Thú vị và độc đáo nhưng smartphone gập vẫn khiến tôi thất vọng

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Royole Flexpai là smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, trải nghiệm với sản phẩm này chưa tốt và hãng cần tiếp tục cải tiến nó trong tương lai.

“Wow! Sao nó có thể gập lại được nhỉ? Nhìn ngầu quá”, đây là phản ứng của những người ngồi xung quanh khi nhìn thấy tôi sử dụng chiếc Royole Flexpai, smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được sử dụng điện thoại màn hình gập. Mọi thứ đều mới mẻ và nó khác biệt hoàn toàn so với trải nghiệm của những chiếc smartphone thông thường.

Trải nghiệm độc đáo chỉ có trên smartphone gập
Nhìn qua về thiết kế bên ngoài, Royole Flexpai khiến tôi nhớ đến các smartphone Android đời đầu như Nexus S hay Galaxy S vì chất liệu nhựa bóng của nó.

Tuy nhiên, đây là giới hạn của công nghệ hiện tại và nhà sản xuất buộc phải đánh đổi để có thể tạo ra chiếc smartphone màn hình gập.

Trong những lần gập đầu tiên, tôi khá e dè vì sợ rằng nếu dùng lực mạnh có thể làm gãy các khớp nối của phần bản lề. Trái ngược với suy nghĩ đó, bản lề của máy được hoàn thiện khá chắc chắn, cảm giác khi bẻ gập máy lại cũng rất nhẹ nhàng. Phần cạnh cũng có nam châm, giúp giữ cho thiết bị ổn định hơn.

Khi gập lại, Flexpai có kích thước tương đương một chiếc ví và tôi có thể dễ dàng cho nó vào trong túi quần. Đây là lợi ích lớn nhất mà tôi nhận thấy được khi sử dụng sản phẩm này.

Trong trường hợp cần sử dụng máy để xem video hoặc lướt web, tôi chỉ cần mở máy ra và ngay lập tức có thể trải nghiệm trên không gian rộng rãi tương đương với một chiếc máy tính bảng. Mọi nội dung đều được hiển thị rõ ràng trên màn hình lớn với kích thước 7,8 inch.

Những điểm yếu cần khắc phục
Tuy nhiên, Royole Flexpai vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Khi gập lại, máy có kích thước dày hơn 2 chiếc iPhone 8 Plus. Khoảng hở ở giữa 2 phần màn hình tương đối lớn, thậm chí nó có thể nhét vừa 2 chiếc bút chì.

Thêm vào đó, Flexpai có màn hình gập hướng ra phía ngoài. Điều này càng khiến tôi lo lắng hơn vì máy có thể dễ dàng bị trầy xước màn hình.

DSC02236_zing.jpg

Khoảng hở giữa 2 phần màn hình tương đối lớn.

Màn hình cũng là thành phần khiến tôi lo ngại nhất khi sử dụng. Thay vì được bảo vệ bằng kính cường lực như các smartphone thông thường, màn hình của máy được hoàn thiện từ nhựa nên nó có thể dễ dàng bị biến dạng dù với tác động lực nhẹ. Thậm chí, tôi có thể cảm nhận rõ sự gồ ghề của các khớp nối ở phần bản lề phía dưới.

Royole Flexpai được trang bị tấm nền AMOLED kích thước 7,8 inch, độ phân giải 1.920 x 1.440 pixel. Chất lượng hiển thị của màn hình này khá kém, màu sắc đục, ám vàng. Ngay ở khoảng cách sử dụng thông thường, màn hình cũng rất rỗ, tôi thậm chí có thể nhìn rõ vết răng cưa của chữ. Ngoài ra, tôi còn gặp phải hiện tượng bóng mờ trên màn hình này.

Hơn thế nữa, chỉ sau khoảng vài tiếng sử dụng, tôi đã phát hiện ra màn hình xuất hiện gần 10 điểm chết. Chúng nằm rải rác ở các cạnh xung quanh màn hình và phần bản lề. Không rõ hiện tượng trên có xảy ra với tất cả thiết bị hay không nhưng điều này khiến tôi thấy lo ngại trước độ bền và khả năng sử dụng lâu dài của sản phẩm.

