Trò chơi điện tử dụ dỗ bạn nướng tiền như thế nào?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mua một game không đồng nghĩa bạn không cần phải chi thêm tiền cho game đó nữa. Thay vào đó, các game thủ luôn bị áp lực phải tiêu thêm tiền vào game họ đã bỏ tiền mua để được chơi trước đó.

2013993.jpg


Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những phương thức mà các nhà phát triển game đã và đang áp dụng để dụ dỗ các game thủ "nướng" tiền, và đưa ra những gợi ý giúp bạn tránh rơi vào cái bẫy ngọt ngào đó.

1. Kiếm tiền từ việc bán các cơ chế và các chế độ chơi cơ bản

Một số game trả phí kiếm tiền bằng cách bán các tính năng riêng rẽ, buộc bạn phải tiêu thêm nhiều tiền nếu muốn có một trải nghiệm đầy đủ.

Ví dụ điển hình của phương thức này là game thủ sẽ cần mua một subscription (gói trả phí theo tháng, hay còn gọi là "thuê bao") để chơi trực tuyến. Để chơi các game PS4 trực tuyến, bạn cần mua gói PlayStation Plus. Để chơi các game Xbox One trực tuyến, bạn cần mua gói Xbox Live Gold. Và để chơi các game Switch trực tuyến, bạn cần mua gói Nintendo Switch Online.

Trong khi đó, các game như Metal Gear Survive (MGS) chỉ mở khóa các tính năng cơ bản thông qua các giao dịch trong game. Tuy nhiên, một trong những điều gây tranh cãi nhất là game thủ phải trả tiền để tạo thêm một nhân vật thứ hai – một điều mà đại đa số các game MMO (game trực tuyến nhiều người chơi) cung cấp miễn phí.

Cách tránh bị dụ dỗ: khi mua các game trực tuyến, hãy đọc kỹ các điều khoản. Kiểm tra xem game có khóa các chế độ hay cơ chế nhất định sau những gói subscription hay không.

Bạn cũng nên tìm hiểu cộng đồng game thủ của các tựa game mình sắp mua để xem họ có gặp phải bất kỳ chiến thuật kiếm tiền mờ ám nào từ nhà phát hành không.

2013990.jpg


2. Các chiến thuật tâm lý liên quan giao dịch trong game

Thao túng tâm lý là một chiến thuật phổ biến để thuyết phục người chơi bỏ tiền cho các giao dịch trong game, dù là game có phí hay miễn phí. Những chiến thuật này dựa trên "thiên kiến nhận thức" hoặc các phản ứng tâm lý để khiến các giao dịch vi mô trở nên lôi cuốn nhất có thể.

Trang tin Pocket Gamer từng có một bài viết mang tên "Let's go whaling", miêu tả cách thức các nhà phát triển dụ dỗ người chơi tiêu tiền vào game. Tác giả bài viết thậm chí còn vạch ra nhiều giai đoạn trong quá trình moi tiền từ người chơi, như: giai đoạn "móc câu", giai đoạn "thói quen", và giai đoạn "sở thích".

Trong giai đoạn "móc câu", game sẽ đưa ra một giao dịch "phá băng" (cung cấp một vài vật phẩm cần thiết để người chơi vượt qua được màn chơi khó hiện tại) với mức giá khá rẻ và có vẻ rất giá trị. Điều này giúp biến người chơi thành một người mua sắm, làm họ nhiều khả năng sẽ tiêu thêm tiền vào game trong tương lai.

"Nếu họ mua món đồ ‘phá băng', họ nhiều khả năng sẽ mua tiếp những thứ khác sau này. Nó còn là cách giữ chân tuyệt vời. Người nào từng tiêu tiền ở giai đoạn đầu sẽ chăm chú hơn với game và sẽ chơi game thường xuyên hơn".

Trong khi đó, giao dịch "nóng" sẽ lợi dụng những hạn chế của việc phải suy nghĩ trong thời gian chớp nhoáng. Những đề nghị này thường đi kèm với đồng hồ đếm ngược để buộc người chơi phải quyết định nhanh thay vì cân nhắc từ từ, chắc chắn. Chúng ngăn bạn không suy nghĩ thông suốt về giá trị và chi phí thực tế của giao dịch.

Chưa hết, cảm giác "sợ thua lỗ" sẽ khiến bạn càng sẵn sàng chi tiền cho một thứ gì đó để không đánh mất phần thưởng. Ví dụ, game sẽ cho bạn cơ hội mua thêm một "mạng" nữa nếu chẳng may nhân vật bị chết khi đang đánh quái và mất trắng toàn bộ những món đồ đã nhặt được từ đầu màn chơi. Trong tình huống bình thường, bạn sẽ chẳng chịu bỏ thêm đồng nào để có được những món đồ kia. Nhưng ở đây, vì bạn đã rất cố gắng đánh "quái" mới nhặt được kha khá chiến lợi phẩm, bạn chắc chắn sẽ bỏ ra một ít tiền để giữ lại chúng.

Một mánh khóe tâm lý khác có tên là "neo giữ". Khi người chơi thấy một vật phẩm giá cao xuất hiện trước, họ sẽ nhìn nhận những vật phẩm giá thấp hơn xuất hiện sau này là giá hời. Điều này khiến khả năng từ chối đề nghị thứ hai trở nên thấp hơn.

Cách tránh bị dụ dỗ: tốt nhất là bạn phải nhận ra chúng và cách chúng có thể thao túng bạn. Luôn dành thời gian để cân nhắc kỹ trước khi vung tiền, suy nghĩ xem liệu chúng có thực sự cần thiết hay có giá trị hay không.

3. Che giấu giá trị thực sự của các vật phẩm

Các nhà phát hành game đã học được nhiều cách để che giấu giá trị thực sự của các vật phẩm trước người chơi. Có nghĩa là, nhiều khả năng bạn sẽ đánh giá thấp số tiền thực sự mà bạn đã nướng vào game.

Một ví dụ cho điều này là các đơn vị tiền tệ trong game thường không quy đổi ra tiền thật theo tỉ lệ 1:1. Chưa hết, người chơi mua các vật phẩm trong game bằng tiền trong game, chứ không phải tiền thật, khiến quy trình chuyển đổi càng thêm phức tạp. Điều này làm bạn khó nhận ra lượng tiền thực sự mà bạn đang bỏ ra để mua một vật phẩm.

Một cách khác mà các nhà phát hành dùng để che giấu giá trị của các vật phẩm là đòi hỏi người chơi phải mua nhiều vật phẩm nhỏ khác để mở khóa vật phẩm cuối cùng. Nhiều giao dịch nhỏ dồn lại sẽ giúp che giấu sự đắt đỏ của một vật phẩm cụ thể. Nếu từng chơi Apex Legends, bạn có lẽ chẳng lạ gì với phương thức này: là một game miễn phí, nhưng bạn sẽ phải bỏ tiền ra để mua skin vũ khí. Nếu muốn mua skin rìu Bite Heirloom của Raven, bạn sẽ phải mua nhiều vật phẩm mở khóa skin này, sau đó bỏ tiếp 170 USD để mua skin!

Các tựa game có phí như FIFA cũng tận dụng chiến thuật này, và nhiều người chơi không hề nhận ra tổng số tiền họ đã chi cho những giao dịch nhỏ nhặt họ đã thực hiện trong suốt cả tháng trời chơi game.

Cách tránh bị dụ dỗ: dù Google Play Store cho phép bạn đạt giới hạn chi tiêu tối đa cho các ứng dụng và game cụ thể mỗi tháng, hầu hết các cửa hàng game non-mobile (không phải game di động) đều không có chức năng này.

Chính vì vậy, các tốt nhất để tránh bị dụ dỗ là dành thời gian theo dõi chi tiêu trong game mỗi tháng. Bạn cũng nên tính toán chi phí thực tế của nhiều vật phẩm để nhận định chính xác hơn về giá trị của chúng.

Cuối cùng, nếu game đòi hỏi bạn phải mua nhiều thứ mới có được một vật phẩm cuối cùng, hãy tính toán tổng chi phí để có được món đồ đó. Thông thường, vật phẩm đó không hề xứng đáng với số tiền bạn đã phải bỏ ra.

4. Giao dịch vi mô sau khi game đã ra mắt

Vì hiện nay, giao dịch vi mô đang bị chỉ trích khá nhiều, các nhà phát hành đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách giới thiệu mô hình giao dịch trong game sau khi game đã ra mắt.

Chiến thuật này cực kỳ tinh ranh, bởi người chơi sẽ mua game vì cứ tưởng game không có giao dịch vi mô. Hơn nữa, trên bìa đĩa game sẽ không hề có cảnh báo sẽ có giao dịch vi mô, mà nó sẽ được đưa vào game thông qua một bản vá tải về từ trên mạng. Nhiều bậc phụ huynh thường chọn cho con mình game không có giao dịch vi mô sẽ bị đánh lừa bởi chiến thuật này.

Cách tránh bị dụ dỗ: Nếu một nhà phát hành game sử dụng chiến thuật này trong một tựa game lớn của họ, chắc chắn họ sẽ sử dụng nó một lần nữa trong các tựa game lớn sau này. Do đó, hãy xem kỹ ai là nhà phát hành tựa game bạn sắp mua trước khi vung tiền nhé.

