La La Land - Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ

torune

Film critic
la.jpg

Tuần này 'La La Land' - phim thể loại tâm lý/tình cảm/âm nhạc - đã đến với khán giả Việt Nam. Không biết phim này có gì hay mà liên tục được xướng tên ở các giải thưởng điện ảnh? Do đó, torune đã đi xem và đúc kết lại bài review bên dưới.

Ở khía cạnh ngôn ngữ, lời thoại phim khá ít so với thời lượng nhưng cực kỳ phổ quát, không quá triết lý cao siêu, chỉ là những câu nói thường nhật, thậm chí bâng quơ, kết hợp với diễn xuất của diễn viên, từ đó truyền tải cảm xúc lẫn hoàn cảnh mà nhân vật rơi vào luôn. Cũng nhờ lời thoại giản đơn mà phụ đề làm rất tốt. Một điểm cộng cho 'La La Land'! Mình chỉ không thích mỗi cái tựa Việt hóa: 'Những kẻ khờ mộng mơ'. Nếu được thì mình đổi thành 'Xứ mộng mơ' (đủ 3 chữ) hay 'Những kẻ khờ sống ở thiên đường' (cho hợp với văn hóa Việt Nam).

Phim có hai diễn viên chính: Emma Stone và Ryan Gosling. Mình thích Emma Stone dù gương mặt ở trạng thái 'không cảm xúc'... không đẹp vì gò má cao, mũi hơi hếch và răng hơi hô. Nhưng, khi diễn, lúc mà Emma vận dụng cơ mặt, lại là một câu chuyện khác, gương mặt của cô rất ăn ảnh và biến hóa hết sức tự nhiên. À, có một cảnh quay nếu bạn để ý kỹ thì thấy được 'phần trên của Emma được thả' nhé! Về phía Ryan Gosling, trước giờ mình không có cảm tình với nam diễn viên này bởi lý do... nhìn thấy không hạp thì không thích thôi. Dẫu biết anh này men nhưng mà ngoại hình hetereosexual với cơ mặt của Ryan cho mình cảm giác mềm mềm, yếu yếu sao ấy. Tuy nhiên, nếu cho phép chọn, mình chẳng tìm ra nam diễn viên nào hợp với vai 'anh chàng nghệ sĩ' này hơn Ryan cả.

Ngoài ra thì không có gì phàn nàn với cặp này, xứng lứa vừa đôi, tương tác trên màn ảnh (chemistry) rất linh hoạt, trong và ngoài những cảnh nhạc kịch. Trong khi đó, ngoại hình các diễn viên phụ lẫn diễn viên quần cúng thì lại rất đều, kiểu như lấy Emma Stone hay Ryan Gosling để làm chuẩn rồi bớt một thêm hai, miễn sao kém nổi bật hơn hai diễn viên chính.

Nói về nhạc kịch, 'La La Land' không ngần ngại, không e dè trong nỗ lực đi tới sự hoàn mỹ của thể loại này! Tên phim là một lời gợi mở. Ngay sau đó, vừa mới lên hình là 'La La Land' đập vô mặt khán giả một trường đoạn ca hát nhảy múa như một tuyên ngôn rằng: bạn đã chọn xem phim có nhạc kịch, muốn hay không, ở hay về, yêu hay ghét... thì hãy quyết định ngay từ lúc này. Mình thích cách vào đề trực diện này của 'La La Land', không rón rén, mơn trớn để 'dụ' khán giả vào những cảnh phim nhạc kịch (tưởng chừng như logic mà quá phi-logic), ví dụ như 'High School Musical', 'Crazy Ex-Girlfriend'... Thay vào đó, phim bộc lộ bản chất ngay từ đầu để tránh mất lòng người xem ở những phút sau. Và may quá, mình đã quyết định ở lại để xem 'La La Land' cho tới lúc credit bắt đầu chạy.

