Chuyện vui làng văn nghệ

conghieu1978

Moderator
Sinh thời, nhà thơ Quang Dũng là người cao lớn, đẹp trai, lại còn “râu hùm, hàm én, mày ngài” rất oai phong, lẫm liệt. Thế nhưng ông lại là người hiền lành, có phần ngây thơ, chân thật. Bởi thế mà trong chiến tranh ông vướng phải một chuyện dở khóc dở cười.
Đó là những năm giặc Mĩ đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Một hôm, Quang Dũng đang đi lang thang ở vùng đồi Hà Sơn Bình, chủ yếu là để tìm cảm hứng cho thơ ca. Xã bên cạnh, bộ đội bắn rơi máy bay Mĩ, dân quân đang tổ chức truy lùng giặc lái nhảy dù xuống. Quang Dũng cao to như Tây, lại để cả ria mép và râu cằm nên dân quân tưởng nhầm là phi công Mĩ. Quang Dũng tha hồ phân bua rằng mình là một nhà thơ. Đội trưởng nghe “giặc lái” nói bằng tiếng Việt, hơi chần chừ. Nhưng đội phó gạt đi: Thiếu gì giặc lái biết tiếng Việt. Chắc ăn là ta cứ phải giải lên huyện! Quang Dũng bị trói, giải lên huyện thật. Khi đến cổng huyện, may gặp một đoàn nhà báo ở Trung ương. Mọi người ngạc nhiên chào anh và xúm vào hỏi lí do.

Quang Dũng tủm tỉm cười bảo: Họ tưởng mình là phi công Mĩ. Rồi ông đùa: Cao ta có lúc cũng có lợi, nhưng cũng có khi có hại các ông ạ.

(Theo tập "Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại" của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.)
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

Lục bát kiểu… Lê Văn Lựu

Cứ theo cái lẽ thông thường, con đường của nhà văn thường đi theo chu trình định trước. Lúc trẻ, khi lòng còn dễ rung động, một giọt sương mai, một chiếc lá rụng cũng đủ để tâm hồn run rẩy, họ chọn làm thơ. Tuổi tác cao hơn một chút, sự từng trải tăng lên và cảm xúc vơi dần, họ chuyển sang viết văn xuôi, vừa có đất chuyển tải suy ngẫm, vừa để che lấp cái sự chai lỳ xúc cảm.

Khi đã ở tuổi “không còn đẻ đái được”, họ chuyển sang làm phê bình hay nghiên cứu lý luận, nói như một nhà thơ là để “lườm nguýt” con cái thiên hạ. Thế nhưng nhiều năm ở gần Lê Lựu, tôi không thấy anh làm thơ bao giờ. Không, nói đúng hơn là có lần duy nhất, anh hứng chí làm một câu… sáu tám và đọc hẳn một bài thơ tình rất cảm động.
le%20luu,%20sua.jpg

Nhà văn Lê Lựu.
Dạo đó, nhà văn Lê Lựu rất neo tiền chứ không như bây giờ, ông Tổng giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Lê Lựu chắc giàu sụ rồi. Khi có tiền, chả thấy lão nhà nước đến thu. Khi không có tiền, lại thấy lão lò dò đến. Vả lại, cả nhà Lê Lựu luôn đi vắng nên đến nhiều lần không gặp, ông “vua” độc quyền này bèn cắt nước. Mất cái gì còn được chứ mất nước thì nguy cấp lắm. Thế là Lê Lựu gọi tôi chở anh đến nhà người em ở phố Đường Thành vay tiền về nộp. Đến nơi thu tiền nước, bộ dạng anh có vẻ hồi hộp lắm. Cái dáng đi tất bật giờ thêm vẻ lúng túng bỗng trở nên thất thểu. Nộp tiền nước xong, khuôn mặt anh trở lại vẻ tuế tóa. Anh chợt ứng khẩu đọc một câu lục bát: “Trong tay sẵn có đồng tiền/ Đến nộp tiền nước xong ngay… rồi về”. Tôi quay lại nhìn anh đầy sửng sốt: Giời ạ! “Nhà thơ” Lê… Văn Lựu mặt tươi rói: “Chú mày thấy thơ tao có kinh không? Mới, rất mới, rất hiện đại, rất cách tân…”. Rồi hình như để thưởng cho thành tựu “bất hủ” của mình, anh bảo: “Này, về bia cỏ Phùng Hưng làm mấy nhát, nhẩy”.

Bài thơ tình duy nhất

Lê Lựu rất thích bia hơi. Không ít lần có người mời đi nhà hàng sang trọng, Lê Lựu đều từ chối. Anh thích nhất ngồi uống bia với người bạn tri kỷ cùng quê là PGS. TS y khoa Lê Xuân Thục, và nơi anh hay ngồi nhất là quán bia thương binh dưới gầm cầu chui trên đường Phùng Hưng. Những cốc bia giá 1.500 đồng một cốc, bọt to như hạt ngô nhưng Lê Lựu rất khoái. Có lần tôi hỏi sao anh không uống bia chỗ khác, anh bảo: “Thôi, uống cho nó. Tay ấy vốn là thương binh, nghĩa là đồng đội của mình”.

