Huawei đã đánh mất lòng tin của người dùng Trung Quốc như thế nào

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trong khi một cựu giám đốc điều hành Huawei đang ngồi chắp bút viết về việc mình bị quản thúc tại Canada thì ở quê nhà Trung Quốc, một làn sóng phản đối kịch liệt liên quan tới một cựu nhân viên công ty đang tràn đầy trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Vào ngày kỷ niệm năm đầu tiên bị bắt giữ ở Canada, Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, đã công bố một bức thư ngỏ mô tả cách cô đã trải qua nỗi sợ hãi, đau đớn, thất vọng, bất lực, dằn vặt và buộc phải chấp nhận những điều chưa sáng tỏ.

Cô đã viết rất nhiều về sự hỗ trợ mà cô ấy nhận được từ các đồng nghiệp của mình, về những con người thân thiện tại một tòa án ở Vancouver và về những người dùng trực tuyến Trung Quốc luôn bày tỏ sự tin tưởng của mình.

Bức thư của cô, được đăng vào hôm thứ Hai, 2/12, không được đón nhận nhiều trên các mạng xã hội Trung Quốc, nơi cô Mạnh được biết đến với tư cách là một "công chúa", vì cô là con gái của người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi.

Thay vào đó, trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, một Twitter phiên bản Trung Quốc, nhiều người dùng đã đăng các con số 985, 996, 251 và 404 trong phần bình luận bên dưới bức thư của cô. Đây là một ám chỉ đầy ranh mãnh, nhắc đến việc một cựu nhân viên Huawei, người đã tốt nghiệp từ một trong những trường đại học hàng đầu của đất nước, trong một chương trình cải cách có tên mã 985 của chính phủ, đã làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần và để rồi bị bỏ tù trong 251 ngày sau khi ông yêu cầu được trả trợ cấp thôi việc, khi hợp đồng với công ty không được gia hạn.

Câu chuyện của ông đã lan truyền khắp Trung Quốc, tạo ra những phản ứng giận dữ trên mạng xã hội. Điều đó dẫn đến việc các bài viết và bình luận liên quan đã bị xóa, xuất hiện thông báo lỗi 404, một dấu hiệu của hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc đã bắt tay can thiệp.

Nhân viên cũ này tên là Li Hongyuan, cuối cùng đã được ra tù mà không bị buộc tội và nhận được 15.000 USD tiền bồi thường của chính phủ vào tuần trước. Ông cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng vào tuần trước. Và đó là khi cú hích vào danh tiếng của Huawei, bắt đầu.


Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei, đã bị giam giữ tại Canada và đang đối mặt với việc dẫn độ về Mỹ với tội danh lừa đảo.

"Một người thích thú tận hưởng ở một biệt thự tại Canada đầy nắng trong khi người kia sống trong phòng giam lạnh lẽo và ẩm ướt ở Thâm Quyến", Jiang Feng, một nhà tâm lý học, đã bình luận như vậy trên trang web hỏi đáp ở Trung Quốc, phiên bản tương tự Quora. Cô Mạnh đã bị quản thúc trong một căn nhà sáu phòng ngủ, chờ đợi việc dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc liên quan tới việc cô đã âm mưu lừa gạt các ngân hàng về mối quan hệ của Huawei với một công ty Iran.

Trong năm qua, Huawei đã nhiều lần phủ nhận, chống lại các cáo buộc của chính phủ Mỹ rằng họ không đáng tin cậy và công ty là gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, Huawei đã được coi là "viên ngọc quý" của ngành công nghiệp công nghệ và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều phía. Nhiều người Trung Quốc tự hào từ bỏ điện thoại iPhone để chuyển sang dùng điện thoại Huawei. Nhưng các phản ứng dữ dội về việc bỏ tù một nhân viên lâu năm, sau một cuộc tranh chấp về quyền lao động đã cho thấy rõ rằng mọi người ở Trung Quốc đang bắt đầu có những suy nghĩ và quan điểm không tốt, thậm chí chán ghét về phía Huawei.

Sự phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng là dấu hiệu cho thấy sự bất an mới giữa các thành viên của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người chưa bao giờ trải qua suy thoái kinh tế và luôn nghĩ rằng họ có nhiều biện pháp bảo vệ hơn so với lao động nhập cư được trả lương thấp. Mọi người nói họ có thể nhìn thấy mình trong sự việc của ông Li.

"Nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu thường tin rằng nếu họ đến trường tốt, làm việc chăm chỉ và ít quan tâm đến các vấn đề hiện tại, họ sẽ có thể thực hiện 'giấc mơ Trung Quốc' của mình", một blogger viết trên Weibo. "Bây giờ, giấc mơ của họ đang bị mục nát."

Huawei từ chối bình luận về phản ứng của công chúng.


Một dây chuyền sản xuất của Huawei tại Đông Quan.

Ông Li, một nhân viên của Huawei trong 12 năm, đã đàm phán gói trợ cấp trị giá 48.000 USD vào tháng 3/2018, theo những gì ông chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn. Nhưng ông đã không nhận được một phần thưởng cuối năm mà ông nói rằng đã được công ty hứa hẹn. Do đó, vào tháng 11 năm ngoái, ông đã kiện Huawei.

Một tháng sau, Li bị giam giữ tại Thâm Quyến và bị buộc tội rò rỉ bí mật thương mại. Ông đã chính thức bị bắt vào tháng 1 với cáo buộc tống tiền. Nhưng sau đó đã được thả vào tháng 8. Ông cũng không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Huawei nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng họ không làm gì sai và thách thức ông Li chứng minh rằng ông đã bị đối xử bất công.

