Tiền số Libra - mưu đồ bành trướng của đế chế Zuckerberg

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Ngày 18/6, Facebook thông báo sẽ phát hành tiền điện tử Libra vào đầu năm 2020. Nó cho phép người dùng Messenger, WhatsApp có thể giao dịch trực tuyến. Libra cũng sẽ được sử dụng trên Spotify, Uber, Paypal... và hậu thuẫn bởi VISA và các ông trùm tài chính Mỹ.

Chính phủ nhiều quốc gia như Pháp và các nước G7 ngay lập tức bày tỏ lo ngại trước sự bành trướng của đế chế Facebook. Truyền thông quốc tế đặt câu hỏi về việc liệu một nền tảng nổi tiếng với các bê bối dữ liệu, độc quyền có thể lãnh đạo dự án tiền tệ có ảnh hưởng đến tài chính của toàn thế giới?

Từ lâu Zuckerberg đã ấp ủ về "đế chế hacker"
"Theo nhiều cách, Facebook giống một chính phủ hơn là công ty công nghệ truyền thông", Mark Zuckerberg từng nói với truyền thông.

Theo The Guardian, "đất nước" này được vận hành bởi những thuật toán được Facebook tự xem là minh bạch và tự do. Nhờ thuật toán, mọi người cùng nhau xây dựng mối quan hệ, phát ngôn và làm những gì mình muốn dựa trên cái gọi là "tiêu chuẩn cộng đồng".

Sự tự do này thực chất chỉ là một phép "tu từ", đánh tráo khái niệm. Thực tế, Facebook đang vận hành với trật tự hỗn độn, luật lệ chồng chéo lên nhau. Facebook giám sát người dùng, kiểm tra mọi thứ. Hơn hết, Facebook có thể xem người dùng là những chú chuột bạch, món hàng để thử nghiệm các tính năng mới hay trao đổi dữ liệu bất cứ lúc nào.

facebook_address_hacker_way.jpg

Facebook được vận hành với khao khát vượt rào ngấm vào máu của hacker.

Từ ngày đầu xây dựng đế chế cho riêng mình, Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook luôn lấy tinh thần hacker làm nguồn cảm hứng. Trụ sở chính của Facebook ở địa chỉ số 1, đường Hacker Way.

Trong trụ sở đó, một quảng trường lớn có chữ HACK to đặt khắc trên nền bê tông. Cũng tại trụ sở này, có một phòng họp không gian mở đặt tên là Hacker Square. Tinh thần hacker đã ngấm vào máu Mark Zuckerberg.

Trong bài viết đăng trên The Guardian năm 2017, phóng viên Franklin Foer viết rằng Mark Zuckerberg xuất thân là một hacker. "Cậu đạp lên luật lệ. Và với hacker, nhà chức trách là nỗi ám ảnh lớn nhất. Vì vậy, xây dựng một "đế chế ảo" luôn là tham vọng của các nhóm hacker", Guardian viết.

Ngày nay, Facebook sở hữu 2,7 tỷ người dùng hàng tháng. Điều này giúp Facebook nắm trong tay quyền lực khổng lồ. Nói một cách dễ hiểu, Facebook là quốc gia có 2,7 tỷ dân, lãnh thổ không giới hạn, có lề luật và cách vận hành riêng. Vì không thể thu thuế, nguồn tài chính "quốc gia" này đến từ cuộc sống riêng tư của "công dân". Họ bán cho các nhãn hàng gói quảng cáo tiếp cận người dân.

"Chúng tôi có cộng đồng lớn này. Hơn các công ty công nghệ khác, chúng tôi thực sự đã thiết lập được chính sách riêng", Mark từng tự nhìn nhận về quyền lực của mình.

"Quốc gia" này vận hành bằng thuật toán. Thuật toán được phát triển để tự động hóa suy nghĩ, loại bỏ các quyết định khó khăn khỏi tay con người và quyết các cuộc tranh luận. Thuật toán của Facebook có thể dự đoán chủng tộc, khuynh hướng tình dục, tình trạng mối quan hệ và việc sử dụng ma túy của người dùng trên cơ sở chỉ riêng lượt thích của họ mà không cần quan tâm đến cảm xúc.