Hôm đó vào quán, không biết vì hứng khởi hay vì món tiền vay còn dư dả mà anh gọi liền mấy móm nhắm. Anh còn đọc tôi nghe bài thơ tình rất hay. Tôi muốn chép bài thơ này nhưng không hiểu vì sao anh từ chối. Đó cũng là lần duy nhất tôi thấy Lê Lựu làm thơ và đọc thơ.

“Ăn” cái văn chương thì phải thôi “ăn” cái khác

Trong Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về Lê Lựu: “Đó là một tảng đá nguyên khối, xù xì của thiên nhiên hoang dã mà đời sống hiện đại đô thị và nền văn minh thế giới không thể đẽo gọt, cũng không thể tác động vào. Cái chất quê kiểng đặc sệt này là cái duyên riêng của Lê Lựu, cũng là cái Lê Lựu hơn người”. Không biết có phải vì cái chất quê kiểng ấy ám ảnh không mà như tôi biết, Lê Lựu không thích cái thứ “văn chương đô thị”. Đặc biệt, anh chúa ghét cái loại văn chương thơm thơm, ngòn ngọt và bóng loáng. Nó cũng như anh không thích pho mát, bít tết hay bơ sữa mà chỉ thèm đậu phụ, mắm tôm, nước ngô luộc hay canh cua, cà pháo. Lê Lựu không có (hoặc có cũng rất ít) tính ghen ghét đời thường. Nhiều lần, thấy người này, người kia “trúng quả văn chương”... ngoài văn chương, tôi xuýt xoa cho anh thì anh bảo “Mình đã ăn cái văn chương rồi thì phải thôi cái khác. Giời đâu có cho mình ăn nhiều thế mà tham. Làm gì có của”.

Bỏ văn chương cũng là một kiểu tự trọng

Gần đây, Lê Lựu làm Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân. Có lần tôi hỏi, sao bác lại quay sang làm cái này. Lê Lựu bảo: “Người mình lạ thật. Doanh nhân là những người tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm, còng lưng đóng thuế nuôi cả bộ máy công quyền. Họ cũng chính là người thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và góp phần làm vẻ vang đất nước. Thế mà có người cứ coi họ như cỏ rác, lọc lừa và vô văn hoá. Tớ làm là để bù lỗ cho doanh nhân”. Chính từ suy nghĩ ấy mà anh được nhiều doanh nghiệp đồng tình và hết lòng ủng hộ.

Chỉ có mấy năm, cơ ngơi của Giám đốc Lựu không ngừng mở mang. Trong giới bè bạn, anh em, có người bán tín bán nghi: “Cái nhà ông Lê Lựu kinh doanh thế quái nào được cơ chứ?”. Thế nhưng tôi thì tin bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, Lê Lựu thông minh, quyết đoán. Thứ hai, anh rất biết cách thuyết phục người khác và thứ ba, vô cùng quan trọng, đó là Lê Lựu không làm thì thôi, chứ đã làm ra làm. Say mê, cần mẫn, rốt ráo và lao tâm khổ tứ, đấy là mặt mạnh của anh nhưng cũng là bệnh giời đày. Có người tiếc cho một cây bút tài năng bỗng dưng rã gánh, chuyển nghề. Không ít người hy vọng nếu Lê Lựu tiếp tục con đường văn chương, thế nào chả có một hai tác phẩm còn hơn cả Thời xa vắng. Thế nhưng, Lê Lựu là người luôn biết mình. Anh đã đi đến cùng trên con đường văn chương, đã “ăn” đủ cái lộc khoa bảng giời đất cho mình. Có cố thêm nữa cũng chẳng được, hoặc có được thì cũng chẳng đáng là bao. Dại gì mà cố. Khi thấy mình viết bằng trước hay gần bằng trước, cách tốt nhất là thôi không viết nữa. Đó chính là sự tự trọng cần thiết của một người cầm bút dũng cảm và trung thực, ít nhất là với chính mình.
Bùi Hoàng Tám
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

Giai thoại vui về "thi sĩ say" Phùng Quán và Duy Khán

Những câu chuyện cười ra nước mắt, những giai thoại của hai cha đẻ hai tác phẩm nổi tiếng là "Tuổi thơ dữ dội" và "Tuổi thơ im lặng" có một điểm chung rất đặc biệt là chúng đều gắn với… rượu.

1264835143.img.jpg


Nhà văn Phùng Quán lúc sinh thời (người thứ hai từ bên trái sang, hàng đầu) cùng các bạn văn. (Ảnh: Tư liệu)​

Nhà thơ, nhà văn tài danh Phùng Quán thì được gắn cho biệt danh "Cá trộm, văn chui, rượu chịu", còn thi sĩ Duy Khán thì được cho là một người say… đáng yêu.

