Quan sát hiện tượng nhật thực ngày 15/01/2010

Việt Nam sẽ quan sát được nhật thực một phần vào ngày 15/1/2010.


Vào chiều ngày 15/1/2010 tới đây sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực hình khuyên với độ che khuất của Mặt Trời là 91,9%. Khu vực quan sát được nhật thực hình khuyên nằm trong một dải hẹp rộng khoảng 300km, bắt đầu ở vùng trung Châu Phi, sau đó băng qua Ấn Độ Dương đến một số các nước Châu Á có thể quan sát được là: Băngladesh, Ấn Độ, Myanma, Trung Quốc rồi kết thúc ở vùng biển phía đông Trung Quốc.

ASE2010globe1a.JPG


Dải quan sát được nhật thực hình khuyên (màu đỏ) và vùng quan sát được nhật thực 1 phần (các đường màu xanh) (ảnh NASA)

Việt Nam tuy không nằm trong dải quan sát được nhật thực hình khuyên này nhưng chúng ta sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ bị che của Mặt Trời còn lớn hơn lần nhật thực gần đây vào ngày 22/7/2009 tại một số địa phương. Độ che phủ của mặt trời sẽ lớn hơn 70% ở các tỉnh vùng Tây Bắc, và giảm dần về phía nam và phía đông.

Cụ thể ở Lai Châu, địa phương quan sát được mặt trời bị che nhiều nhất đến 74,9%, nhật thực diễn ra vào lúc 14h11' đạt cực đại vào lúc 15h46' và kết thúc vào 17h05'
- Tại Hà Nội, nhật thực bắt đầu diễn ra vào lúc 14h16', cực đại đến 67,3% vào 15h48' và kết thúc vào 17h05'.
Khu vực miền trung độ che khuất của mặt trời vào khoảng 40-60%
- Đà Nẵng nhật thực chỉ có khoảng 49,4% cực đại vào lúc 15h44'
Ở các tỉnh miền Nam độ che khuất của mặt trời bị giảm chỉ khoảng 30-40%, nhưng vẫn lớn hơn nhiều lần nhật thực ngày 22/07/2009
- Tại TP.HCM nhật thực diễn ra vào lúc 14h17' đạt cực đại 38,1% vào 15h41' và kết thúc nhật thực vào 16h52'.
Bảng mô tả độ che phủ cực đại của Mặt Trời tại các địa phương ở Việt Nam. (click vào để xem ảnh lớn)

nhat_thuc_15_01_2010.jpg

nhat_thuc_vietnam.jpg



Nhật thực là một hiện tượng tự nhiên, khi Mặt Trăng đi vào vùng giữa Trái Đất và Mặt Trời, che khuất hoàn toàn Mặt Trời(nhật thực toàn phần) hay chỉ che một phần Mặt Trời(nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên). Mỗi năm ít nhất có khoảng 2 lần nhật thực tuy nhiên chỉ quan sát được ở một số vùng. Lần nhật thực kế tiếp đây sẽ vào ngày 11/7/2010 (chỉ quan sát được ở ngoài khơi Thái Bình Dương).
Do khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng và Mặt Trời là không cố định, với lần nhật thực này Mặt Trăng đang ở vị trí không đủ che hết Mặt Trời nên chúng ta có nhật thực hình khuyên.

annular_lg.gif

Nhật thực hình khuyên năm 2003, lần này nhật thực hình khuyên chỉ có thể quan sát được trong 1 dải hẹp rộng 300km (ảnh Mreclipse)

Các biện pháp quan sát nhật thực an toàn.
Nhật thực lần này diễn ra vào buổi chiều nên ánh sáng Mặt Trời rất chói chang, sẽ cực kì có hại cho mắt nếu chúng ta không có các phương pháp quan sát an toàn.
Tuyệt đối không nhìn Mặt Trời nếu không qua các thiết bị bảo vệ mắt đặc biệt, vì mắt bạn có thể bị thương tật vĩnh viễn do các tia bức xạ của Mặt Trời.

1- Phương pháp quan sát trực tiếp
Không sử dụng các phim lọc sáng không dùng cho mục đích thiên văn như phim X-quang, băng video, kính hơ khói, giấy gói quà v.v…để quan sát, các loại này có thể lọc được ánh sáng nhưng có thể sẽ không lọc được những tia hồng ngoại và tử ngoại sẽ làm tổn thương mắt của bạn (theo tài liệu của NASA).
Tuyệt đối không quan sát qua kính thiên văn, ống nhòm nếu không được gắn phim lọc mặt trời chuyên dụng.
Tuyệt đối không được sử dụng các loại kính râm để quan sát nhật thực.

An toàn khi sử dụng: kính của thợ hàn loại số 14 trở lên(có bán tại các tiệm cơ khí lớn giá khoảng 15 ngàn), kính chuyên dùng cho mục đích thiên văn quan sát Mặt Trời. Đĩa mềm máy tính không bị trầy xước gấp 2 hoặc 3 lớp có thể sử dụng tương đối an toàn nhưng cho chất lượng ảnh không tốt.
Các kính thiên văn và ống nhòm khi được bịt phim lọc mặt trời chuyên dụng ở đầu ống kính có thể sử dụng để quan sát Nhật Thực.

