Hết nguồn chip dự trữ, các nhà sản xuất smartphone tiếp tục đau đầu với vấn đề thiếu chip

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Theo giới thạo tin, sự thiếu hụt bán dẫn trên toàn cầu đã bắt đầu tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp smartphone. Hoạt động giao hàng đang chậm lại và người mua lần đầu tiên chứng kiến tình trạng giá điện thoại tăng cao sau nhiều năm. Một số nhà sản xuất đã phải cắt giảm sản lượng và trì hoãn việc ra mắt các thiết bị mới.



Từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà sản xuất smartphone đã tránh được vấn đề thiếu hụt nguồn cung chip mà nhiều công ty xe hơi, máy tính và điện tử tiêu dùng phải đối mặt do thiếu chip. Đó là do các nhà sản xuất smartphone lớn thường mua dự trữ linh kiện trước sáu tháng. Tuy nhiên sau hơn nửa năm, nguồn dự trữ linh kiện này đang dần cạn kiệt và chưa rõ khi nào sẽ có đủ nguồn cung.

Đối với nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới Samsung, tình trạng thiếu chip đã khiến lượng hàng xuất xưởng giảm 20% so với quý trước.

Trong khi đó, Google cũng thông báo về việc model Pixel 5a 5G mới sẽ chỉ bán ra tại thị trường Mỹ và Nhật Bản. Trước đó hầu hết các model Pixel thường có mặt ở nhiều thị trường.

Về phía hãng công nghệ Trung Quốc Xiaomi, công ty này đã buộc phải tăng giá bán của model Redmi Note 10 tại thị trường Ấn Độ. Mức giá này tăng khoảng 8% so với giá tại thời điểm ra mắt. Vào tháng 4/2021, Xiaomi đã ra mắt dòng Mi 11 Ultra tại Ấn Độ nhưng doanh số bán hàng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì không đủ nguồn hàng.

Các dữ liệu phân tích cho thấy, vấn đề thiếu hụt chất bán dẫn diễn ra không đều trong ngành công nghiệp smartphone. Theo các nhà phân tích, Apple không gặp quá nhiều khó khăn vì công ty đã tìm được cách xử lý tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng. Doanh số bán iPhone của Apple hiện chiếm khoảng 1/6 trong số 1,3 tỷ smartphone được bán ra hàng năm.

Với Samsung, công ty cũng đã nỗ lực kiếm được nguồn linh kiện cho dòng smartphone cao cấp. Mặc dù vậy hơn 80% ngành công nghiệp smartphone vẫn đang gặp tình trạng bế tắc do thiếu chip.

Ngành công nghiệp smartphone toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số bán smartphone toàn cầu trong ba tháng đầu năm 2021 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020 và 4% so với quý đầu tiên của năm 2019.

Sau một năm chống dịch với nhiều thành quả đáng ghi nhận, ngành công nghiệp smartphone tràn trề niềm tin 2021 sẽ là một năm khởi sắc. Nhất là khi các quốc gia đang bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19, từ đó tạo niềm tin về một cuộc sống bình thường mới sẽ sớm quay trở lại. Tuy nhiên thật không may khi các biến chủng mới của virus SARS-CoV2 có tốc độ lây lan khá nhanh và mạnh, dẫn tới số ca nhiễm bắt đầu tăng nhanh kể từ hồi giữa năm. Điều này buộc nhiều quốc gia phải ban hành lệnh tái phong tỏa và hạn chế trở lại.



Đây cũng là lúc doanh số smartphone bắt đầu chững lại và khiến thị trường rơi vào trạng thái ảm đạm. Counterpoint ước tính rằng doanh số bán smartphone trên toàn cầu trong quý hai sẽ giảm 10% so với quý đầu tiên.

Mặc dù vậy, Counterpoint kỳ vọng doanh số smartphone trong quý 3 và 4 sẽ ổn định hơn so với cùng kỳ năm 2019 và 2020. Các nhà phân tích từ Counterpoint ước tính, các hãng smartphone sẽ xuất xưởng khoảng 771 triệu máy ra thị trường trong nửa cuối năm nay. Đây là mức tăng 1,3% so với 761 triệu máy được bán ra trong nửa cuối năm ngoái.

Để bù đắp cho việc giá linh kiện tăng do thiếu chip, các nhà sản xuất buộc phải tăng giá bán thiết bị. Theo các nhà nghiên cứu, giá bán buôn trung bình của smartphone trên toàn thế giới đã tăng 5% trong quý hai.

Để dễ thấy nhất tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip cho smartphone hiện nay, chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính hàng quý của TSMC. Tổng doanh số bán chip của TSMC đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu từ bán chip cho smartphone lại giảm 3%. Tuy nhiên giới công nghệ rất kỳ vọng vào sự khởi sắc của ngành bán dẫn trong nửa đầu năm 2022 khi tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều quốc gia được cải thiện.

Theo Genk​
 
Bên trên