Biệt danh vui của Phùng Quán
Bộ tiểu thuyết 3 tập "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán sau khi được in năm 1988 đã gây tiếng vang lớn. Đến nay, nhiều người vẫn giữ nó làm cuốn sách gối đầu giường. Cuốn tiểu thuyết này không chỉ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mà còn được dựng thành phim và bộ phim này cũng được giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam.
Từ năm 22 tuổi (1954), ông đã viết nên bài thơ nổi tiếng "Hôn". Bài thơ này được các chàng trai, cô gái rất yêu thích và thường chép vào trong những lá thư tình nồng thắm gửi người yêu: "Trời đã sinh ra em/Để mà xinh mà đẹp/Trời đã sinh ra anh/Để yêu em tha thiết. Khi người ta yêu nhau/Hôn nhau trong say đắm/Còn anh, anh yêu em/Anh phải đi ra trận/ Yêu nhau ai không muốn/Gần nhau và hôn nhau/Nhưng anh, anh không muốn/Hôn em trong tủi sầu...".

Khi rời khỏi quân đội, vợ làm giáo viên, gia cảnh Phùng Quán lúc ấy rất nghèo. Cái tích "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, nhà ông ở cạnh hồ Tây nên ông thường câu trộm cá ở đấy để thêm vào những bữa ăn gia đình. Phùng Quán lại hay rượu, là con nợ kinh niên của nhiều chủ quán rượu quanh hồ. Ông kể có một lần, có chàng thủy thủ tàu viễn dương đến nhà "tán" cô con gái rượu xinh đẹp của ông, đã để lại biếu ông một nửa gói thuốc ba số 5, ông đã phải mang ra quán đổi lấy... rượu uống được mấy ngày liền.
Nhà thơ Duy Khán tên thật là Nguyễn Duy Khán. Quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Trận mới (năm 1972); Tuổi thơ im lặng (năm 1986); Tâm sự người ra đi (năm 1987). Ông sinh năm 1934, mất năm 1993.

Trong một cuộc thi viết về Lê Nin do Đại sứ quán Liên Xô (cũ) tổ chức, Phùng Quán liền gửi bài dự thi và được giải. Giải thưởng là một chiếc xe đạp Liên Xô, vành to, hồi đó thường gọi là "xe trâu". Chiếc "xe trâu" ấy được Phùng Quán đi cho đến cuối đời.

Không chỉ nổi danh bởi những bài thơ, tiểu thuyết để đời như Tuổi thơ dữ dội, Hôn, Vượt Côn đảo... và những giai thoại xung quanh biệt danh "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" mà Phùng Quán còn "để đời" với giai thoại về vợ. Vợ của nhà văn Phùng Quán là bà Bội Trâm, là giáo viên trường Chu Văn An. Hồi Phùng Quán vào Huế viết tập 3 cuốn tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" nhiều tháng liền không gửi thư về nhà, bà Bội Trâm nhớ chồng quá liền viết thư gửi vào Huế nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tìm giúp. Nhưng lúc ấy Phùng Quán đã du xuân vào tận TP.Hồ Chí Minh vài tháng sau mới trở ra Huế. Sau khi đọc bài thơ của vợ gửi: "Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ/ Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ/ Bao giờ điếu lại reo êm ái/ Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ" thì Phùng Quán bỗng tủm tỉm cười rồi nhờ Nguyễn Trọng Tạo chở ra ga Huế, lên tàu về Hà Nội.
thoai.jpg

Nhà văn Phùng Quán thời kỳ viết bài thơ "Hôn".​

Duy Khán say ngã hoá... thơ!

Có thể nói "Tuổi thơ im lặng" là tinh hoa trong cuộc đời sáng tác của Duy Khán. Cuốn sách dày chưa đến 200 trang với mấy chục mẩu truyện ngắn nhưng truyện nào cũng cảm động. Ông viết về núi Dạm ở Quế Võ, Bắc Ninh quê ông, về bố, về mẹ, về chú bác, cô dì, về những bạn bè thân thuộc thuở ấu thơ mà như mê đi, như trở lại với tuổi thơ xa lắc. Ông cũng có những bài thơ để đời như bài "Trao lời qua gió": "Từ lâu quen với xa xôi/ Một lời giáp mặt, nghìn lời trên thơ/ Những lời một thực mười mơ/ Nối lời như nối bến bờ không xa/ Ở đây nắng hắt qua nhà/ Thất thường mưa gió như là tính anh/ Đã xanh, trời tuyệt là xanh/ Đã mây, mây kín đọng thành mưa rơi/ Mưa tràn chín chục ngày trời/ Thừa nơi tắm mát, thiếu nơi ăn nằm/ Mùa mưa nay đã đến gần /Nhớ ngày mưa ấy bàn chân ngập bùn/ Tiễn anh ra tận đầu thôn/ Trắng trời, trắng đất em còn ngó trông/ Mới hay có lửa trong lòng/ Nên êm ngày lạnh, nên nồng ngày mưa/ Mùa này nắng bỏng ban trưa/Áo anh bạc trắng nhoè ra màu vàng/Bỏng rồi cát lại đem rang...".

