Thứ trưởng Giao thông giải tỏa sức ép ngàn cân dư luận

Pioneer

Member
- Trước hết, mong muốn đầu tiên là ngành giao thông tiếp tục phát triển để đáp ứng được sự phát triển của đất nước. Thứ hai là mong muốn có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển. Tham gia cả về công, cả sức, cả tiền và kể cả ý thức trong vấn đề tham gia giao thông... - Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ với Phunutoday.


PV: - Bộ GTVT vừa tuyên bố sẽ không thu phí lưu hành trong năm nay với lý do nền kinh tế khó khăn. Là Thứ trưởng Bộ GTVT, xin ông cho biết đây là lý do thực sự hay đề án này không khả thi?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Như hôm trước Bộ trưởng nói rất rõ, trong đề xuất của Bộ GT để bổ sung danh mục phí đề xuất lên Chính phủ trình Quốc hội bổ sung danh mục phí vào Pháp lệnh phí và lệ phí.


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: IE

Vì Pháp lệnh phí hiện tại được ký vào năm 2001 không có danh mục mà như bây giờ Bộ trưởng gọi là phí hạn chế phương tiện cá nhân, trước đó gọi là phí lưu hành. Đó mới là đề nghị bổ sung vào các danh mục đó, còn được thì sẽ hoàn tất đề án, từ Quốc hội thông qua Chính phủ chỉ đạo để xây dựng đầy đủ thì lúc đó đề án sẽ có lộ trình thực hiện.

Cho nên đề xuất này không nói là được năm nay, sang năm hay năm sau mà phải phụ thuộc vào chủ trương danh mục đó có được đồng ý hay không.

Đúng là lúc này là lúc bất lợi trong vấn đề đưa ra một đề nghị nào về phí hoặc tăng gánh nặng cho người dân nói chung chứ không phải là vì cái khó mà không thực hiện được. Ngay từ khi đề nghị lên Bộ GT đã không đề nghị mốc thời gian, không thể chạy trước Quốc hội được. Hơn nữa, mức phí này mới chỉ là dự kiến và không phải nó không khả thi mới rút lại, mà nó phải có trình tự.

PV: - Thưa ông, với việc đổi tên phí từ phí lưu hành xe thành phí hạn chế phương tiện cá nhân đường bộ, có ý kiến cho rằng đó là vi phạm pháp luật, ông nghĩ sao?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Tôi cho rằng, trong xã hội cũng có người này người kia, một ý kiến đó không thể phản ánh được tất cả.

Về cơ bản mà nói nó có mục tiêu tối cao là thu được một phí để sau này đầu tư hạ tầng. Và có thể giải thích thêm tại sao lại thu trên đầu phương tiện, cũng như quỹ bảo trì đường bộ cũng vậy.

Một số người nói rằng cứ lăn bánh thì mới trả tiền, quan điểm đó cũng là quan điểm của người ta, nhưng nhìn rộng ra các nước khác họ cũng giới thiệu về quỹ bảo trì đường bộ như ở Nhật người ta thu về phí xăng dầu, rồi thu trên đầu phương tiện và tính trên trọng lượng xe.

Cứ một xe là 500kg thì thu 2630 yên, xe 1 tấn thì khoảng 5200 yên… có nghĩa là họ thu trên đầu phương tiện chứ không phải nó lăn bánh hay không lăn bánh.

Họ giải thích nếu thu số lượng lăn bánh sẽ phải thu thêm phí môi trường. Anh đã mua xe để xây dựng hạ tầng vì vậy, xe nặng hơn thì cần đường phải dày hơn, tốt hơn thì phải đóng nhiều hơn. Tư duy của họ là vậy. Nam Bia ở Châu Phi, Nhật Bản rồi một loạt các nước khác cũng thu đầu phương tiện.

Báo chí cứ nói thu xăng là công bằng, nhưng bây giờ trên thế giới chạy bằng điện, các khí thì thu bằng cái gì? Vậy thì có công bằng không? Úc là đất nước có lượng xe chạy bằng điện rất nhiều, phấn đấu đến 2015 là gần 20% xe chạy bằng điện thế thì phải thu bằng đầu phương tiện cũng là hợp lý.

Các nước khác họ thu bằng đầu phương tiện và trọng lượng xe tôi cho rằng là hợp lý. Tôi cũng sẽ đề nghị nước mình cũng phải dần thực hiện như vậy.

Rồi có ý kiến cho rằng tại sao lại không thu trên xăng dầu rồi các ngành dùng họ dùng xăng dầu sẽ cân đối vĩ mô để trả cho người ta. Nói như thế thì mình phải trong một xã hội rất hiện đại như ở nước Anh họ mới làm được, họ cân đối được đối với nông nghiệp dùng bao nhiêu, đánh cá dùng bao nhiêu, khai mỏ dùng bao nhiêu, sau đó người ta hỗ trợ thông qua cân đối ngân sách vĩ mô cho ngành ấy để phát triển hạ tầng.

