Tầm nhìn của Apple và hồi chuông cảnh tỉnh cho Google

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nếu không tập trung cải thiện chính mình, Google có thể sẽ phải hối tiếc, để rồi trở thành kẻ đến sau trong thế giới công nghệ.

2100273.jpg


Bài viết là ý kiến chủ quan của cây viết Dhruv Bhutani đến từ Android Authority. VNReview xin phép lược dịch để độc giả tiện theo dõi:

Hội nghị nhà phát triển WWDC thường niên của Apple là khoảng thời gian mà Táo khuyết "vén màn" tương lai tiếp theo của những "gà cưng" smartphone, tablet và hệ điều hành macOS của họ. Với tất cả những gì mà Apple đã làm được, đó luôn luôn là một thành công lớn của thế giới công nghệ.

Sự kiện WWDC năm nay tổ chức vào tháng 6, có thể được xem là một sự kiện lịch sử - không chỉ vì nó được tổ chức trực tuyến mà đó còn là những giây phút quý giá khi mà cả WWDC và Apple đều dũng cảm thay đổi phương thức đối thoại công nghệ thay vì nhất quyết đi theo đường mòn lối cũ.

Trong số những thay đổi, cập nhật được mong đợi hoặc có thể vẫn chưa làm thỏa mãn người dùng, có một điểm đáng chú ý: chuyển Macbook sang sử dụng Apple Silicon, nền tảng phần cứng lớn thứ 3 của hệ máy Mac. Cuối cùng chúng ta cũng có thể thấy được đỉnh cao của một thập kỷ làm việc nhằm hợp nhất một hệ sinh thái mà các công ty khác chỉ có thể mơ ước ở hiện tại.

Tôi đã sử dụng Mac trong hơn một thập kỷ và luôn bị ấn tượng bởi cách mà các sản phẩm của Apple được tích hợp trơn tru với hệ điều hành. Chứng kiến cách mà Apple liên tục chăm bẵm kỹ càng cho mỗi sản phẩm trong hệ sinh thái của mình càng cho thấy tình hình tồi tệ ở một nơi nào đó. Tất nhiên, tôi đang muốn nói về Google.

Cách tiếp cận của Google đối với phần cứng thật sự yếu đuối và tệ nhất là họ thiếu đi một tầm nhìn hay một định hướng tổng thể. Kết quả là họ có những những sản phẩm tuyệt vời nhưng lại cô đơn, luôn trong trạng thái "mạnh ai nấy làm". Khi phải đối mặt với trò chơi quyền lực mới của Apple, các sản phẩm Made by Google vẫn còn trong trạng thái chuẩn bị ra mắt, khiến người dùng phải mòn mỏi chờ đợi, điều đó cần phải thay đổi.

Chìa khóa thật ra nằm ở hệ sinh thái và "khóa chân" khách hàng

2100264.jpg


Chẳng có gì bí mật cả, Apple đã và đang xây dựng, hướng tới một hệ sinh thái hoàn toàn thống nhất, một phạm vi rộng hơn của sản phẩm nhằm giảm mức độ "ma sát" giữa chúng cho người tiêu dùng. Điều này gây khó chịu cho Android, vốn là một kẻ bướng bỉnh, cũng như thổi bùng lên những màn khẩu chiến nơi người hâm mộ, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng sự tập trung đến mức "độc đoán" của Apple đối với trải nghiệm của người dùng đầu tiên đã mang đến kết quả là một hệ sinh thái của những ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm có thể làm việc, mà trên hết là có thể làm việc cùng nhau.

Những tính năng như Continuity đảm bảo một sự chuyển tiếp liền mạch giữa Mac, iPhone và iPad. Sidecar giúp tăng năng suất làm việc bằng cách biến iPad thành một màn hình phụ đầy mạnh mẽ cho Macbook một cách dễ dàng. Vẽ nguệch ngoạc chữ ký trên chiếc iPad của bạn và ngay lập tức chèn nó vào một trang văn bản trên máy Mac là một kiểu công cụ đơn giản mà không thể nào tìm thấy trên các sản phẩm của Google. Năm nay iPad thậm chí sẽ bổ sung tính năng tìm kiếm Spotlight cực kỳ mạnh mẽ đến từ macOS.