5. Cơ chế đánh bạc gây nghiện trong game

Một phần lý do tại sao cờ bạc thu hút người chơi là bởi chúng được tối ưu nhằm tạo nên những phản ứng thần kinh nhất định, qua đó giải phóng ra dopamine. Game cũng lợi dụng vấn đề này, gây ra những quan ngại về chứng nghiện game.

Tuy nhiên, các nhà phát hành đã tìm cách kết hợp đánh bạc với game thông qua cơ chế loot box và đánh bạc. Mối liên hệ giữa chúng rõ ràng đến mức nhiều tựa game ngày nay, như NBA 2K20, có hẳn vài chiếc máy đánh bạc trong game.

Trong khi đó, tựa game GTA Online thì cho phép người chơi tiêu tiền thật tại các sòng bạc trong game.

Những cơ chế này ảnh hưởng mạnh nhất đến các nhóm đối tượng như trẻ em và người nghiện đánh bạc.

Cách tránh bị dụ dỗ: Nhiều thương hiệu liên tục game tích hợp những cơ chế nói trên vào game, với sự hiện diện ngày càng cao. Nếu bạn lo ngại mình dễ bị dụ dỗ, hoặc đang dự định mua tựa game này cho con em, bạn nên nghiên cứu và tránh chúng đi.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần ban hành các điều luật để ngăn chặn hành vi này. Các cơ chế loot box và đánh bạc tránh được luật lệ bởi chúng không nằm trong danh mục những hành vi đánh bạc tại nhiều quốc gia.

2013987.jpg


6. Vai trò của áp lực xã hội đối với giao dịch vi mô

Dù đây là một loại chiến thuật tâm lý, nhưng nó được đưa vào một mục riêng vì tính hiệu quả đối với nhóm người chơi trẻ tuổi. Các nhà phát hành game ngày càng tìm ra nhiều cách để khiến người chơi chấp nhận giao dịch vi mô thông qua sử dụng hình thức áp lực gọi là "social proof" – hiệu ứng lan truyền thông tin.

Cụ thể, ngành công nghiệp game thường xuyên khẳng định giao dịch vi mô là một tùy chọn. Tuy nhiên, họ lại thiết kế game theo kiểu gây áp lực trực tiếp buộc người chơi phải mua chúng.

Trong bài viết "Let's go Whailing" đã nói ở trên, tác giả có viết: "Trong game, bạn sẽ muốn việc người chơi mua IAP (giao dịch trong game) là điều bình thường. Chẳng có lý do gì để nói với những người chơi khác rằng đại đa số họ không trả tiền (để mua IAP) cả".

Nhiều nhà phát hành nổi tiếng đã đăng ký bản quyền các thuật toán ghép trận đấu trong đó đưa những người chơi không trả tiền vào trận với những người đã chi tiền mua vật phẩm. Họ còn đề cao những vật phẩm đó, dù rằng chúng không cải thiện kỹ năng hay mang lại chút lợi thế nào trong game.

Dù chiến thuật này ít ảnh hưởng đến người trưởng thành, nó đặc biệt hiệu quả với thanh thiếu niên và trẻ em. Thậm chí chiến thuật này còn phát huy tác dụng ngoài đời thực, khi mà nhiều trẻ em cho biết chúng thường bị trêu ghẹo vì dùng skin mặc định trong các tựa game như Fortnite.

Cách tránh bị dụ dỗ: nhận thức được các nhà phát hành cố tình sử dụng áp lực xã hội trong game là cách hiệu quả để giảm thiểu hiệu ứng của chiến thuật social proof. Và bạn cũng nên nhớ rằng đại đa số người chơi không hề mua các giao dịch vi mô bằng tiền thật. Nếu có, số lượng giao dịch cũng rất hạn chế.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh nên cân nhắc đưa ra một số tiền có giới hạn cho con cái tiêu dùng trong game, vừa giúp chúng tận hưởng game với bạn bè, vừa luyện tập được cách quản lý chi tiêu (và biết cách xem xét giá trị của một giao dịch sắp thực hiện).

Theo Vn review​
 

Đặng Trung Hiếu

Well-Known Member
Biết thì có biết
Nhưng vẫn nướng đều đều :)
Tính kĩ lại thì số tiền chi cho game hơn 10 năm nay cộng lại chắc cũng cỡ 1 năm đi cày chứ không ít nhưng lâu lâu thấy hàng hot vẫn nạp tiền vào hốt :(
 

Shangri-La

Well-Known Member
Thằng cháu nhà lão nạp làm bố mẹ nó mất toi 25 triệu trong thẻ tín dụng đấy, lúc đầu không rõ cứ tưởng là bị hack nên khiếu nại lên ngân hàng, sau về tra khảo e-mail một hồi mới phát hiện ra cu cậu mua vật phẩm chơi game trên cellphone của bố nó. Riêng lão nạp thì xưa kia đổ vào VLTK cũng kha khá.
 
Bên trên