Tản mạn Thư pháp Việt mùa xuân

conghieu1978

Moderator
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”
Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân thường tìm đến những ông Ðồ để xin chữ về treo trong nhà, những bức thư pháp ấy vừa là vật để trang hoàng nhà cửa trong 3 ngày Tết vừa mang ý nghĩa tinh thần to lớn… Ông bà ta vẫn thường nói: "Nhất niên tri kế khởi vu xuân", một năm bắt đầu bằng mùa xuân - mùa của sự sinh sôi, phát triển; có được bức thư pháp treo trong nhà những ngày Tết là ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn, tốt lành...Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, nét đẹp văn hoá ấy được khơi dậy trong thời đại ngày nay.
Thư pháp, hiểu một cách nôm na có nghĩa là phương pháp viết chữ đẹp. Thế nhưng, đâu là chuẩn mực của những con chữ đẹp? Thư pháp, ngoài một tác phẩm nghệ thuật còn mang một ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Viết thư pháp trong tư thế ung dung, tự tại, vững vàng, thả hồn vào từng con chữ, nét bút từ đó mới bay lượn, uyển chuyển. Đến với thư pháp, người viết, ngoài niềm đam mê ra cần phải thật Nhẫn nại và phải có cái Tâm“thiên lương”, mang cái “thiên lương” ấy đến với mọi người. lành vững để giữ được
Khi mà những đoá mai rực vàng khoe sắc, đường phố trở nên đông vui rộn ràng, không khí ngày xuân lan toả khắp nơi, đó đây ta lại bắt gặp những câu liễng đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” hay như “Tân niên hạnh phúc bình an tiến/ Xuân nhật vinh hoa phú quý lai”… phải là những kiểu chữ được viết bằng bút lông, mực tàu thì mới mang được cái hồn của chữ Việt, những câu chữ thư pháp ấy như tô điểm thêm hương sắc ngày xuân.‎
Phong trào viết thư pháp ở tỉnh ta, trong những năm gần đây có sự phát triển, số người đam mê và tìm đến với nghệ thuật thư pháp ngày càng đông. Chúng tôi đến gian hàng thư pháp Thoại Lý ở thành phố Long Xuyên vào những ngày xuân, đây là thời điểm mà cô Thoại Lý bận rộn nhất, rất đông khách đến gian hàng để “xin chữ đầu năm”. Nhìn những nét chữ thanh thoát và mềm mại của cô khi đặt bút viết: “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường” (Trời thêm tuổi mới người thêm thọ/Xuân khắp đất trời phúc mọi nhà) chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục!
Bày tỏ những cảm nhận của mình về nghệ thuật thư pháp, Cô Thoại Lý tâm sự: “Thư pháp nghiêng về tinh thần tâm cảm vì thế phải đi vào từng con chữ để tạo hồn chữ. Thư pháp có vẻ đẹp bên ngoài và bên trong vì thế mỗi khi viết tác phẩm dồn hết cả tâm pháp vào hồn nét chữ để những người thưởng lãm có ý thức sống tốt đẹp hơn từ những lời cổ nhân”‎
Chữ thư pháp được thể hiện trên những chất liệu như: giấy dó, vải nhung, mành tăm trúc, đá, gỗ… Những chất liệu vô tri vô giác ấy khi được thổi hồn chữ vào thì trở nên vô cùng sinh động.
Những bức tranh chữ thư pháp rất có giá trị và đáng được trân trọng, khi đặt vào bối cảnh mùa xuân, giá trị của thư pháp lại càng được tăng lên. Ngày Tết là ngày mọi người được nghỉ ngơi sau một năm làm việc, ngày đoàn tụ gia đình, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng sum vầy, có được bức tranh thư pháp treo trong nhà sẽ tạo không khí ấm cúng và nội dung của những con chữ thư pháp là lời răn dạy của các bậc hiền nhân về đạo lý làm người, qua hồn chữ Việt, lời dạy ấy sẽ thấm sâu hơn vào tâm thức của cháu con.
Bác Bùi Văn Mùi, một cán bộ lão thành đã về hưu, cho chúng tôi biết về ý nghĩa của những bức tranh thư pháp trong ngày Xuân, bác nói: “Mấy người con có hiếu với cha mẹ nên mua tặng bác bức tranh thư pháp với nội dung: đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gian khổ cả cuộc đời không gánh nặng bằng cha. Bức thư pháp có ý nghĩa lớn bày tỏ lòng kính trọng cha mẹ đã nuôi dưỡng ra mình, ngoài ra bạn bè con cháu đến nhà chơi, nhìn thấy bức tranh sẽ khắc sâu và làm được những điều như bức tranh thư pháp đã nêu ra. Trong khung cảnh Tết, bức tranh thư pháp tạo ra trong gia đình một cái Tết yên lành sống trong vui tươi hạnh phúc”.
Trong bối cảnh đất nuớc đang hội nhập đi lên, với một nhịp sống vô cùng sôi động, hối hả, tuổi trẻ cũng có những phút lắng lòng tìm về với những truyền thống, nét đẹp văn hóa tinh thần của dân tộc. Giờ đây, ở tỉnh ta, những “Ông đồ” thế hệ 8X đã xuất hiện. Họ là những người trẻ trung năng động nhưng cũng rất tinh tế trong sự cảm nhận về nghệ thuật truyền thống. Họ cũng sắm sửa “văn phòng tứ bảo” tập tành viết thư pháp và cũng có dịp trổ tài viết thư pháp tặng bạn bè và bày gian hàng thư pháp ra cả lề đường để viết cho mọi người.
Trao đổi với chúng tôi về niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, những “Ông đồ 8X” chia sẻ: “Thư pháp là lối viết chữ đẹp mang hồn chữ Việt mình rất đam mê. Với niềm đam mê đó, mình đã tập viết từ 7 năm nay. Khi viết cố gắng tạo lối chữ riêng sắc nét. Người thưởng thức khen mình thì lấy đó làm niềm vui để bước tới hoàn thiện hơn đối với nghề…”. Đó là tâm sự của bạn Trần Minh Hạnh, cựu sinh viên Đại học An Giang. Giờ đây, Minh Hạnh làm việc ở Công ty xây dựng cổ phần Ngọc Hầu. Mặc dù công việc có phần bận rộn, thế nhưng bạn vẫn đeo đuổi niềm đam mê thư pháp, và trong dịp Tết vừa rồi Minh Hạnh có hẳn một gian hàng thư pháp ở lòng hồ Núi Sập, Thoại Sơn.
Còn “Ông đồ” Huỳnh Hoàng Bảo, Sinh viên DH6C2 thì quan niện rằng: “ Thư pháp thuộc phạm trù mỹ học mà cái đẹp thì ai cũng hướng đến. Mình đến với thư pháp đã 3 năm nay, học chủ yếu qua sách vở, và trao dồi cùng các bậc đàn anh. Ở trường có mở cuộc thi, mình được giải nhất, từ đó khuyến khích niềm đam mê và là động lực để mình rèn luyện nét bút”. Và trong những ngày Xuân này, Bảo có một gian hàng thư pháp tại quán cà phê Phố. Bạn luôn tâm niệm rằng phải giữ được nét đẹp văn hoá ấy, cố gắng làm cho phong trào thư pháp phát triển và viết là để rèn luyện mình và mang ý nghĩa cho cuộc đời.
Vâng, khó có thể phủ nhận được những giá trị mà thư pháp mang lại cho đời sống tinh thần của chúng ta. Và cũng không có gì là quá đáng khi chúng tôi gọi họ, những “ông đồ” ngày nay, là “những người giữ hồn chữ Việt”.
Nghệ thuật thư pháp sẽ luôn song hành cùng nhịp sống của con người. Nó góp phần làm cho chúng ta bớt đi những bận bịu lo toan thường nhật. Ngày Xuân, tản mạn cùng thư pháp để được thanh thản tâm hồn, mở rộng lòng mình đón lấy ánh nắng ban mai dịu nhẹ và tận hưởng dư vị mùa xuân lan toả khắp đất trời…“Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” Mãn Giác Thiền sư thì còn gì thi vị bằng!(Chớ tưởng xuân tàn, hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai). Ngày Xuân, nếu ai đó có nhã ý viết thư pháp tặng ta hai câu thơ của Mãn Giác Thiền sư thì còn gì thi vị bằng.