Trong "nhạc kịch" có cái "nhạc" và cái "kịch". Mình để bạn đọc quyết định tính "kịch" của phim và xin bàn về "nhạc". Âm thanh jazz xuyên suốt từ đầu đến cuối phim! Nhà làm phim rất tài tình khi lồng một đề tài âm nhạc vào một chuyện tình xảy ra trong vùng đất của các nghệ sĩ nuôi mộng thành danh. Căn bản là nghệ sĩ tôn thờ nghệ thuật nên chủ đề 'nhạc jazz' mặc định được tôn trọng một cách vô thức trong tâm trí khán giả dù biên kịch đã rất khéo léo gắn vào nữ chính cái suy nghĩ coi thường 'thể loại nhạc làm nền cho quán cafe' để rồi thứ âm nhạc đó dẫn dắt cô tới vô vàn những biến cố khác, trước khi được cất lại như một kỷ niệm từ thuở 'mộng mơ'.

'La La Land' là một giấc mơ biết đánh thức khán giả! Thoạt nhìn, mình tưởng 'La La Land' là một chuyện tình được Hollywood xào đi xào lại, xen lẫn mâu thuẫn tâm lý trước và sau khi yêu, pha chút âm nhạc để trở nên quý phái. Nhưng, sau khi xem xong, mình thấy... 'La La Land' quý phái thật! Không lẫn vào đâu được giữa vô vàn tác phẩm tình cảm, hài, rom-com, chick-flick... blah blah blah... đang tràn lan ngoài thị trường từ rạp chiếu cho tới màn hìnhTV.

'La La Land' không chỉ kể một chuyện tình trai gái. Phim phản chiếu hình ảnh những người trẻ, họ có ước mơ nhưng không biết đi về đâu, đi hướng nào để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Rồi đến trạng thái tiến thoái lưỡng nan của người nghệ sĩ, muốn tôn vinh thẩm mỹ từ ngày cũ nhưng đành làm những thứ rẻ mạt, mang tính thị trường cốt để có cơm bỏ bụng, rồi bỗng nhận ra mình bị cuốn vào vòng xoáy đó lúc nào không hay. Một nghệ sĩ khác thì lại không quyết chí đi hết con đường, rẽ sang con đường khác khi mà khả năng lại được thẩm định bởi lời của... người yêu.

Những người mộng mơ trong phim là những người trẻ. Mơ một mình thì cô đơn. Thế là họ mơ cùng nhau. Người này tựa vào giấc mơ của người kia, lấy đó làm động lực cho mình. Họ mơ... mơ nữa... mơ mãi... mơ cho đến lúc chợt nhận ra liệu việc họ đang làm có còn giống như những gì mà họ từng mong muốn hay không. Đông tàn xuân sang. Hè rồi lại đến thu. Trời đất còn thay đổi, hà cớ gì phải bắt con người vẹn nguyên như xưa. Xa nhau mấy tháng tư tưởng đã trở nên khác biệt. Đằng này, xa nhau tầm mấy năm. Người mơ cũng phải tỉnh. Nói tới đây, mình xin hé lộ thêm một chủ đề khác mà phim muốn khai thác: tình yêu và hôn nhân.

Nghe nói "Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu". Vậy thì với 'La La Land', hãy để tình yêu là giấc mơ còn hôn nhân là sự bừng tỉnh. Rất may, nhà viết kịch không đắp mồ cho tình yêu hay cho nhân vật nào cả. Những người cùng mơ, khi tỉnh dậy, có chắc họ còn bên nhau? Giấc mơ luôn đẹp trong khi thực tại ít nhiều xấu xí. Vậy thì, không nhất thiết phải chôn giấc mơ. Hãy xem nó như một món đồ, cất vào đâu đó. Để rồi, lúc nào đó giữa thực tại, ta nhận ra mình đã từng có những khoảnh khắc đẹp như thế.

'La La Land' đến mạnh bạo (chia sẻ ở trên) nhưng đi nhẹ nhàng. Không phải kiểu giục khán giả dậy để rồi bùm một phát... mất mẹ giấc mơ. Thay vào đó, phim có hẳn một trường đoạn cao trào (xin nhắc lại là... 'trường đoạn') mà mình tạm gọi là 'trường đoạn ước gì' - chiêu thức tối thượng sáp nhập nội tâm của khán giả và các nhân vật chính vào một vùng cảm xúc nửa mơ nửa tỉnh, gồm mọi sắc thái: ngỡ ngàng, hạnh phúc, mãn nguyện, an yên... của một đời người, rồi bất ngờ khiến tất cả bỗng thấy quyến luyến nhưng đành chấp nhận vì đã đến chặng cuối của hành trình êm đềm mà họ đã sẵn lòng trải qua cùng những kẻ từng nương náu ở vùng đất mộng mơ.

