấp, mạnh mẽ và đắt tiền có thể giúp các công ty cải thiện mức lợi nhuận của mình mà không hoàn toàn chấp nhận đánh đổi mức giá các sản phẩm khác dành cho những người có hầu bao ít hơn.

Thế nên, hoàn toàn dễ hiểu khi các nhà sản xuất tranh nhau tung ra các phiên bản có thông số cao hơn cũng như với mức giá đắt tiền hơn.

Theo Genk​
 
Bên trên