"Bói" ra các sản phẩm tương lai của Apple nhờ bằng sáng chế!

scotty

Well-Known Member
stevejobsiphones.jpg

Có phải MacBook touch, iPad Air và iPhone Nano sắp sửa ra mắt?

Đó là câu hỏi mà có lẽ là mang tính chờ đợi (khi nào ra mắt) hơn là sự nghi ngờ (có thật hay chỉ là lời đồn). Bởi quả thực Apple đã xin bảo hộ cho rất nhiều ý tưởng sáng chế và các đơn đăng ký bảo hộ này của hãng "vô tình" hé lộ về các kế hoạch phát triển trong tương lai cho dòng máy Mac nói riêng và các thiết bị điện toán nói chung của hãng.

Đây là một chủ đề rất thú vị được trang tin TechRadar đưa ra nhằm giúp độc giả có thêm một cách tiếp cận và "xử lý" trước các tin đồn thổi về các sản phẩm mới của Apple.

Quân bài để "bói"?

Đó là đơn đăng ký bảo hộ ý tưởng sáng chế - công cụ pháp lý để bảo hộ các ý tưởng sáng chế, giải pháp hữu ích của bạn khỏi bị các đối thủ hay bất kỳ ai muốn lấy cắp hoặc sao chép chúng. Nhờ "quân bài" quan trọng này mà bạn mới có thể độc quyền sở hữu chúng, nhất là những ý tưởng mang tính cách mạng hay đem lại nhiều lợi nhuận, lợi ích. Nếu một ai sao chép lại ý tưởng hoặc sản phẩm của bạn, bạn có thể dùng bằng sáng chế để kiện họ.

uspatenttrademarkoffice.png

Những công ty nhanh nhạy trên thị trường đều xin đăng ký bảo hộ tất tần tật mọi ý tưởng của họ, và Apple là một trong số đó. Vì thế xem xét qua nội dung các bằng sáng chế của Apple có thể giúp ta đoán được về các sản phẩm trong tương lai của hãng.

…và các quân bài cũ đã "bói" đúng!

Vào năm 2006, Apple nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cho một sản phẩm được mô tả là "thiết bị điện toán di động có chức năng liên lạc không dây... (đó) là một loại máy phát đa phương tiện". Vài tháng sau, Steve Jobs đã tiết lộ về nó, đó chính là iPhone.

Nếu "nghía" tiếp vào các đơn đăng ký bảo hộ trước đó nữa của Apple (năm 2004, 2005), rất có thể bạn cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên đối với sự xuất hiện của iPad. Trong đó, có một đơn đăng ký bảo hộ cho loại màn hình cảm ứng có chức năng "nhận diện đa chạm hoặc vuốt xảy ra đồng thời tại các vị trí riêng rẽ"; một cái cho "chức năng cài thiết bị nhập liệu ảo trên một giao diện người dùng thông qua màn hình cảm ứng"; một cái khác cho "chức năng kích hoạt các phím ảo của bàn phím ảo là màn hình cảm ứng". Tất cả mô tả này đều giống y hệt chiếc máy tính bảng đang được ưa chuộng hiện nay của Apple.

Dễ "bói" đến thế sao?

Chưa chắc. Bởi trong các nội dung đăng ký xin bảo hộ còn có những ý tưởng không phải dùng để sáng chế. Hồ sơ đăng ký sáng chế của một công ty có thể bao gồm cả các ý tưởng chẳng liên quan, những sáng kiến bị hủy bỏ mà không ai biết phải làm gì với chúng.

Thậm chí xin đăng ký bảo hộ chỉ nhằm để ngăn chặn đối thủ. Ai mà nhanh chân xin bảo hộ trước một ý tưởng sáng chế khả thi thì sẽ khiến người khác không còn khả năng tận dụng ý tưởng đó nữa. Hoặc xin bảo hộ phòng hờ giữ đó cho những ý tưởng bất khả thi với hy vọng mong manh trong tương lai họ sẽ làm nên chuyện.