Còn mình bây giờ nếu như vậy thì người chạy ca nô đường thủy người ta sẽ trả như thế nào? Mình sẽ trả họ như thế nào? Trả cây số thì mình kiểm soát làm sao được những thứ đó?

Đồng ý rằng không phải lúc nào cũng có cái công bằng hết được, ví dụ anh lăn nhiều, sử dụng nhiều thì anh phải trả nhiều đó là một cái logic rất đúng. Nhưng khi áp dụng vào thì nó không phải lúc nào cũng hợp lý.

PV: - Ông có thể cho biết đối với loại phí hạn chế phương tiện cá nhân này, Bộ đã lấy cơ sở khoa học nào để đề ra mức phí như đã đề xuất?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Bộ cũng xem xét trên điều kiện có tham khảo dựa trên việc tham khảo một số nước trong khu vực. Rồi cũng đối chiếu mức thu nhập của các nước để ta có đánh giá, đề xuất.

Trước kia bước nhảy tương đối lớn ví dụ như 20, 30, 50 thì bây giờ chia theo bước nhỏ hơn. Còn cơ sở này với tính chất là những cái đề xuất ban đầu, các Bộ Ngành còn xem xét nhiều. Bộ cũng tính trên quy mô của xe đó rồi đưa ra giá trị tương ứng.

PV: - Với việc giảm mức phí hạn chế lưu hành phương tiện vào nội đô từ 20 – 50 triệu/xe/năm xuống còn 10 – 15 triệu/xe/năm người dân cho rằng: Bộ GTVT dường như đang đi chợ với dân để mặc cả? Để đưa ra một đề án cần phải nghiên cứu kỹ đâu có thể “cao hứng” mà nói rồi lại sửa, lại thay đổi. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Đấy mới chỉ là đề xuất của Bộ GT sẽ được các Bộ, Ngành đặc biệt là Bộ Tài chính xem và thẩm định, đưa ra mức phí. Giống như phí quỹ bảo trì đường bộ, Bộ cũng xem rồi lấy ý kiến tất cả, kể cả Hiệp hội Vận tải cũng có ý kiến. Sau đó mới chốt lại.

Đề xuất này không phải là ngày mai áp dụng luôn, mới chỉ đề xuất lên để bổ sung danh mục. Còn cao hứng thì cũng không phải vậy.

Tôi cho rằng đúng như Bộ trưởng hôm họp báo có nói phần giải thích, đưa ra công chúng chưa đầy đủ cho nên người ta cứ nghĩ ngay là ngày mai thu. Hoặc là mức đó là thu luôn. Còn thực ra, Bộ vẫn tiếp tục đề xuất, sau đó phải được các cơ quan liên quan xem qua và phải pháp luật hóa, văn bản hóa.

PV: - Trong đề xuất thu phí của Bộ GTVT lại không đề cập tới việc thu phí của xe công. Xin Thứ trưởng cho biết lý do tại sao lại như vậy?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Nếu thu xe công là lấy từ ngân sách Nhà nước, nghĩa là bỏ từ túi này sang túi kia.

Thứ hai, xe của các doanh nghiệp lại tác động vào cái sản xuất kinh doanh. Ví dụ như lĩnh vực vận tải nó ảnh hưởng đến chi phí, phí vận tải sẽ tăng lên và ảnh hưởng chung đến xã hội. Do đó không đề xuất cho doanh nghiệp vào trường hợp thu phí.

PV: - Mức phí thu xe vào nội đô giờ cao điểm thực sự là điều gây bất ngờ, choáng váng với người sử dụng ô tô khi lưu thông. Điều đó buộc họ phải lựa chọn giữa 2 con đường: giữ xe hay bán? Mà trong đó nhiều người cần có xe để làm ăn. Điều đó chưa kể có rất nhiều loại phí giao thông mà người dân phải đóng. Vậy, theo ông, việc đề xuất thu phí lần này liệu có ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Trong đề án mới chỉ xác định thu của cá nhân thôi, phần lớn phương tiện của Việt Nam cũng có làm ăn, nhưng xe con mà đi làm ăn không nhiều. Ảnh hưởng thì chắc chắn có.

Thứ nhất người mua tài sản đó chắc chắn nghĩ kỹ hơn, có mua hay không, chọn phương thức nào. Thứ hai cũng ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Nhưng khi xây dựng đề án cụ thể cũng phải có đánh giá những thứ đó. Tác động như thế nào sẽ quyết định đến mức phí.

Còn việc phí chồng phí như báo chí nói cũng khá nhiều, sợ thất thoát rồi này nọ. Tất nhiên Bộ sẽ làm theo đúng quy trình và đúng theo pháp luật. Phải thu phí để duy trì các hoạt động còn việc nào ra việc đó. Chứ đừng bảo vì cái đó thôi ta không làm cái này thì xã hội chắc phải dừng lại rất nhiều thứ.

PV: - Có thể nói năm 2012 là năm hành động của ngành giao thông với rất nhiều những đề án như: Đổi giờ học, giờ làm; đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn, thu phí bảo trì đương bộ… với cùng mục tiêu là nâng cao chất lượng công trình, giảm ùn tắc, phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, kèm theo đó là những ý kiến trái chiều của dư luận. Vậy, trước khi đưa ra những chính sách, đề án đột phá, Bộ có lường trước được cơn bão dư luận dội vào không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - Cách quan tâm của xã hội là đúng, và cái nóng của giao thông cũng là điều thông thường của bất kỳ quốc gia nào đang phát triển.

Không riêng ở Việt Nam, nhịp phát triển kinh tế những năm vừa qua cũng đang nhanh hơn sự phát triển, đầu tư cho hạ tầng, đòi hỏi huy động nguồn lực hết sức lớn. Và huy động về nguồn lực của mình đang còn hạn chế cho nên sức ép ở ngoài đường cũng vào sức ép của các cơ quan phải đáp ứng được nhu cầu đi lại, làm sao giảm được chi phí vận tải, phục vụ tốt hơn.

Nhưng có lẽ không chỉ riêng ngành giao thông, ngành nào cũng vậy chưa thể đáp ứng ngay được cho nhu cầu phát triển rất nhanh của đất nước. Nói là sức ép, nhưng đấy là cái tốt để cho phát triển chứ không phải ép xong mình không làm được cái gì nữa thì không được.

Vấn đề là những ý kiến đó đều được Bộ, Ngành chú trọng, nghiên cứu và có những cái thích đáng.

Như những vấn đề thu phí người dân họ gọi điện nhiều, gửi thông tin đến Bộ, họp hành của Bộ đều có nhận những luồng ý kiến trong xã hội.

PV: - Với riêng cá nhân Thứ trưởng, ông thấy sức ép đó với mình như thế nào? Đặc biệt là với tuyên bố vui của người đứng đầu ngành trong cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 21/3 về việc đảm bảo chất lượng công trình: “Cái này phải làm khẩn trương, nếu để xảy ra thảm họa sập cầu, trước khi Bộ trưởng bị Quốc hội phế truất, Thứ trưởng Đông phải mất chức trước”?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - (Cười). Đấy không phải là áp lực. Đấy là trách nhiệm của mình phải làm, Bộ trưởng cũng nói vui với ý nếu không làm tròn trách nhiệm thì anh cũng đi mà tôi cũng không còn cơ hội để làm. Đấy là trách nhiệm của mình và phải thể hiện cái trách nhiệm ấy như thế nào.

Tôi cho rằng với quan tâm của Bộ trưởng như vậy mình phải xử lý. Thậm chí riêng bản thân tôi, tôi thấy trách nhiệm đó là của mình thì mình phải làm. Nó cũng có rất nhiều cái khó khăn như tôi đã nói nguồn lực của mình hạn chế, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp rất nhiều cho nên mình phải tăng cường quản lý, kiểm soát trong lúc chưa có nguồn lực phải đề cao cảnh giác. Nếu mà có tiền thì sẽ khác, nhưng vì mình không có tiền thì mình lại phải chú ý hơn. Đó là cái nhắc chung cho tất cả mọi người.

PV: - Nếu đặt kỳ vọng vào thành quả của ngành giao thông trong năm nay, 3 điều Thứ trưởng mong chờ nhất là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: - (Trầm ngâm). Trước hết, mong muốn đầu tiên là ngành giao thông tiếp tục phát triển để đáp ứng được sự phát triển của đất nước.

Thứ hai là mong muốn có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển. Tham gia cả về công, cả sức, cả tiền và kể cả ý thức trong vấn đề tham gia giao thông. Cái này lúc nào cũng có thể thể hiện được, còn đóng góp thì có người đóng góp ít, có người đóng góp nhiều.

Nhưng nói chung trong cộng đồng lúc này chúng ta là một quốc gia, chúng ta muốn phát triển thì phải có sự tham gia của cả cộng đồng. Có thể có người tham gia bằng sức, tham gia bằng ý kiến, bằng tiền bạc…

Thứ ba, rất là mong muốn ngành vượt qua được khó khăn về dòng đầu tư bởi vì đặc thù ở Việt Nam hiện giờ lạm phát đang rất cao, mong là ngành sẽ vượt qua được.

- Xin cảm ơn ông và xin chúc cho những kỳ vọng của Thứ trưởng thành hiện thực!


Khải Nguyên (Thực hiện)

Nguồn: Phunutoday.
Liên kết:
Thứ trưởng Giao thông giải tỏa sức ép ngàn cân dư luận - Phụ nữ Today
 
Bên trên