Nguyễn Phan– DH5C2
Cựu SVĐHAG - đang công tác tại Đài PTTH AG
Nguồn: http://www.minhhoangthuphap.com/cms/...ew.aspx?ID=180
 

conghieu1978

Moderator
1278098367_chobaoxuantannho7.jpg

Tặng nhau bài thơ, câu đối hoặc bức thư pháp ngày đầu xuân cùng những lời chúc phúc là điều mà người Việt hay làm. Sau thời gian dài trầm lắng, những tưởng cái thú chơi chữ, nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam dần mai một. Nhưng vài năm trở lại đây, thú chơi này đang dần phát triển, khẳng định sức mạnh tiềm ẩn của một nét văn hoá Việt…

Thú chơi đang được phổ biến

Tìm về thư pháp ngày xuân
Tác phẩm" Hòn vọng phu"

Buổi tổng kết hoạt động Nhà Xuất bản Lao Động chi nhánh phía Nam năm 2006, ông Lê Huy Hoà (thường trực NXB Lao Động khu vực phía Nam) đã mời nhà nghiên cứu Hán - Nôm Phạm Hoàng Quân viết tặng mỗi khách mời một bức thư pháp và ý tưởng này đã nhận được nhiều sự hoan nghênh.

Đây không còn là trường hợp cá biệt khi nhiều đơn vị, công ty đã mời người viết tặng khách hàng, nhân viên một bức thư pháp thay cho món quà chúc mừng nhân dịp năm hết tết đến.

