Anh xem xét việc công ty Trung Quốc tiếp quản nhà máy chip lớn nhất nước

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia xem xét lại việc Nexperia mua lại nhà máy chip Newport Wafer Fab.

tno_anh-tham-do-viec-cty-tq-tiep-quan-nwf_njai.jpg


Theo Bloomberg, cố vấn an ninh quốc gia của Vương quốc Anh sẽ kiểm tra việc nhà máy bán dẫn lớn nhất nước Newport Wafer Fab (NWF) được một công ty Trung Quốc tiếp quản, sau khi các nhà lập pháp cho rằng điều này có thể đe dọa tương lai công nghệ cao của quốc gia.

“Chúng tôi đang xem xét thương vụ này. Tôi đã yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia xem xét lại”, ông Boris Johnson nói trước Quốc hội Vương Quốc Anh hôm 6.7, đồng thời cho biết rõ Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Lovegrove sẽ “đánh giá xem liệu việc Nexpedia tiếp quản NWF có mang lại giá trị sở hữu trí tuệ cũng như lợi ích thực sự đối với Trung Quốc hay không, và liệu nó có tác động đến an ninh quốc gia hay không”.

Công ty mẹ của Nexperia là Wingtech Technology cho biết trong một tuyên bố trước đó rằng thỏa thuận với NWF đang phải đối mặt với “những điều không chắc chắn”. Nexperia là hãng sản xuất chất bán dẫn của Hà Lan đã được công ty công nghệ Wingtech Technology của Trung Quốc mua lại và sở hữu hoàn toàn vào năm 2018.

NWF là nhà máy chất bán dẫn tiên tiến lớn nhất cuối cùng còn sót lại ở Anh. Bên cạnh việc cung cấp chip cho các nhà máy sản xuất ô tô, NWF còn tập trung vào sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hơn, vốn là trung tâm của các công nghệ quan trọng như 5G và nhận dạng khuôn mặt. NWF cũng có quan hệ chặt chẽ với một số trường đại học của Vương quốc Anh.

Trong một cuộc phỏng vấn, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith nhấn mạnh: “Chính phủ cần xem xét và ngăn chặn sự việc này. Vụ mua bán này là một thảm họa đầu tư”. Tương tự, cựu Bộ trưởng Nội các Damian Green khi đề cập đến NWF cũng nói rằng: “Tôi nghĩ điều này nên được đưa ra xem xét theo luật. Rõ ràng cơ sở sản xuất này nằm ở trung tâm của nhiều ngành công nghiệp trong tương lai và nó sẽ rất quan trọng đối với khả năng phục hồi lâu dài của chúng ta với tư cách là một quốc gia công nghệ cao”.

Tuy nhiên, việc phủ quyết thỏa thuận này được cho là có thể sẽ gây phản cảm đối với Bắc Kinh và báo hiệu lập trường cứng rắn của Vương quốc Anh đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp chip, vốn là trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Boris Johnson trước đó đã ngăn Huawei Technologies tham gia vào hoạt động triển khai mạng không dây 5G, nên không loại trừ khả năng chính phủ sẽ có xu hướng thực hiện cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với các thỏa thuận khác trong ngành chip.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức của Vương quốc Anh “dậy sóng” trước việc nhà sản xuất bán dẫn của đất nước được bán cho một công ty nước ngoài. Việc SoftBank Group Corp của Nhật Bản mua lại hãng thiết kế vi xử lý Arm Holdings hồi năm 2016 cũng từng gây không ít tranh cãi.

Theo Bloomberg, một luật mới đã được thông qua trong năm nay trao quyền rộng rãi cho chính phủ can thiệp nếu việc tiếp quản được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Các bộ trưởng sẽ có 5 năm để xem xét kỹ lưỡng các giao dịch và có quyền loại bỏ nếu chúng được đánh giá là mối đe dọa.

Theo Thanh Niên​
 
Bên trên