Sau K+ sẽ là AVG+?

please_helpme

Active Member
Sau K+ sẽ là AVG+?


(VEF) - Sau vụ việc K+, người hâm mộ môn thể thao vua trong nước đang lo ngại liệu sắp tới có một trường hợp AVG+ đẩy giá bản quyền lên cao hay không?

LTS: Hôm 18/12, trong cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội, Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã chính thức công bố, AVG và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng về bản quyền truyền hình với thời hạn 20 năm từ 2010 đến 2030 (mỗi năm là 6 tỉ đồng).

AVG sẽ là đơn vị bảo trợ về truyền thông, thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam trong, ngoài nước. Ngoài VFF, AVG cũng đã ký hợp đồng với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF).

Sau những ầm ĩ về bản quyền phát sóng bóng đá ngoại của K+, vụ AVG độc quyền bóng đá nội lại một phen khiến dư luận bị sốc và trở thành đề tài ăn khách của báo chí trong nước những ngày qua. Dưới đây là ý kiến của một số tờ báo về vụ việc này.

AVG là ai?

Theo báo Tuổi trẻ, AVG là viết tắt của Audio Visual Global - là tên gọi tắt của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Tháng 9/2010, AVG đã có một buổi tiệc ra mắt mang tính chất gặp gỡ thân mật. Tại đó, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch hội đồng quản trị AVG - cho biết vốn pháp định của AVG là 1.400 tỷ đồng. Nhưng thông tin mới nhất do ông Vũ cho biết, vốn của AVG đã tăng lên 1.800 tỷ đồng, từ sáu cổ đông chính, trong đó có Tập đoàn An Viên.

Trong danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (tổng kết năm 2009), mọi người không thấy tên ông Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh ở Việt Nam có lẽ không ai không biết ông Vũ - em trai của ông Phạm Nhật Vượng (Công ty Vincom, người được xem là giàu nhất Viêt Nam hiện nay, căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).

Tập đoàn An Viên của gia đình họ Phạm là cổ đông lớn nhất của AVG. Công ty AVG đã được cấp các giấy phép cần thiết cho việc truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số vệ tinh. Như vậy, AVG là công ty tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép truyền dẫn phát sóng truyền hình.

Hồi 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10-10-2010, AVG đã thực hiện việc phát sóng thử nghiệm. Hiện nay, các kênh truyền hình AVG chưa thể đến được với người dân là vì AVG chưa cung cấp đầu giải mã kỹ thuật số (set top box) ra thị trường.

Cốc sữa và con bò

Theo tờ Thể thao & Văn hóa, cuộc chiến về bản quyền World Cup, Euro, hay SEA Games... và kể cả những tranh cãi về giải Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha thì đó đều là các giải đấu quốc tế. Còn những giải trong nước, truyền hình vốn được xem là phương tiện, thậm chí còn là "vinh dự lên sóng" chứ chưa phải nguồn thu đúng nghĩa.

"Được" truyền hình, dĩ nhiên, hình ảnh của môn thể thao được quảng bá nhiều hơn, rồi cũng nhờ có sóng truyền hình còn có thể thu hút được thêm hợp đồng tài trợ, quảng cáo. Không phải vô lý mà từ những nhà tổ chức, đến các đơn vị làm sự kiện thể thao trong nước trước nay cứ phải luôn dành phần "ưu ái" cho các nhà đài cùng số tiền không hề nhỏ để được lên sóng, nhất là sóng trực tiếp.

Rồi ngay cả bóng đá, môn thể thao đi tiên phong trong chuyện bán bản quyền truyền hình các giải trong nước, thì số thu lại cũng khá bèo nếu so với kinh phí của một câu lạc bộ (mùa 2010 tiền bản quyền cả giải từ 3 đài chỉ là gần 4 tỷ đồng). Đó là chưa kể đến việc mùa nào, ban tổ chức giải cũng đều phải mặc cả, kỳ kèo, các đài truyền hình thì chỉ "chọn trận, trả tiền". Hay các đội bóng doanh nghiệp còn sẵn sàng bỏ tiền ra để làm trực tiếp nhằm quảng bá cho tên tuổi của mình.

