Tại sao vi xử lý Snapdragon 865 cao cấp nhất của Qualcomm lại không tích hợp 5G?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nếu một con chip có đầy đủ mọi thứ, nó sẽ quá lớn, dẫn đến nhiều vấn đề về chi phí, hiệu năng, đồng thời còn rất khó để đưa vào các thiết bị di động vốn ngày càng mỏng hơn.

2016460.jpg


Gã khổng lồ chip Qualcomm vừa tổ chức sự kiện tại Hawaii nhằm giới thiệu những vi xử lý di động mới nhất của hãng. Tất nhiên, các lãnh đạo công ty không thể không đề cập đến 5G và viễn cảnh nó sẽ phổ biến ra sao trong năm 2020.

Nhưng tin tức nóng hổi nhất của toàn sự kiện không phải là những tính năng to tát của những con chip mới, hay liệu sẽ có bao nhiêu chiếc điện thoại hỗ trợ 5G ra mắt trong vài năm tới. Thay vào đó, điều người ta thảo luận nhiều nhất tại Snapdragon Tech Summit là một thứ mà vi xử lý Snapdragon 865 mới nhất dành cho các smartphone cao cấp không hề có: một chip sóng (modem) tích hợp.

Smartphone cần rất nhiều linh kiện để hoạt động, nhưng hai thành phần chủ chốt để một chiếc điện thoại đúng nghĩa là một chiếc điện thoại bao gồm vi xử lý ứng dụng – đóng vai trò như bộ não của thiết bị, và modem – dùng để kết nối thiết bị đến một mạng di động. Các thiết bị 5G đầu tiên cần một modem độc lập hoạt động song hành cùng vi xử lý chính, bởi công nghệ 5G lúc đó còn quá mới mẻ, khó có thể kết hợp nó vào "bộ não" thiết bị được. Còn hiện nay, mọi nhà sản xuất chip đang dần kết hợp modem vào các vi xử lý ứng dụng để hình thành một "bộ não" toàn diện cho thiết bị.

Ấy vậy nhưng quyết định giữ modem độc lập với vi xử lý của Qualcomm đã cho thấy một bước lùi trong một trong những chiến lược trọng yếu của hãng. Nhà sản xuất chip không dây lớn nhất thế giới từ lâu đã nổi tiếng với khả năng tích hợp các vi xử lý để tạo nên một hệ thống trên một con chip (system-on-a-chip hay SoC). Lợi thế lớn nhất của SoC là nó giúp thiết bị có thời lượng pin tốt hơn và chi phí sản xuất thấp hơn. Thay vì nhồi nhét 2 con chip vào một điện thoại, nhà sản xuất chỉ còn duy nhất một SoC, từ đó có thể cho ra những chiếc điện thoại mỏng hơn, đẹp hơn, hoặc có thêm không gian để chứa những viên pin "khủng" hơn. Dùng chip tích hợp còn cho phép họ nhanh chóng phát triển các mẫu điện thoại sử dụng được trên bất kỳ mạng 5G nào trên thế giới, giúp các điện thoại 5G trở nên rẻ hơn, đến được tay nhiều người tiêu dùng hơn.

"Trong nhiều năm trời, Qualcomm đã khẳng định chip tích hợp là lựa chọn tốt hơn và tiết kiệm năng lượng hơn" – nhà phân tích Bob O'Donnel của Technalysis Research nói. "Nhưng có nhiều yếu tố đã đưa họ đến quyết định rằng ở thời điểm hiện tại, đối với những linh kiện cao cấp với nhiều thành phần và tính năng, tốt hơn nên để chúng riêng biệt với nhau".

Qualcomm đã nói về con chip tích hợp 5G đầu tiên của hãng từ tháng 2 năm nay, khi Samsung xuất hiện trên sân khấu của Qualcomm tại MWC 2019 ở Barcelona với tuyên bố sẽ là công ty đầu tiên sử dụng vi xử lý này. Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán rằng con chip cao cấp nhất của Qualcomm sẽ là con chip đầu tiên mang lại công nghệ này. Nhưng họ đều đã sai.

