Dịch vụ 5G thương mại của Trung Quốc rẻ và quy mô đến thế nào?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Dù chính thức triển khai thương mại sau một số nước phát triển trên thế giới nhưng mạng 5G của Trung Quốc đang thể hiện sự vượt trội tất cả ở quy mô và giá thành dịch vụ.

Mạng 5G thương mại đầu tiên của Trung Quốc được ra mắt ngày 1/11 bởi 3 nhà mạng lớn gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom. Trong đó China Mobile cung cấp gói cước có giá rẻ nhất, chỉ 128 Nhân dân tệ (khoảng 18USD) cho 30GB dữ liệu mỗi tháng.

Thực tế, Trung Quốc đi sau khá nhiều quốc gia phát triển trong việc triển khai 5G bản thương mại. Tuy vậy ở các nước khác như Mỹ hay Hàn Quốc, mạng này chỉ được triển khai ở một số khu vực nhất định với quy mô nhỏ. Còn tại Trung Quốc, 5G được triển khai rộng khắp ở 50 thành phố lớn bao gồm cả Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến... Riêng tại Thượng Hải, gần 12.000 trạm gốc 5G đã được kích hoạt để hỗ trợ phủ sóng 5G trên các khu vực của thành phố. Các chuyên gia trong ngành viễn thông đánh giá, mạng lưới 5G thương mại hiện tại của Trung Quốc là lớn nhất thế giới và mang lại ảnh hưởng với sự phát triển công nghệ toàn cầu.

2005797.jpg


Nhà phân tích Chris Lane sau một thời gian nghiên cứu cho biết rất ấn tượng với mạng lưới 5G thương mại của Trung Quốc. Ông cho rằng quy mô mạng lưới và giá dịch vụ 5G có tác động then chốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc Trung Quốc có hệ thống 5G rất lớn khiến nước này tạo được lợi thế cạnh tranh thậm chí tác động đến các yếu tố then chốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng trong nước lẫn các quốc gia khác trong tương lai gần.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đến năm 2020 sẽ có khoảng 7% dân số Trung Quốc (110 triệu người) sử dụng 5G, vào năm 2025 con số này sẽ vượt mốc 600 triệu người. Nhiều báo cáo cho rằng Trung Quốc đã chi tới 217 tỷ USD cho phát triển 5G và hiện tại nước này đang có 86.000 trạm gốc 5G.

Ngoài việc có độ phủ sóng rộng khắp, giá thành thấp cũng là một ưu điểm của mạng lưới 5G ở Trung Quốc. Giá gói cước rẻ nhất cho 30Gb 5G của Trung Quốc như đã nói thuộc về nhà mạng China Mobile giá 18 USD (khoảng 400 nghìn đồng) với tốc độ 300Mbps. Trong khi đó, các nhà mạng China Unicom hay China Telecom cung cấp gói cước với tốc độ 300Mbps ở giá 34 USD (hơn 700 nghìn đồng). Tốc độ này chưa đạt được như quảng cáo 1Gbps nhưng cũng ngang bằng hoặc hơn với tốc độ 5G trung bình hiện nay ở các quốc gia phát triển khác.

Trong khi đó, tại Mỹ nhà mạng Sprint cung cấp gói cước 5G rẻ nhất giá 80 USD, Verizon cung cấp 5G không giới hạn dữ liệu ở giá 85 USD, AT&T là 90 USD còn T-Mobile là 30 USD. Tuy vậy, mạng 5G của T-Mobile chưa phủ sóng rộng và nhiều người đánh giá là không ổn định.

2005800.jpg


Tại Hàn Quốc, nhà mạng lớn nhất là SK Telecom cung cấp 5G gói rẻ nhất với 8GB dung lượng với giá gần 50 USD. Trong khi đó, nhà mạng LG U+ cung cấp gói cước 5G rẻ nhất với 9GB dung lượng cũng với giá gần 50 USD.

Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đi sau các quốc gia khác trong việc phát triển mạng 5G bản thương mại nhưng có giá thành hấp dẫn và quy mô rất lớn. Không chỉ vậy, 3 nhà mạng China Mobile, China Telecom và China Unicom còn hợp tác với nhau để chia sẻ hạ tầng nhằm tăng tốc độ triển khai cũng như tiết kiệm chi phí khiến cho độ phủ sóng 5G tại Trung Quốc lại càng rộng lớn hơn.

Huawei với vai trò là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, một trong những thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai mạng 5G thương mại ở Trung Quốc. Công ty có trụ sở ở Thâm Quyến làm việc với cả 3 nhà mạng China Mobile, China Telecom và China Unicom. Trong đó, China Mobile - nhà cung cấp internet di động lớn nhất Trung Quốc trao gần một nửa số hợp đồng cung cấp thiết bị 5G cho Huawei. Phần còn lại thuộc về Ericsson, Nokia và ZTE.

Song song với việc bán thiết bị viễn thông, Huawei cũng tập trung vào mảng điện thoại 5G với nhiều sản phẩm mới ra mắt. Cùng với đó, một số hãng điện thoại khác như Vivo, Xiaomi hay Oppo cũng chạy đua để cho ra mắt những sản phẩm hỗ trợ mạng di động tốc độ cao ở Trung Quốc.

Theo Vn review​
 

Shangri-La

Well-Known Member
Hiện tại vẫn còn quan điểm chưa đánh giá tác động của sóng 5G đến sức khỏe con người, vì vậy sự thận trọng là điều cần thiết, triển khai ồ ạt như Trung Quốc chưa phải là hay ho để khoe khoang, hay chỉ nhằm mục đích gây nên cảm giác tiếc nuối của nhiều nước khi họ loại bỏ Huawei.
 
Bên trên