Chưa kể việc cấp bằng sáng chế là phải mất một quá trình. Một số trường hợp phải đợi ý tưởng sáng chế đưa vào ứng dụng và có thành phẩm được bán ra thị trường đã rồi mới được cấp bằng và công bố. iPad Dock chẳng hạn, đăng ký năm trước thì đến tháng 12 năm sau mới được công bố.

Thế nên đây vẫn chỉ là một cách thức tìm hiểu dạng "cầu may" cho các fan của "quả táo" nói riêng và những ai quan tâm đến sản phẩm cũng như công nghệ của Apple. Dẫu rằng dự đoán vẫn chỉ là dự đoán, nhưng bằng việc kết hợp nhiều thông tin mang tính cơ sở, chúng ta sẽ có cái nhìn tương đối hoàn chỉnh để “bói” có hiệu quả hơn. Hãy cùng xem TechRadar "bói" tiếp về các ý tưởng và sản phẩm tương lai của Apple như thế nào nhé.
 

scotty

Well-Known Member
iMac touch - "3D… và chạm"

iMac%20touch-420-90.jpg

Ý tưởng

Hãy hình dung bạn đang sở hữu một chiếc máy iMac được trang bị màn hình 3D không cần kính và có thể biến thành một thiết bị đa chạm chạy nền tảng iOS chỉ với một động tác đẩy gập.

Thành phẩm

Là chiếc máy iMac đời mới với 3 cải tiến quan trọng: Thứ nhất là một màn hình đa chạm kiểu iPad; thứ hai là một đế khớp cho phép bẻ màn hình nằm bẹt xuống bàn hoặc dựng đứng nó như một màn hình thông thường; và cuối cùng là một màn hình 3D thiết kế kiểu gợn sóng có công năng hiệu chỉnh hiệu ứng 3D luôn được hiển thị chính xác dựa vào công nghệ head-tracking (theo dõi các chuyển động của đầu người dùng).

Khi màn hình dựng đứng, iMac đơn thuần là một chiếc Mac để bàn. Gập nó lại, bạn có thể xài nó như một chiếc iPad.

Các quân bài chính để "bói"

Gồm 3 đơn đăng ký bảo hộ sau:
  • Transitioning Between Modes of Input, WIPO WO/2010/006210, July 2009. (Tính năng chuyển đổi qua lại giữa các chế độ nhập liệu; đăng ký tháng 7/2009)
  • Three-dimensional Display System, USPTO 7,843,449, November 2010. (Hệ thống màn hình hiển thị không gian 3 chiều; đăng ký tháng 11/2010)
  • Multi-dimensional Desktop, USPTO application 20080307360, December 2008. (Máy tính để bàn đa chiều; đăng ký tháng 12/2008)
Cơ sở tạo niềm tin

Một vấn đề khó chịu khi dùng màn hình cảm ứng trên máy tính để bàn là tay người dùng sẽ đau nhức nếu sử dụng liên tục không nghỉ. Mặc dù thiết kế màn hình thẳng đứng có thể hợp với các loại máy rút tiền, các ki-ốt truy xuất thông tin hay những thiết bị mà chỉ dùng trong thời gian ngắn, nhưng đối với các ứng dụng cần sự tập trung cao độ thì màn hình cảm ứng vẫn chưa đem lại cảm giác thoải mái cũng như chưa đạt độ chính xác cao. Đó là lý do khiến các dòng PC sử dụng màn hình cảm ứng chưa thể phổ cập đại chúng.

Với màn hình được cải tiến như trên, iMac touch sẽ giải quyết được vấn đề đó. Thực tế là hệ điều hành (HĐH) X Lion đang mang lại những gì hay nhất của iOS cho HĐH X, vậy thì sao lại không thể áp dụng những gì tuyệt vời nhất của iPad cho iMac!?

Về lĩnh vực 3D nói chung, trước mắt khó có thể cho mảng này sẽ trở thành thị trường đại chúng trong khi nó đang cần đến nhiều kỹ thuật "phức tạp". Nhưng 3D không cần kính thì lại khác - dễ dàng tạo vị thế riêng trong sự kết hợp cùng với hệ thống thiết bị gia dụng.

Trong bằng sáng chế về màn hình 3D có mô tả sử dụng một máy chiếu thay vì một màn hình máy tính bình thường, nhưng đặc biệt hơn là có đề cập đến các giao diện HĐH 3D. Vậy là rõ ràng Apple đang tính đến dòng máy Mac 3D.


Mac mini mới"Cách mạng máy tính không dây"

Mac%20mini-420-90.jpg

Ý tưởng

Một chiếc máy tính được kết nối hoàn toàn bằng… không dây. Thậm chí cấp nguồn cho máy cũng thông qua sạc cảm ứng chứ không bằng cáp nguồn truyền thống.

Thành phẩm

Trong đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cho Hệ thống Máy tính của Apple ghi rằng hệ thống này "có thể đem lại một hạng mục hoàn toàn mới mang tính cách mạng cho mảng máy tính", đó chính là "máy tính desk-free" (máy tính không dây). Dòng máy này sẽ sử dụng máy chiếu thay cho màn hình thông thường.

Một bàn phím không dây sẽ được sử dụng và có cả chức năng nhập liệu đa chạm, kết hợp với các máy quay nhỏ để giám sát các chuyển động ngón tay người dùng nhằm nhận biết đó là hoạt động gì: gõ chữ, thu nhỏ hay phóng to.

Các quân bài chính để "bói"

Gồm 2 đơn đăng ký bảo hộ sau:
  • Computer Systems and Methods with Projected Display, USPTO application 20100079468, September 2008. (Hệ thống và Kỹ thuật Máy tính với Hiển thị bằng máy chiếu; đăng ký tháng 9/2008)
  • Image Processing for Camera Based Motion Tracking, USPTO application 20110006991, January 2011. (Chức năng Xử lý Hình ảnh cho Máy quay dựa trên kỹ thuật giám sát chuyển động; đăng ký tháng 01/2011)
Cơ sở tạo niềm tin

Hãy tưởng tượng về một loại máy lai giữa Apple TV và Mac mini. Dựa trên nền tảng đám mây, chiếc máy lai này có thể kích thích Apple TV phát triển vượt bậc nhờ việc giải phóng mọi loại dây cáp nối, kể cả cáp nối vào màn hình vi tính hoặc TV.

Ý tưởng hình dung của Apple về loại máy "linh lợi" này là với màn hình hiển thị chính thông qua máy chiếu, bạn có thể đặt nó vào bất kỳ chỗ nào mà bạn thích: trên kệ, đằng sau ghế sofa, treo trên tường. Tất cả đều kết nối không dây hết, loại trừ cả dây cấp nguồn (mặc dù việc cấp nguồn không dây này chủ yếu dùng bộ sạc cảm ứng).

Công nghệ Apple TV hiện đã nhận được dữ liệu vô tuyến, vì thế không khó đoán trong tương lai dòng máy Mac cũng sẽ truy xuất dữ liệu "đám mây". Kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu đám mây khổng lồ của Apple có lẽ nhằm đáp ứng cho các sản phẩm tương lai này chăng?

Tất nhiên, bạn sẽ không điều khiển máy tính chỉ với Apple Remote mà còn có thể dùng cả iPhone, iPod touch hoặc iPad để điều khiển theo cách tương tự với Apple TV.


MacBook touch"laptop và máy tính bảng 2 trong 1"

Mabook%20Touch-420-90.jpg

Ý tưởng

Tưởng tượng một chiếc MacBook Air có thể trở thành iPad khi bạn kéo trượt trên màn hình hiển thị.

Thành phẩm

Đây là một chiếc MacBook biến đổi linh hoạt thành iPad khi gập xuống, được tích hợp một radio đa tầng sử dụng 3G/4G, vỏ máy được gia cố bằng sợi carbon, và một hệ thống tản nhiệt được thiết kế sao cho nắp máy có thể tản nhiệt được bộ vi xử lý.

