Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Khi dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì tên người, địa danh có phiên âm không? Nếu phiên âm thì như thế nào? Không phiên âm thì lấy theo gốc nào? Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa thống nhất và thực trạng đã trở nên rất tệ.
Xin minh hoạ thực trạng này bằng bảng tổng hợp dưới đây từ cuốn tiểu thuyết "Jenny Ghechac" của nhà văn Mỹ Theodore Dreiser (tên sách "Jenny Ghechac" và tên nhà văn "Theodore Dreiser" viết như trên bìa sách của Nhà xuất bản Văn học năm 2011, Nguyễn Tâm dịch).

Ngay từ bìa sách đã có thể nhận thấy sự thiếu nhất quán: tên nhà văn “Theodore Dreiser” được giữ nguyên như tên tiếng Anh, nhưng tên tiểu thuyết (cũng là tên nhân vật chính) lại được phiên âm từ "Jennie Gerhardt" thành "Jenny Ghechac". Chưa nói tới việc phiên âm "Jennie Gerhardt" thành "Jenny Ghechac" đã đúng chưa, việc trên một bìa sách mà tên này viết theo nguyên gốc tiếng Anh, tên kia phiên âm ra tiếng Việt, đã thể hiện một sự cẩu thả rồi.

Có một số tên tiếng Việt trong bảng này có thể suy đoán được gốc tiếng Anh, nhưng cách phiên âm quả thực rất "khó đỡ" như "Lănđơn" (London), Xên Luiz (Saint Louis), Jơjơ (George).

Người dịch sử dụng nhiều chữ cái không phải của tiếng Việt cho các tên được phiên âm: chữ "j" trong "Jenny", "Jơjơ", "Jerôn", "Jec", "Mitjơly", chữ "f" trong "Fin", chữ "z" trong "Luiz"...).

Người dịch cũng không nề hà việc cho các phụ âm "đ", "x", “g” đứng cuối từ ("Mađriđ", "Pâyx", "Đâyvix", “Crêg”), điều không bao giờ có trong tiếng Việt.

Một số tên phiên âm của người dịch không thể hiểu nổi: "Gran Poxifix" ("Grand Pacific"), "Kepitơn" ("Capital").

Tiếng Việt đơn âm tiết (trong một từ chỉ có một nguyên âm đơn hoặc kép), nhưng người dịch lại viết các tên tiếng Việt liền tù tì như trong tiếng Anh đa âm tiết, không dùng dấu nối "-".

Tuy nhiên, khi không có một quy định chuẩn phiên âm nào cả thì cũng không thể nào nói phiên âm một tên người, địa danh như thế nào là đúng.

Phiên âm hay không phiên âm?

Mọi tên người, địa danh đều để nhận biết qua hai hình thức phổ biến: phát âm (để nghe) và viết (để đọc). Chúng ta phát âm hay viết ra một cái tên đều để cho người khác nhận biết đó là ai hoặc địa danh nào. Lý tưởng nhất là khi cả việc phát âm và viết tên đều dễ dàng để người khác nhận ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Trong nhiều ngôn ngữ hệ La-tinh, do sự tồn tại của các từ đồng âm khác cách viết và khác nghĩa, việc nhận biết trong nhiều trường hợp cần dùng đến việc đánh vần (spelling) để người nghe hình dung được cách viết của từ. Đánh vần cũng được áp dụng cho các chữ phức tạp. Về bản chất, đánh vần là "viết bằng miệng". Như vậy, việc nhận biết một từ (kể cả tên) có khi đòi hỏi người nói phải kết hợp đồng thời hai cách nhận biết là phát âm và viết.

Đối với tên người, địa danh nước ngoài, cái khó đầu tiên là phát âm chúng. Đây là lý do ra đời phương pháp phiên âm. Tuy nhiên, dù sát đến mấy thì các tên được phiên âm sang tiếng nước ngoài cũng chỉ "lơ lớ", không giống hoàn toàn với phát âm trong tiếng mẹ đẻ.