Vài năm nay, cứ dịp xuân về, nhiều điểm tại TPHCM đã trở thành nơi hội ngộ của các nghệ sĩ thư pháp như góc đường Trương Định – Điện Biên Phủ, Hội Hoa xuân TP hay tại Trung tâm Văn hoá quận 5… Lớn thì có những cụ 60-70 tuổi, trẻ thì có những cô cậu sinh viên chỉ độ đôi mươi, có người mặc quần tây áo sơ mi, cũng không ít người áo dài khăn đóng như những cụ đồ khi xưa. Thư pháp Hán có, Việt có, phong cách rất đa dạng và thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ vải, giấy, mảnh tre, thậm chí thư pháp cả trên những viên đá cuội… tất cả tạo nên bức tranh phong phú, thu hút nhiều người thưởng lãm, vừa đáp ứng nhu cầu người mua.




Lê Minh, người gần 5 năm “ngồi đồng” tại phố thư pháp Trương Định tâm sự: “Từ hồi học lớp 12, một lần tình cờ đi ngang qua đây, thấy hay nên ghé vào xem rồi đâm ra mê. Từ đó năm nào tôi cũng ghé từ 23 đến 30 tết…”. Học xong phổ thông, Minh thi vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM chuyên ngành Hán-Nôm để được thoả niềm đam mê của mình. Từ một người ngồi xem, nay Minh đã trở thành “ông đồ” trẻ. 10 năm về trước, nói đến thư pháp chữ Hán tại TPHCM người ta có thể kể tên những nghệ sĩ thư pháp nổi tiếng người như Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên, Quan Tồn Chí, Trương Hán Minh… thì nay đã xuất hiện khá nhiều những “cây bút” trẻ.



Bên cạnh dòng chảy thư pháp Hán, thư pháp quốc ngữ cũng ngày càng phát triển và được đông đảo giới trẻ hưởng ứng. Bạn Hà Hương Linh, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, một “tín đồ” thư pháp tâm sự “So với thư pháp Hán, thư pháp quốc ngữ cũng tinh tế không kém, người viết tha hồ phóng bút, thả bút để thể hiện cái thần trong từng con chữ. Đặc biệt, đa số tác phẩm thư pháp quốc ngữ đều được trích từ ca dao, dân ca, dễ đọc dễ hiểu nên ai cũng có thể cảm được cái hồn của dân tộc”. Bởi thế, chỉ vài năm đã có hàng chục CLB thư pháp quốc ngữ với hàng trăm thành viên và nhiều học viên đang theo học và còn có gần 10 trang web giới thiệu các CLB thư pháp.

Chút hoài cổ…

Tìm về thư pháp ngày xuân
Phạm Hoàng Quân đang luyện chữ

Chơi chữ từng được ông cha ta xem là cái đạo, thờ chữ để rèn tâm, viết chữ để dưỡng tính, xin chữ chọn thầy, cho chữ chọn người… do đó không phải ai cũng đủ “bản lĩnh” bước chân vào chốn lắm công phu này. Thư pháp đem lại món ăn tinh thần, khơi dậy cái đẹp nội tâm, nuôi dưỡng và hình thành những nhân cách đẹp.

Xưa, thư pháp được xem là thú chơi của các cụ đồ nho, các bậc quân tử. Lịch sử Thư pháp Trung Hoa truyền lại đến hôm nay hàng trăm tấm gương luyện bút như Chung Diêu, Vương Hi Chi, Thích Trí Vĩnh, Lý Thế Dân… Họ là những người dám hy sinh cả một quãng đời để luyện bút, bút cùn quẳng lại thành gò, rửa bút nước ao thành mực. Như Vương Hi Chi mất 15 năm chỉ để luyện chữ Vĩnh (“dụng tâm thập ngũ niên, thuỷ công nhất vĩnh tự”), như Thích Trí Vĩnh, cháu 7 đời của Vương Hi Chi, lên chùa rồi không xuống, ở đó 40 năm luyện thư pháp (“đăng lâu bất hạ tứ thập niên”)…

Đủ thấy rằng, để có được bút lực, chưa nói đến sở học, các nghệ sĩ thư pháp học đã tốn biết bao công phu khổ ải. Trung Quốc có một nền thư pháp lâu đời, không ngừng phát triển và nâng tầm thành nghệ thuật. Những người được xem là nghệ sĩ thư pháp đầu tiên của Việt Nam là Phạm Sư Mạnh, vua Lê Cảnh Hưng, Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm, Cao Bá Quát…

Với chữ quốc ngữ, khi xuất hiện ở Việt Nam đã có nhiều tác phẩm viết như rồng bay phượng múa, nhưng chưa được xem là thư pháp. Khoảng năm 1950, trào lưu thư pháp, tranh nổi bật với các nghệ nhân như Vũ Hối, Nam Giang. Đặc biệt, từ những bài thơ của Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương viết theo lối thư pháp khoảng những năm 1950 đã đánh dấu sự ra đời của Thư pháp quốc ngữ và Đông Hồ được xem là ông tổ của thư pháp quốc ngữ. Từ đây, thư pháp quốc ngữ như mạch ngầm lan toả vào đời sống người dân Việt.

CHIẾN DŨNG
Được đăng bởi cửa hàng thư pháp vào lúc
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên