Ngày nghỉ Sài Gòn

Gambit

New Member
Ngày nghỉ Sài Gòn

Tác giả: Phan An​

1. Anh bay vào Sài Gòn. Anh bảo đây có thể là lần cuối cùng anh bay vào Sài Gòn như thế này. Anh bay chuyến sớm nhất – như mọi khi anh vẫn bay đi công tác – bay chuyến sớm nhất để ngay trong buổi sáng đến nơi còn kịp làm việc với đối tác. Chuyến bay của anh lần này là chuyến bay sớm của ngày nghỉ nên rất vắng người. Dãy ghế của anh chỉ có một mình anh ngồi, anh có thể giở máy tính ra thỏai mái đọc, ghi chép mà không ngại ai ngó vào. Không hiểu sao anh thấy mình làm việc hiệu quả nhất là lúc ngồi trên máy bay. Sự di chuyển hình như có tác động tốt đến anh. Có lẽ bởi vậy anh thích di chuyển.

Anh hay bay vào Sài Gòn để ở bên cạnh cô trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Anh gọi đó là “Ngày nghỉ Sài Gòn”. Ở công ty anh, khi mọi người có việc gì nhờ anh làm gấp vào ngày nghỉ, nếu phải bay vào Sài Gòn với cô, anh nói là: “Xin lỗi, tôi có ngày nghỉ Sài Gòn rồi”. Mọi người đều biết chuyện anh có người yêu ở Sài Gòn, cuối tuần thường bay vào thăm người yêu.

Anh tự hào vì có cô – một cô gái Sài Gòn là người yêu. Chuyện “Hôn môi xa, hôn những nỗi nhớ ngút ngàn” như trong bài hát của Trần Minh Phi – chuyện yêu một người ở tận Sài Gòn có vẻ lãng mạn trong thời buổi này. Trong tuần hai người có thể làm gì tùy ý, vì ở xa nên chỉ điện thoại, chát chít với nhau. Cuối tuần, nếu thu xếp được, anh sẽ đến với cô. Nhưng anh bảo đây là lần cuối cùng anh bay vào Sài Gòn như thế này.

Cô ngủ dậy muộn. Anh vào đến nơi, hai người đi ăn sáng, uống cà phê như mọi khi. Thật ra chỉ có cô uống cà phê. Anh hay uống sô cô la nóng hay nước cam. Cô hay cười bảo anh chã – chã như cậu “Em chã” trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Anh bảo: “Đấy là bí quyết của làn da mịn màng của anh”. Anh bảo: “Tự mình không chăm lo cho sức khỏe của mình thì ai chăm lo”. Cô bảo: “Em có bảo hiểm và số điện thọai cấp cứu của Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt – Pháp”.

2. Người ta bảo: “Ăn Bắc mặc Nam”, “Trai Bắc gái Nam”. Anh chẳng nghĩ gì, chẳng bảo gì hết. Anh là anh, mà cô là cô. Nếu anh là trai Bắc và cô là gái Nam thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Bữa trưa ngày nghỉ, anh muốn nấu một bữa trưa thật thịnh sọan. Cô ăn kiêng, cô bảo: “Em mà ăn quá đà một chút là người phì ra ngay”. Anh bảo: “Em tuy tốt bụng nhưng ăn ít”. Anh biết làm bảy món salad. Salad dưa chuột cà chua trộn xốt “Nghìn hòn đảo”, salad cá thu hộp nghiền phết bánh mì, salad cà tím rán, salad tôm trộn miến kiểu Thái, salad mỳ Ý trộn sò huyết, salad cà rốt rắc hạt mùi… Cô tần ngần chọn một trong hơn năm mươi lọ nước hoa cô xếp cả dãy trên giá để dùng cho buổi sáng. Cô mặc một chiếc đầm đẹp ngồi nhìn anh nấu ăn. Anh thích lúc cô mặc một chiếc đầm đẹp ngồi nhìn anh nấu ăn thế này. Cảm giác như một ngày hội, như tết. Cảm giác đích thực là có ai đó ở bên cạnh mình, có thể ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy. Nhưng hình như ngày hội nào, bữa tiệc nào cũng có lúc tàn. Anh mở chai rượu vang Chile. Anh không hay mua rượu vang Pháp vì vang Pháp dễ bị làm giả. Thấy người ta lấy chai vang Đà Lạt bóc nhãn đi, dán bộ nhãn mua 5 ngàn đồng vào là thành vang Pháp, nên uống vang Chile cho nó chắc ăn.