2- Phương pháp quan sát gián tiếp:
+ Phương pháp dùng chậu nước pha mực:
Sử dụng chậu nước pha mực đen và quan sát ảnh mặt trời trong chậu nước, có thể sử dụng một tấm kính để tăng độ phản xạ. Mực pha phải đảm bảo độ đen để quan sát không bị chói.
+ Phương pháp quan sát qua màn chắn:
Tạo một lỗ thủng nhỏ khoảng 1mm trên một tấm bìa cứng hoặc một miếng thiếc, cho ánh nắng xuyên qua và quan sát ảnh của Mặt Trời xuyên qua lỗ thủng lên 1 tấm giấy trắng đặt ở dưới.

image011.jpg


Có thể phát triển thành hộp quan sát nhật thực để quan sát được tốt hơn như hình vẽ

image013.jpg


Phương pháp quan sát qua màn chắn cũng có thể ứng dụng được cho các kính thiên văn và ống nhòm. Hướng ống kính về phía Mặt Trời và hứng ảnh lên một tấm giấy trắng.

image015.png


Để được hướng dẫn cụ thể về các quan sát nhật thực an toàn và tìm hiểu hỏi đáp thêm về nhật thực, các bạn có thể thảo luận tại diễn đàn vietastro

Các CLB Thiên văn sẽ tổ chức quan sát nhật thực với các dụng cụ quan sát an toàn, sau khi có thông tin cụ thể vietastro sẽ thông báo cho bạn đọc. Xin theo dõi tại website hoặc gọi điện thoại cho Nguyễn Anh Tuấn chủ nhiệm CLB thiên văn nghiệp dư TP.HCM để có thêm thông tin: 0989.9071359
IMG0627modifie_520x348_8ce93d2ea1c2d499e6302b2e524b20e4.jpg

Ảnh nhật thực 1 phần chụp vào 26/1/2009 do người viết bài chụp tại Vĩnh Long

Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM
Tài liệu tham khảo:
+Các trang web cung cấp số liệu và hướng dẫn quan sát nhật thực của NASA:
http://eclipse.gsfc.nasa.gov/eclipse.html
http://eclipse.gsfc.nasa.gov/SEhelp/safety2.html
+Sky and Telescope: http://skytonight.com
+www.eclipse-glasses.com

----------------------------------------------------------
Sau đó hơn 1 năm sau đến sáng sớm ngày 21/5/2012 mới lại có nhật thực, và cũng là nhật thực hình khuyên vùng xem được ở rất gần Việt Nam, ở phía Đông Nam Trung Quốc, Hong Kong... Ai ở Quảng Ninh vượt biên đi lên TQ 1 chút là xem được hình khuyên. Và lần này càng ở phía Bắc càng xem được nhiều, đặc biệt là vùng Đông Bắc, như Quảng Ninh, Hạ Long... sẽ xem được hơn 90%, nhưng có lẽ rất khó xem được nhật thực lần này
Hà Nội nhật thực xem được đến 86%, bắt đầu từ khi mặt trời chưa Mọc ^^. Khi nhìn thấy mặt trời ló dạng là nó đã bị khuyết đến hơn 80% rồi, và kết thúc vào lúc 6h13 phút sáng. Lần này chắc phải có hướng đông trống trải mới nhìn thấy được. TPHCM còn bi thảm hơn tuy cũng bị che 0.45 % như đến 6h sáng là hết, giờ này chắc Mặt trời mới ló lên khỏi chân trời ^^.

Và mãi ... cho đến 2016 chúng ta mới lại thấy nhật thực ở VN, vào ngày 9/3/2016, cũng ngay khi Mặt trời vừa ló dạng. Lần này là nhật thực toàn phần diễn ra ở Indonesia, và chúng ta lại bị cho ra rìa chỉ thấy được 1 phần. Các tỉnh càng về cực nam sẽ càng thấy nhật thực che nhiều hơn. Ở Cà Mau che là 65% trong khi đó ở Hn chỉ là 33%.
Tại TP.HCM nhật thực bắt đầu vào lúc 6h35 sáng cực đại vào 7h34 với 61% và kết thúc vào 8h40phut.

Do đó nếu không xem được nhật thực lần này, và lần 15/1/2010 lại bị thời tiết xấu thì có thể mãi đến 7 năm sau đến 2016 chúng ta ở VN mới lại có thể xem được nhật thực 1 phần. Và mãi đến 70 năm sau vào, vào một buổi sáng đẹp trời ngày 11.04.2070 hội người cao tuổi chúng ta (nếu còn sống) mới có thể lại được xem nhật thực toàn phần ở VN ở khu vực miền Trung. Đặc biệt năm 2074 nhật thực hình khuyên liên tiếp xem được ở VN vào 27.01.2074 và 24.07.2074 .
Chúc chúng ta sống thọ.
(Trước đây và trên một số tờ báo Tuấn nhầm nhật thực toàn phần ở năm 2070 với nhật thực hình khuyên 2074 ^^)


Các bạn có thể dễ dàng tra trên các trang của NASA và đặc biệt là trang này về thời gian thấy được nhật thực ở VN
http://eclipse.astronomie.info/sofi/...RV.HTM#VietNam

Vào thập kỉ 70 của thế kỉ 21 sẽ có 3 vạch nhật thực chạy qua VN 1 toàn phần màu xanh và 2 hình khuyên
SEatlas2061.GIF


Nguồn: http://www.vietastro.org/forum/showthread.php?t=3942
 

mrkoyeu

Active Member
Ðề: Quan sát hiện tượng nhật thực ngày 15/01/2010

Oh yeah, có cái để soi rùi :">
 

vblog_biz

Well-Known Member
Ðề: Quan sát hiện tượng nhật thực ngày 15/01/2010

Ngày mai Đà Nẵng mưa to .... nhìn Nhật Thật qua mây đen ảm đạm .... khỏi cần kính =))
 
Bên trên