Thi sĩ Duy Khán cũng có những câu thơ thật sâu sắc mà ông sáng tác trong lúc... say. Dường như ông là nhà thơ được gắn với rượu nhiều nhất, người ta coi ông là thi sĩ say đáng yêu nhất nước. Theo lời kể của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, vào một đêm khuya, sau chầu rượu ở quán cóc, Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đưa Duy Khán đi bộ về nhà. Duy Khán lúc ấy đã say lắm rồi, bước chân xiêu vẹo nhưng vẫn nhất định không cho hai bạn thơ dìu. Ông luôn miệng nói: "Anh còn tỉnh lắm". Đang loạng choạng bước đi, Duy Khán bỗng nhiên ngã quị xuống, chống tay xuống đất. Hai nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo vội chạy đến đỡ Duy Khán dậy, nhưng anh xua tay nói: "Không sao, không sao cả", rồi anh xuất khẩu đọc liền một câu thơ để đời: "Ngã xuống rồi, em ơi, vẫn đất". Đó là câu thơ vừa hồn nhiên ngây thơ, vừa là một niềm tin vào đất đai muôn thuở.
thoai2.jpg

Nhà thơ Duy Khán
Trong một lần khác, Duy Khán cùng Phan Lạc Hoa, Nguyễn Trọng Tạo ghé nhà nhạc sĩ Phan Long uống rượu đêm. Khi cuộc nhậu đang vui thì Duy Khán đòi đứng dậy đi vệ sinh. Đợi mãi không thấy Duy Khán vào, Nguyễn Trọng Tạo liền chạy ra tìm. Thấy bạn đang đứng trong tư thế..., Nguyễn Trọng Tạo liền hỏi: "Sao lâu thế, vào uống tiếp chứ anh?". Duy Khán đáp: "Chưa xong đâu, cậu không nghe đang róc rách đấy à". Nguyễn Trọng Tạo ngạc nhiên liền ngó nghiêng thì phát hiện ra cái vòi nước cạnh đấy chảy róc rách, liền vặn vòi nước lại. Lúc ấy, Duy Khán mới bảo: "Xong rồi, anh vào ngay đây". Thì ra, chính cái vòi nước "tè" suốt bấy lâu chứ không phải nhà thơ Duy Khán.
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

VỢ PHÙNG QUÁN LÀM THƠ GỌI CHỒNG
phungquan.JPG

Nhà thơ Phùng Quán
Tranh Đinh Quang Tỉnh​
Những năm cuối thập kỷ 80 (tk XX), Phùng Quán từ Hà Nội vào Huế viết tiếp tập cuối tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”. Vợ ông ở lại một mình với căn nhà trống trải, vắng vẻ. Bà muốn nhắn tin cho chồng về nhưng ngại, nên đã gửi qua nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo một bức thư kèm theo bài thơ tứ tuyệt nhờ chuyển cho Phùng Quán:
Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ
Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ
Bao giờ điếu lại reo êm ái
Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ.
Đọc xong bài thơ của Bội Trâm, Phùng Quán liền khăn gói quả mướp, nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chở ra ga Huế về Hà Nội tức tốc chỉ trong một đêm.
Nhưng có điều, Phùng Quán về Huế chơi mà vẫn hoàn thành được tập ba Bộ tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” xuất bản năm 1987 thì năm 1989 được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và sau này được dựng thành phim.
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

NHÀ THƠ …BÉO
xuandieuhuycan.jpg
Hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận cùng đi bình thơ tại một trường cấp III ở Vĩnh Phú. Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu:
- Hôm nay chúng ta rất vinh dự được đón hai nhà thơ lớn của dân tộc…Nhà thơ Huy Cận liền đứng dậy phát biểu vui:
- Tôi không dám nhận tôi là nhà thơ lớn. Anh Xuân Diệu là nhà thơ… lớn, còn tôi là nhà thơ… béo (Một ông gros, một ông gras).
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

TRẦN ĐĂNG KHOA CÓ 2 VỢ
vtc_40916_Giadinh_TranDangKhoa.jpg
Khi làm thủ tục nhập học trường viết văn Gorki, nhà thơ Trần Đăng Khoa phải làm một bản tự khai lý lịch. Đến phần cuối có hai câu hỏi:
- Sang Liên Xô lần thứ mấy?- Đã có vợ chưa…Lúc ấy, nhà thơ đã sang Liên Xô hai lần và vẫn là trai chưa vợ; Có lẽ do đãng trí nên Trần Đăng Khoa đã “điền” nhầm nội dung vào mục trong tờ khai lý lịch đã in sẵn:
- Sang Liên Xô: 0
- Đã có vợ chưa: 2
Điều này làm cho cán bộ nhà trường hiểu lầm rằng nhà thơ trẻ Việt Nam Trần Đăng Khoa quá “tài tình”. Cũng từ đó tin "loang" ra: Rằng nhà thơ Trần Đăng Khoa có những 2 vợ!
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

VÌ SAO HỌA SỸ THÀNH CHƯƠNG TÊN LÀ “CHƯƠNG”
kimlan.JPG

Nhà văn Kim Lân
Tranh Đinh Quang Tỉnh​
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Kim Lân sống ở Hà Bắc và đang viết cuốn “Xóm ngụ cư” thì vợ ông mang bầu. Viết hết chương IV thì kháng chiến lan rộng, ông phải ngưng viết.
Một thời gian ngắn sau, ông bắt đầu viết tiếp nhưng mà khi đặt bút viết được chữ chương V thì vợ đẻ phải ngưng viết. Ông bèn đặt tên cho cậu con trai tên là Chương
Và đó là họa sĩ Thành Chương. Nếu không ngưng ở chương V thì có lẽ ông Thành Chương sẽ là Thành… gì thì chẳng ai biết.
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