Trên thực tế, con chip đầu tiên hỗ trợ 5G của Qualcomm là bộ đôi Snapdragon 765 và 765G dành cho các điện thoại tầm trung, được tích hợp modem 5G, mà công ty đã giới thiệu tại Snapdragon Tech Summit ở Maui. Đến đây hẳn bạn sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao Qualcomm không tích hợp 5G vào con chip "khủng" nhất của mình?

Snapdragon 865 "không được tích hợp 5G bởi đó không phải là một giải pháp đúng đắn về mặt công nghệ, trừ khi bạn muốn ảnh hưởng xấu đến vi xử lý ứng dụng hoặc đến modem" – Chủ tịch Qualcomm, Cristiano Amon, nói trong một bài phỏng vấn hôm thứ 3. "Chúng tôi chọn cách không gây ảnh hưởng xấu đến cái nào cả".

Theo ông, nếu Qualcomm không lược bớt modem hoặc lược bớt tính năng của vi xử lý ứng dụng, con chip tạo ra sẽ quá lớn và tiêu thụ quá nhiều điện năng khi trang bị cho các smartphone cao cấp.

"Nếu tìm cách làm ra một con chip mà không gây ảnh hưởng lên bất kỳ thành phần nào của nó, con chip sẽ quá lớn, chúng tôi sẽ gặp vấn đề về chi phí, khả năng thu nhỏ, và hiệu năng" – Amon nói.

Hành trình đến 5G

Công nghệ 5G hứa hẹn sẽ giúp tăng đáng kể tốc độ, tầm phủ sóng, và khả năng phản hồi của các mạng không dây. Nó có thể chạy nhanh hơn từ 10-100 lần kết nối di động thông thường bạn đang dùng hiện nay, qua đó thay đổi toàn diện cách chúng ta tương tác với các thiết bị.


Chip Snapdragon 855 năm ngoái, được trang bị cho những chiếc điện thoại 5G đầu tiên, được tích hợp modem X24 Gigabit LTE của Qualcomm. Để hỗ trợ 5G, các nhà sản xuất thiết bị phải sử dụng thêm modem X50 5G cũng của Qualcomm. Do đó, hầu hết các nhà sản xuất lựa chọn giải pháp chỉ tung ra một phiên bản 5G và tiếp tục sử dụng 4G trên các mẫu điện thoại còn lại.

"Mỗi sản phẩm 5G tung ra cho các nhà mạng trên thế giới là một sản phẩm tổng hợp những thứ họ đã có trước đây" – Ryan Sullivan, Phó chủ tịch phát triển và gia công sản phẩm tại Sprint nói.

Những chiếc điện thoại chính trong năm nay của Samsung là Galaxy S10 và Note 10 với 4G. Các mẫu 5G của các thiết bị này có giá cao hơn phiên bản 4G lần lượt 300 USD và 200 USD.

Rốt cuộc thì, "5G trở thành một phụ kiện trong hộp của các thiết bị này" – Sullivan nói. "Nếu phải bỏ thêm vài trăm đô để có 5G, thì những thiết bị này sẽ không bao giờ trở thành món hàng đại trà được".

Liệu chúng có trở nên đại trà trong năm 2020 hay không? Chưa ai biết được. Mark McDiarmid, Phó Chủ tịch cấp cao mảng sản xuất và phát triển mạng di động của T-Mobile, kỳ vọng khoản phí phải bỏ ra để các thiết bị có thể truy cập được sóng 5G băng tần thấp sẽ không còn nữa trong khoảng từ 2-3 năm tới. "Nhưng mmWave lại là một thứ khác, bởi tôi nghĩ các quốc gia khác phải triển khai mmWave và tiêu thụ các thiết bị mmWave thì mới giảm được chi phí đó" – ông nói.

2016463.jpg


Snapdragon 865

Khác với truyền thống, chip Snapdragon 865 cao cấp nhất của Qualcomm sẽ không có bất kỳ modem tích hợp nào. Nó sẽ chỉ hoạt động khi đi kèm với modem X55 của Qualcomm, vốn là modem có khả năng kết nối đến mọi thứ từ 2G đến 5G. Modem này hoạt động trên tất cả các mạng 5G khác nhau, từ dải băng tần thấp tốc độ chậm nhưng ổn định, đến tần số sóng millimet phạm vi ngắn nhưng siêu nhanh.

"Nếu bạn xem xét hiệu năng, chúng tôi đứng đầu trong mọi lĩnh vực, với CPU và GPU ổn định" – Amon nói. "Chúng tôi tin những tình huống cần đến 5G trên những smartphone cao cấp sẽ đòi hỏi những thứ đó"

Ông nhấn mạnh rằng thời lượng pin của các thiết bị sử dụng Snapdragon 865 kết hợp với X55 sẽ tốt hơn nhiều so với các điện thoại năm ngoái, vốn dùng Snapdragon 855 kết hợp với modem X50. Thậm chí thời lượng pin này sẽ tốt hơn cả các điện thoại 4G năm ngoái, vốn sử dụng Snapdragon 855 cùng modem X24 tích hợp.

Một phần của lý do đằng sau quyết định giữ modem và vi xử lý ứng dụng tách biệt nhau có thể là tình hình quan hệ giữa Qualcomm với Apple. Apple hiện là một trong số rất ít những công ty sản xuất những chiếc điện thoại không có modem tích hợp. Hãng này tự phát triển các vi xử lý ứng dụng cho iPhone, nhưng lại dựa vào các đối tác như Qualcomm và Intel để có được modem giúp kết nối điện thoại với các mạng di động.

Qualcomm cũng từng tung ra một hệ thống mô-đun 5G mới, trong đó kết hợp modem với các ăng-ten cần thiết để kết nối một điện thoại với một mạng di động. Hệ thống này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty nhanh chóng sản xuất ra những chiếc điện thoại 5G và cho phép những công ty có trình độ sản xuất chưa cao có thể sản xuất nhiều thiết bị mới hơn. HMD, công ty sản xuất những chiếc điện thoại Nokia, là một trong các hãng sẽ sử dụng các mô-đun này của Qualcomm.

Chiến lược giữ chip 865 và modem tách biệt nhau "không buộc các khách hàng mới chỉ được sử dụng một SoC hoàn chỉnh" – Nhà phân tích của Creative Strategies là Ben Bajarin nói. "Bán hàng cho Apple trên thực tế sẽ giúp họ bán hàng tại các thị trường mới, do đó cả hai cùng có lợi. Tôi tin họ có thể tích hợp nó, nhưng chọn không làm vậy để có thể phát triển chiến lược mô-đun, cũng là một chiến lược tốt."

Snapdragon 765

Để có được thời lượng pin cũng như nhiều lợi ích hơn nữa của việc sử dụng chip tích hợp, các nhà sản xuất thiết bị sẽ phải dùng đến Snapdragon 765 hoặc 765G (G là phiên bản dành cho các điện thoại chơi game) mới ra mắt của Qualcomm.

Các nhà sản xuất thiết bị khi sử dụng chip tích hợp Snapdragon 765 sẽ có một vài tính năng cao cấp, nhưng không cao cấp như trên 865. Modem X52 của 765 chỉ đạt tốc độ download tối đa 3,7Gbps so với 7,5Gbps của modem X55 đi kèm với 865, và nó cũng không thể chạy nhiều tác vụ mỗi giây như 865.

"Điểm khác biệt so với Snapdragon 865 là các tính năng bị giản lược đi" – Alex Katouzian, Phó chủ tịch cấp cao và quản lý chung mảng di động tại Qualcomm cho biết.

Ông nói thêm rằng khi chuyển sang 4G LTE một thập kỷ trước, Qualcomm cũng không tích hợp modem với vi xử lý ứng dụng trên những con chip cao cấp nhất cho đến khi công nghệ mạng này bước sang thế hệ thứu 3.

"Chuẩn này còn mới. Chúng tôi chưa có đủ thời gian nghiên cứu nhiều tính năng khác nhau cho modem để làm cho nó được tối ưu hơn và nhỏ hơn. Thường thường, một số tính năng sẽ được dùng nhiều hơn hẳn so với các tính năng khác, nên chúng tôi sẽ có thể biết được cần dùng cái gì và không dùng cái gì".

Cạnh tranh với các đối thủ

Tuy nhiên, Qualcomm phải đối mặt với một loạt các đối thủ - Huawei, MediaTek, và Samsung – tất cả đều đã công bố những vi xử lý tích hợp 5G của riêng họ.

Chip Kirin 990 của Huawei, được công bố tại IFA hồi tháng 9, tích hợp 5G với bộ não của thiết bị và hiện diện trên các smartphone cao cấp của hãng. Chip tích hợp 5G Dimensity 1000 mới của MediaTek cũng nhắm vào thị trường smartphone cao cấp, và đây là con chip duy nhất có tốc độ download cao hơn Snapdragon 765 của Qualcomm.

Chip tích hợp 5G Exynos 980 của Samsung, ra mắt hồi tháng 9, thì được nhắm vào các thiết bị tầm trung.

Chip 990 của Huawei có thể đạt tốc độ download 2,3Gbps và tốc độ upload 1,25Gbps. Để tiện so sánh, chip Dimensity 1000 của MediaTek có tốc độ download tối đa 4,7Gbps và tốc độ upload 2,6Gbps. Cả hai đều có những giới hạn về băng tần hoạt động; chúng không thể truy cập vào dải sóng millimet siêu nhanh của Verizon.

"Công nghệ 5G của chúng tôi cạnh tranh được với bất kỳ ai trong ngành công nghiệp" – Chủ tịch MediaTek, Joe Chen, nói trong buổi công bố Dimensity 1000 hồi tháng trước.

Amon phản pháo lại các đối thủ rằng họ sở hữu những con chip mạnh mẽ và hiệu quả nhất thị trường.

"Một số công ty tìm cách chạy đua tích hợp chip" – Amon nói. "Có một đối thủ tại Trung Quốc… đã giảm bớt tính năng của modem khi chuyển từ hình thức modem rời sang tích hợp".

Ông không nêu rõ tên đối thủ này, nhưng nhiều khả năng đang nhắc đến Huawei. Chip 5G rời trước đó của công ty Trung Quốc, Balong 5000, có thể đạt tốc độ download tối đa 7,5Gbps khi kết hợp 5G với LTE. Chip tích hợp Kirin 990 chỉ hoạt động ở dải băng tần thấp hơn, với tốc độ download tối đa bằng một nửa của Balong 5000.

"Mọi người đều chạy đua để làm ra một SoC, gây ảnh hưởng xấu đến công nghệ trên modem và vi xử lý ứng dụng" – Amon nói. Trong số đó có "nhiều công ty nắm mọi thứ trong tay để có thể dẫn đầu thị trường modem… Thật thú vị khi mọi người đi theo hướng đó, chúng tôi thì đi theo hướng khác".

Có lẽ chúng ta sẽ chờ xem những gì Qualcomm đã làm sẽ có ý nghĩa thực sự ra sao trên các smartphone năm 2020.

Theo Vn review​
 

Escalante

Well-Known Member
Hay đấy. Bài này cùng với bài Bùi An post vài bữa trước giúp tui hiểu rõ hơn về vụ tích hợp con modem 5G vào vi xử lý.

Có nhiều thứ phải bàn chứ không hẵn tích hợp là để tích hợp, chưa kể đến vấn đề định hướng chiến lược của công ty

Lót chiếc dép mới mua của Uniglo ngồi hóng tiếp :D
 

linhdb

Well-Known Member
khoảng 2 năm nữa 5G mới có thể phổ cập ở VN vì vậy các bác nào muốn mua đt mới thì cứ mua, 2 năm nữa tính đổi là gần được 1 vòng đời điện thoại (tạm lấy theo em, 3 năm đổi 1 cái)
 

TPAT

Well-Known Member
khoảng 2 năm nữa 5G mới có thể phổ cập ở VN vì vậy các bác nào muốn mua đt mới thì cứ mua, 2 năm nữa tính đổi là gần được 1 vòng đời điện thoại (tạm lấy theo em, 3 năm đổi 1 cái)
Mỹ kia còn chưa hoàn thiện dc ở đó VN 2 năm nữa phổ cập 5G :p
 

Haxen

Well-Known Member
Có thể 5G chưa phù hợp vào thời điểm này nên họ không tích hợp
 
Bên trên