Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 2: Những giai đoạn chuyển tiếp

lengockhanhi

Film critic
Trong bài trước, Nhi muốn nói rằng: Ở độ tuổi nhi đồng (từ 4-7 tuổi), một đứa bé chỉ có khả năng dung nạp và yêu thích được một số ít thể loại phim, đó là phim hoạt hình, phim hài, phim võ thuật và phim thần thoại. Ngược lại đứa trẻ sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với phim bạo lực, phim kinh dị, tâm lý tình cảm... và hoàn toàn không thích những phim có kịch bản phức tạp, phim drama chẳng hạn.

Nếu chiếu cho đứa bé xem 1 phim thriller hình sự hay gián điệp, nó sẽ không quan tâm 1 chút gì cho tới khi xuất hiện những cảnh đánh nhau, bắn súng hay đua xe. Đó là cách xem phim của đứa bé.

Đứa trẻ chỉ thực sự bắt đầu xem phim và hiểu phim vào độ tuổi từ 8-10. Quá trình này trải qua nhiều giai đoạn, cột mốc
Đầu tiên, khoảng 9-10 tuổi, đứa bé có thể kể lại câu chuyện phim mà mình đã xem qua, nhận diện được nhân vật chính, và diễn tiến của chuyện phim xoay quanh nhân vật chính này. Có nghĩa là đứa bé bắt đầu có sự tập trung liên tục và nắm bắt được toàn bộ nội dung phim, điều này là 1 bước phát triển quan trọng so với cách đó chỉ vài năm, khi nó chỉ nhớ được 1 vài cảnh ấn tượng nhất chứ không hiểu gì về câu chuyện đằng sau.
Năm học lớp 3, Nhi phát hiện ra khả năng này của mình và rất thích thú. Nhi lấy một quyển tập nhỏ và ghi chép lại tóm tắt của câu chuyện phim mình vừa xem qua, khi buồn Nhi lấy ra đọc và tưởng tượng lại những cảnh phim. Mỗi bộ phim tóm tắt lại chỉ 1 trang giấy, ví dụ : Nhi còn nhớ mình đã kể lại những tình tiết rất « người lớn » như : thanh tra cảnh sát một mình chống mafia, chàng trai yêu cô gái, điệp viên 007 chống lại âm mưu khủng bố…
Sau đó, chính trong giai đoạn này, nội dung của phim ảnh có tác động rất lớn lên sự hình thành, phát triển tình cảm, nhân cách của đứa bé. Xin nhấn mạnh, là câu chuyện, chứ không phải là những cảnh phim. Đứa bé sẽ quên rất nhanh những cảnh đâm, chém, bắn nhau trên màn ảnh, nhưng nó sẽ nhớ rõ từng chi tiết về những động cơ, mục đích, hành động. Sự hi sinh của người anh hùng, tình đoàn kết giữa bạn bè trong hoạn nạn, tình yêu thương dành cho loài vật, sự xấu xa của kẻ ác, tất cả sẽ gợi lên trong lòng đứa bé cảm xúc tương ứng, nó bắt đầu biết khóc khi xem phim, biết yêu, biết ghét 1 số điều.
Cho tới năm 12 tuổi, đứa bé không biết gì về sự phân loại phim, đối với nó, 1 bộ phim chỉ là 1 cái tên, hay 1 vài hình ảnh quảng cáo. Nó không có khái niệm về phân loại phim hành động, phim hài, phim tâm lý tình cảm… như người lớn. Khả năng phân loại phim được hình thành qua kinh nghiệm tích lũy. Có 1 thời học cấp 1, Nhi từng ngộ nhận tất cả những phim Hong Kong đều là phim võ thuật, đánh nhau, hoặc tất cả những phim hoạt hình đều vui nhộn. Nhi rất khó chịu và chán khi thấy bộ phim không thuộc loại như mình mong muốn. Nhi không biết gì về khái niệm phim tâm lý xã hội, hay phim hành động.
Cột mốc trưởng thành tiếp theo, chính là sự lựa chọn thể loại phim mình sẽ xem nhiều, hay yêu thích đặc biệt 1 thể loại nào đó. Trong đa số trường hợp, đó là các phim hành động Mỹ, hay phim kiếm hiệp. Nhi không dám khẳng định chắc chắn điều gì, vì tùy theo tâm tính mỗi đứa trẻ, sẽ có những thể loại yêu thích riêng. Nhưng với bản thân Nhi, Nhi đặc biệt thích phim hành động kể từ năm 13 tuổi...
 

lengockhanhi

Film critic
Trong thời gian 3 năm cuối cấp 2, tức là từ 13-15 tuổi Nhi chỉ xem phim hành động, xã hội đen, võ hiệp, nói chung là những phim cảm giác mạnh, có yếu tố bạo lực. Nhi không hứng thú lắm với thể loại phim tâm lý, drama hay tình cảm lãng mạn.
Bộ phim hành động đầu tiên làm Nhi thích thú, đó chính là phim Commando, Nhi xem phim này năm học lớp 7, sau đó ít lâu là Terminator 2.

Cột mốc tiếp theo, đó là sự phân biệt được phim hay và phim dở. Vào độ tuổi 14, đứa trẻ bắt đầu có khả năng theo dõi được những bộ phim dài, và có kịch bản phức tạp, nó cũng nhận ra được đâu là phim hay, đâu là phim dở (cảm nhận mơ hồ về tầm vóc của dự án làm phim ). Nhi xem Aliens 2 của James Cameron vào năm học lớp 8 và bị cuốn hút hoàn toàn suốt bộ phim, đó là bộ phim dài đầu tiên. Kể từ đó thì những phim hành động dài 140-170 phút không còn là trở ngại nữa.
Trong thời gian học lớp 8, 9, Nhi có 1 may mắn khác là làm quen với một chủ tiệm cho thuê băng Video trong khu phố, cô ấy là 1 cô giáo dạy văn, rất yêu phim ảnh và cũng thương yêu Nhi. Cô ấy luôn giới thiệu cho Nhi những phim phù hợp với tâm lý và độ tuổi của Nhi lúc đó. Cô ta không cho phép Nhi thuê một số băng mà cô cho là quá bạo lực, nhưng chỉ ra cho Nhi đâu là phim hay, đâu là phim dở, ví dụ cô khuyên Nhi xem những phim như Die Hard, Clifhanger thay vì xem những phim hành động rẻ tiền khác của Hong Kong và Mỹ. Lâu lâu cô ta lại giới thiệu 1 vài phim Drama, Thriller, nhưng chỉ có ba Nhi thích xem loại này, Nhi không quan tâm lắm.

Trong bài tiếp theo, Nhi sẽ kể về những cột mốc tiếp theo mà cinephile trải qua trên con đường tu luyện phim ảnh của mình, khán giả sẽ lần lượt tiếp cận và yêu thích một số thể loại như kinh dị, thriller, drama, tình cảm lãng mạn, và cuối cùng là phim biopic, phim kinh điển, phim đen trắng.

Cần chú ý là tuổi đời càng cao, thì yếu tố giải trí và cảm giác mạnh không còn quan trọng nữa. Và mỗi giai đoạn trong cuộc đời người ta sẽ yêu thích 1 thể loại nhất định, cho tới ngày mà họ không còn phân ra thể loại nữa, lúc đó, phim ảnh trở thành 1 môn nghệ thuật, và xem phim là 1 sự trải nghiệm : sống bằng tâm hồn khác, thân phận khác, trong 1 vài khoảnh khắc...
 

Cara

Active Member
Ðề: Re: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 2: Những giai đoạn chuyển tiếp

Cần chú ý là tuổi đời càng cao, thì yếu tố giải trí và cảm giác mạnh không còn quan trọng nữa. Và mỗi giai đoạn trong cuộc đời người ta sẽ yêu thích 1 thể loại nhất định, cho tới ngày mà họ không còn phân ra thể loại nữa, lúc đó, phim ảnh trở thành 1 môn nghệ thuật, và xem phim là 1 sự trải nghiệm : sống bằng tâm hồn khác, thân phận khác, trong 1 vài khoảnh khắc...
Thích câu này quá Nhi ơi ^^ (icon tặng hoa)
 

Marine

Member
Ðề: Hồi ức về sự trưởng thành của một khán giả, Kỳ 2: Những giai đoạn chuyển tiếp

Cần chú ý là tuổi đời càng cao, thì yếu tố giải trí và cảm giác mạnh không còn quan trọng nữa. Và mỗi giai đoạn trong cuộc đời người ta sẽ yêu thích 1 thể loại nhất định, cho tới ngày mà họ không còn phân ra thể loại nữa, lúc đó, phim ảnh trở thành 1 môn nghệ thuật, và xem phim là 1 sự trải nghiệm : sống bằng tâm hồn khác, thân phận khác, trong 1 vài khoảnh khắc...

Like điên cuồng câu này. Thanks Nhi.
 
Bên trên