Mình ủng hộ 'La La Land' thẳng tiến Oscar. Xin hết.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Arceusium

Well-Known Member
Wow, không nhận ra torune viết bài này nha, cứ như nhà chuyên gia phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp vậy, rất hay, phim làm bạn thăng hoa trong tâm trí để viết được như vậy thì phim xuất sắc xứng đáng đoạt giải Oscar rồi. Ra rạp xem thôi nào.

"'. Nếu được thì mình đổi thành 'Xứ mộng mơ' (đủ 3 chữ) hay 'Những kẻ khờ sống ở thiên đường' (cho hợp với văn hóa Việt Nam)."

Mình vote cho câu này giải " Forum's best quote of the year" nhé!
 

thich_xem_phim

Active Member
Phim này có thể tóm gọn lại trong 1 câu: Sở thích chỉ là nhất thời, đam mê mới là mãi mãi.
Giống như bạn đang kẹt xe, cảm thấy bức bối và muốn làm gì đó phấn khích như ca hát nhảy múa để giải tỏa. Và đó chỉ là xúc cảm bộc phát nhất thời chứ không phải đam mê vĩnh viễn của bạn.

Cho nên nếu thời gian có quay trở lại và đôi ta thật sự đam mê nhau thì chúng mình đã làm khác đi. Nhưng tiếc là chúng mình chỉ thích nhau vì một số điểm chung nào đó do hoàn cảnh bế tắc lúc đó mang lại nên sau khi "ca hát nhảy múa" xong thì "ai lên xe nấy về".
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Phim này có thể tóm gọn lại trong 1 câu: Sở thích chỉ là nhất thời, đam mê mới là mãi mãi.
Giống như bạn đang kẹt xe, cảm thấy bức bối và muốn làm gì đó phấn khích như ca hát nhảy múa để giải tỏa. Và đó chỉ là xúc cảm bộc phát nhất thời chứ không phải đam mê vĩnh viễn của bạn.

Cho nên nếu thời gian có quay trở lại và đôi ta thật sự đam mê nhau thì chúng mình đã làm khác đi. Nhưng tiếc là chúng mình chỉ thích nhau vì một số điểm chung nào đó do hoàn cảnh bế tắc lúc đó mang lại nên sau khi "ca hát nhảy múa" xong thì "ai lên xe nấy về".

lâu lắm mới thấy bác xuất hiện, làm vài review nào dài dài đi bác ơi :)
 

songdonggun

Active Member
" Mình thích Emma Stone dù gương mặt ở trạng thái 'không cảm xúc'... không đẹp vì gò má cao, mũi hơi hếch và răng hơi hô. Nhưng, khi diễn, lúc mà Emma vận dụng cơ mặt, lại là một câu chuyện khác, gương mặt của cô rất ăn ảnh và biến hóa hết sức tự nhiên" Đúng cái cần :D, trong lòng ko biết diễn tả về chị này thế nào :D, giờ thì đã có
 
La La Land – Hãy cứu lấy những giấc mơ

Khi ngồi trong phòng chiếu phim và khi đang ngồi viết những dòng này, thì người viết cũng đang nghe album OST của phim đến độ thuộc từng câu hát trong đó. Có nhiều người vì kỳ vọng quá mức khi xem các bài đánh giá chuyên môn, hoặc vì nghe rằng La La Land đã đạt được nhiều giải thưởng của các nhà phê bình. Vì thế họ có những đánh giá không tốt và thậm chí là ác cảm về nó. Bằng việc so sánh La La Land với Once (một bộ phim yêu thích của người đó), họ đã nói rằng đó là một Video ca nhạc quá đỗi bình thường. Vì thế, hôm nay người viết sẽ đóng vai anh hùng nước Mỹ để đi cứu Emma Stone và Ryan Gosling cùng toàn bộ những người đã làm nên La La Land.

Cũng như với Eternité của Trần Anh Hùng, có một câu hỏi hiện ra trong đầu người viết khi xem phim này là: “Vậy thì rốt cuộc, điều gì là quan trọng nhất đối với khán giả mà một bộ phim có thể đem lại?”.