DSC02247_zing_2.jpg

Màn hình của Flexpai bị nhăn, xuất hiện điểm chết ở phần cạnh.

Máy sử dụng bộ xử lý Snapdragon 855, RAM 6 GB, bộ nhớ trong 128 GB, cài đặt sẵn nền tảng Water OS dựa trên hệ điều hành Android 9 Pie. Đây là một trong những cấu hình phần cứng mạnh mẽ nhất trên smartphone Android hiện nay nhưng giao diện người dùng chưa được hãng tối ưu tốt.

Khi chuyển đổi qua lại giữa chế độ smartphone và tablet, các ứng dụng sẽ mất khoảng 1-2 giây để thích ứng. Tôi từng không thể mở được ứng dụng camera. Khi đó, máy bị đen màn hình, không thể tắt hay thoát ra ngoài. Tôi buộc phải khởi động lại máy để có thể tiếp tục sử dụng.

Thử nghiệm với tựa game PUBG Mobile, tôi hoàn toàn có thể chơi mượt mà ở cấu hình đồ họa cao nhất. Tuy nhiên, khi đang chơi ở chế độ toàn màn hình và gập lại, máy sẽ tự động thoát.

Cần phải tiếp tục cải tiến
Royole là nhà sản xuất ít tên tuổi và thiếu kinh nghiệm trong việc sản xuất màn hình gập nên chất lượng sản phẩm màn hình gập đầu tiên chưa thể đáp ứng được kỳ vọng từ người dùng.

Tuy nhiên, tôi không thể phủ nhận được sức hút mà chiếc máy này đem lại. Đây là cảm giác hào hứng mà đã từ lâu rồi tôi không có được khi trải nghiệm một sản phẩm di động mới.

Thay vì thiết kế nguyên khối đang dần trở nên nhàm chán, smartphone màn hình gập giống như một cơn gió lạ thổi vào thị trường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ cần phải đầu tư nghiêm túc hơn để tạo ra những sản phẩm không chỉ độc đáo mà còn hoàn thiện về cả chất lượng.

Cuối năm nay, 2 chiếc smartphone màn hình gập khác là Galaxy Fold và Mate X sẽ được bán ra. Cả Samsung và Huawei đều là những ông lớn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp di động, do đó người dùng có thể kỳ vọng vào chất lượng từ các sản phẩm của hãng.

DSC02273_zing_1.jpg

Phần mềm của máy chưa hỗ trợ người dùng chuyển đổi kích thước màn hình khi chơi game.

Đầu tháng 3, The Verge đưa tin Corning đang phát triển loại kính Gorilla Glass mới có thể uốn cong để sử dụng với những chiếc smartphone màn hình gập.

Nguồn tin từ CNet cho biết Corning đã chế tạo thành công một loại kính có độ dày 0,1 mm và có thể uốn cong với bán kính vòng cung 5 mm. Đây sẽ là biện pháp tốt nhất để giải quyết triệt để vấn đề màn hình nhựa hiện tại.

Bên cạnh đó, phần mềm là yếu tố không thể bỏ qua. Google cho biết sẽ hỗ trợ các điện thoại màn hình gập trong phiên bản Android tiếp theo. Do đó, các hãng sẽ cần phải kết hợp chặt chẽ với Google để có thể tối ưu giao diện sử dụng, nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Ý tưởng về một chiếc điện thoại có thể mở rộng ra hoặc gập lại để bỏ vào túi thường chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng trước đây. Tuy nhiên đến nay, nó đã có ở ngoài đời thật.

Chỉ cần tiếp tục được cải tiến về chất lượng phần cứng và phần mềm, những thiết bị này sẽ thay đổi bộ mặt của thị trường di động.

Theo Zing​
 
Bên trên