Tim Cook: 'Công ty như Facebook không đáng được tôn trọng'

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mối quan hệ căng thẳng giữa 2 công ty giá trị nhất thế giới xoay quanh các hoạt động kinh doanh của đôi bên. Cả Apple lẫn Facebook đều dựa vào nhau và gây ra nhiều ảnh hưởng lớn.

hd.jpg


Kể từ khi Tim Cook thay Steve Jobs nắm giữ vị trí giám đốc điều hành Apple vào năm 2011, mối quan hệ giữa Táo khuyết và Facebook hiếm khi có dấu hiệu tốt đẹp. Trong suốt quá trình hoạt động, 2 ông lớn lĩnh vực công nghệ thường xuyên có những động thái dẫm chân cũng như dành cho nhau những lời “nhắc nhở” trước công chúng. Theo Business Insider, mối quan hệ thù địch giữa Tim Cook và Zuckerberg nảy sinh sớm nhất từ năm 2014.


Tháng 9/2014, trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Charlie Rose, vị CEO của Apple công khai cam kết tuân thủ chính sách hoạt động của công ty. Đồng thời, ông chỉ trích mô hình hoạt động của các công ty như Google hay Facebook. "Tôi nghĩ ai trong số chúng ta cũng muốn biết các công ty này kiếm tiền bằng cách nào? Nếu họ kiếm tiền chủ yếu bằng cách thu thập dữ liệu cá nhân, tôi nghĩ bạn có quyền lo lắng. Bạn thực sự nên hiểu điều gì sẽ xảy ra với những dữ liệu đó", Cook nhận xét. Trong một bức thư ngỏ trên trang web riêng tư dành riêng cho Apple, Cook một lần nữa nhấn mạnh người dùng giờ đã nhận ra vai trò thực sự của họ khi dùng một nền tảng miễn phí.


“Thật thất vọng khi thấy nhiều người cố tình đánh đồng mô hình kinh doanh quảng cáo sang một hành vi không phù hợp với khách hàng. Đó là khái niệm vô cùng nực cười. Sao, bạn nghĩ mình phù hợp với Apple chỉ vì trả tiền sử dụng sản phẩm của họ? Nếu bạn phù hợp với họ, họ sẽ làm sản phẩm của mình rẻ hơn rất nhiều", cuối năm 2014, sau những chỉ trích của Cook, CEO Facebook – Mark Zuckerberg – phản bác bằng cách gọi những tuyên bố trước đó là lố bịch, không quên cho rằng các sản phẩm của Apple là hàng xa xỉ.


Năm 2018, cả thế giới chao đảo khi dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook bị Cambridge Analytica khai thác trái phép trong suốt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Những dữ liệu này sau đó được sử dụng để hiển thị quảng cáo chính trị trên Facebook. Tim Cook cho rằng Facebook lẽ ra phải tự điều chỉnh cách thức hoạt động khi liên quan đến dữ liệu người dùng. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc Facebook coi người dùng là sản phẩm. Xoay quanh vấn đề kiếm tiền từ dữ liệu người dùng, Cook tuyên bố: "Sự thật là, chúng tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền từ khách hàng nếu coi họ là sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định không làm điều đó”.


Trước sự chỉ trích của ông chủ Apple, Mark Zuckerberg bác bỏ ý kiến cho rằng Facebook không tập trung chăm sóc người dùng và một lần nữa chỉ trích sự xa xỉ của sản phẩm Apple. “Không phải ai trong chúng ta cũng mắc hội chứng Stockholm (mô tả trạng thái của người bị bắt cóc lâu ngày sẽ chuyển dần cảm giác sợ hãi sang quý mến kẻ giam cầm), hãy để các công ty chăm chỉ làm việc và thay đổi quan điểm của bạn. Điều này hoàn toàn hợp lý với tôi”.


Tháng 11/2018, New York Times tiết lộ hậu quả phía sau vụ bê bối Cambridge Analytica cũng như lời chỉ trích của Tim Cook. Theo đó, CEO Facebook đã yêu cầu đội ngũ quản lý chuyển sang dùng điện thoại chạy hệ điều hành Android. Bài báo này ngay sau đó đã bị Facebook bác bỏ. Mạng xã hội này cho biết từ lâu đã luôn khuyến khích nhân viên và ban lãnh đạo sử dụng smartphone Android vì đây là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới.


Tháng 8/2020, Zuckerberg công khai chỉ trích Apple khi công ty này vướng vào các bê bối liên quan đến chính sách trên App Store. Theo BuzzFeed, Mark cho biết chính sách của Apple như một người gác cổng đối với những gì xuất hiện trên điện thoại. Bên cạnh đó, CEO Facebook cũng tin rằng App Store đang ngăn chặn sự đổi mới và cạnh tranh, đồng thời “cho phép Apple tính phí thuê độc quyền”.


Mâu thuẫn giữa Apple và Facebook bị đẩy lên đỉnh điểm khi Táo khuyết tuyên bố tung ra bản cập nhật iOS 14 trên iPhone. Trong bản cập nhật này, các ứng dụng, nền tảng sẽ phải xin phép ý kiến người dùng để được thu thập và theo dõi dữ liệu. Tính năng này được cho sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Facebook cũng như hoạt động kinh doanh quảng cáo của công ty.


Trước bản cập nhật mới của Apple, Facebook đăng tải hàng loạt quảng cáo phản đối trên các tờ báo lớn của Mỹ. “Rõ ràng một số công ty đang làm mọi cách để ngăn chặn tính minh bạch trong quá trình theo dõi ứng dụng. Thế giới đang được chứng kiến những nỗ lực trơ trẽn nhằm duy trì tình trạng xâm phạm quyền riêng tư”, Craig Federighi, lãnh đạo mảng phần mềm của Apple nhận xét. Theo đại diện Apple, công ty sẽ đứng lên bảo vệ người dùng, những người “cần phải biết khi nào dữ liệu của họ bị thu thập và chia sẻ trên những nền tảng khác”.


Gần đây nhất, trong hội nghị Máy tính, Quyền riêng tư và Bảo vệ dữ liệu (CPDP), Tim Cook đã lên án gay gắt vấn đề khai thác quyền riêng tư của người dùng. Một lần nữa, CEO Apple nhấn mạnh tình trạng người dùng đang trở thành sản phẩm để các doanh nghiệp khai thác thông qua quảng cáo. Tim Cook cho rằng Facebook đang kinh doanh bằng dữ liệu người dùng và "không đáng được tôn trọng" Đáp trả quan điểm này, ông chủ Facebook công khai coi Apple là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình.

Theo ICT News​
 
Bên trên