Và hãy dừng lại ở ngay đó. Hai bộ phim kia có thực sự là bộ phim đúng nghĩa của điện ảnh không nhỉ? Có kha khá người ác cảm với chúng chỉ vì cho rằng đó không phải là thứ Nghệ thuật thứ 7 thuần khiết. Một thứ thì quá giống một vở kịch ngắm lặp đi lặp lại, một thứ thì giống MV ca nhạc dài lê thê. Và La La Land đã trả lời câu hỏi ấy một cách không thể thuyết phục hơn. Sebstian khi nói về nhạc Jazz đã khẳng định rằng nghệ thuật luôn luôn tự mình thay đổi. Người nhạc công khi chơi nhạc luôn làm mới những giai điệu theo cách của riêng mình trong những nốt nhạc, cách luyến láy hay thậm chí là cả các lấy hơi. Khi thuyết phục Sebstian chơi thứ nhạc Jazz điện tử của band nhạc mới, John Lengend đã ám chỉ một cách ý nhị rằng: người nghệ sỹ luôn phải thay đổi âm nhạc thuần túy cũ mèm để chiều theo khán giả, muốn truyền bá Jazz đến mọi người thì phải làm cho tất cả mọi người có thể nghe được chúng. Và Sebstian đã đồng ý. Sự thay đổi trong nghệ thuật là cần thiết, dù cho đôi khi nó rất khó khăn. La La Land cũng đã làm rất tốt khi cân bằng được cả yếu tố âm nhạc và nghệ thuật trong nó, làm cho một kịch bản tưởng như rằng sẽ rất phù phiếm xáo rỗng trở nên vô cùng tinh tế, đậm chất nghệ thuật. Hoặc nó đã làm điều ngược lại? Bộ phim đã mạnh dạn thay đổi mọi thứ, của dòng phim ca nhạc trước đây. Mọi thứ hiện ra đầy màu sắc, đầy hứng khởi nhưng không vì thế mà xáo rỗng, nhàm chán.

Trong suốt từng ấy thời gian của bộ phim, La La Land đã tự mình trả lời cho câu hỏi của người viết. Rằng thứ đáng giá nhất mà nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng mang đến cho khán giả chính là: cảm xúc và sự đam mê. Thực tế khán giả không hề biết mình thích cái gì khi chưa được xem người nghệ sỹ biểu diễn. Chính sự đam mê và nhiệt huyết của người nghệ sỹ đối với nghệ thuật sẽ lôi cuốn khán giả và làm họ thích thú. Bằng cách đó Mia đã trách móc Sebstian rằng tại sao anh có thể từ bỏ đi ước mơ chơi một thứ nhạc Jazz thuần khiết để chạy theo thị trường. Mia là nhân vật luôn tin tưởng vào sự khát khao của mình đối với thứ kịch nghệ, cô cố gắng rất nhiều nhưng không thành công. Cho đến khi, cô lấy lại được sự tự tin của mình từ chính niềm cảm hứng đã dẫn mình đến nghiệp diễn. Một sự sắp xếp hoàn hảo nhưng vô cùng tự nhiên và hợp lý. Giây phút giọng hát của Emma Stone khe khẽ, run run cất lên đã khiến cho người viết sững sờ dù cho đã nghe soundtrack rất nhiều lần.

Mia và Sebstian và niềm tin của họ vào ước mơ nghệ thuật đã tạo nên một sự đối nghịch trong cách triển khai đề tài của bộ phim: Sự cần thiết của việc thay đổi và Niềm tin vào nghệ thuật thuần khiết. Chính vì sự tương phản này cho nên đạo diễn đã để cho hai nhân vật không thể đến với nhau vào giây phút cuối cùng. Trường đoạn cuối phim lại là một sự sắp xếp rất có chủ đích, vừa làm khán giả cảm thấy đau đớn, vừa khiến bộ phim trở nên đúng nghĩa với chính tên gọi của nó. Sự mộng tưởng luôn luôn là những điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Một kết thúc đẹp, rất đẹp!