Thuật toán Facebook vẫn để những bài đăng kích động, chia rẽ, thù ghét... tồn tại. Bởi với thuật toán Facebook, những bài đăng đó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

a859f20b7f2e419da4400014b06bccdd.jpg

Quyền lực của Facebook đặt trọn trong bàn tay Mark Zuckerberg khi ông đồng thời là giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị. Ảnh: Facebook.

Mở rộng ra, quốc gia vận hành bởi thuật toán này có sức ảnh hưởng lớn khi nó có khả năng ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người trên thế giới và hàng triệu doanh nghiệp trực tuyến. Nhờ thuật toán, Facebook là quốc gia có "chủ quyền" mạnh mẽ và Mark Zuckerberg là nhà lập pháp chủ chốt.

Tiền tệ là mảnh ghép quan trọng của đế chế Facebook
Ngày 18/6, Facebook thông báo sẽ ra mắt một loại tiền điện tử mới có tên Libra. Đáng nói, đồng tiền này sở hữu nhiều đặc tính vượt trội như ổn định về giá, có hợp đồng thông minh, tiêu tốn ít năng lượng… Nó giải quyết các vấn đề cản trở những đồng tiền khác xây dựng trên công nghệ Blockchain trở thành công cụ thanh toán toàn cầu, trong đó có Bitcoin.

Trong hai năm gần đây, ngoài những bê bối, Libra có lẽ là "phát kiến” giá trị nhất mà Facebook tạo ra. Nó hứa hẹn sẽ là bước chuyển mình của mạng xã hội này.

http___comftimagepublishuppproduss3amazonaws.jpeg

Libra là chất keo để dính nhiều nền tảng khác vào Facebook.

Mục tiêu trước mắt của Calibra, công ty con của Facebook tham gia dự án Libra là phát triển và ra mắt ví tiền điện tử kỹ thuật số và tích hợp ví đó vào các sản phẩm khác của Facebook. Đồng thời nó cũng sẽ tồn tại dưới dạng một ứng dụng iOS và Android độc lập cho những người không có tài khoản Facebook.

Công ty sẽ trở thành thành viên của Hiệp hội Libra và có quyền biểu quyết ngang bằng với các đối tác khác với tư cách là đại diện chính thức của Facebook. Thành viên của hiệp hội này là các ông lớn công nghệ bao gồm Uber, Lyft, eBay, PayPal...

Bằng cách đó, Facebook có thể nói mình chỉ là một trong các thành viên chứ không thực sự sở hữu Libra.

Nhưng đằng sau những tiện ích thanh toán đó, Facebook đang muốn tạo ra một quốc gia được điều hành bởi liên minh các công ty công nghệ. Ngày Libra trở thành loại “tiền chung” của các nền tảng như Facebook nói vẫn còn rất xa. Cho đến khi đó, Facebook vẫn là trung tâm của cuộc chơi.

Về cơ bản, trong thời gian đầu, Libra vẫn là dự án thuộc Facebook. Các kỹ sư Facebook thiết kế hệ thống Blockchain và tuyển luôn đối tác quản lý.

Ví Libra sẽ tích hợp trong các ứng dụng trực thuộc Facebook như Messenger, WhatsApp. Do đó, công ty sẽ nắm hết cách thức người dùng có thể trải nghiệm Libra.

Screen_Shot_20190619_at_34607_PM.jpg

Thông qua Libra, Facebook sẽ tạo được một đế chế vận hành bởi các công ty công nghệ.

Về phần các công ty khác, họ hưởng lợi từ việc tiếp cận 2,7 tỷ người dùng mà Facebook đang có. Nói cách khác, tham gia Libra tượng tự việc phát triển các ứng dụng bên thứ ba có nút "đăng nhập bằng Facebook" để cùng sử dụng lượng người dùng.

Thế nhưng, không phải đơn giản mà Facebook đem người dùng của mình biếu không cho các công ty công nghệ khác. Đổi lại việc này, Facebook sẽ khiến người dùng không tài nào thoát khỏi mạng nhện hệ sinh thái mà họ giăng ra. Với Libra, người dùng sẽ không thể sống thiếu Facebook.

Theo The Verge, ứng dụng đầu tiên của Libra là chuyển tiền. Theo Zuckerberg, người dùng có thể chuyển tiền dễ dàng như gửi một bức ảnh với phí rẻ như cho. Theo Kevin Weil, phó Chủ tịch Sản phẩm tại Calibra, tạo ra Libra không phải mảng kinh doanh mà Facebook nhắm vào.

Theo The Verge, trong tương lai Facebook có thể trở thành một ngân hàng với các khoản cho vay, tín dụng.

Nhưng chốt lại, tạo ra nền tảng trải nghiệm và giữ chân người dùng mới là mục đích chính của Facebook khởi xướng dự án Libra.

Theo The Verge, WhatsApp và Messenger là ngôi nhà tuyệt vời cho Libra. Hai nền tảng này sở hữu hàng tỉ người dùng. Hơn hết, mọi người dùng nó để nhắn tin với người thân, bạn bè. Đây là nhóm người dùng thường chuyển tiền.

Facebook cho biết Calibra sẽ yêu cầu người dùng đăng ký ID do chính phủ cấp và ví kỹ thuật số của Facebook cũng sẽ bảo vệ gian lận và cam kết không bao giờ chia sẻ chi tiết tài chính hoặc lịch sử giao dịch của bạn với các bộ phận quảng cáo của mạng xã hội. Nói cách khác, Calibra hoạt động như một ngân hàng. Chính điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại Facebook sẽ thao túng tiền tệ, làm suy yếu tầm ảnh hưởng của các đồng tiền khác trên thế giới.

Rủi ro suy tàn đế chế
Với công cụ thanh toán Calibra, Facebook sẽ thu hút nhà quảng cáo hơn nữa bởi khách hàng có thể ra quyết định mua hàng ngay lập tức, thứ rất cần trong thời đại thương mại điện tử. Thêm nữa, việc "đồng tiền đi liền khúc ruột" sẽ giúp người dùng không thể sống thiếu Facebook.

Theo Bloomberg, điều quan trọng là Libra được kỳ vọng củng cố thành trì cho đế chế Facebook ở thời điểm mà nhiều cơ quan quản lý muốn phá vỡ chúng.

Sự lo ngại Facebook tập quyền khiến nhiều chuyên gia dự đoán Libra sẽ thất bại trong trứng nước nếu không chính quyền nào chấp nhận mô hình thanh toán này.

1x1_1.jpg

Dù chưa ra mắt nhưng Libra được dự báo sẽ không thể vượt qua sự kiểm soát của chính phủ các nước.

Việc Facebook trở thành một kênh tin tức khổng lồ thiếu kiểm soát đã đủ khiến nhân loại đau đầu. Vì vậy, trước khi giải quyết các vấn đề tiếp cận người dùng, Facebook buộc phải vượt qua hàng loạt rào cản pháp lý. Những rào cản này này đến từ nhiều quốc gia với những luật lệ khác nhau.

Các ngân hàng có thể "mở lòng" chào đón Libra bởi nguồn tiền mặt dùng để bảo chứng cho đồng tiền này sẽ được người dùng nạp vào. Tuy vậy, chính phủ các nước sẽ không để điều này xảy ra.

Ngay khi Facebook công bố dự án tiền điện tử của mình ngày hôm nay, các quan chức châu Âu đã nhanh chóng kêu gọi xem xét kế hoạch, bày tỏ lo ngại về việc liệu dự án này.

Không thể xảy ra và không được xảy ra

Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp

Theo các bình luận đăng trên Bloomberg, Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết tiền điện tử của Facebook sẽ không được trở thành một loại tiền tệ có chủ quyền.

"Không thể xảy ra và không được xảy ra", ông Le Maire nhấn mạnh với đài phát thanh Châu Âu. Ngoài ra, Le Maire được cho là đã kêu gọi các quan chức ngân hàng G7 đưa ra một báo cáo về kế hoạch của Facebook vào tháng tới. Một thành viên Nghị viện châu Âu ở Đức cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự.

Còn một năm nữa Libra mới xuất hiện nhưng các rào cản pháp lý và nỗ lực chia nhỏ sức ảnh hưởng của Facebook từ chính phủ các nước khiến dự án này được cảnh báo là thất bại. Kéo theo đó, Facebook cũng không còn cơ hội để trở mình, bổ sung nền tảng tiền tệ vào hệ sinh thái của công ty.

Theo Zing​
 
Bên trên