"Samsung không chứng minh được điện thoại Galaxy hấp dẫn hơn iPhone"

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Sau khi có thông tin Samsung quyết tâm đổi mới tại Trung Quốc, nhiều người đã nghi vấn liệu gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có thể giành lại chỗ đứng ở thị trường tỷ dân này hay không. Nơi mà họ từng thống trị hơn 10 năm về trước.

Samsung trượt dài

Theo dữ liệu từ công ty phân tích Counterpoint Research, Samsung chiếm gần 20% thị phần smartphone ở Trung Quốc vào năm 2013. Nhưng chỉ vừa mới đây thôi, con số đó đã giảm xuống còn chưa đến 1% tính đến quý IV/2021. Trong đó, 0,6% mà hãng có được ở thị trường này đến từ việc bán các mẫu điện thoại màn hình gập.

524288_633799734049654_673626965671936

Samsung đã để vị thế dẫn đầu của mình rơi vào tay các hãng nội địa như Xiaomi, Oppo và Vivo. Những cái tên đáp ứng nhu cầu người dùng Trung Quốc bằng nhiều mẫu giá rẻ, dễ tiếp cận và có giao diện tùy biến tối ưu hóa cao, điều mà Samsung không làm được trước đây. Đơn cử như Xiaomi khi ra mắt chiếc điện thoại giá 1.999 nhân dân tệ (khoảng 7,2 triệu đồng), được mệnh danh là “phá đảo” thị trường khi sở hữu thông số phần cứng cao cấp, song mức giá lại vô cùng phải chăng.

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Samsung ở Trung Quốc cũng liên quan đến vụ cháy nổ pin trên chiếc Galaxy Note 7 năm 2016.,Khi hãng đã làm phật lòng khách hàng bản xứ. Trong khi đó, Apple cũng là một công ty nước ngoài nhưng lại chiếm đến 22% thị phần di động, tính đến quý IV năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Andy Xie cho biết: “Sản phẩm của Samsung không phổ biến ở Trung Quốc là do hoạt động tiếp thị không hiệu quả. Đứng trước thế thống trị của Apple, Samsung không chứng minh được điện thoại Galaxy hấp dẫn hơn iPhone”.

Điều gì giúp Apple thành công ở Trung Quốc?
Vị thế dẫn đầu của Apple trong quý IV năm ngoái được cho là nhờ dòng iPhone 13, có nhiều điểm thu hút người dùng nước này. “Apple đã nhận thấy tín hiệu tích cực của người dùng với dòng iPhone 13. Không chỉ nhờ chiến lược giá cạnh tranh và sự suy yếu của Huawei, mà còn có chuỗi cung ứng tốt và đa dạng hóa kênh phân phối”, theo báo cáo của hãng phân tích IDC cho biết.

Ngoài ra, bên cạnh việc nâng cao độ nhận diện thương hiệu, Apple còn tập trung nhiều nguồn lực dài hạn ở Trung Quốc để đảm bảo thị phần. Giới chuyên gia nhận định, với hơn 40 cửa hàng Apple Store ở Trung Quốc, Táo khuyết có thể tiếp cận khách hàng tốt hơn. Đặc biệt, đánh mạnh vào tâm lý mua hàng sang chảnh của những người ưa thích đồ đắt tiền.

655360_633799734049656_673635555606528

“Mọi người dùng đếu muốn cầm sản phẩm trên tay, cảm nhận và mua trong Apple Store. Đây là bài học mà Huawei đã rút ra được, rằng các cửa hàng cao cấp góp phần quan trọng trong việc giới thiệu sản phẩm tốt như thế nào. Tại sao người dùng cần trả hơn 5.000 nhân dân tệ ở Trung Quốc để mua một chiếc smartphone”, nhà phân tích Ivan Lam từ Counterpoint Research cho biết.