La La Land lấy cảm hứng phong cách Art Deco từ giai đoạn "Roaring Twenties" và Jazz Age những năm 1920, thể hiện rõ trong cách sử dụng font Yasashii Regular cho tiêu đề. Nếu để ý sẽ thấy những liên tưởng của đạo diễn đến tranh của Eward Hopper trong phân cảnh ở viện bảo tàng, hay truyện ngắn của Raymond Carver trong phân cảnh Mia và Sebstian ăn tối với nhau. Một thì như bức tranh chuyển động, một thì sử dụng một đoạn hội thoại dài để đẩy mâu thuẫn (tưởng chừng như không có gì) lên đến đỉnh điểm. La La Land về mặt này mang đậm chất Mỹ. Cũng phải nó đến những cú long-take rất chỉn chu và thứ âm nhạc đầy xúc cảm đã làm cho người viết thấy thỏa mãn.

P/S: Bộ phim này sẽ trở thành một Classic được nhắc đến như là một trong những lát cắt rực rỡ, đầy hứng khởi và mơ mộng nhất về Los Angeles.
 

A Hoàng

Well-Known Member
Phim này có thể tóm gọn lại trong 1 câu: Sở thích chỉ là nhất thời, đam mê mới là mãi mãi.
Giống như bạn đang kẹt xe, cảm thấy bức bối và muốn làm gì đó phấn khích như ca hát nhảy múa để giải tỏa. Và đó chỉ là xúc cảm bộc phát nhất thời chứ không phải đam mê vĩnh viễn của bạn.

Cho nên nếu thời gian có quay trở lại và đôi ta thật sự đam mê nhau thì chúng mình đã làm khác đi. Nhưng tiếc là chúng mình chỉ thích nhau vì một số điểm chung nào đó do hoàn cảnh bế tắc lúc đó mang lại nên sau khi "ca hát nhảy múa" xong thì "ai lên xe nấy về".
Chuẩn luôn "Công việc của một người bình luận phim không phải là phán xét bộ phim hay hay dở, mà giúp cho người xem phim hiểu hơn điều mà đạo diễn muốn trình bày."
(Pauline Kael)
 

torune

Film critic
Mọi thứ hiện ra đầy màu sắc, đầy hứng khởi nhưng không vì thế mà xáo rỗng, nhàm chán.

Thực tế khán giả không hề biết mình thích cái gì khi chưa được xem người nghệ sỹ biểu diễn. Chính sự đam mê và nhiệt huyết của người nghệ sỹ đối với nghệ thuật sẽ lôi cuốn khán giả và làm họ thích thú

ưng nhất những khúc này.
 

thich_xem_phim

Active Member
Mia và Sebstian và niềm tin của họ vào ước mơ nghệ thuật đã tạo nên một sự đối nghịch trong cách triển khai đề tài của bộ phim: Sự cần thiết của việc thay đổi và Niềm tin vào nghệ thuật thuần khiết. Chính vì sự tương phản này cho nên đạo diễn đã để cho hai nhân vật không thể đến với nhau vào giây phút cuối cùng...

Tui không thấy có sự đối nghịch nào giữa "Sự cần thiết của việc thay đổi và Niềm tin vào nghệ thuật thuần khiết". Sự tương phản nếu có là giữa "Việc thay đổi làm mất tính nghệ thuật thuần khiết và Niềm tin vào nghệ thuật thuần khiết".

Thay đổi là cần thiết. Đúng, nhưng thay đổi không nhất thiết làm mất đi nghệ thuật thuần khiết. Cho nên tui nghĩ cái làm Mia phản ứng giận dữ với Seb không phải sự thay đổi mà là sự thay đổi làm mất đi nghệ thuật thuần khiết của jazz. Những nghệ sĩ chân chính sống chết với nghề chính là để gìn giữ cốt lõi này của nghệ thuật chứ họ không chống lại sự thay đổi. Nhiều người không hiểu nên cứ vội vã quy cho họ là lạc hậu, là cổ hủ.