Thế nên, xét về mặt kinh tế thì hợp đồng của AVG vừa ký với VFF cùng VAF và gần 20 liên đoàn, hiệp hội thể thao nữa theo kế hoạch, chả khác gì món quà: vừa được bảo trợ thông, vừa có tiền và lại vừa được lên sóng trong những 20 năm, thậm chí là dài hơn nữa. Nói "cốc sữa bò" cho người đang ốm là thế.

20 năm đã trôi qua từ khi trở lại với đấu trường quốc tế thông qua SEA Games Malaysia 1989, thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển lớn và nếu sự phát triển ấy được nhân đôi trong 20 năm nữa, thì AVG sẽ là người hưởng lợi lớn khi thâu tóm toàn bộ bản quyền truyền hình các giải thể thao trong nước. Ngay cả trong 20 năm sắp tới thôi, chắc chắn AVG cũng tạo được vị thế mới cao hơn trong làng truyền hình nội nhờ cú đầu tư lớn dài hơi này.

Đơn giản thôi, theo báo này, ở mùa giải tới để có được bản quyền truyền hình các trận đấu bóng đá trong nước, các nhà đài cũ như VTV, VCTV, VTC... thay vì "ngồi chiếu trên để mặc cả" với VFF, thì phải ngồi vào bàn với đối tác doanh nghiệp ngang cơ. Và chẳng ai sẽ biết được, có những gì nữa diễn ra nếu nhìn vào "cuộc chiến" của K+ hôm nay...

Quan trọng hơn là AVG chắc chắn cũng chẳng dừng ở mức "mua bản quyền để bán" bởi với nhiều động thái gần đây, rõ ràng họ không phải là "tay mơ" trong nghề truyền hình dù có "sinh sau, đẻ muộn". Thực tế là lĩnh vực truyền hình thể thao, vốn tưởng xương xẩu, hóa ra vẫn cứ là "con bò sữa" nếu ai biết cách vắt nó mà thôi, tờ Thể thao & Văn hóa nhận định.

AVG+ liệu có khả năng?

Trang Vneconomy dẫn lời ông Phạm Nhật Vũ cho rằng, việc khán giả có được xem miễn phí các chương trình thể thao có bản quyền của AVG hay không là chuyện của các đài khi tiếp sóng của AVG. Mặc dù vậy, khán giả có xem được hay không còn phụ thuộc vào hệ thống kỹ thuật công nghệ của các đài trung ương và địa phương có tiếp nhận được hay không.

Ông Phạm Nhật Vũ khẳng định, AVG đã tính toán về việc cung cấp các phương tiện kĩ thuật rất rõ, người dân chỉ phải thay đầu thu của AVG khi nó bị hỏng theo nghĩa cơ học, còn toàn bộ trong quá trình sử dụng AVG sẽ đảm bảo ổn định về công nghệ, nếu có thay đổi nhỏ gì thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

"Chúng tôi kinh doanh trên nhiều mục đích khác nhau, vì nhiều lợi ích khác chứ không phải mọi mục tiêu là vì tiền, và sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá. Người dân chỉ phải trả phí với những dịch vụ mà họ được thỏa mãn khi tiếp cận", ông Vũ nói.

Mặc dù, việc AVG độc quyền bản quyền truyền hình bóng đá và điền kinh Việt Nam xem ra sẽ tạo nhiều ảnh hưởng tốt cho hoạt động của hai môn thể thao này, nhưng sau vụ việc K+, người hâm mộ môn thể thao vua trong nước đang lo ngại liệu sắp tới có một trường hợp AVG+ đẩy giá bản quyền lên cao hay không?