Tablet là một điểm khác đáng nói để mang ra so sánh. Kho ứng dụng trên iPad có đầy đủ các ứng dụng chất lượng cao mà bạn thường sẽ không tìm thấy những thứ tương đương tầm cỡ trên Android. Từ sáng tạo âm nhạc cho đến game rồi các trình soạn code, sự thật là iPad đủ mạnh mẽ và đủ đa năng để trở thành một sự thay thế thật sự cho laptop đối với phần lớn người dùng.

2100270.jpg


Trong khi đó, người ta lại không hề thấy được những nỗ lực của Google trong việc hỗ trợ thị trường tablet. Số lượng ứng dụng được tối ưu hóa cho tablet có trên Play Store thật sự rất tệ. Samsung đã cố gắng nhất có thể trên dòng Galaxy Tab của mình, nhưng có vẻ chừng đó là chưa đủ, vẫn là một trải nghiệm dưới chuẩn và không phải là một kết quả phù hợp khi mà danh mục đầu tư các thiết bị Samsung là vô cùng rộng lớn.

Sự thiếu gắn kết giữa tablet Android và hệ sinh thái rộng hơn do Google thiết kế cũng được phản chiếu trên các dòng sản phẩm khác. Wear OS đã "héo úa" dần theo nhiều cách như thế. Thiếu đi sự tao nhã chung, cải tiến cầm chừng, thời lượng pin tệ hại ngay cả trên phần cứng mới nhất. Hoặc đơn giản là thiếu sản phẩm flagship từ chính bản thân Google, Wear OS là một màu nhạt khi đem so sánh với bộ tính năng của watchOS có trên Apple Watch hay thậm chí là dòng sản phẩm Galaxy Watch chạy trên hệ điều hành Tizen OS của Samsung.

2100258.jpg


Điều tương tự cũng xuất hiện khi phải đối mặt với iPhone và thậm chí là AirPods. Mặc dù tính năng Fast Pair đang có những bước tiến để cải thiện trải nghiệm ghép nối Bluetooth, nhưng nó lại không được thực tế với những mẫu tai nghe hiện đại. Trong khi đó, với phiên bản phần mềm mới nhất của Apple, AirPods có thể nhận diện chính xác nơi âm thanh được truyền vào và chuyển đổi giữa các nguồn. Đây là thứ chỉ có thể thực hiện được với hình thái tích hợp dọc mà Apple đã kỳ công xây dựng trong nhiều năm qua.

Sau WWDC, giờ chúng ta đã có mảnh ghép cuối cùng. Với sự chuyển dịch khỏi Intel, Apple cuối cùng đã có thể đưa Mac vào "khu vườn sinh thái" của mình. Khả năng tương thích với các ứng dụng trên iPhone và iPad là một cơ hội to lớn cho cả khách hàng và những nhà phát triển, khi mà chẳng cần làm gì Apple cũng đã có sẵn một hệ sinh thái phần mềm khổng lồ cho máy tính Mac chạy ARM. Dĩ nhiên là hiện tại Choromebook có thể chạy các ứng dụng Android. Tuy nhiên, thiết bị chạy trên Chrome OS lại gặp phải vấn đề tối ưu hóa ứng dụng đã xuất hiện tương tự trên tablet Android. Mac có thể bỏ qua vấn đề này bằng cách tận dụng lợi thế hệ sinh thái ứng dụng đáng ghen tỵ của iPad.

Tuy nhiên, đó không chỉ là câu chuyện về những ứng dụng và phần mềm. Để lấy một ví dụ rõ ràng, có rất ít thông tin về việc Pixelbook thật sự gắn kết với điện thoại Google Pixel ngoài việc xây dựng thương hiệu. Như cây viết Oliver Cragg của Android Authority đã từng đề cập, bạn hoàn toàn có thể đếm số cách mà Google Pixel tích hợp được với Chromebook chỉ trên một bàn tay. Điều đó đã nói lên mức độ rời rạc phần cứng của Google thảm họa đến như thế nào.

Google là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình

2100261.jpg


Có thể lập luận rằng bằng cách cấp phép cho phần mềm và hệ điều hành của mình, Google chỉ đang là một kẻ hỗ trợ cho hệ sinh thái rộng lớn chạy trên nền tảng của chính họ. Mọi thứ có vẻ chấp nhận được ở một chừng mực nào đó nhưng lại không phải là một sự đầu tư cho thịnh vượng. Google mua lại hai công ty smartphone (Motorola Mobility và HTC) và một nhà sản xuất thiết bị đeo (Fitbit) mà không có lấy một tham vọng phần cứng nghiêm túc.

Tuy nhiên, hoạt động theo kiểu "tàu ngầm" với mỗi sản phẩm có cơ chế trục dọc riêng biệt sẽ chẳng hề có lợi cho Google. Chúng thiếu sự tập trung đồng nhất và miễn cưỡng khi phải lắng nghe những gì thị trường cần, điều đó đã được minh chứng bằng việc Pixel 4 ra mắt với những thiếu hụt so với các "đồng nghiệp" khác và hệ quả là sự dứt áo ra đi của nhiều lãnh đạo, người đứng đầu các mảng quan trọng. Đừng tự biện hộ cho sự cố chấp của mình, khi mà chính "gã khổng lồ" vốn khét tiếng về độ ngoan cố như Apple cũng phải khiến giới công nghệ ngạc nhiên khi sẵn sàng nhượng bộ và bổ sung các widget lên iPhone và iPad.

Tôi hiểu rằng Google không thể hoặc không muốn làm mếch lòng các mối quan hệ đối tác của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đóng đinh phần cứng của riêng họ là có thể chấp nhận được.

Đây không phải là hệ sinh thái riêng của Google. Sự thiếu tập trung của công ty có trụ sở chính tại Mountain View đã buộc nhiều nhà sản xuất phải tự tạo ra các "lãnh địa sinh thái màu mỡ" nhỏ của riêng họ, có thể hoặc không thể thích nghi tốt với phiên bản nền tảng vốn an toàn và thuần túy của Google.

Samsung, Huawei, Xiaomi chỉ là một vài trong số những thương hiệu có liên kết với Android đã chuyển sang tạo ra hệ sinh thái dành riêng cho thương hiệu của họ, điều đó càng chứng thực cho sự "phai màu" tầm nhìn của chính Google về một trải nghiệm thống nhất trên phần cứng.

Trở lại với thiết bị đeo tay một lần nữa, thay vì biến Wear OS thành một nền tảng có thể thực sự đứng ngang tầm Apple Watch với một thiết bị đeo tay flagship của chính Google, thì thay vào đó họ lại đang theo đuổi thứ phần cứng phái sinh. Samsung chẳng hạn, tôi có rất ít niềm tin vào nền tảng mà họ có thể tự tạo ra một hệ điều hành smartwatch vượt trội dựa trên Tizen.

2100276.jpg


Google có khả năng tạo ra các sản phẩm với chất lượng đáng kinh ngạc, nhưng nếu muốn thu hút người dùng lựa chọn hệ sinh thái của họ thay vì của Apple, Google nên bắt đầu đối xử với phần cứng của mình như một "công dân hạng nhất" thay vì chỉ tập trung dẫn đường cho người dùng đến các dịch vụ nền tảng và đám mây của họ.

Có thể cho rằng ngôi sao sáng nhất trong danh mục đầu tư phần cứng của Google là hệ sinh thái các sản phẩm Google Nest, sự lựa chọn đang thắp lên nguồn cảm hứng. Tuy nhiên, ngay cả khi như thế, Google vẫn chần chừ, không cho thấy cam kết mang đến sự đa dạng cho các sản phẩm. Hãy thử lướt nhanh qua danh mục các sản phẩm xoay quanh Alexa của Amazon, bạn sẽ thấy Google đứng sau bao xa trong việc xây dựng bản thân trở thành một người chơi tầm cỡ đối với nền tảng phần cứng.

Cần có những mức độ gắn kết dù là nhỏ giữa các nhóm Pixel và Nest, có một sự đồng nhất để thiết kế ngôn ngữ và các kiểm soát truy cập trực tiếp tích hợp của Google cho thiết bị nhà thông minh trên Android 11 cho thấy công ty sẵn sàng tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các trục dọc.

Nearby Sharing đang được định hình là một giải pháp thay thế khả thi khi so sánh với Airdrop của Apple, nó cho phép bạn dễ dàng chia sẻ các tệp giữa bất kỳ nền tảng nào chạy trình duyệt Chrome và điện thoại Android. Tất nhiên, sẽ chẳng ai muốn nhìn thấy nó cũng sẽ kết thúc hành trình của mình trong nghĩa trang tưởng niệm các dịch vụ của Google giống như Android Beam trước đó.

2100279.jpg


Hệ sinh thái của Apple đang phát triển chậm. Tại WWDC, Apple đã vẽ rõ 10 năm tiếp theo của điện toán trên các thiết bị của họ sẽ trông như thế nào, điều đó làm tôi cảm thấy phấn khích nhưng cũng lo lắng về những gì nằm ở phía trước cho tham vọng hệ sinh thái của Google.

Khi chúng ta lao đầu vào thế giới hậu PC, Google cần nỗ lực hơn đối với nền tảng và hệ sinh thái của mình, thông qua phần cứng của họ, kích hoạt các hệ sinh thái đối tác hoặc đơn giản là chấp nhận đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại. Rất may, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy Google đã cảm nhận được những điều cần làm.

2100267.jpg


Tin đồn cho thấy Google đã sẵn sàng để giới thiệu một dongle mới – với một chiếc remote điều khiển – hợp nhất sự tiện lợi của thiết kế dongle Chromecast trong khi chạy hệ điều hành Android TV, mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Một dấu hiệu tích cực khác là sự tiếp tục đầu tư và hỗ trợ của Google cho Google Assistant, hiện là xương sống của rất nhiều dịch vụ thú vị của Google - bao gồm cả Google Nest sắp tới. Từ việc tăng sức mạnh tìm kiếm trên Nest Hub cho đến tải lên bộ phim yêu thích của bạn trên Android TV, Google Assistant thể hiện được các phần mềm sản phẩm chéo tốt nhất của Google. Nhưng kích hoạt video từ loa thông minh đến TV thôi là không đủ. Hãy thử nghĩ về việc gửi và trả lời tin nhắn văn bản từ loa thông minh Nest Mini? Hoặc nhận thông báo cuộc gọi trong cửa sổ trình duyệt Chrome? Đây là dạng tích hợp hệ sinh thái mà Apple đang đầu tư phát triển và đã đến lúc Google phải thực sự suy xét kỹ hướng đi này.

Bây giờ không phải là lúc để Google cứ thản nhiên thử hết ý tưởng này đến ý tưởng khác để tìm ra câu trả lời. Khi các dòng sản phẩm riêng lẻ này trưởng thành, Google cần suy nghĩ lâu dài và nghiêm khắc về cách kết hợp chúng cùng nhau trong một tầm nhìn tương lai của điện toán liền mạch giữa các loại sản phẩm. Bốn thế hệ điện thoại, ba thế hệ laptop và vô số thử nghiệm sau đó, Google hiện tại cần nhận ra điều gì là tốt nhất và đấu tranh cho tầm nhìn của họ về một tương lai kết nối.

Khi Apple cam kết với một cái gì đó, họ đã bỏ hết sức lực để có thể đạt được nó. Google cũng vậy, họ có thể học được một vài bài học từ thương hiệu Cupertino.

Theo Vn review​
 

behattieu82

Moderator
Thành viên BQT
Điều này là có thật trong tương lai gần, google tầm nhìn rộng nhưng sắc nét thì Apple
 

Shangri-La

Well-Known Member
Kệ, thằng này xuống thì thằng khác lên, có khi lại hóa hay. Nhớ ngày trước, có ai nghĩ Google sẽ bóp chết Yahoo, hay Facebook bóp chết Yahoo Messenger, hay điện thoại internet đè bẹp điện thoại truyền thống đâu nhỉ.
 
Bên trên