XUÂN HOÀNG QUÊN CON
xuanhoang.jpg
Nhà thơ Xuân Hoàng đưa con đến bệnh viện khám bệnh. Khi cháu vào phòng khám rồi, anh lững thững tản bộ trước sân. Bất chợt có người bạn đi qua trông thấy, rủ anh nhảy lên xe đạp về nhà mình uống rượu đọc thơ, anh đi liền.
Tàn bữa rượu, ra về đã quá trưa, Xuân Hoàng thấy mình quên quên một cái gì. Thò tay vào túi thấy chìa khóa xe, anh nhớ mình để xe ở bệnh viện.
Đến bệnh viện, anh thản nhiên lấy xe đạp về nhà. Thấy vợ ở nhà, anh nghĩ: “Sao bà ấy về sớm nhỉ?”.
Bà vợ thấy anh về, liền hỏi:
- Con đâu? Anh đưa nó đi khám bệnh cơ mà? Xuân Hoàng chợt tỉnh:
- Ồ nhỉ! Chết cha. Có ông bạn rủ đi đọc thơ, thế là quên biến
Trở lại bệnh viện không thấy con đâu, anh hốt hoảng đạp xe đi khắp thị xã tìm con, chiều mới về.
Đến nhà, thấy con đang nằm ngủ. Thì ra khám bệnh xong, không thấy bố, nó đã khôn ngoan nhờ bác sĩ gọi điện cho mẹ ở Tỉnh hội Phụ nữ sang đón.
Bà vợ giấu kín việc này để cho ông chồng đãng trí một bài học.
BTV.Vũ Thanh Nhàn
Theo nguồn nguyentrongtao.org
 

conghieu1978

Moderator
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

Ba bác chung nhau một cái "đồ" (1)

Khi đó ở phố Hàng Thao Thành Nam có một cô đào tên Mầu (2) đã nhan sắc lại có tài thơ phú.

Ba ông: cử Thăng, huấn Mỹ, tú Tây Hồ (3) đều mê. Nhưng ông nào cũng muốn ăn mảnh, và ông nào cũng được cô Mầu chiều chuộng, có "quà tặng" riêng, cho nên ông nào cũng hí hửng là của riêng mình và đều khoe riêng với Tú Xương, vì cả ba ông đều là bạn chơi của nhà thơ.

Một hôm ngẫu nhiên cả ba người gặp nhau, lại nhân ngày xuân nên cao hứng bèn rủ nhau đi chụp chung một bức ảnh. Khi nhận được ảnh, người thì chê ảnh to, người thì chê nhỏ. Đang bình phẩm sôi nổi thì Tú Xương đến. Các ông bèn đem bức ảnh ra khoe và lại tranh nhau đưa nhận xét "to, nhỏ" của mình. Tú Xương cầm ảnh, nghe mọi người nói mà lại buồn cười cho "mảnh tình" chung đụng của ba ông.

Tiếp đó họ lại nhờ Tú Xương cho mấy câu đề ảnh. Được dịp đùa cả ba ông bạn cùng mắc hợm mà không biết, Tú Xương cầm bút đề luôn ngay đằng sau ảnh:

Cử Thăng, Huấn Mỹ, Tú Tây Hồ
Ba bác chung nhau một cái "đồ"
Mới biết trời cho sum họp mặt
Thôi đừng chê nhỏ với cười to.
 

conghieu1978

Moderator
Tú Xương làm thịt cầy bát món

TP - Thi sĩ họ Chu không thể kìm hãm sự thèm muốn được nữa, ông thò đũa gắp lên một miếng thưởng thức, rồi khen lấy khen để.
ImageView.ashx