---------------------

[...] Khoảng 1 năm trước tôi có cơ hội gặp gỡ 1 nhiếp ảnh gia tự do đang làm việc cho 1 dự án của trường trong khuôn viên trường đại học. Ông đang đứng yên dưới gốc cây, chờ đợi một số đám mây thiếu hợp tác trôi đi để khỏi che mất ánh mặt trời. Tôi thấy ông có 1 máy ảnh phim cỡ lớn gắn trên 1 chân máy cồng kềnh – thật khó để bỏ lỡ, vì nó trông lỗi thời gần như vô lý – và tôi hỏi ông tại sao ông vẫn sử dụng phim. Ông nói với tôi rằng ông đã hăm hở đón nhận nhiếp ảnh kỹ thuật số một vài năm trước đó. Ông đã thay thế những chiếc máy ảnh phim và phòng tối của mình với những máy ảnh kỹ thuật số và 1 máy tính chạy phần mềm xử lý ảnh mới nhất. Nhưng sau một vài tháng, ông chuyển trở lại. Không phải vì ông không hài lòng với hoạt động của thiết bị hay độ phân giải và độ chính xác của ảnh. Mà vì cách thức thực hiện công việc của ông bị thay đổi, và không tốt hơn.

Những hạn chế cố hữu trong việc chụp và rửa ảnh trên phim – chi phí, sự khó nhọc, sự không chắc chắn – đã khuyến khích ông làm việc một cách chậm rãi khi ông chụp 1 bức ảnh, với sự cân nhắc, thận trọng, và một cảm giác vật lý sâu sắc về sự hiện diện. Trước khi chụp 1 bức ảnh, ông sắp xếp nó một cách tỉ mỉ trong tâm trí mình, chú ý tới ánh sáng, màu sắc, khung cảnh, và hình dạng của hiện trường. Ông sẽ kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp để bấm máy. Với 1 máy ảnh kỹ thuật số, ông có thể làm việc nhanh hơn. Ông có thể chụp một loạt các ảnh, cái này liền sau cái kia, và sau đó sử dụng máy tính để sắp xếp chúng và rồi chọn ra và tinh chỉnh những bức ảnh có triển vọng nhất. Hoạt động sáng tác diễn ra sau khi bức ảnh đã được chụp. Sự thay đổi lúc đầu làm ông cảm thấy say mê. Nhưng rồi ông nhận thấy mình thất vọng với kết quả. Các bức ảnh khiến ông ớn lạnh. Ông nhận ra rằng, phim áp đặt 1 nguyên tắc cho việc nhận thức, cho việc nhìn, dẫn đến những bức ảnh phong phú hơn, nghệ thuật hơn, sống động hơn. Phim đòi hỏi nhiều hơn ở ông. Và do đó, ông đã quay trở lại với công nghệ cũ.

Các nhiếp ảnh gia chỉ muốn có những công cụ tốt nhất cho công việc – công cụ sẽ khuyến khích và cho phép họ làm công việc tốt nhất, ý nghĩa nhất của họ. Những gì họ đã nhận ra là công cụ mới nhất, tự động nhất, thiết thực nhất không phải luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Họ hiểu rằng các quyết định về công nghệ cũng là những quyết định về cách làm việc và cách sống – và họ nắm quyền kiểm soát những quyết định chứ không nhượng chúng cho những đối tượng khác hoặc mở đường cho đà tiến bộ. Họ bước lùi lại và suy nghĩ một cách phê phán về công nghệ.

Về mặt xã hội, chúng ta trở nên nghi ngờ những hành vi đó. Thiếu hiểu biết, lười biếng hoặc rụt rè, chúng ta đã biến những hành vi đó thành những biểu tượng của sự lạc hậu. Chúng ta giả định rằng bất cứ ai từ chối 1 công cụ mới để thiên về 1 công cụ cũ hơn là mắc tội hoài cổ, thực hiện các lựa chọn theo tình cảm hơn là theo lý trí. Nhưng sai lầm thực sự về mặt cảm tính là giả định rằng cái mới luôn luôn phù hợp hơn với các mục tiêu và ý định của chúng ta so với cái cũ. Đó là quan điểm của 1 đứa trẻ, ngây thơ và dễ uốn nắn. Điều làm cho 1 công cụ vượt trội 1 công cụ khác không liên quan gì tới việc nó mới ra sao. Điều quan trọng là nó mở rộng hay thu hẹp chúng ta như thế nào, nó định hình trải nghiệm của chúng ta về thiên nhiên và văn hóa ra sao. Nhường các lựa chọn về cách sắp đặt cuộc sống hàng ngày của chúng ta cho một cái trừu tượng to tát mang tên sự tiến bộ thì thật là điên rồ.