Tờ Tiền Phong trăn trở, mặc dù phát biểu trong cuộc họp báo hôm 18/12, ông Phạm Nhật Vũ luôn khẳng định rằng lợi nhuận không phải là điều duy nhất mà AVG nhắm tới, nên AVG sẽ không bao giờ là K+. Nhưng tới tận cuối năm 2011, AVG mới lên sóng chính thức, và khi ấy người ta mới biết cam kết của ông Vũ có được thực hiện hay không, còn từ giờ tới lúc ấy, người hâm mộ hãy cứ nên tranh thủ còn được xem bóng đá nội miễn phí ngày nào thì hãy tận dụng ngày đó.

Theo báo SGTT, việc AVG đã có bản quyền truyền hình V-League nhưng chưa công bố mức giá bán đầu thu càng không khẳng định khán giả ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí là các thành phố nếu không mua đầu thu của AVG, liệu có xem được V-League khi AVG đi vào hoạt động hay không?

Ông Trần Song Hải - Phó chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam - đã nhận định: "Hy vọng AVG sẽ không là AVG+ bởi nếu không một hộ gia đình sẽ phải tốn tiền để có đến 2 đầu thu và một đường cáp. Một để coi bóng đá quốc tế, một để coi bóng đá trong nước và một để xem thời sự. Nếu thế thì tội cho người dân quá".

Phân tích khía cạnh pháp luật, tờ Đại Đoàn Kết cho rằng, ở góc độ nào đó, thật công bằng mà nói để thúc đẩy các hoạt động thể thao, để thể thao của chúng ta tiến dần đến chuyên nghiệp, rất cần có những "Mạnh thường quân" như AVG. Xét về luật, chẳng có ai sai, AVG cũng không sai, vì Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đều không cấm.

Nhưng với các nhà quản lý thì cũng nên cân nhắc trước vấn đề này. K+ là một đơn cử, xét về luật không sai nhưng hiện tại đã và đang bị người dân, đại biểu quốc hội phản ứng... Có lẽ đến lúc đó các nhà làm luật mới xem lại và có thể... phải sửa luật .


nguồn: http://vef.vn/2010-12-20-sau-k-se-la-avg-

ông K+ ĐỘC QUYỀN Premier League
ông AVG+ ĐỘC QUYỀN V-League
sắp tới:
ông VCT+ ĐỘC QUYỀN Serie A
ông VCTV+ ĐỘC QUYỀN La Liga
ông MyTV+ ĐỘC QUYỀN UEFA CUP
ông GÌ+... ĐỘC QUYỀN Copa Libertadores

vì vậy khán giả yêu Bóng Đá muốn coi thì phải lắp của mỗi ông + 1 cái Set top box vị chi 5 giải = 5 cái hộp.

khi đã thành công trong việc ĐỘC QUYỀN Bóng Đá (TT), các ông lớn chuyển qua ĐỘC QUYỀN các loại hình giải trí khác như: Music, Movies, Games Show...
muốn xem Uyên Linh Viet Nam Idol phải trả tiền ông K-
muốn coi AI là triệu phú hay Đấu trường 100 thì thuê ông AVG-
muốn biết ca sỹ nào đang giành Bin-boát thì mướn ông VTC-
 
Ðề: Sau K+ sẽ là AVG+?

Nghe tin vỉa hè chân cầu Lạc Long : K++ thời sự trong nước; K+++ thời sự quốc tế; K++++ Dự báo thời tiết.Chia ra thì dân ta ốm đòn.
Kinh tế khó khăn đâm ra Nhà nước cũng thành hèn !
May mà nền bóng đá nước nhà dạo này bán độ nhiều nên cũng không máu chứ không thì phải mua nhiều tivi để cổ vũ hò hét !
 
Ðề: Sau K+ sẽ là AVG+?

Mình vẫn xem bóng đá qua Internet , nối HDMI từ Lap ra màn LCD , ngon :D
 
Bên trên