"Huawei có quyền, và trên thực tế là một nghĩa vụ, báo cáo sự thật về bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào bị nghi ngờ cho chính quyền. Chúng tôi tôn trọng các quyết định của chính quyền", tuyên bố nói. "Nếu Li Hongyuan tin rằng anh ta đã bị tổn hại hoặc quyền của anh ta đã bị xâm phạm, chúng tôi ủng hộ anh tìm kiếm thứ có thể khiến mình hài lòng thông qua các biện pháp pháp lý, bao gồm cả việc khởi kiện Huawei."

Các nhà bình luận trực tuyến gọi tuyên bố này là "đầy kiêu ngạo", "lạnh lùng" và "máu lạnh". "Một con voi đã giẫm lên bạn, và giờ bạn có thể dẫm lại nó", tiêu đề một bài báo nổi tiếng trên WeChat viết. "Thật là một sự đáp trả công bằng!"

Jiang Jingjing, một blogger, đã chỉ trích Huawei vì đã chà đạp lên quyền của nhân viên mình với một hệ thống đánh giá hiệu suất làm việc khó khăn và sức mạnh pháp lý. "Một khi một công ty trở thành một cỗ máy nghiền máu lạnh, phi nhân cách, thì lý do gì để nó tồn tại?", anh viết.


Công nhân Huawei ngủ tại chỗ làm việc trong giờ nghỉ trưa.

Theo một số cách, những lời chỉ trích mới của Huawei bắt đầu liên quan và quay trở lại những ngày đầu công ty mới thành lập. Theo đó, Huawei đã nuôi dưỡng một nền "văn hóa lang sói" đầy hung dữ, khuyến khích nhân viên của mình làm việc cực kỳ chăm chỉ.

Nhân viên mới sẽ nhận được một tấm nệm khi họ gia nhập công ty, vì mọi người dự kiến sẽ làm việc muộn và thường ngủ lại trong văn phòng. Hơn một thập kỷ trước, một loạt các cái chết của các nhân viên đã thu hút công chúng tới môi trường làm việc và giám sát khắc nghiệt của công ty. Một báo cáo điều tra của một tờ tin tức hàng tuần đếm được sáu cái chết không tự nhiên trong vòng hai năm, bao gồm bốn vụ tự tử.

Nhưng sau đó, đặc biệt là sau khi Mỹ bắt đầu chiến dịch toàn cầu nhằm ngăn chặn các đồng minh sử dụng công nghệ không dây thế hệ tiếp theo của Huawei, được gọi là 5G, Huawei đã trở thành một biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của Trung Quốc và những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Sau khi bà Mạnh bị bắt, đã có một sự hỗ trợ lớn từ phía công chúng dành cho Huawei. Trong quý gần đây nhất, doanh số điện thoại thông minh Huawei tại Trung Quốc đã tăng 66% so với một năm trước. Doanh số cho Apple và hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong nước của Huawei đều giảm, theo công ty nghiên cứu Canalys.

Còn bây giờ, nhiều người đang nói về việc tẩy chay lại các sản phẩm của Huawei. Hình ảnh của một cặp còng tay thương hiệu Huawei đang lưu hành mạnh mẽ trên các trang web trực tuyến, dưới dạng một loại thiết bị đeo cổ tay mới đầy thông minh. Và khuyến mãi đi kèm là một cơ hội được "ăn ở miễn phí", ám chỉ đến cuộc sống trong tù.

Tang Ting, một giám đốc quan hệ công chúng, đã đăng trên WeChat của mình rằng sự phẫn nộ có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho thương hiệu Huawei. "Các công ty Trung Quốc nghĩ rằng người tiêu dùng chỉ phản ứng với những thứ miễn phí và giảm giá", ông viết, "nhưng một tỷ lệ rất cao thế hệ trẻ cũng quan tâm đến các giá trị khác."

Một dấu hiệu thì cho thấy nhiều chuyên gia thuộc tầng lớp trung lưu đã lo lắng rằng những gì đã xảy ra với ông Li có thể xảy ra với họ. Cụ thể, những người dùng trực tuyến đã lưu hành các bài báo về cuộc sống trong tù, đặc biệt là tại nhà tù Long Cương ở Thâm Quyến, nơi ông Li đã ở hơn 8 tháng. Huawei cũng có trụ sở tại Thâm Quyến.

Một số người dùng trực tuyến còn lưu hành một bài đăng trên blog gồm ba phần, viết bởi một lập trình viên, người đã dành hơn một năm trong trại giam để viết phần mềm chơi game và đánh bạc trực tuyến. Đánh bạc là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Blogger này đã viết chi tiết về việc sống trong một phòng giam rộng 33 mét vuông với 55 người trong thời tiết nhiệt đới, về những gì họ đã ăn, mặc và làm mỗi ngày.


Một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh.

Nhiều người Trung Quốc đặc biệt phẫn nộ về mức độ phủ sóng tin tức và việc các phản hồi, bình luận trực tuyến đã bị kiểm duyệt. Họ nói rằng họ cảm thấy bất lực vì không thể chỉ trích chính phủ. Bây giờ họ lại cảm thấy mình cũng không thể chỉ trích một tập đoàn khổng lồ.

Một trong những bài đăng trên Weibo về bức thư của cô Mạnh đã nhận được 1.400 bình luận. Nhiều người chỉ viết đơn giản ra con số 251, số ngày ông Li bị giam giữ.

"Một công ty quá lớn để bị chỉ trích thậm chí còn đáng sợ hơn một công ty quá lớn để thất bại", ông Nie Huihua, giáo sư kinh tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, chia sẻ với trang tin tức trực tuyến Jiemian hôm thứ Ba.

Cuộc phỏng vấn của trang Jiemian này, với ông Li, được công bố vào thứ Hai, đã bị xóa.

Theo Genk​
 
Bên trên