Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

terabyte

Banned
Con mắt là cửa sổ của tâm hồn và để cảm nhận hết cái đẹp của cuộc sống, cửa sổ ấy phải luôn ngập tràn ánh sáng. Và có lẽ bạn không nhận ra nhưng 2 từ "ánh sáng" đơn giản ấy chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt cho OLED, giúp nó đánh bại cả công nghệ LCD lẫn Plasma

Light_Green_Eye_2.jpg

Tất cả những gì mà mắt người nhìn thấy được là do phản chiếu của ánh sáng. Còn đối với TV, nó phát ra những tia sáng đầy màu sắc để dựng nên bức tranh sinh động trong cửa sổ tâm hồn của chúng ta.

Trước hết, để hiểu được vì sao OLED khác biệt thì chúng ta phải phân tích cách hoạt động của TV Plasma và LCD. Tất cả TV là sự kết hợp của hàng triệu điểm ảnh. Đối với một màn hình FullHD bình thường, 2.073.600 điểm ảnh sẽ đem lại cho bạn chất lượng hình ảnh tuyệt vời (ít nhất là chỉ thua... TV 4K).

TV Plasma, ánh sáng đến từ dây chuyền phản ứng

Đối với TV Plasma, mỗi điểm ảnh là một sự kết hợp giữa 3 ô chứa, trong đó bao gồm khí hiếm (xeon hoặc neon) và phốt-pho màu. Khi dòng điện chạy qua, ô chứa, khí hiếm sẽ bị biến đổi thành plasma (và đến lúc này thì chắc có lẽ bạn cũng biết vì sao lại xuất hiện cái tên TV Plasma rồi phải không nè) và phát ra các tia UV (tia cực tím). Đến lượt các tia cực tím này lại tiếp tục tác động lên phốt-pho và nó sẽ phát ra những màu sắc mà bạn thấy được.

640px-Plasma-display-composition.svg.png

Đến đây, không ít bạn sẽ tự hỏi rằng vì sao mỗi điểm ảnh lại cần đến 3 ô chứa phải không nè. Câu trả lời đó là dù TV thể hiện được cả triệu, thậm chí là cả tỉ màu sắc nhưng thực tế chúng được tạo ra từ 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá, xanh dương). 3 ô chứa của plasma đại diện cho 3 màu này và tùy vào cường độ sẽ tạo ra các màu sắc khác nhau.

Phương pháp này có có khá nhiều ưu điểm. Điều quan trọng nhất là chúng có khả năng thể hiện độ tương phản cực kỳ ấn tượng. Với các ô chứa, hiệu quả của phốt pho và thiết kế kính lọc được cải tiến sau nhiều năm trời phát triển (nhưng đáng tiếc là giờ đã tất cả đã kết thúc), điểm ảnh của TV Plasma có thể tắt để thể hiện màu đen cực sâu. Tính đến thời điểm hiện tại, công nghệ video kỹ thuật số duy nhất được cho là có độ tương phản gốc tốt hơn Plasma là LCOS (một công nghệ đặc biệt dành cho máy chiếu).

592px-Plasma-lamp_2.jpg

Dĩ nhiên, Plasma cũng có một số hạn chế và điều đó phần nào đã khiến nó thất thế so với LCD. Phương pháp tạo ra plasma để phát tia UV và kích ứng phốt pho phát sáng rất ư là tốn nhiều năng lượng cũng như tỏa khá nhiều nhiệt. Bên cạnh đó hiệu tượng burn-in, vốn là truyền thống của CRT vẫn còn tồn tại trên Plasma, dù phần nào đó đã được giảm nhẹ. Ngoài ra, do chứa những chất hóa học cũng như quá trình hoạt động có những phản ứng khá nguy hiểm, TV Plasma thường có thiết kế lớn và cồng kềnh hơn so với LCD, chủ yếu là để bảo vệ khỏi những tác động bên ngoài. Có thể bạn không tin nhưng phản ứng tạo ra plasma có nhiệt độ lên đến hơn 2000[SUP]o[/SUP]C.

LCD, ánh sáng đến đèn nền

Trong khi đó, LCD, hay còn gọi là màn hình tinh thể lỏng có cách hoạt động cực kỳ khác biệt. Mỗi tấm nền LCD đều có một đèn nền để tạo ra ánh sáng mà bạn thấy. Loại đèn nền đang được ưa chuộng nhất hiện nay chính là LED (light-emitting diodes) và điều thú vị là chúng cũng có khá nhiều điểm tương đồng với OLED.

Thông thường, đèn LED được thiết kế nằm ở viền màn hình và nhà sản xuẩt sử dụng một hệ thống kính trong suốt nhằm đưa ánh sáng từ cạnh đến toàn bộ tấm nền. Đây chính là TV LED viền đang cực kỳ phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, một số dòng cao cấp sử dụng đèn LED phủ toàn bộ mặt sau của tấm nền, cho phép chất lượng ánh sáng đồng đều và tích hợp cả công nghệ làm mờ cục bộ (tắt một phần đèn nền khi thể hiện màu đen) giúp nâng cao chất lượng hình ảnh. Trong quá khứ, các TV LCD sử dụng đèn huỳnh quang lạnh (CCFL) và thậm chí nó vẫn còn tồn tại ở một số dòng TV giá rẻ hiện nay.

20130222-LEDTV-working..jpg

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải lưu ý đó là chính tấm nền LCD mới tạo ra hình ảnh còn đèn nền chỉ có nhiệm vụ phát ra ánh sáng tùy theo cường độ tín hiệu. Cơ mà tại sao lại có cái cớ sự rằng người ta hiểu lầm tai hại như vậy? Đây chính là hệ quả của việc các nhà sản xuất thay nhau dùng những chiêu tiếp thị có cánh và khiến rất nhiều người nhầm lẫn LED và LCD là 2 công nghệ khác nhau. Còn sự thật, xin lỗi, LED chỉ là cái đèn nền thôi.

Phương pháp tạo ra màu sắc của LCD nói chung cũng thú vị không kém Plasma. Ánh sáng từ đèn nền sẽ đi qua tấm nền LCD và tạo ra màu sắc. Cũng như Plasma, mỗi điểm ảnh của LCD cũng được cấu tạo bởi 3 điểm ảnh phụ (thậm chí là một ố hãng như Sharp còn cho thêm vào điểm ảnh phụ thứ 4 màu vàng). Tuy nhiên thay vì là các ô chứa khí, nó lại là sự tập hợp của một lớp tinh thể lỏng (và giờ thì bạn biết cái tên màn hình tinh thể lỏng ở đâu ra rồi nhé), cùng 2 tấm kính phim phân cực và một tấm lọc màu.

lcd-pictures-of-liquid.png

Ánh sáng từ đèn nền sẽ bị phân cực trước khi đến đến tinh thể. Nếu ở trạng thái hoạt động, tinh thể sẽ cho phép ánh sáng được phân cực đi qua một cách thoải mái, sau đó phân cực một lần nữa rồi đến lớp tấm lọc để tạo ra màu sắc. Tuy nhiên trong trạng thái tắt (điển hình là khi thể hiện màu đen), tinh thể này sẽ thay đổi các photon trong luồng ánh sáng, khiến nó không thể thoát ra ngoài và đến mắt của bạn được. Và dĩ nhiên, nếu đã không đến được thì tất cả những gì bạn thấy về điểm ảnh đó sẽ là màu đen.

Ưu điểm của phương pháp này chính là cực kỳ hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng và khả năng cho ra những hình ảnh có độ sáng cực cao (bởi lẽ điểm ảnh và đèn nền tách biệt). Bạn cứ so sánh các dòng TV hiện nay sẽ thấy ngay, LCD (hay LED) có lượng điện năng tiêu thụ thấp hơn rất nhiều so với Plasma và độ sáng của chúng cũng cao hơn, thậm chí đủ khả năng sử dụng trong những môi trường nhiều sáng như phòng khách mà không gặp quá nhiều trở ngại. Công bằng mà nói, chất lượng hình ảnh của Plasma kém trong điều kiện ánh sáng nhiều một phần cũng là do nó sử dụng mặt kính để bảo vệ các ô chứa khí bên trong cũng như chịu nhiệt do plasma phát ra.

Thế nhưng danh sách nhược điểm của LCD cũng... hoành tráng không kém. Do đèn nền luôn luôn phát sáng (hay chỉ tắt được một phần) và các tinh thể cũng không thể chặn hoàn toàn ánh sáng ở trạng thái tắt, độ tương phản mà nó thể hiện kém hơn so với Plasma. Đó là chưa kể đến hiện tượng "hở sáng" huyền thoại đang gây xôn xao diễn đàn chúng ta mấy ngày gần đây. Ngoài ra do sử dụng nhiều lớp trung gian, màu sắc thể hiện sẽ bị thay dổi nếu như chúng ta không ở góc nhìn lý tưởng. Đồng thời, có một độ trễ nhất định khi các tinh thể chuyển đổi trạng thái nên gây hiện tương bóng mờ khi xem các cảnh chuyển động nhanh, điều gần như không xảy ra ở Plasma. Theo dòng thời gian, các nhà sản xuất đã hạn chế phần nào các nhược điểm này bằng cách áp dụng công nghệ làm mờ cục bộ (tắt đèn nền theo vùng) cũng như đẩy tốc độ quét của màn hình lên cao. Tuy nhiên, vì đây là tính chất của LCD nên không thể khắc phục hoàn toàn được.

OLED, ánh sáng đến từ các đi-ốt

OLED là tên viết tắt của Organic Light-emitting Diode, được tạo ra từ sự kết hợp của carbon (và giờ thì bạn biết từ đi-ốt hữu cơ từ đâu ra rồi nhé) với những nguyên tố hóa học khác. Chúng sẽ phát ra ánh sáng với những bước sóng khác nhau (hay nói một cách đơn giản là những màu sắc khác nhau) khi dòng điện đi qua. Cái tên khoa học của nó cũng khá là dài dòng và có lẽ chẳng ai trong các bác chơi TV để ý đến là "tris(8-hydroxyquinolinato)aluminium". Dĩ nhiên, cũng như LCD và Plasma, một điểm ảnh của TV OLED cũng được cấu tạo nên từ 3 điểm ảnh phụ màu đỏ, xanh dương và xanh lá.

oled-tv-specs.jpg

Đến đây có lẽ bạn cũng thấy được sự đơn giản trong (lý thuyết) phương thức hoạt động của OLED. Thay vì phải kích hoạt cả quá trình phản ứng lằng nhằn như Plasma hay kết hợp đèn nền và nhiều lớp trung gian như LCD, bạn chỉ cần cung cấp năng lượng cho điểm ảnh của OLED và nhận được thứ mình muốn.

Dĩ nhiên, ưu điểm của OLED ngoài thực tế còn nhiều hơn trên giấy tờ. Chằng những mỗi điểm ảnh có thể tự phát sáng, nó còn có thể tự… tắt. Chỉ cần ngưng cung cấp năng lượng cho điểm ảnh OLED và nó sẽ biến thành màu đen. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử công nghệ phát hình, độ tương phản vô hạn được đạt tới. Đến đây có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ đặt câu hỏi rằng thì Plasma cũng làm được điều đó nhưng tại sao nó lại không đạt đến được đẳng cấp như OLED? Câu trả lời chính là mặc dù tắt, điểm ảnh của Plasma thực chất vẫn “le lói” chút ánh sáng.

Vậy còn nhược điểm của OLED? Có lẽ yếu điểm lớn nhất mà nó mắc phải chính là so với 2 màu cơ bản còn lại, điểm ảnh màu xanh dương có tốc độ thoái hóa nhanh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với một ngày đẹp trời nào đó, chiếc TV OLED của bạn sẽ thể hiện màu không còn chính xác nữa. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, thời gian này có thể là từ 5 đến 10 năm, thậm chí là hon nữa. Liệu chúng ta vẫn còn giữ để chờ xem TV bị lão hóa hay không lại là vấn đề khác.

OLED, chiến thắng nhờ sự đơn giản

Đối với các thiết bị công nghệ, người ta thường nghĩ rằng càng phức tạp thì nó mới có thể đem lại chất lượng tốt nhất. Dĩ nhiên, điều này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên đứng ở một phương diện khác, sự đơn giản trong nguyên tắc hoạt động đôi lúc lại có thể đem đến hiệu quả bất ngờ.

OLED là một đại diện điển hình. Dù quá trình sản xuất rất phức tạp, tuy nhiên một khi đã ra thành phẩm thì nguyên tắc hoạt động lại cực kỳ đơn giản. Ánh sáng mà OLED phát ra không phụ thuộc vào các yếu tố phản ứng dây chuyền (plasma) hay thông qua các lớp trung gian (LCD) mà là trực tiếp từ đi-ốt, đem lại chất lượng thuần khiết nhất đến cho người xem. Và đó chính là sự khác biệt, yếu tố giúp nó trở thành vị vua trong tương lai của ngành công nghiệp TV.

 
Chỉnh sửa lần cuối:

manhtran71

Well-Known Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

"Oled, chiến thắng nhờ sự đơn giản" nhưng "thất bại trong việc phổ cập" ít nhất trong thời điểm hiện tại :)
 

kook123

New Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

Cái gì cũng phải mất thời gian phổ cập. Khi LCD mới ra thì phải mất 1 thời gian để thay thế CRT, LED phải mất 1 thời gian để thay thế LCD. Và nay thì với OLED cũng thế mà thôi
 
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

"Oled, chiến thắng nhờ sự đơn giản" nhưng "thất bại trong việc phổ cập" ít nhất trong thời điểm hiện tại :)

Thấy nó cũng giống với ổ SSD vậy, quá "khác biệt" so với phần còn lại đặc biệt là giá cả
 

Di Oi Gi

New Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

vote cho Oled, các hãng hãy mau thanh lý hết LCD chuyển qua Oled cho rồi, sắp năm mới rồi
 

caothudeche

Moderator
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

OLED, chiến thắng nhờ sự đơn giản
Tìm hiểu nhiều nhưng vẫn khoái thể loại này!
LED đơn giản tới mức mà bạn nào đủ độ "khùng" cũng có thể làm 1 quả TV LED "Made in tự ta". Chạy ra chợ mua gần 7tr con LED và dưới sự trợ giúp của mấy anh làm biển quảng cáo là có ngay quả TV Full HD rộng khoảng 4m, chỉ có điều em cái phòng chiếu phải hơi rộng tí.
 

haipvg

Well-Known Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

Viễn cảnh TV màn OLED khi mua dưới dạng tấm cuộn mang về giở ra treo lên tường (Y như ta mang cái màn chiếu vậy) --> Vận chuyển TV 100 inch chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
 
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

OLED = Organic Light-emitting Diode nha bác chủ!
 

kook123

New Member
Ðề: Re: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

Công nghệ TV ngày càng phát triển mạnh mẽ!

Quy luật phát triển mà. Bác chủ đã sắp xếp vị trí từng công nghệ theo 1 ý đồ rõ ràng: quá khứ Plasma , hiện tại LCD ( LED) và tương lai OLED :D
 

Dai Nhan

Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

Cứ yên tâm dùng LCD - LED đi các bạn. Với công nghệ hiên tại không thể sản xuất được màn hình OLED giá rẻ, ngoài ra không thể sản xuất màn hình OLED to và bền nữa (chỉ được khoảng 5000 h là bị chuyển màu) :)
 
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

Giờ là thời điểm các nhà sx tập trung PR cho 4k khi nào hết ý tưởng thì chắc chuyển qua cái này đó
 

taoTnuday

Well-Known Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

bài viết hay và rất hữu ích :)
thanks bác chủ em đã bổ túc thêm dc những kiến thức cơ bản ^^
k biết tivi OLED đến bao giờ mới phổ thông? và giá cả em nó ra sao?
 
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

5 năm nữa tv oled sẽ thống trị thị trường tv
 

anhsona412

Well-Known Member
Ðề: Plasma, LCD, OLED: Sự khác biệt đến từ ánh sáng

dùng Led vừa dẻ vừa tốt
 
Bên trên