Điểm bất lợi lớn của phương pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh sang tiếng Việt là, trong khi về mặt phát âm cũng chỉ đạt được mức "lơ lớ", nó làm mất đi tên gốc ở chữ viết. Việc căn cứ vào tên phiên âm tiếng Việt để tìm tên gốc đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt trong nhiều trường hợp rất khó, đặc biệt là khi mỗi người tự phiên âm một kiểu, thậm chí cùng một người, phiên âm cùng một tên, nhưng mỗi lúc mỗi kiểu.

Trong thế giới ngày nay, nhu cầu tìm tên gốc của người và địa danh rất lớn. Khi đọc một bài báo hay tài liệu, thấy ông cựu tổng thống Mỹ Cờ-lin-tơn, người đọc thường có nhu cầu biết tên tiếng Anh của ông Cờ-lin-tơn viết như thế nào để tìm thêm thông tin trên mạng, hay để trao đổi với bạn bè quốc tế về ông.

Với người nổi tiếng như ông Cờ-lin-tơn hay thủ đô Oa-sinh-tơn, việc tìm ra tên gốc Clinton, Washington DC có thể không khó. Nhưng với những tên ít nổi tiếng, việc này không dễ, đặc biệt khi được phiên âm kiểu lạ lùng như "Gran Poxifix", "Kepitơn" được dẫn chiếu ở trên.

Nếu coi ngôn ngữ là công cụ (để truyền thông), giải pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh ra tiếng Việt rõ ràng không hiệu quả so với việc để nguyên tên gốc của nó, hoặc so với việc dùng tên La-tinh trong một tiếng nước ngoài phổ biến khác (ví dụ tiếng Anh).

Nếu gọi tên một nước là "Ba Lan", không phải ai cũng dễ dàng biết đó là nước "Polska" bằng tiếng Ba Lan và nước "Poland" bằng tiếng Anh. Nếu ta gọi tên nước đó là "Poland" (như tiếng Anh), việc phát âm không khó hơn là mấy, nhưng lại giải quyết được nhiều vấn đề đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt. Kể cả những tên phức tạp như "Shakespeare", người Việt không biết tiếng Anh vẫn có thể phát âm "lơ lớ", nếu cần thì đánh vần cho người nghe.

Nếu theo lô-gíc hiệu quả, các tên người, địa danh có gốc không phải La-tinh (như các ngôn ngữ hệ Sla-vơ, hệ Ả-rập…), khi chuyển sang tiếng Việt mà dùng tên La-tinh của một ngôn ngữ phổ biến thì sẽ hiệu quả hơn so với việc phiên âm. Thủ đô "Москва" của nước Nga nếu gọi là “Moscow” như tiếng Anh hiệu quả hơn so với việc phiên âm thành "Mát-xcơ-va".

Có nên dịch nghĩa các tên người, địa danh nước ngoài?

Do ảnh hưởng của chữ Hán - Việt, nhiều tên người và địa danh nước ngoài được chuyển sang tiếng Việt theo nghĩa của tên gọi. Ví dụ, các thành phố Trung Quốc được gọi là "Bắc Kinh" ("kinh thành phía Bắc"), "Thượng Hải" ("[thành phố] trên biển").

Chúng ta cũng gọi cố Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc là "Đặng Tiểu Bình". Khi chúng ta viết hoặc phát âm tên "Đặng Tiểu Bình", người Trung Quốc và người các nước khác không thể biết ông ấy là ai, còn người Việt lại không biết là cả người Trung Quốc và người nước ngoài đều gọi ông ấy là "Deng Xiao Ping" (phát âm hơi khác nhau). Khi chúng ta muốn tìm thông tin thêm về ông Đặng Tiểu Bình từ các nguồn nước ngoài, việc đầu tiên là phải biết cụm từ "Deng Xiao Ping" thì "ông Google" mới có thể giúp được.

Chúng ta gọi một nước là "Nam Phi" bằng cách dịch nghĩa tên "South Africa". Chỉ có người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt biết nó là nước nào, còn người nước ngoài nghe hoặc nhìn vào chữ "Nam Phi" thì không thể biết được. Đồng thời, không phải người Việt Nam nào cũng biết được "Nam Phi" tiếng Việt và "South Africa" tiếng Anh là cùng một nước.

Tên người, tên địa danh là để gọi, không nhất thiết phải có nghĩa. Có nhiều tên người, địa danh không có nghĩa (hoặc đã bị mất nghĩa), vì vậy, việc dịch nghĩa tên là không cần thiết. Nếu chúng ta dịch nghĩa tên nước ngoài, hãy thử hình dung tình hình sẽ thế nào nếu người nước ngoài cũng dịch nghĩa các tên người, địa danh Việt Nam. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyên khôi hài!

Cần xem xét ngôn ngữ là công cụ và mọi công cụ đều phải được thường xuyên hoàn thiện để hiệu quả hơn trong tình hình mới. Chắc chắn cách chúng ta nói và viết tiếng Việt hiện nay đã khác cách cha ông, tổ tiên chúng ta nói và viết tiếng Việt trong thế kỷ 19 hoặc hàng trăm năm trước.

Vì vậy, không có gì bất bình thường nếu chúng ta thay đổi cách nói và viết tên người, địa danh nước ngoài trong tiếng Việt trong điều kiện toàn cầu hoá ở mức độ cao như hiện nay. Nhưng sẽ bất bình thường nếu chúng ta không chịu thay đổi hoặc chậm thay đổi ngôn ngữ như một công cụ rất quan trọng của cuộc sống cho phù hợp hơn với thời đại.

Người viết bài này có niềm tin rằng sự hoàn thiện và chặt chẽ của ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Khó mà hình dung được một nền công nghiệp phát triển (đòi hỏi sự chuẩn hoá và kỷ luật cao) khi con người sử dụng ngôn ngữ một cách tuỳ tiện, thiếu sự chuẩn hoá tối thiểu như trong vấn đề ngôn ngữ này. Sự tuỳ tiện trong ngôn ngữ có thể gây ra sự tuỳ tiện trong suy nghĩ và trong hành động.

Người viết bài này không phải là nhà ngôn ngữ học, mà chỉ là người sử dụng ngôn ngữ. Vấn đề này đã được các cơ quan, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam nhận diện từ lâu rồi. Thiết nghĩ, nếu có đủ sự quan tâm và quyết tâm, nó sẽ không trở thành một vấn đề bị “treo” vĩnh viễn và gây sự hoài nghi về năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra của chúng ta.


link
 

behattieu82

Moderator
Thành viên BQT
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Có một số tên tiếng Việt trong bảng này có thể suy đoán được gốc tiếng Anh, nhưng cách phiên âm quả thực rất "khó đỡ" như "Lănđơn" (London), Xên Luiz (Saint Louis), Jơjơ (George).

Người dịch sử dụng nhiều chữ cái không phải của tiếng Việt cho các tên được phiên âm: chữ "j" trong "Jenny", "Jơjơ", "Jerôn", "Jec", "Mitjơly", chữ "f" trong "Fin", chữ "z" trong "Luiz"...).

Người dịch cũng không nề hà việc cho các phụ âm "đ", "x", “g” đứng cuối từ ("Mađriđ", "Pâyx", "Đâyvix", “Crêg”), điều không bao giờ có trong tiếng Việt.

Một số tên phiên âm của người dịch không thể hiểu nổi: "Gran Poxifix" ("Grand Pacific"), "Kepitơn" ("Capital").
Nhớ lại thời học sinh học Tiếng Anh :))
 

datbq

Member
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Cái này làm em đau đầu lắm đây, quả thực là nhiều lúc không biết phải đọc a bờ cờ, a bê xê hay ây bi xi
Mà thằng con lớp 1 nó luôn nhắc bố đọc sai mới chết chứ.
Hay ta bỏ mẹ tiếng việt đi chuyển qua xài tiếng anh cho các bác bộ giáo dục đỡ phải cải tiến cải lùi suốt các bác nhở
Mà em chúa ghét kiểu phiên âm của báo nhân dân. cái gì mà tờ-bi-li-xi, chai-cốp-xít-ki, mút-xô-li-ni....chán-ra-ri
 

truc_linh

Member
Em đồng ý với tác giả bài viết, tiếng Việt mình càng ngày càng lộm cộm, rất tệ. Tên của các quốc gia trên thế giới toàn đem ra phăng bằng TV hết.
Lần đầu tiên nghe chữ Á Căn Đình em giống như người điếc, chẳng biết đó là nước nào trên thế giới mà có đội bóng hay dữ vậy? Sau đó nhìn lại trên màn hình mới hay là Argentina.
 

behattieu82

Moderator
Thành viên BQT
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Cũng chẳng có cách khác đâu bác ạ, cô giáo phiên âm 1 kiểu thì đành chịu thôi!
 

tarzan1234

New Member
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Tiếng Việt có nhiều phiên âm quái chiêu lắm. Mà phần lớn toàn là Việt hóa từ tiếng Hoa.
Ví dụ:
Hoa Kỳ (USA), Hoa Thịnh Đốn (Washington), Nữu Ước (New York), Gia Nã Đại (Canada), Mễ Tây Cơ (Mexico), Mạc Tư Khoa (Moscow), Úc Đại Lợi (Australia), Ý Đại Lợi (Italy), Tân Tây Lan (New Zealand), Nam Dương (Indonesia), Ba Tây (Brazil)....còn nhiều nhiều lắm....
Nói chung những danh từ riêng thì không nên dịch hay phiên âm, nên đi nguyên gốc chứ phiên âm hay dịch nhiều khi đã không đúng mà còn gây phiền hà rắc rồi.....Ví dụ tên ông cựu phó tổng thống Mỹ (dưới thời tổng thống Bush) là Dick Cheney (Dick là biến thể thông dụng cửa Richard), nếu phiên âm và dịch kiểu tiếng Việt thì có lẽ sẽ gọi ông này là Ngài Phó Tổng Thống Dương Vật Chen-Ni....vì Dick cũng có nghĩa là bộ phận sinh dục của đàn ông. Thế có phải rắc rối không?X_X
 

ngdhieu

Well-Known Member
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Mấy bác phát biểu có nghĩ rộng ra hơn 1 chút không vậy?

Văn bản tiếng Việt là để cho người Việt đọc, chứ chẳng phải cho người ngoại quốc không biết tiếng Việt đọc.
Vì vậy việc phiên âm để người Việt có thể đánh vần đọc được là điều cần thiết.
Còn việc phiên âm như thế nào, thì cần phải có tiêu chuẩn. Không đề ra được tiêu chuẩn, thì trách nhiệm này thuộc Bộ Giáo Dục, hoặc 1 cơ quan nào đó có liên quan.
Tiêu chuẩn phiên âm, các bác chỉ mới biết có một thứ tiếng Anh, thì làm ơn bớt bớt cái miệng 1 chút nhé.
VD như từ nguyên gốc cái tên người ta là Don Quixote thì các bác phiên âm ra tiếng Việt làm sao? Đôn-Quy-xo-te à?
Hay cái tên Jorgei nếu không phiên âm các bác sẽ đọc làm sao? [Gio-rờ-gây] hay [Hô-hây]?
Hay như cái tên bác đọc phiên âm tiếng Anh là Chulalongkorn thì bác phát âm thế nào cho người Thái bình dân không biết tiếng Anh hiểu ?
 

tarzan1234

New Member
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Mấy bác phát biểu có nghĩ rộng ra hơn 1 chút không vậy?

Văn bản tiếng Việt là để cho người Việt đọc, chứ chẳng phải cho người ngoại quốc không biết tiếng Việt đọc.
Vì vậy việc phiên âm để người Việt có thể đánh vần đọc được là điều cần thiết.
Còn việc phiên âm như thế nào, thì cần phải có tiêu chuẩn. Không đề ra được tiêu chuẩn, thì trách nhiệm này thuộc Bộ Giáo Dục, hoặc 1 cơ quan nào đó có liên quan.
Tiêu chuẩn phiên âm, các bác chỉ mới biết có một thứ tiếng Anh, thì làm ơn bớt bớt cái miệng 1 chút nhé.
[red]VD như từ nguyên gốc cái tên người ta là Don Quixote thì các bác phiên âm ra tiếng Việt làm sao? Đôn-Quy-xo-te à? [/red]
Hay cái tên Jorgei nếu không phiên âm các bác sẽ đọc làm sao? [Gio-rờ-gây] hay [Hô-hây]?
Hay như cái tên bác đọc phiên âm tiếng Anh là Chulalongkorn thì bác phát âm thế nào cho người Thái bình dân không biết tiếng Anh hiểu ?

Bó tay bác này, người ta đang đưa ra ý kiến ở đây là không nên phiên âm mà bác lại hỏi là "phiên âm tiếng việt thế nào". Chính vì phiên âm không đúng, rồi mỗi người phiên âm mỗi kiểu nên nhiều người mới cho rằng không nên phiên âm. Tên của người ta thế nào thì để nguyên thế đó. Nếu ngôn ngữ gốc không sử dụng ký tự La tinh (tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Tàu, Tiếng Arab...) thì dùng phiên bản La tinh hóa của tên đó. Còn đọc từ đó thế nào thì hoàn toàn có thể thêm cách phát âm để người đọc biết và quen dần. Đến một lúc nào đó, cái tên đó trở thành quen thuộc thì không cần in thêm cách phát âm nữa.

Ngay trong tiếng Anh, Tiếng Mỹ người ta cũng dùng cách này. Có rất nhiều tên bang, tên thành phố, tên người ở Mỹ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác nhưng họ không "Mỹ hóa" nó mà để nguyên cách phiên âm, và dần dần mọi người sẽ quen với cách phát âm đó. Ví dụ bang Illinois có tên nguồn gốc từ Tiếng Pháp (đọc là I-ly-noi, không phát âm chữ "S" ở cuối), hay các thành phố như San Francisco, San Jose, San Antonio đều là các từ tiếng Tây Ban Nha. Từ "San" có nghĩa là "Thánh" tương đương với từ "Saint" trong tiếng Anh, nhưng người ta vẫn giữ nguyên và phát âm nguyên như vậy, chứ họ không "Mỹ hóa" nó thành "Saint Francis", "Saint Joseph" hay "Saint Anthony". Ngay cả cái tên San Jose cũng giữ đúng cách phát âm của tiếng Tây Ban Nha, đọc là "San Hô-giê"....có lẽ mới đầu không phải ai cũng quen với cách phát âm này nhưng dần thành quen và giờ thì không ai cần phiên âm cả.

Cái kiểu "nội địa hóa" tên của người ta thế này có lẽ bắt nguồn từ Trung Quốc. Em đã từng gặp rất nhiều người Tàu không hề biết "Việt nam" theo cách phát âm thông thường, không chỉ người Việt mà bất kỳ người Phương tây nào cũng hiểu...cái tên Việt nam được hán hóa và phát âm theo kiểu của họ nên khi mình phát âm đúng họ không hề nhận ra. Cái này cũng tương tự cách "Việt hóa" các tên từ các ngôn ngữ khác, vì quen với cách này, khi người ta nói ra mình cũng không hiểu.
 

the_calm_dawn

New Member
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Mình cực kì ghét việc phiên âm, đặc biệt là tên người, địa danh, cùng với đó là sử dụng "từ mượn" tiếng nước ngoài dùng hệ chữ Latin. Mình coi đó là sự thiếu tôn trọng với ngôn ngữ của nước bạn khi "phiên dịch" ra cho dễ gọi :| Ngày xưa thì không nói nhưng bây giờ, trẻ mẫu giáo đã học ngoại ngữ, thì liệu có khó hiểu khi dùng signal thay cho xi nhan, chưa nói đến việc hoàn toàn có thể dùng cụm từ tiếng Việt có nghĩa tương đương là đèn tín hiệu xe? Nhiều từ gốc cũng dần trở nên quen thuộc rồi, như bus thay vì buýt chẳng hạn, những từ khó thì đã có từ điển và... google. Đọc thì khó, cần làm quen dần nhưng ít nhất là viết thì phải làm được! Song song với đó, mình cũng luôn giữ nguyên dấu tiếng Việt trong tên người, địa danh của Việt Nam khi phải viết bài bằng English, ví dụ Hà Nội thay cho Hanoi, Hồ Chí Minh chứ không phải Ho Chi Minh, và dĩ nhiên là muốn nước họ cũng giữ nguyên như vậy khi sử dụng các tên gọi của Việt Nam!
 

paracels

Well-Known Member
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Vâng, Giăng mắc ê rô, [FONT=arial, sans-serif]tên nghe rất hay.[/FONT]
 

tusontay

Huyền Thoại
Ðề: Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

E ve dy thinh phò du. :) Cũng hay hay. :D
 
Bên trên