Minh họa: Lê Cường​
...Cho hay công nợ âu là thế.
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm...
Trong bài thơ Tự cười mình, Tú Xương đã “tự thú” về mình như thế. Con mụ ở đây là người vợ tảo tần của Tú Xương. Ông bà Tú sinh hạ được 5 người con.
Trước một bà vợ đảm lược, tự nguyện gánh cái trọng trách “nhạc trưởng” trong cái dàn - nhạc- gia - đình ở phố Hàng Nâu ấy, bà còn nâng giấc chăm sóc ông Tú với tấm tình chan chứa đức hy sinh nên đôi khi ông có cảm giác mình như một đứa con ngoại biệt của bà. Chẳng thế mà khi bà hãy còn đang sống sờ sờ mà ông đã viết hẳn một bài thơ dài “tế sống” bà.
Có điều, ông Tú trào lộng tự chê bai mình như thế, chứ trong đời sống thực, ông không phải hạng quá ư vụng về! Trái lại, khi cần trổ tài làm món ẩm thực, ông đâu có kém cạnh ai?
Chẳng hạn như tài chế biến món thịt chó của ông, có ngon đến mức “tuyệt cú mèo” hay không chưa cần bàn, nhưng cái phong vị văn hóa của nó thì có dư có thừa.
Một lần tiến sĩ - thi sĩ Chu Mạnh Trinh, quan Án sát tỉnh Hưng Yên ghé sang Nam Định thăm ông bạn là Cử Cẩm. Cử Cẩm có tên thật là Nguyễn Kỳ Nam, nhà ở phố Khách (phố Hoàng Văn Thụ bây giờ).
Từ phố Khách sang phố Hàng Nâu của Tú Xương chỉ đi qua một hai con phố ngắn. Cử Cẩm là chỗ thân quen, hay ngao du thơ phú với Tú Xương. Hôm Chu Mạnh Trinh đến, Cử Cẩm cho người tìm Tú Xương đến nhà với nhã ý muốn giới thiệu Tú Xương với ông quan Án sát - nhà thơ có bằng cấp tiến sĩ, đồng thời Cử Cẩm còn muốn nhờ Tú Xương làm thịt con chó đãi bạn. Cử Cẩm biết, làm món gì không thạo chứ món thịt chó thì Tú Xương rất có “năng khiếu”.
Tú Xương và Chu Mạnh Trinh dù khác nhau về phẩm hàm trong xã hội, nhưng thơ phú và danh tiếng của nhau thì họ cũng đã tường, cho dù chưa một lần diện kiến. Vì thế, gặp nhau là họ chuyện trò giao cảm được ngay.
Sau mấy câu chuyện ban đầu, Tú Xương tạm cáo lỗi tiến sĩ - thi sĩ họ Chu xuống bếp giúp Cử Cẩm làm món thịt chó. Tú Xương xắn tay làm rất hăng hái. Sắp một mâm thịnh soạn, Tú Xương bảo người giúp việc bưng lên đặt giữa sập gụ mời khách.
Khi Cử Cẩm, Chu Mạnh Trinh và Tú Xương đã ngồi lên sập quanh mâm cỗ, sau mấy lời mào đầu trịnh trọng của Cử Cẩm, Tú Xương mới có lời thưa gửi với tiến sĩ - thi sĩ họ Chu:
- Chẳng mấy khi quan bác quá bộ sang thăm đất Vị Xuyên, được sự ủy thác của bác Cử đây, đệ xin được làm bữa tiệc Bát tiên hội pháp tiếp quan bác.
Chu Mạnh Trinh còn chưa kịp hiểu cái món Bát tiên hội pháp bao hàm nghĩa lý gì, Tú Xương đã chỉ tay về phía bát tiết canh:
- Món này, đệ xin đặt tên là Hồng Hạnh tiên cô.
Tú Xương chỉ tiếp sang món thịt chó luộc, nói:
- Còn đây là món Nguyên thủy Thiên tôn.
Tú Xương chỉ tay sang món dồi:
- Món này: Đoạn tràng hội chủ.
Rồi lại chỉ về phía cái bát rất to đựng đầy nước xáo:
- Còn đây, đích thị món Nam Hải Long Vương.
Lúc này Chu Mạnh Trinh mới vỡ nhẽ: thì ra Tú Xương mượn tên các nhân vật, các vị tiên trong những truyện thần thoại và tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Hoa để đặt tên cho từng món, mà xem ra rất hợp lý.
Chu Mạnh Trinh gật gù tỏ ra rất khoái trá. Được ông quan Án sát khích lệ, Tú Xương càng thêm hứng khởi, chỉ tay vào món chả nướng, giới thiệu có vẻ “văn chương” hơn:
- Món này: Na Tra thái tử trong truyện Phong thần...
Chỉ tay vào món tái:
- Món này: Mạnh Lệ Quân trong Tái sanh duyên...
Chỉ tay sang món nhựa mận thơm lừng những riềng mẻ cùng với mắm tôm:
- Món này: Thác tháp Thiên vương lý tình!
Chu Mạnh Trinh cười ngất lên, nói:
- Bác giải nghĩa kỹ thêm nghe nào?
Tú Xương nói:
- Thì chữ lý còn nghĩa nữa là chữ mận, quan bác không thấy sao?
Chu Mạnh Trinh gật gật đầu thụ lý. Nhưng còn món cuối cùng, hấp dẫn nhất, quan Án sát muốn biết ngay, thì Tú Xương bảo:
- Đây là món mà đệ đã trổ hết khả năng và kinh nghiệm nấu nướng, để lát nữa quan bác nhắm và cho nhời bình phẩm. Nó là món nầm chó ướp với tam thần liệu, tức là riềng, mẻ, mắm tôm. Riềng thì không được dùng củ như nấu nhựa mận mà chỉ lấy lá.
Thịt nầm sau khi ướp với mẻ, mắm tôm thì dùng lá riềng gói kín như một cái bọc, cho vào nồi đất, đậy vung, lấy đất thịt ướt nặn cho dẻo trát bên ngoài, dùng trấu đốt. Đốt cho đến khi nào tỏa ra mùi thơm cuốn hút khiến ta thèm rỏ dãi là được. Món này có tên là Thái thượng luyện đan đấy, thưa quan bác!
Nghe lời giới thiệu như thế, tiến sĩ - thi sĩ họ Chu không thể kìm hãm sự thèm muốn được nữa, ông thò đũa gắp lên một miếng thưởng thức, rồi khen lấy khen để.
Sau đó thì Cử Cẩm cùng với tiến sĩ - thi sĩ họ Chu gắp thử khắp các món, và món nào hai quan bác cũng khen rằng ngon thật là ngon. Không nghi ngờ gì nữa, rõ ràng ông Tú Vị Xuyên rất có năng khiếu về ẩm thực. Họ khen vậy. Cuộc vui cứ thế mà thăng hoa.
Khi rượu và thịt chó làm họ ngà ngà, Chu Mạnh Trinh nói:
- Xưa nay tôi chỉ mới biết đến thơ của bác Tú Vị Xuyên. Tài thơ của bác quả thật là bậc nhất thiên hạ. Hôm nay tôi về đây không ngờ còn biết thêm cái tài chế tác món ẩm thực của bác; mỗi món bác lại đặt cho một cái tên chứa tích truyện rất tài tình, khiến chúng tôi ăn ngon hơn cái vị ngon thực của từng món. Chỉ tiếc rằng con đường khoa cử của bác nó còn lận đận quá...
Chu Mạnh Trinh nói thế là thực bụng, nhưng trong cái giọng nói ấy vẫn có cái hơi hướng kẻ cả, trịch thượng, kỳ thị của kẻ sính bằng cấp, phẩm trật. Tú Xương cười rất hóm, thưa lại:
- Quan bác dạy chí phải. Thưa các quan bác, bác Án đây (chỉ Chu Mạnh Trinh) thì tiền vi sư, bác Cử đây (chỉ Cử Cẩm) thì đạt vi sư, còn đệ đây chỉ ở hạng hữu dư vi đồ tể thôi đấy ạ!
Nghe Tú Xương nói đến đó, Chu Mạnh Trinh mới giật mình ngộ ra một điều rằng, không thể nói năng vô tình mà lỡ để ý tứ khinh xuất con người chỉ có cái bằng tú tài này được, bởi ông quan án đã nhận ra, Tú Xương đã mỉa mai mình bằng lối chơi chữ rất thâm thúy: hữu dư vi đồ tể nghĩa là có tôi làm nghề đồ tể, nhưng còn một nghĩa khác, nếu chữ dư viết theo mẫu tự khác thì lại hàm nghĩa có tài hơn mà phải làm đồ tể.
Có thể cảm nhận trong món đòn chữ nghĩa này của ông Tú: dù có thi đỗ làm quan đã vị tất tài năng hơn ai, có khi chỉ là sự may rủi mà thôi...
Tài liệu tham khảo:
- Tú Xương giai thoại, do các ông Nguyễn Văn Huyền, Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn sưu tầm, biên soạn, Hội VHNT Hà Nam Ninh xuất bản, 1988.
- Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại.
Cổ Nhuế - Hà Nội, mùa đông 2009
Lê Hoài Nam
 