Công nghệ đã luôn luôn thách thức con người suy nghĩ về những gì là quan trọng trong cuộc sống của họ, để tự hỏi mình rằng con người có ý nghĩa gì. Tự động hóa, khi mở rộng tầm với vào các khía cạnh gần gũi nhất trong sự tồn tại của chúng ta, sẽ làm tăng vai trò của nó. Chúng ta có thể tự cho phép mình được nương theo dòng chảy công nghệ, đến bất cứ nơi nào nó có thể mang chúng ta đến, hoặc chúng ta có thể chống lại nó. Chống lại phát minh không có nghĩa là loại bỏ phát minh. Đó là để khiêm nhường hóa phát minh, để mang tiến bộ xuống mặt đất. “Chống cự là vô ích,” hãy tuân theo lời nói thoải mái rập khuôn “Star Trek” mà dân kỹ thuật yêu thích. Nhưng điều đó trái ngược với sự thật. Chống cự không bao giờ là vô ích. Như Emerson đã dạy chúng ta, nếu nguồn sinh lực của chúng ta là “linh hồn tích cực” thì nghĩa vụ cao nhất của chúng ta là chống lại mọi thế lực, dù là thể chế hay thương mại hay công nghệ, làm suy yếu hay hủy hoại tâm hồn. [...]

("Lồng kính - Tự động hóa và chúng ta" - Nicholas Carr)
 
Chỉnh sửa lần cuối:

takez

Member
Jazz, Love, Ryan Gosling làm mình nhớ đến 2 phim yêu thích là Chico & Rita và Blue Valentine, nhạc La La Land không bằng Chico & Rita; còn kịch bản, diễn xuất thì không bằng Blue Valentine, tức là vẫn chưa trọn vẹn với mình. La La Land, đối với mình thì chỉ được 9/10, có lẽ vì cái kết (không có cái kết nào ổn hơn nhưng mình không thích cái kết này).

Rất ủng hộ nhà phát hành nào mạnh dạn đưa những phim như thế này về Việt Nam dù biết trước doanh thu sẽ không khả quan.
 

cenarius

Member
Phim này dùng cách diễn, góc quay, cách edit phim theo kiểu phim cổ điển, từ cái cách dứt khoát trong động tác ngoảnh mặt của diễn viên, những điệu nhảy sải chân trong tiếng nhạc Jazz. Gợi nhớ và tri ân về 1 thời kinh điển của Hollywood.

Tui đặc biệt ấn tượng với đoạn Mia đi dạo cùng Seb ra bãi gửi xe, what a waste of night, khung cảnh trên ngọn đồi nhìn ra khoảng trời tối rất đơn điệu nhưng chi tiết cây đèn đường ở góc phải khung tranh toả ánh tím chiếu xuống làm khung hình trở nên toẹt vời. Sau đó là khung hình Mia vào rạp chiếu phim tìm Seb, khi cái ánh đèn máy chiếu rọi vào mặt cô ấy.

Cốt truyện là 1 câu chuyện tình buồn, lồng ghép bởi ước mơ, sự lạc lõng trong cuộc sống, nỗi niềm hoài cổ những giá trị cũ, sự hy sinh dành cho người còn lại. Đạo diễn chọn đúng 2 nghề bị tiền bạc và thời gian tàn phá nhanh nhất là diễn viên và nhạc công :)).

Phần nhạc ở đoạn đầu trên cái cầu ô tô thì lại chán, tui nghe ko hợp.
Đoạn Epilogue của Seb nghe như 1 ma lực gì đấy cuốn mình vào cái quán cafe đó.
Trường đoạn solo City of stars gợi nhớ ước mơ và sự hoài niệm cũ bởi 1 điểm nổi bật nhất là tiếng huýt sáo.

Cuối cùng cái chi tiết đắt giá nhất là cuộn phim ở đoạn cuối, ước mơ ko bao giờ trọn vẹn. Với những đạo diễn thế hệ cũ, ước mơ ngoài đời của họ ko thành hiện thực, họ gửi gắm ước mơ của họ vào những bộ phim, biến nó thành hiện thực.

Tui rất thích phim này nhưng để gọi là có thể xúc động dạt dào như các bác khi xem xong thì tui lại ko có, tại tui FA :)).
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên