Học cao học

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
daotao2836461d.jpg

Thời nay, nói đến học cao học thì đó cũng chẳng phải là chuyện lạ hay là quá xa vời gì nữa, có khi bạn nghe xong lại nhếch mép cười thầm, “tưởng gì, cái đấy mình không thích thôi chứ thích thì mình học cũng được, khó khăn quái gì đâu”, cũng có thể như thằng bạn bựa của tôi phát biểu “bữa nay Việt Nam phổ cập đến thạc sỹ rồi mày ơi”, trong khi nó lúc tốt nghiệp đại học vẫn còn nợ môn, thế đấy.

Cái sự học này nói nghe thì dễ, ai làm cũng được, nhưng mà thử đi rồi sẽ thấy, không phải chuyện đơn giản như vác cái HDD ra tiệm chép một đống phim về xem đâu. Để bắt đầu đi học thì đương nhiên phải đi thi, trừ học cái MBA của nước ngoài đang nhan nhản ngoài đường chỉ cần đóng tiền vào là học ra. Bạn có thể thi trường nào cũng được, thích trường nào thi trường đó, Bách Khoa, Kinh Tế, Sư Phạm Kỹ Thuật, Ngân Hàng … nhắm trường nào dễ đậu thì thi, mà thường là “đi dễ khó về”, vào mà dễ quá thì ra cũng hơi khó vì nó liên quan đến $$$, thật đó.

Tôi chẳng có nhiều $, việc làm cũng không nên thôi qua cái trường khó khó chút mà trong sạch thi cho chắc. Thi lần đầu vào tháng 5, như để chứng minh là cái trường này khó, tôi tạch ngay trong tích tắc, môn anh văn tự tin không thèm ôn bài được 40/100, buồn mất mấy ngày. Nhưng không sao “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, đằng này cứ nữa năm lại tổ chức thi một lần, sợ gì mà không thi lại chứ. Lần sau rút kinh nghiệm ôn bài đàng hoàng, tiếng anh tiếng em đủ cả nên quất một phát 78/100, đường hoàng bước vào trường mà không sợ bảo vệ đuổi ra.

tuyensinh2.jpg

Đi học đối với tôi là chuyện đơn giản vì tôi là trai chưa vợ lại được cái là thất nghiệp chứ còn như mấy ông chung lớp, ngày làm cả ngày (có khi khuya còn phải trả bài cho vợ), lên lớp học thì mục tiêu chính là ngồi ngáp và trông hết giờ thì về, nhưng mà cái việc đơn giản đó nhiều khi làm cũng chẳng được, thành ra có ông học kỳ học có 4 môn rớt hết 3 môn. Thi rớt không phải do làm bài không được mà là do thầy nhớ mặt, ở những lớp không phải ngành hot như ngành kỹ thuật này, lớp ít nên thầy nhớ mặt từng người, ai không đi học thì xác định là khả năng rớt rất cao đi nhé, như lời một PGS TS chửi sa sả vào đầu đám chúng tôi, “học cao học không phải là đi chợ, không học được thì nghỉ, đây không phải nơi muốn làm gì thì làm”. Vâng, vấn đề lớn ở đây chính là thời gian, đơn giản nhưng lại khá phức tạp đối với những người “vừa học vừa làm” đấy.

Đời đi học, dù là học đại hay học cao, cái ngán nhất không phải là chuyện học các môn trong học trình, học một lần không đậu thì học hai ba lần, rồi cũng sẽ đậu, mệt mỏi nhất vẫn là luận văn tốt nghiệp. Một cái luận văn đàng hoàng chứ không phải luận văn “nghiên cứu kỹ thuật copy và paste” đâu nhé. Đối với trường này, làm luận văn từ lúc bắt đầu làm tới lúc được báo cáo ít nhất là 1 năm, nhưng đa số làm chưa được thì thành 1,5 năm hay 2 năm là bình thường. Công sức đổ vào rất lớn, chứ mà làm hời hợt chơi chơi thì chắn chắn thầy hướng dẫn sẽ không chịu cho ra bảo vệ. Được ra bảo vệ rồi thì cũng chông gai lắm, không phải xuôi chèo mát mái như phim đâu.

imgp1184m.jpg

Buổi sáng bảo vệ, tôi lên đầu tiên, mồm miệng thì khô khốc, tay chân thì run rẩy, dù rằng đã từng báo cáo tốt nghiệp đại học cách đây hai năm rồi. Lên thuyết trình ai mà không run, thằng nào bảo không run thì một là nó nói dối hai là nó nói xạo. Mới nói được mấy slide thì ông chủ tịch hội đồng đã chửi phủ đầu, “nói cái gì thì phải chỉ lên cho hội đồng biết chứ”, ú ớ nhìn quanh thì chộp được cây angten, định dùng nó chỉ chỏ thì ổng quay xuống chửi nguyên đám, “tụi mày ngu lắm, một đám ô hợp àh, có cây bút laser mà mua không nổi àh”, cả đám cuống cuồng chạy đi mua, còn tôi sau khúc đó thì xong phim luôn, ráng đọc cho hết slide chứ tim rớt mẹ nó đâu mất rồi.

Đã bảo vệ luận văn thì phải trả lời câu hỏi của thầy phản biện, mỗi ông hỏi hai câu, lại thêm mấy ông trong hội đồng cũng ngứa miệng (thường có kiến thức nhiều người ta hay vậy) quất thêm mỗi người một đến hai câu nữa, tổng cộng tôi phải trả lời 8 câu. Nhưng nào có được trả lời yên ổn, đang trả lời câu thứ 3 của thầy phản biện A thì ông B nhảy vào chặn họng, vậy là phải trả lời cho ông B, đang trả lời thì ông C lại phản đối, lại phải giải thích cho ông C, thành ra mấy câu hỏi lúc đầu trôi tuột đi đâu mất, chẳng ai còn nhớ nữa, chuyện quan trọng bây giờ là đấu khẩu với mấy ông GS TS ngồi kia, mà cầm chắc là thua chứ ít khi thắng, khi đó tốt nhất nên cười, kèm theo động tác gãi gãi đầu nữa cho nó đúng điệu.

Cũng xin nói thêm về cái luận văn là trường nào không biết chứ trường này thì đừng nói đến tiền, không có chuyện đó đâu, ở đây thầy ra thầy, trò ra trò. Trường khác có nghe tin đồn muốn được hướng dẫn phải tiền, ra báo cáo phải tiền … (nghe đồn thôi nha chứ tôi không có học nên không dám chắc). Tôi học ở đây chỉ tốn tiền học phí, ngoài ra không tốn thêm một xu nào nữa cả. Thậm chí bảo vệ luận văn xong mời các thầy đi ăn một bữa chia vui mà không phải ông nào cũng đi, khó vậy đó.

Học cao học còn có một cái khó nữa là môn anh văn, môn này được xem là sát thủ với dân học kỹ thuật. Thế nên mới có chuyện có ông học xong hết các môn, bảo vệ luận văn xong xuôi, chỉ còn cần cái bằng TOEIC hoặc TOEFL đủ chuẩn là trường phát bằng cho ngay, vậy mà 4 năm không có, bị hủy sạch kết quả, phải thi đầu vào lại. Hoặc có ông thi anh văn điên cuồng, tổng cộng hơn 38 lần thi TOEIC trong vòng hai năm lúc sắp hết hạn (tiền đi thi lên đến mấy chục triệu), kết quả thì cũng như ông trên, học lại từ đầu. Nguyên nhân thì cũng là nguyên nhân muôn thuở, bận việc quá!

Tóm lại, học cao học chẳng khó khăn gì, khó nhất là bạn có tiền và thời gian học hay không, tiền thì đã đi học chắc ai cũng có, thời gian không phải ai cũng đủ khi cuối tuần sắp thi thì đồng nghiệp và sếp gọi đi nhậu, về nhà thì vợ réo con khóc, kiếm ra được thời gian học có khi lại muộn mất rồi. Vậy nên nếu bạn còn trẻ và chưa có gia đình thì hãy đi học đi còn không thì bỏ việc hoặc cố gắng bỏ vợ luôn càng tốt, học sẽ nhanh hơn!
 

papapucca

Member
Ðề: Học cao học

Bài viết khá hay và thực tế . Ngày nay việc học cũng muôn hình vạn trạng lắm , muốn đất nước phát triển thì cần có môi trường giáo dục trong sạch và chất lượng , sinh viên khi ra trường phải có kiến thức thực tế chứ mình thấy mấy đứa em mình học ĐH tại chức thôi mà thấy chán , học , thi chủ yếu bằng tiền . Haiz
Ủa mà bài viết có mở bài ( thi đầu vào ) thân bài ( quá trình hoc và bảo vệ luận văn ) còn chưa biết kết quả ( nhận bằng ) như thế nào ...
 

Wanderman

Member
Bài bác An nói đến chuyện đi học cao học nhưng lại không nói đến vấn đề cốt lõi là học cao học để làm gì và ai là người cần đi học cao học. He he, tất nhiên sẽ có bác bảo em: "Thằng này hỏi gì mà ngu thế! Học cao học để lấy kiến thức, để sau này để thu nhập cao hơn, con đường hoạn lộ thênh thang hơn, mít tờ oai hơn...". Mục đích cao thượng và nhân văn hơn là để giúp mình, giúp đời, giúp thiên hạ, giúp nước nhà sau này sánh ngang với 5 châu 4 bò, à quên, 4 bể.

Vậy ai là những người cần phải học cao học? Theo em, giống như một đứa bé đang tuổi lớn, thì phải mua cho nó quần áo mới, rộng dài hơn để phù hợp với cơ thể đang phát triển của nó. Việc học lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ hay Postdoc (cái này nhiều bác dịch là "siêu tiến sỹ" hay "hậu tiến sỹ") là việc cần làm để tiếp cận những kiến thức chuyên môn cao hơn, ngành hẹp hơn hoặc theo đuổi con đường nghiên cứu khoa bảng...

Nhưng ở VN mình, nói các bác đừng giận, em toàn thấy ngoài mấy bác làm giảng viên đại học, đang được quy hoạch cán bộ nguồn… thì phần lớn là các bác đang thất nghiệp, hoặc có việc nhưng mà nhàn rỗi quá mới đi học cao học.

Việc học cao học và tiến sỹ của VN hiện nay gần như đi học cấp 4, cấp 5, cốt sao có tấm bằng để mặc cả với bọn nhân sự hoặc mít tờ oai với họ hàng, bạn bè hàng xóm hoặc với...gái là chính chứ việc thu đươc kiến thức về em nghĩ là bác nào học cao học rồi sẽ tự nhận thấy.

Vậy câu hỏi là có nên đi học cao học ở các trường của VN không? Theo em là nên nếu có đủ điều kiện, vì các cụ bảo rồi, học thì không bổ ngang thì khắc bổ dọc, kiểu gì cũng tốt và hy vọng biết đâu, vào một ngày đẹp giời có con chim sâu nó tự nhiên ỉa vào đầu, hôm sau lại được lên làm sếp vì có cái bằng mát sì tờ.
 

nhtruong

Well-Known Member
Ðề: Học cao học

Hay quá ta, thêm một chú đồng hương với anh nhá. bùi phú an hử
 

Jiro Tran

Member
Ðề: Re: Học cao học

hự, nhân viên em nó học cao học, mềnh nói nó cãi =)), đuổi

Trước khi cho em nó nghỉ "hưu non", bác cũng nên làm công tác "chính trị tư tưởng" cho em nó điều quan trọng nhất là phải áp dụng được "đỉnh cao trí tuệ" vào công việc hàng ngày, nếu ko thì cái chứng chỉ "sư phụ" ấy cũng chỉ là dấu ấn của thời học "cấp 5" or trang trí phòng khách mà thôi =))
 

thienthanxanh

Active Member
Ðề: Re: Học cao học

Bài bác An nói đến chuyện đi học cao học nhưng lại không nói đến vấn đề cốt lõi là học cao học để làm gì và ai là người cần đi học cao học. He he, tất nhiên sẽ có bác bảo em: "Thằng này hỏi gì mà ngu thế! Học cao học để lấy kiến thức, để sau này để thu nhập cao hơn, con đường hoạn lộ thênh thang hơn, mít tờ oai hơn...". Mục đích cao thượng và nhân văn hơn là để giúp mình, giúp đời, giúp thiên hạ, giúp nước nhà sau này sánh ngang với 5 châu 4 bò, à quên, 4 bể.

Vậy ai là những người cần phải học cao học? Theo em, giống như một đứa bé đang tuổi lớn, thì phải mua cho nó quần áo mới, rộng dài hơn để phù hợp với cơ thể đang phát triển của nó. Việc học lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ hay Postdoc (cái này nhiều bác dịch là "siêu tiến sỹ" hay "hậu tiến sỹ") là việc cần làm để tiếp cận những kiến thức chuyên môn cao hơn, ngành hẹp hơn hoặc theo đuổi con đường nghiên cứu khoa bảng...

Nhưng ở VN mình, nói các bác đừng giận, em toàn thấy ngoài mấy bác làm giảng viên đại học, đang được quy hoạch cán bộ nguồn… thì phần lớn là các bác đang thất nghiệp, hoặc có việc nhưng mà nhàn rỗi quá mới đi học cao học.

Việc học cao học và tiến sỹ của VN hiện nay gần như đi học cấp 4, cấp 5, cốt sao có tấm bằng để mặc cả với bọn nhân sự hoặc mít tờ oai với họ hàng, bạn bè hàng xóm hoặc với...gái là chính chứ việc thu đươc kiến thức về em nghĩ là bác nào học cao học rồi sẽ tự nhận thấy.

Vậy câu hỏi là có nên đi học cao học ở các trường của VN không? Theo em là nên nếu có đủ điều kiện, vì các cụ bảo rồi, học thì không bổ ngang thì khắc bổ dọc, kiểu gì cũng tốt và hy vọng biết đâu, vào một ngày đẹp giời có con chim sâu nó tự nhiên ỉa vào đầu, hôm sau lại được lên làm sếp vì có cái bằng mát sì tờ.

Bác nói đúng kiểu lý luận của cao học đấy!!! Ở VN đúng là học cao học và TS đã trở thành cái mốt để lấy cái oai làm ăn. Nói thật nhiều lúc đi là mà gặp mấy lão rút cái các vi đít ra show hàng ta là TS là em thấy muốn ói luôn vì mình biết thừa trình độ các lão ở mức độ nào rồi. Nói thật là những người đã học TS ở nước ngoài (trừ mấy bác học ở TQ hoặc ở các nước đào tạo theo kiểu hàng chợ) họ thường làm nghiên cứu nghiêm túc hơn nhưng khi về VN làm việc thường hay bị đố kỵ do khả năng làm việc thường là tốt hơn (nhưng không phải ai cũng vậy).
 

conando

Well-Known Member
Ðề: Học cao học

nhớ lại hồi học "kao" học ở Sư phạm tp.HCM, đúng là trần ai phai củ.
đúng thật thời nay thạc với tiến chẳng qua làm oách là chính, cái tên hiệu phó, mỗi lần họp cứ đem cái thạc đó ra nói nhưng làm chỉ mỗi cái thông báo họp hội đồng giáo viên trường thôi mà sai tè le, mẹt.
 

anhtuanngoc

Well-Known Member
Ðề: Học cao học

HDVietnam có thêm một Chuyên viên tin tức có tấm bằng Cao học tự lực đúng là đáng mừng
 

siusiuenen

New Member
Ðề: Re: Học cao học

hự, nhân viên em nó học cao học, mềnh nói nó cãi =)), đuổi

Hèn chi kinh tế Việt nam chẳng bao giờ ngóc đầu bằng với người ta được !!!!!!!!!

Mình từ lúc qua bên này , khi còn đi học vừa làm thằng công nhân quèn cho tới bây giờ, mấy thằng Boss Mỹ trắng mỗi lần tới nói chuyện với , bỏ đi thì nhìn mặt và cổ nó thì phải nói nó là người Da đỏ chứ không còn Da trắng nữa :) nhưng chưa bao giờ bị đuổi việc .
Khi qua Mỹ , mình có một nguyên tắc : Làm việc hơn người + không phạm lỗi + Tính tình ba trợn
Tại sao mình lại có nguyên tắc như trên ? Trước đây khi còn học ở Việt nam , nước mình nghèo , người Việt bị tụi dân các nước lân cận coi khinh . Mình nhục lắm . Sức nhỏ mọn của mình thì chẳng là bao nhưng tâm huyết của một người trẻ tuổi thì ngùn ngụt . Muốn mau ra trường để đóng góp cho xã hội nhưng ôi thôi, chỉ một mùa thực tập thì thật chán nản vì những cái thối tha bày ra trước mắt . Đã không làm được gì còn hại thân . Phân vân giữa đi và ở, Thôi đi cho rảnh .
Qua bên này muốn chứng thực những gì nghe được về tụi Mỹ trắng cho nên mới bày ra nguyên tắc trên .
Lúc còn đi học , vì lấy việc học là chính , việc làm là phụ có bị đuổi cũng không sao . Mấy thằng Boss tới nói sốc mà không đúng chuyện là mình chửi thẳng mặt . Mấy thằng hiền thì không nói gì , mấy thằng có tính dữ dằn cũng thế , mỗi lần như vậy là cổ và mặt đỏ như con gà chọi , mấy thằng làm chung cá là ngày mai sẽ không thấy mặt mình nữa nhưng cũng chẳng có chuyện gì xảy ra . Chưa bao giờ bị đuổi cũng chưa bao giờ ký giấy cảnh cáo cho tới tận bây giờ .
Tại sao ? ĐUỔI MỘT THẰNG GIỎI KHÔNG CÓ LỢI BẰNG NHỮNG GÌ NÓ LÀM CHO MÌNH ! Mấy thằng Boss cũng là những thằng làm công ăn lương, cũng cần phải làm cho ra việc . Không thì nó cũng bị đuổi và chỉ có những thằng giỏi mới giúp được nó !!!!!!
Nói thiệt , có lúc cũng có thằng boss muốn đuổi mình , có thằng còn lên cáo thằng Sếp lớn EVERYDAY , đó là những thằng từ nước thứ ba như Mehico, Philipine .. Mấy thằng này rất ganh tị với người Việt , không thông minh bằng người Việt lại làm biếng , nhưng xảo trá và thủ đoạn dơ bẩn không thua tụi Khựa nhưng tụi Khựa nó khéo léo hơn . Nhưng xui cho tụi nó Boss lớn lại là Mỹ trắng .
Nếu nói làm bạn mà là bạn thân thì chỉ có người Việt vì dù sao mình vẫn sinh trưởng ở Việt nam, còn làm việc , thì thích tụi Mỹ trắng vì nếu có giải thích hợp lý thì nó hiểu ra ngay và phân xử rất minh bạch . Đó là lý do một phần các Quốc gia nào lọt vào tay nó đều phát triển rất tôt

Khi ra trường cũng thế cho tới khi tớ tìm được chỗ làm hợp ý thì bỏ nguyên tắc thứ ba vì nó không phải là bản chất của mình . Mình là người rât dễ tánh, bạn bè của chơi với nhau từ bé tới lớn nhưng có thằng cả mấy chục năm làm bạn nhưng chưa bao giờ cãi lộn . Nói thật lưong+thưởng thì không ảnh hưởng có phần hơn những thằng khác do làm được việc nhưng lên chức thì có trở ngại . Hey! Ông bà mình có nói "NGỰA HAY LÀ NGỰA BẤT KHAM" mà !!! Thằng Director của tớ có lần tâm sự có lúc nó muốn đuổi mình thiệt nhưng phải đắn đo , sau này thấy mình không phải là người như ấn tượng lúc ban đầu ! Cười và tâm sự lại với nó .
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Bài bác An nói đến chuyện đi học cao học nhưng lại không nói đến vấn đề cốt lõi là học cao học để làm gì và ai là người cần đi học cao học.

Nhưng ở VN mình, nói các bác đừng giận, em toàn thấy ngoài mấy bác làm giảng viên đại học, đang được quy hoạch cán bộ nguồn… thì phần lớn là các bác đang thất nghiệp, hoặc có việc nhưng mà nhàn rỗi quá mới đi học cao học.

đây cũng là trăn trở của e trong suốt thời gian học, học để làm gì? để làm nghề thì cái bằng kỹ sư cũng dư sức rồi, còn để nghiên cứu khoa học thì phải học tiếp lên T.S chứ Th.S chả là gì cả, mà phải làm TS ở nước ngoài chứ ở VN thì cũng như không, vậy nên như bác nói, đi học cũng chỉ thêm chút kiến thức, nâng trình tiếng anh, tập khả năng nghiên cứu tài liệu nước ngoài, chứ ngoài ra không hơn gì đại học cả.

lớp e học quá nữa là giảng viên các trường đại học và cao đẳng đấy, và giờ hầu hết trong số họ đều ở lại, chưa biết khi nào ra trường, vậy nên "vừa học vừa làm" nó chông gai lắm. Ở nước ngoài thì chắc chắn không có chuyện đó, học master là phải vào lab, nghỉ việc mà học mà nghiên cứu, tiền ăn tiền ở đã có trường lo. Mà thôi, so VN với nước ngoài thì muôn đời nó vẫn khập khiễng lắm.
 
Bên trên