conghieu1978

Moderator
Thơ nịnh vợ

Một hôm, nghe một người bạn thơ đến ta thán về bà... nội tướng của mình, thi sĩ Vương Trọng cười và làm hộ bạn bài thơ tặng vợ. Thơ rằng:
Trong nhà gì đẹp bằng em
Mắt xanh, môi đỏ, lại thêm răng vàng
Răng vàng, môi đỏ, mắt xanh
Gần chồng mà chẳng... hôi tanh mùi chồng.

Bạn thơ nọ khoái lắm bèn xin ngay về chép lại để tặng “bà chủ”. Ít ngày sau nghe đồn vợ chồng nhà nọ hòa thuận lắm.
 

conghieu1978

Moderator
Nghe sách báo nói thế!

Nhà văn Nguyễn Công Hoan được mời đến giảng về truyện ngắn cho lớp viết văn trẻ khóa 4 trường Nguyễn Du.
Ông nói:

- Truyện ngắn sau Cách mạng tháng 8 hay hơn truyện ngắn thời trước rất nhiều. Truyện ngắn càng ngày càng hay...

Một học viên giơ tay hỏi:

- Thưa bác, bác có thể nêu một tác giả tiêu biểu và một truyện ngắn hay sau Cách mạng không ạ?

Nguyễn Công Hoan cười to:

- Tôi có đọc truyện nào đâu mà nêu?

- Sao vừa rồi, bác lại nói thế ạ?

Nguyễn Công Hoan thản nhiên:

- Thì tôi nghe sách báo nói thế, tôi cũng nói thế!

Cả lớp học cười ồ.
 

conghieu1978

Moderator
Anh ấy chờ trong nhà

Hồi còn trẻ ở Huế, nhà thơ Thanh Tịnh hay đi hát cô đầu. Đi hát cô đầu nhưng giấu vợ, nói dối là đi thư viện hoặc đi nghe diễn thuyết. Thấy bà vợ chưa tin hẳn, ông bèn nghĩ ra một cái mẹo.

