Người chơi giảm kỷ lục, đế chế PUBG sắp thành 'dead game'?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Hack cheat tràn lan, streamer nổi tiếng từ bỏ, người chơi phổ thông cũng đang dần nói không với PUBG để chuyển sang tựa game khác thú vị hơn.

Lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên Battle Royale ra mắt năm 2000, PUBG nhanh chóng nổi lên như kẻ tiên phong, sau đó thống trị cả thế giới game sinh tồn.

Trò chơi nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới quan sát ngay cả khi còn trong giai đoạn early access. Dù vẫn còn những sai sót về mặt kỹ thuật, PUBG đưa ra kiểu chơi khiến người chơi ở mọi trình độ đều có thể tiếp cận và muốn chơi lại.

pubg3.jpg

Bắn súng sinh tồn từng từng có thời kỳ vô cùng thu hút người chơi game. Ảnh: Dream Hack.

"Cha đẻ" của game sinh tồn

PUBG thu về 11 triệu USD chỉ trong 3 ngày đầu tung ra bản truy cập sớm. Super Data Research ước tính doanh thu tháng 4/2017 trò chơi vượt hơn 34 triệu USD, biến đây trở thành tựa game nằm trong top 10 thu nhập cao nhất của tháng, vượt cả Overwatch và Counter-Strike: Global Offensive.

Hàng loạt streamer nổi lên cũng trong khoảng thời gian cực thịnh của PUBG, ở quốc tế có thể kể đến như Dr.Disrespect, Shroud, Ninja, Grimmz. Còn tại Việt Nam, phần lớn những cái tên hàng đầu như Độ Mixi, ViruSs, Misthy, Pew pew đều đã nhẵn mặt với tựa game. Riêng với Độ Mixi, anh còn sở hữu đội tuyển Refund Gaming tham dự Chung kết thế giới tại Đức năm 2018.

Từ xuất phát điểm chỉ hơn 17.000 người chơi vào tháng 3/2017, đúng 1 tháng sau khi ra mắt, PUBG gây nên cơn sốt trên toàn cầu khi tăng 300% người chơi. Từ tháng 7 đến 11/2017, trung bình mỗi tháng tăng hơn 60% người tham gia.

api_cdngametvvn59fe60d4e5429dbcc9c9d4b6762c3143_1.jpg

PUBG từng là sự nghiệp của những streamer tài năng như Shroud, Dr Disrespect. Ảnh: Dream Hack.

Tháng 1/2017, tựa game đạt đỉnh điểm khi có hơn 3,2 triệu tài khoản chơi cùng lúc, với lượng người chơi trung bình hàng tháng 1,5 triệu, tăng hơn 10% so với tháng 12/2017. Ngoài ra, có hơn 30 triệu bản đã được bán trên Steam, hơn 4 triệu bản trên Xbox One.

Những giải thưởng cũng lần lượt về tay Bluehole - nhà phát triển game. Lễ trao giải thưởng game uy tín và lâu đời nhất thế giới Golden Joystick Awards 2017 gọi tên PUBG. Steam Awards 2018 do cộng đồng game thủ bình chọn cũng vinh danh tựa game sinh tồn này.

Những cái tên sinh sau đẻ muộn như Fortnite, Apex Legends, Free Fire, Rules of Survival đều lấy cảm hứng từ cách chơi của PUBG, sau đó thêm thắt một chút yếu tố để tạo nên đặc sản riêng. Nhiều giải đấu lớn nhỏ ở các khu vực cũng được công ty chủ quản tổ chức với hy vọng tựa game sẽ phát triển thành môn thể thao điện tử phổ biến và có truyền thống như Dota2, Liên Minh Huyền Thoại hay Starcraft.

Tuy nhiên, đó có thể sẽ là đỉnh cao cuối cùng của PUBG mà người ta được thấy.

Hack cheat tràn lan, streamer nổi danh bỏ game

Từ lượng người chơi trung bình 1,5 triệu ở thời đỉnh cao, vậy mà chỉ sau một năm, các báo cáo cuối tháng 12/2018 cho thấy con số chỉ còn gần 500.000 người.

Khi những tháng cuối cùng của năm 2019 sắp trôi qua, PUBG liên tiếp chạm đáy về các thông số. Mới nhất, lượng người chơi trung bình chỉ còn gần 300.000 nghìn người.

ccc.jpg

Những con số không biết nói dối, và sự sụt giảm người chơi của PUBG là có thể thấy rõ. Ảnh: Steamchart.

Vậy nguyên nhân do đâu? Không thể nói thể loại sinh tồn đã đi qua thời kỳ đỉnh cao, khi mà những tựa game như Fortnite hay Call of Duty: Black Ops 4 vẫn đang bền bỉ phát triển.

Đầu tiên, khó có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Brendan Greene - cha đẻ của PUBG. Sau sự ra đi của ông, thế giới game sinh tồn này như mất đi hẳn khả năng sáng tạo. Dù vẫn có những map, tính năng mới được tung ra, bản sắc của game đã dần bị mai một.

"Những vấn đề như lag, hack có thể được cải thiện, song tư duy thiết kế game không có sự đổi mới. Trò chơi khuyến khích game thủ camping chờ thời hơn là kích thích những pha hành động mãn nhãn", Dr.Disrespect nhận định, "Chỉ có núp và núp, đó là lý do chỉ còn những người ở Hàn Quốc chơi nó".

Phát ngôn có phần chủ quan của streamer lắm tài nhiều tật cũng không thể phủ nhận thực tế, nhiều tên tuổi lớn đã rời bỏ PUBG. Không riêng Dr.Disrespect, Shroud cho biết bản thân đã chán PUBG. Cloud9, tổ chức eSports hàng đầu Bắc Mỹ, cũng đã giải tán team thi đấu.

fsdf.jpg

Quá nhiều thể loại hack diễn ra và ngày càng tinh vi khiến nhà phát triển cũng phải bó tay. Ảnh: Dream Hack.

Nếu cách nói chủ quan của streamer lắm tài nhiều tật không làm hài lòng phần lớn người chơi châu Á, lý do sau đây chắc chắn sẽ nhận được cái gật đầu của họ: Nạn hack cheat.

Hack wall, hack aimbot, hack nhảy dù sớm và hàng tá loại hack khác trong PUBG khiến những người chơi chân chính không khỏi cân nhắc tìm đến tựa game khác.

Môi trường PUBG còn khiến người chơi kém ý thức "sáng tạo" ra những thể loại hack quái đản như hack auto loot, hack kéo dài tay bắn mà không cần rời khỏi chỗ nấp, hack xe, tàu bay được với tốc độ kinh hoàng. Đặc biệt nhất là hack đường truyền, khiến những người chơi cùng ngắt kết nối và rơi xuống cuối đường bay.

Việc đưa ra án phạt 100 năm lạ lùng đối với gamer sử dụng phần mềm gian lận càng cho thấy sự bất lực của PUBG Corp. Bởi với chỉ khoảng 10 USD, một người chơi đã có thể tạo cho mình tài khoản mới. Nhưng quan trọng, liệu PUBG có "sống" đủ lâu để ban nick đến 100 năm?

Theo Zing​
 

Mr Pink

Member
ngay từ lần đầu thấy bạn mình chơi đã thấy nó chán chán, cứ chạy chạy trong cái map rộng và gặp người thì bắn, có khi chạy 10p không gặp ai, tính ra đổi với mình thì thua cả cs go hay cf nữa
 
Bên trên