Anh cố kìm câu hỏi: “Em có khỏe không?”. Nhìn cô là biết, cô không khỏe lắm. Cô phải uống nhiều cà phê cho tỉnh táo để làm việc. Cô phải nhịn ăn vì sợ béo. Anh bảo: “Trong từ điển của em có nhiều chữ “phải” hơn trong từ điển của anh”. Cô bảo: “Đôi khi em chẳng biết mình sống để làm gì. Đành sống vì những chữ phải. Phải có nghĩa là không trái”.

Anh cố kìm câu hỏi: “Có gì mới không em?”. Có gì mới nghĩa là sao? Cô không chuyển chỗ làm, cô say mê với công việc của mình. “Có gì mới” nghĩa là có gì mới trong chuyện tình cảm, có ai tán tỉnh cô không. Hỏi như vậy như thể anh mong cô gặp được ai đó để từ chối anh. Để anh đỡ phải điên cuồng bay vào Sài Gòn mỗi ngày nghỉ cuối tuần.

Có khỏe không, có gì mới… dường như anh chẳng còn gì để hỏi cô nữa hay sao, dường như hai người chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa hay sao?

Ăn trưa xong, bạn anh đến đón anh đi đánh tennis. Cô bảo: “Hóa ra cuối tuần anh bay vào Sài Gòn là để đánh tennis”. Anh nói: “Có thể đây là lần cuối anh bay vào Sài Gòn như thế này. Anh phải giữ quan hệ”. Cô mang sách ra sân đọc, thỉnh thỏang đưa mắt nhìn anh, như thể người mẹ trông chừng đứa con hiếu động chạy chơi trên sân. Cô biết anh là đứa trẻ to đầu, anh vẫn bảo anh có tuổi rồi nhưng thực ra anh đầy vụng dại trong cuộc đời phức tạp này. Anh đối phó với cuộc đời phức tạp bằng cách… coi nó là hết sức đơn giản.

Ngày gnhỉ Sài Gòn của anh như cây, như nước giữa sa mạc ngày thường, như ốc đảo trên sa mạc quan hệ của hai người.

Đánh xong tennis, cả hội kéo nhau đi nhậu. Anh ít nhậu nhưng vẫn kéo cô đi. Anh hiểu nhậu là một phần tất yếu của cuộc sống ở Sài Gòn. Sau đó, anh và cô đi xem phim. Anh bảo: “Bây giờ đã có ti vi màn hình tinh thể lỏng 119 inch, lúc nào đó phải mua cái ti vi đấy, để thấy người trên ti vi to như người thật”.
Cô nghĩ: “Lúc nào là lúc nào?”. Cô không thể ra Bắc. Ở Sài Gòn thu nhập của cô rất cao, ra Bắc cô không có cơ hội làm công việc mà cô thích. Anh không thể vào Nam, ở Hà Nội anh còn bố mẹ già mà anh là con trai một. Đôi khi cô lạnh lùng với anh để anh xa rời cô ra, bởi cô nghĩ chẳng nên làm khổ nhau. Những ngày nghĩ cuối tuần như ốc đảo trên sa mạc mà cô luôn cần uống nước. Cô luôn cần tình cảm. Anh cũng luôn cần tình cảm.

Sáng Chủ Nhật, hai người lang thang ra nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ Đức Bà là nơi anh gặp cô lần đầu tiên. Nhà thờ ở Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ ở Hà Nội là nhà thờ Lớn. Nhà hát ở Hà Nội là nhà hát Lớn. Nhà hát ở Sài Gòn là nhà hát Thành Phố. Có nhiều đôi ra chụp ảnh cưới ở nhà thờ Đức Bà. Chú rể cầm đàn guitare, cô dâu kéo đàn violon. Anh bảo: “Sao không để chú rể đánh trống, cô dâu thổi kèn để giống thật hơn?”

Trưa chủ nhật, ăn trưa xong, anh bay ra Hà Nội. Cô không ra tiễn. Cô muốn có cảm giác như anh ở đâu đó trong thành phố nhưng vì lý do nào đó ngày thường hai người không thể gặp nhau. Anh muốn ở bên cô đến tận lúc lên máy bay, để kéo dài những khỏanh khắc quý giá ở Sài Gòn. Anh cố hiểu tại sao anh cứ điên cuồng bay vào Sài Gòn như vậy, cuộc sống ở Sài Gòn với anh như thể là một cuộc sống khác, ở Sài Gòn như thể anh sống một cuộc đời khác. Sài Gòn có cô, ở Sài Gòn có ngày nghỉ Sài Gòn. Nhưng có thể đây là lần cuối anh bay vào Sài Gòn như thế này.

Mọi khi anh ở lại Sài Gòn đến đêm mới bay ra. Lần này anh bay ra sớm. Anh bảo cô: “Có thể đây là lần cuối anh bay vào với em ngày nghỉ thế này”. Cô im lặng.

3. Cô viết cho anh: “Đôi khi em muốn mình chẳng là gì của nhau. Như thế sẽ dễ dàng hơn. Đỡ khổ cho anh. Anh sẽ không phải lo bay vào sớm mỗi cuối tuần. Chẳng ai có lỗi cả. Rồi anh sẽ tiếp tục những bình minh thảnh thơi thơm mùi cà phê ở Opera Hà Nội. Rồi em sẽ lặp lại những hòang hôn của mình ở Q Bar của Sài Gòn phồn hoa… Mình chia tay nhau nhé”.

Anh không thấy đau đớn. Hà Nội đang là tháng Tám mùa thu. Tháng Tám Hà Nội như thể chẳng cần cho ai mà cũng chẳng ai cần. Cô sẽ không còn hỏi anh: “Tháng Tám mùa thu lá vàng rơi chưa nhỉ?”. Nhưng anh biết vẫn còn những “thương nhớ âm thầm”. Anh ở Hà Nội và cô ở Sài Gòn, anh và cô không phải phá những cây cầu. Sẽ dễ dàng hơn nếu anh im lặng không trả lời gì. Chỉ có điều sẽ không còn những ngày nghỉ Sài Gòn nữa.

Tại sao người ta yêu nhau không đến được với nhau? Tại sao không đấu tranh cho tình yêu của mình? Có phải chuyện “về sau anh ấy lấy chị ấy” chỉ có ở trong phim? Có những trở ngại gì khi anh đến với cô? Nếu thật sự yêu nhau người ta đã tìm mọi cách để đến với nhau, người ta đã tìm mọi cách để không rời xa nhau. Có người bảo, trong tình yêu không có gì là không thể. Chỉ có chính chúng ta làm cho nó không thể. Có người nói, yêu là phải “máu”, yêu là phải điên cuồng bất chấp tất cả.

Có thể anh và cô không phải là kiểu người điên cuồng bất chấp tất cả. Không hẳn chỉ vì trở ngại về khỏang cách địa lý – anh ở Hà Nội, cô ở Sài Gòn. Anh vẫn chưa hình dung được hai người sẽ sống với nhau thế nào. Anh vẫn chưa hình dung được anh sẽ nấu ăn cho cô đến bao giờ. Cô nhớ anh nói muốn để dành tiền, muốn mua một căn nhà ở Vũng Tàu, để có một căn nhà ở bên bờ biển. Cô biết chuyện để dành tiền của anh, chuyện mua một căn nhà ở Vũng Tàu để có một căn nhà ở bên bờ biển của anh chỉ là dự định. Đàn ông vẫn thường có nhiều dự định. Cô vẫn chưa hình dung được hai người sẽ sống với nhau thế nào. Cô cần một chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời. Cô nghĩ: “Giá anh đừng lãng mạn đến thế”. Nếu anh biết cô nghĩ như vậy anh sẽ bảo “Lãng mạn cũng chết mà không lãng mạn cũng chết. Nếu anh không lãng mạn, làm sao mình gặp được nhau?”. Nên không lãng mạn hay không nên lãng mạn. Nhưng thôi, “kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”, kẻ nào dùng lãng mạn sẽ chết vì lãng mạn. Anh vẫn luôn cố giữ những mối quan hệ nên anh im lặng không trả lời đề nghị chia tay của cô.

4. Thật ra anh nói: “Có thể đây là lần cuối anh bay vào Sài Gòn như thế này” là bởi vì anh đã quyết định sẽ chuyển vào sống và làm việc ở Sài Gòn. Nhưng khi anh chuyển vào Sài Gòn rồi, anh và cô không gặp nhau nữa. Người ta bảo: tình yêu như dòng sông ra đi không trở lại bao giờ.

Vĩ Thanh:

Trời mưa. Sài Gòn mưa. Mưa tầm tã. Mưa từ sáng sớm. Mưa trắng trời trắng đất. Nhiều người cứ than năm nay mưa sớm. Thực ra đã gần hết tháng Năm, nghe cứ như thể đã gần hết tháng năm của đời người. Trong mưa, anh bỗng nhớ cô, nhớ những ngày nghỉ Sài Gòn, nhớ hôm nào khi tình mới trao.

Hôm nào khi tình mới trao là hôm mình và cô bàn chuyện đi Lào khi mới quen, khi tình mới trao. Anh là người Hà Nội, anh không phát âm nặng chữ trao, nghe anh nói thì như thể nhớ hôm nào tình mới chao. Chao có nghĩa là nhúng vào rồi với ra ngay. Tình dường như chỉ nên nhúng vào rồi vớt ra ngay. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

Anh và cô chưa đi Lào. Anh và cô không đi Lào. Anh và cô sẽ chẳng bao giờ đi Lào cùng nhau. Anh và cô chỉ mới bàn chuyện đi Lào. Hồi ấy hai người dự tính anh sẽ đợi ở Hà Nội và cô sẽ ra Hà Nội. Hai người sẽ lang thang ở Bắc Lào, không phải là “nằm đất ăn bốc” mà là nằm khách sạn ăn bốc. Khách sạn ở Lào bình dân. Ăn bốc ở Lào là ăn xôi với thịt nướng ở Lào người ta bán cân. Khi tình mới trao người ta hay bàn chuyện tương lai. Khi tình mới trao người ta hay bàn về những chuyến đi. Anh bảo đời là một thời để đi, cô bảo cuộc đời là những chuyến đi. Khi tình mới trao người ta hay ý hợp tâm đầu. Nhiều khi anh cũng không biết nên sống bình yên hay nên đi. Khi anh sáng đi làm tối về nha ăn cơm, xem ti vi rồi đi ngủ - thế gọi là bình yên hay sống mòn hay chết mòn? Nhưng mà cũng không thể đi mãi.

Hôm nào khi tình mới trao đã trở thành hòai niệm. Anh biết mọi chuyện chỉ có một lý do đó là chính bản thân anh. “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, em rồi đi” (1). Anh có nhiều câu hỏi mà không có một danh sách cụ thể những cái anh muốn có, chẳng có một cái wishlist nào. Anh chẳng biết mình muốn cái gì, dường như cái gì anh cũng có đồng thời anh biết chắc mình thiếu nghiêm trọng một cái gì đó. Có thể đó là vấn đề của anh. Danh sách cô những thứ muốn có trong cuộc đời này rất dài. Anh bảo wishlist của cô tòan những thứ vớ vẩn như vòng tay, nước hoa, túi xách, ống kính máy ảnh… những thứ mà anh trêu là “bi, còi, pháo đập, tam cúc giả, lơ hồng đổi trắng thay đen, kim khâu len” của thời bao cấp. Nhưng có thể chính những cái vớ vẩn ấy làm nên cuộc sống của cô. Nhưng có thể chính vì những cái vớ vẩn mà anh và cô xa nhau – như “Chỉ có thuyền mới hiểu/Biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết/Thuyền đi đâu về đâu…” (2)

Tạnh mưa, anh đi thăm ông chú bị bệnh. Ông chú ngày xưa oai hùng là thế, giờ hom hem nằm trên giường sắt, anh thấy mà tưởng như không kìm được nước mắt. Thấy đời ngừơi thật là ngắn ngủi như que củi. Thấy con người thật là cô đơn như sống ở Ka Đơn (3). Dạo này anh hay nói có vần. Dạo này anh hay đặt câu hỏi. Ai hạnh phúc vì tìm thấy tình yêu. Ai đau khổ vì đánh mất tình yêu. Tình yêu là cái con gì mà ghê gớm thế? Chỉ vài lần đắng cay là người ta đã thấy mình thực già. Anh nhớ lại, không biết anh và cô có yêu nhau thực không hay anh và cô chỉ là hai người cô đơn cần tình cảm và Ngày nghỉ Sài Gòn chỉ là cái cớ.

Nhớ hôm nào khi tình mới trao… Anh bảo: “Nhớ chỉ là nhớ thôi, hiểu không?”. Anh lại “sáng ra bờ suối tối vào hang”. Anh lại bắt được nhịp sống của mình – nhịp sống ở thành phố nhiều người bỏ đi và nhiều người tìm thấy…

**Chú thích:
(1) Gửi gió cho ngàn mây, Đòan Chuẩn
(2) Thuyền và biển – Xuân Quỳnh
(3) Ka Đơn là một địa danh ở Lâm Đồng

(trích trong tập truyện Những câu chuyện Sài Gòn, tác giả Phan An)
 
Bên trên