Mặt khác, Apple gần đây đã có lập trường linh động về giá cả. Hãng cho phép các nền tảng thương mại điện tử như JD.com, Alibaba hay Pindoudou trợ giá cho iPhone, hòng bán chúng với mức giá hấp dẫn hơn. Trong khi đó, để tiến tới sự phục hồi, Samsung đã thành lập một nhóm nhân sự mới chịu trách nhiệm phục hồi hoạt động kinh doanh B2C ở Trung Quốc, nơi đang có 1,4 tỷ người tiêu dùng.

Nỗ lực người Hàn
Người đứng đầu bộ phận kinh doanh smartphone của Samsung, ông Roh Tae-moon, phát biểu tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Las Vegas: “Trung Quốc là một thị trường khó tính. Thay vì hành động vội vàng, chúng tôi dự định tìm kiếm những cải tiến dần dần với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây chắc chắn sẽ là kỳ tích khó khăn đối với Samsung.

Chúng tôi biết khi Samsung quay lại thị trường, có rất nhiều việc phải làm. Về mặt công nghệ, Samsung vẫn đang dẫn đầu và hãng cần tận dụng lợi thế này để cung cấp các sản phẩm khác biệt, bản địa hóa cho người dùng Trung Quốc. Bản địa hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với thị trường này”.


Điều này càng quan trọng hơn, giữa thời điểm các mẫu điện thoại flagship đang ngày càng trở nên bão hòa. Phần lớn đều có mức giá tương tự nhau, đều sử dụng cùng một chipset Qualcomm mới nhất, trang bị camera hàng đầu, nhiều tính năng học hỏi nhau.

Hiện tại, Samsung đang tấn công thị trường ngách của smartphone màn gập, nhưng các đối thủ Trung Quốc cũng bắt đầu gia nhập cuộc chơi. Huawei hiện dẫn đầu về điện thoại gập ở Trung Quốc với 49% thị phần vào năm 2021. Mặt khác, Samsung giữ vị trí thứ hai với 29%, theo số liệu từ IDC. Để duy trì đà phát triển, các hãng Trung Quốc đã cung cấp những tính năng nội địa hóa như tích hợp WeChat hay AliPay vào sản phẩm.

917504_633799734049657_673639850573824

Một thách thức quan trọng khác đối với Samsung là tạo kênh phân phối ngoại tuyến. Được biết, thị trường bán hàng ngoại tuyến chiếm 65 – 70% kênh phân phối của Trung Quốc. “Việc thâm nhập vào kênh bán hàng là một điều không dễ dàng. Một khi đã ra đi, hãng điện thoại đó khó lòng quay trở lại, đặc biệt là với kênh offline. Thâm nhập qua kênh trực tuyến dễ dàng hơn so với ngoại tuyến, song các hãng Trung Quốc cũng không tỏ ra yếu thế trên mạng”, Lam cho biết.

Ngoại lệ ở Hong Kong
Khác với Trung Quốc đại lục, Samsung vẫn là thương hiệu điện thoại phổ biến nhất Hong Kong, chiếm đến 28,99% thị phần vào năm 2021, sau Apple (49,57%).

Các chuyên gia của Counterpoint Research nói rằng: “Samsung nên đầu tư vào Trung Quốc vì độ hiện diện của họ tại đây rất kém, trong khi mảng kinh doanh ở Hong Kong vẫn tốt. Người tiêu dùng Hong Kong thường quan tâm đến thương hiệu nên lựa chọn đầu tiên khi mua smartphone của họ là iPhone, thứ hai là Samsung và các thương hiệu quốc tế khác, thay vì chọn sản phẩm từ Trung Quốc”.

Do những mâu thuẫn về địa chính trị và tư tưởng, người dân Hong Kong chắc chắn là 1 cứ địa an toàn cho Samsung. Họ cần nắm bắt và giữ vững thị trường này trước làn sóng từ đại lục.

Theo VN review​
 
Bên trên