Các quân bài chính để "bói"

Gồm 6 đơn đăng ký bảo hộ sau:
  • Application Programming Interfaces for Scrolling Operations, USPTO application 20100325575, January 2007. (Giao diện lập trình ứng dụng cho các hoạt động kéo trượt; đăng ký tháng 01/2007)
  • Reinforced Device Housing, USPTO application 20100289390, May 2009. (Vỏ bọc thiết bị có cốt gia cố; đăng ký tháng 5/2000)
  • Methods and Apparatus for Cooling Electronic Devices Using Thermoelectric Cooling Components, USPTO application 20100050658, March 2010. (Kỹ thuật và cơ cấu tản nhiệt cho các thiết bị điện tử sử dụng bộ tản nhiệt điện nhiệt; đăng ký tháng 3/2010)
  • Methods and Apparatus for Cooling Electronic Devices Using Thermally Conductive Hinge Assemblies, USPTO application 20100053885, March 2010. (Kỹ thuật và cơ cấu tản nhiệt cho các thiết bị điện tử sử dụng bộ bản lề dẫn nhiệt; đăng ký tháng 3/2010)
  • Antennas for Wireless Electronic Devices, USPTO 7,804,453, September 2010. (Anten cho thiết bị điện tử không dây; đăng ký tháng 9/2010)
  • Dielectric Window Antennas for Electronic Devices, USPTO application 20100321526, June 2009. (Anten cách điện gắn cửa sổ cho các thiết bị điện tử; đăng ký tháng 6/2009)
Cơ sở tạo niềm tin

Đơn xin bảo hộ chức năng kéo trượt của Apple còn kèm theo các biểu đồ về "một chiếc laptop có bàn phím giúp chiếc máy có thể đổi thành một chiếc máy tính bảng" bằng cách kéo trượt khung màn hình (dạng màn hình cảm ứng) trên bàn phím. Đã đến lúc có thể quên dần đi loại máy tính bảng tay gập của thập niên trước mà hướng đến MacBook Air.

Chính xác hơn là nghĩ đến một chiếc MacBook Air dùng sợi carbon, là loại sợi vừa cứng như sắt mà lại vừa nhẹ như chất dẻo, nhưng lại dễ nứt. Và đơn bảo hộ của Apple dường như đã đưa ra giải pháp - đó là sử nhiều lớp sợi carbon (hay giàn sợi carbon) để tất cả các sợi này không chạy theo cùng một hướng.

Trong một đơn khác có ghi chi tiết về việc tích hợp radio 3G/4G vào các thiết bị có phong cách thiết kế của MacBook, có thể dùng ngay logo Apple để làm anten.

Hệ thống tản nhiệt tuy trông bình thường, nhưng Apple vẫn thấy tầm quan trọng của nó nên đã đăng ký bảo hộ khá nhiều cho các hệ thống tản nhiệt như laptop sử dụng tản nhiệt lỏng. Trong đó có một hệ thống sử dụng hiệu ứng Peltier (hiệu ứng điện nhiệt), có chức năng làm lạnh kim loại bằng cách truyền một dòng điện chạy qua 2 miếng kim loại khác nhau. Apple còn đăng ký bảo hộ cho hệ thống tản nhiệt không quạt cho laptop có chức năng đẩy khí nóng ra ngoài qua bản lề máy.


iPad Air - "Máy tính bảng hiển thị 3D"

iPad%20air-420-90.jpg

Ý tưởng

Một chiếc iPad nhẹ hều có vỏ làm từ sợi carbon, trang bị màn hình shape-shifting (công nghệ tự đổi hình dạng) cho phép điều khiển không chỉ bằng chạm ngón tay mà còn vẫy hờ ngón tay và nhập liệu bằng bút.

Thành phẩm

Chiếc iPad có màn hình hiển thị "nổi các phím như thật và trang bị các bộ cảm ứng chạm có thể diễn dịch các cử động dưới dạng 3D và 2D. Việc kết hợp chức năng phản hồi xúc giác (haptic feedback) và cảm ứng "vẫy hờ" (hover sensing) có thể mang lại cho chiếc tablet này của Apple sự lôi cuốn không cưỡng lại được, và cũng nhờ vậy việc dùng bút nhạy lực cho các nghệ sĩ, họa sĩ… sẽ dễ dàng hơn trên các màn hình chạm có độ phân giải thấp. Ngoài ra chiếc iPad này có thể tích hợp cả bệ đỡ.

Các quân bài chính để "bói"

Gồm 4 đơn đăng ký bảo hộ sau:
  • Detecting and Interpreting Real-World and Security Gestures on Touch and Hover Sensitive Devices, USPTO 7,877,707, January 2011. (Nhận diện và diễn dịch các cử chỉ thật và bảo mật trên các thiết bị nhạy với cảm ứng chạm và vẫy hờ; đăng ký tháng 01/2011)
  • Stylus Adapted For Low Resolution Touch Sensor Panels, USPTO application 20100006350, January 2010. (Bút stylus dành cho các tấm nền cảm biến chạm có độ phân giải thấp; đăng ký tháng 01/2010)
  • User Interface Having Changeable Topography, USPTO application 20100162109, June 2010. (Giao diện người dùng có cấu trúc hình dạng tùy biến; đăng ký tháng 6/2010)
  • Reinforced Device Housing, USPTO application 20100289390, May 2009. (Vỏ thiết bị có cốt gia cố; đăng ký tháng 5/2009)
Cơ sở tạo niềm tin

Bề mặt màn hình gương bóng hiện tại trên iPad chưa phù hợp lắm để chơi game hoặc gõ theo kiểu chạm. Đơn bảo hộ cho "bề mặt có cấu trúc hình dạng tùy biến" sẽ là giải pháp cho vấn đề này.

Theo đó, một màn hình hay là trackpad sẽ hiển thị "nổi" các nút bấm hoặc các thành phần giao diện khác. Màn hình vẫn có thể là gương (để có độ chắc cứng) nhưng sẽ tích hợp thêm "các nút liên kết tùy biến" để có thể tạo nên các hình dạng dễ nhận biết và sờ mó được. Các nút liên kết này có thể được điều khiển bằng các motor bé xíu, hoặc có thể làm bằng một loại chất nào đó có thể giãn nở và co cụm khi được kích thích bằng một bộ dẫn động điện, từ tính hoặc hóa chất.

Nhưng ý tưởng về giao diện của Apple chưa dừng ở đó. Dựa trên cơ sở đa chạm, kế hoạch về những "thiết bị nhạy với cảm ứng chạm và vẫy hờ" là nhằm hiểu và diễn dịch được các cử chỉ như gõ nhẹ và vuốt hờ, dạng như cử chỉ "xin đi nhờ xe" hoặc thậm chí như giơ ngón cái lên (cử chỉ đồng ý).

Còn đối với bút thì sao? Tuy Steve Jobs đã cho ra đời loại bút dành cho tablet, nhưng điều đó không có nghĩa là Apple sẽ không giới thiệu một loại bút nhập liệu chuyên dụng trên iPad cho giới nghệ sĩ, họa sĩ. Bút đầu kim stylus nhạy lực rất phù hợp với các ứng dụng hình ảnh.


iPhone nano - "iPod và điện thoại liên mạng toàn cầu"

iPhone%20nano-420-90.jpg

Ý tưởng

Một chiếc iPhone cực kỳ nhỏ và rẻ - đó là chiếc máy nghe nhạc iPod nano với các tính năng điện thoại có thể chuyển đổi nhà mạng thoải mái và đảm nhiệm cả chức năng "ví điện tử".

Thành phẩm

Một chiếc iPhone siêu nhỏ được bổ sung thêm màn hình chạm thứ hai ở mặt sau máy tương tự màn hình chính, cho phép bạn điều khiển máy bằng các ngón tay và ngón cái cùng lúc. Lúc đang thao tác trên màn hình hậu này, bạn sẽ "thấy" được các ngón tay của mình xuất hiện trên màn hình ở mặt trước - nhưng đó không phải kiểu nhìn thấy xuyên qua mà chính là nhờ ý tưởng độc đáo về sử dụng con trỏ.

Chiếc điện thoại này sử dụng loại Universal SIM có thể kết nối với nhiều nhà mạng, cho phép thay đổi mạng cả ngày ở bất kỳ nơi đâu.

Các quân bài chính để "bói"

Gồm 4 đơn đăng ký bảo hộ sau:
  • Back-Side Interface for Hand-Held Devices, USPTO application 20070103454, May 2007. (Giao diện mặt sau cho thiết bị cầm tay; đăng ký tháng 5/2007)
  • Handheld Computing Device, USPTO 7,724,532, May 2010. (Thiết bị điện toán cầm tay; đăng ký tháng 5/2010)
  • Dynamic Carrier Selection, USPTO 7,885,654, February 2011. (Chức năng chọn nhà mạng linh động; đăng ký tháng 2/2011)
  • Motion Based Input Selection, USPTO application 20100042954, November 2009. (Chức năng chọn nhập liệu dựa vào chuyển động; đăng ký tháng 11/2009)
Cơ sở tạo niềm tin

Tưởng tượng về một chiếc iPhone có kích thước bằng máy nghe nhạc iPod nano hiện nay. Mặc dù có thể sẽ không cung cấp trải nghiệm ứng dụng iOS toàn diện (giống như iPod nano) nhưng vẫn đầy đủ tính năng gởi tin nhắn, kiểm tra email, phát chạy được các tập tin media và tất cả các “món” trên của chiếc smartphone thông thường.

Nếu kết hợp màn hình iPhone với mặt sau có tính năng cảm ứng chạm như mô tả trong đơn bảo hộ năm 2007, chúng ta sẽ thấy được giải pháp biến iPhone nhỏ hơn nhưng vẫn dễ sử dụng. Công nghệ tương tự đang được xem là tùy chọn thay thế áp dụng cho dòng máy PlayStation di động thế hệ 2 của Sony (hay còn gọi là NGP).

Ý tưởng về Universal SIM có thể là tin không hay đối với các nhà mạng viễn thông, bởi nó gợi ý rằng Apple đang nghĩ đến một MVNO (Mobile Virtual Network Operator – Nhà mạng viễn thông ảo). Theo đơn đăng ký, chiếc điện thoại có thể gởi yêu cầu đến "một máy chủ mạng viễn thông ảo", chẳng hạn yêu cầu nhà mạng tổ chức đấu giá cho sản phẩm của bạn (?).

Apple còn nung nấu ý tưởng biến iPhone thành loại ví điện tử, nhưng tham vọng đối với nó còn lớn hơn nhiều. Đơn xin bảo hộ "Chức năng chọn nhập liệu dựa vào chuyển động" còn đề cập đến chức năng NFC (giao tiếp trường gần) được tích hợp trong điện thoại cho phép dùng nó như vé điện tử và thậm chí như thẻ an ninh.

Theo TechRadar
 
Chỉnh sửa lần cuối:

caphe17

Member
Ðề: "Bói" ra các sản phẩm tương lai của Apple nhờ bằng sáng chế!

Nhảm nhỉ.
(theo ý kiến chủ quan của mình, đừng chém nha).
 

minizip

Member
Ðề: "Bói" ra các sản phẩm tương lai của Apple nhờ bằng sáng chế!

Không hề nhảm nhí đâu caphe17 ạ
Nói gì thì nói chứ Apple đặc biệt lắm. Họ đặc biệt như Jose Mourinho trong bóng đá vậy :D
 

manaka

New Member
Ðề: "Bói" ra các sản phẩm tương lai của Apple nhờ bằng sáng chế!

Nhảm nhỉ.
(theo ý kiến chủ quan của mình, đừng chém nha).

Nhảm ở chổ nào? Bọn troll như thế này giờ nhiều như chó chạy ngoài đường, đi dâu cũng thấy, đến nản.

Cám ơn scotty đã dịch và chia sẻ cho mọi người, chúng ta hãy chờ xem sản phẩm nào trở thành hiện thực <):)
 
Bên trên