Biết vợ ông rất tin ông anh ruột của mình, Thanh Tịnh đến rủ ông anh cùng đi nghe diễn thuyết. Về đến trước nhà, Thanh Tịnh bày ra một vấn đề để hai anh em tranh cãi. Bà vợ ông thấy hai anh em tranh luận, bèn khuyên cả hai về nhà nghỉ.

Sau hôm ấy, Thanh Tịnh toàn đi một mình, tất nhiên là đi hát cô đầu. Thỉnh thoảng về đến trước cổng lại dừng lại, giả vờ như đang tranh luận cùng với ông anh. Thanh Tịnh bắt chước tiếng ông anh vợ giống đến mức bà vợ tin như sấm.

Ba tháng... bốn tháng trót lọt. Một đêm, quãng mười một giờ, ông vừa về hăng hái độc tấu trước cổng thì bà vợ chạy ra nắm áo kéo vào:

- Thôi vô đi, sương lạnh. Anh ấy đến từ bảy rưỡi tối đang chờ anh trong nhà kìa!
 

symphony

Well-Known Member
Ðề: Chuyện vui làng văn nghệ

Em có cuốn "Dí dỏm đời văn" cũng có mấy truyện theo kiểu thịt chó hay lắm! Tiếc là thằng bạn đang mượn, mà thằng cha này đã mượn đồ thì ít khi trả lại ^^

Để bữa nào đòi lại góp vui cùng bác :D
 

conghieu1978

Moderator
Vai quan trọng

Trong một tiệc rượu, nhà văn Nguyên Hồng đồng ý giao toàn quyền cho Nghiêm Đa Văn chuyển Bỉ vỏ thành tác phẩm điện ảnh. Trong phút hào hứng, nhà văn giơ cả hai tay lên trời, đòi:
- Tao xin một chân trong đó...

Anh em xúm vào hỏi:

- Bố định đóng vai gì đây?

Nguyên Hồng trả lời như đã chuẩn bị sẵn:

- Tao... tao làm vai đao phủ!
 

conghieu1978

Moderator
Thằng tù biên giới

Năm 1951, trong chiến dịch Cao Bắc Lạng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có viết một phóng sự gửi cho báo Vệ Quốc Đoàn. Bỗng dưng ông đọc được số báo Vệ Quốc Đoàn có đăng phóng sự “Thằng tù biên giới” của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Ông rất ngỡ ngàng vì không có viết bài phóng sự nào với tựa đề như thế.
Sau khi đọc hết bài phóng sự, nhà văn mới vỡ lẽ và cười bò ra. Té ra báo đã in nhầm cái tít bài phóng sự của ông: “Thắng từ biên giới” thành ra: “Thằng tù biên giới”.

Nhận xét hóm hỉnh

Lúc làm viện trưởng Viện Văn học, nhà văn Hoài Thanh phân công cho một cán bộ trong Viện làm báo cáo về tình hình văn học của năm qua.

Sau khi đọc bản báo cáo mấy chục trang của cán bộ ấy nộp, Hoài Thanh nhận xét:

- Bài viết của anh có nhiều điểm đúng và nhiều điểm mới. Nhưng... những điểm đúng thì nhiều người đã nói, còn những điểm mới thì lại... sai.
 

conghieu1978

Moderator
Để có đất trồng húng

Ông bạn tâm giao Lư­ơng Ngọc Tùng, một ngư­ời rất hâm mộ Tản Đà và rất hào phóng, thấy Tản Đà nghèo, nhã ý mời ông đem gia quyến về ở với mình cốt để khỏi lo phần sinh kế, đem hết tâm sức phụng sự cho nghệ thuật.

Ông này là một nhà doanh nghiệp lớn. Dinh cơ nhà ông xây kiểu tối tân, sân s­ướng lát toàn gạch.

Một hôm, ông ta đi đâu về, ngạc nhiên hết sức khi thấy thi sĩ Tản Đà xoay trần cầm cuốc phá một khoảng sân gạch, ông hỏi, thi sĩ gắt:

- Sân sư­ớng gì lại lát gạch kín mít chẳng chừa một khoảng đất nào để cấy ít cây húng láng phòng khi cần đến chứ? Ăn uống thiếu rau cỏ, nhiều khi rất bực, chén rư­ợu nào cũng cứ nhạt phèo.

Ông chủ mỉm c­ười, dễ dãi gật đầu rồi cũng xắn tay áo giúp nhà thơ một tay.
 

conghieu1978

Moderator
Cùn râu

Đêm khuya, lúc đem tiếp rượu cho bố, anh con trai của nhà thơ Tản Đà nghe bố đọc sang sảng: “Thức thâu đêm mỏi mắt phờ râu”.

Cậu bèn mạnh dạn thưa:

- Con nghĩ bố viết thế là sai rồi.

- Thằng này láo! Sai là sai thế nào?

- Bố có râu đâu mà phờ râu?

- Ừ nhỉ. Vậy ta chữa lại thế này “Thức thâu đêm mỏi mắt cùn râu”, đã được chưa?
 
Bên trên