THẤY GÌ TỪ ÁN PHẠT CHỐNG ĐỘC QUYỀN

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Ủy ban châu Âu, ngày 18-7, đã đưa ra án phạt 4,34 tỉ euro, khoảng 5 tỉ đô la Mỹ đối với công ty Google do vi phạm luật chống độc quyền. Bloomberg cho biết ủy ban này đã cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị thị trường của hệ điều hành di động Android với việc kết hợp mặc định các công cụ tìm kiếm và ứng dụng Chrome vào hệ điều hành này.

Năm ngoái Google đã chịu án phạt 2,7 tỉ đô la Mỹ do thiên vị kết quả tìm kiếm. Ủy ban châu Âu (EC) nay nổi lên như một nơi thuần hóa ngựa hoang công nghệ, trong đó luật bảo vệ dữ liệu GDPR chung (General Data Protection Regulation) đang tạo nên cú sốc lớn cho các tập đoàn khai thác dữ liệu, và nay EU tiếp tục nặng tay với luật chống độc quyền.

GDPR chứng tỏ năng lực thuần hóa công nghệ

Thực ra các gã khổng lồ công nghệ, chủ yếu từ Mỹ như Facebook, Intel, Apple và Microsoft đều có thể đối mặt với các khoản tiền phạt vi phạm luật cạnh tranh từ Ủy ban châu Âu. Trải qua thời gian dài, các tập đoàn và công ty công nghệ lớn đã tạo nên thế độc quyền cho mình, bằng tích hợp mặc định các ứng dụng, bằng điều chỉnh thuật toán, và nay còn nguy hiểm hơn nữa với việc đưa đội ngũ trí khôn nhân tạo điều phối hệ thống. Độc quyền mà những công ty này tạo ra không chỉ là nhằm thu lợi tối đa, trái lại triệt hạ mọi đối thủ cạnh tranh. Một môi trường cạnh tranh công nghệ lành mạnh đang biến mất, và nay là lúc thế giới mạng cần sự điều chỉnh có lợi cho mọi người, từ các công ty đến người sử dụng dịch vụ công nghệ. Luật bảo vệ dữ liệu GDPR và những án phạt do vi phạm luật chống độc quyền của Âu châu rồi đây sẽ có hiệu ứng lớn, không chỉ tại EU mà toàn thế giới.

Luật bảo vệ dữ liệu GDRP của Cộng đồng châu Âu bắt đầu hiệu lực từ ngày 25-5-2018, nhưng xem ra luật này đang lan rộng hiệu ứng đến các nước khác với việc nhiều tập đoàn công nghệ như Microsoft đem vào áp dụng toàn cầu. Các tập đoàn khác đang điều chỉnh để đáp ứng, Một số công ty tạm ngừng dịch vụ ở châu Âu, trong khi một số công ty khác chấm dứt hoạt động vì không đủ tài nguyên để điều chỉnh hay không còn mua được dữ liệu để khai thác. Cùng lúc này người sử dụng bắt đầu thể hiện quyền lực của mình, và một cuộc khủng hoảng khác gần như đang xảy ra liên quan đến việc Facebook cho các công ty Trung Quốc tiếp cận dữ liệu cá nhân người sử dụng mạng từ năm 2010. Vào giờ chót trước khi GDPR có hiệu lực, ban giám đốc của tổ chức đăng ký tên miền ICANN và WHOIS cho biết họ chấp hành luật bảo vệ dữ liệu này. Trên thực tế họ đã phải đấu tranh và chạy đua với thời gian, và việc họ đồng ý áp dụng GDRP không đơn giản vì mức phạt 20 triệu euro tức 4% lợi nhuận mà còn vì tránh cho hệ thống đăng ký tên miền toàn cầu bị phân mảnh.

GDPR là một bộ luật bao quát đòi hỏi các công ty phải sử dụng thông tin cá nhân của những người tham gia mạng một cách cẩn thận, và cho phép một số tổ chức được phép kiểm soát một khi các công ty này không làm đúng. Trong những trường hợp khác, GDPR nhấn mạnh các dữ liệu chỉ được phép thu thập với những mục đích rõ ràng và hợp pháp. Việc thu thập theo đó phải chính xác và dữ liệu phải được bảo vệ chống lại các hình thức tiếp cận không thẩm quyền, thất thoát không cố ý, bị hủy hoại hay làm hư hại. Để có thể chấp hành luật GDPR, các công ty sẽ phải có những thay đổi lớn, đặc biệt là những công ty đã có tiền lệ không tôn trọng bảo vệ hay lạm dụng dữ liệu cá nhân. Ví dụ, các quy định buộc công ty phải báo cáo về những vụ đánh cắp dữ liệu nghiêm trọng nội trong vòng 72 giờ đồng hồ. Các công ty không thực hiện luật GDPR có thể bị phạt lên đến 4% doanh thu.

Với nhiều công ty, cái giá để đáp ứng luật GDPR sẽ rất lớn, bao gồm những tốn kém nâng cấp hệ thống trong khi nguồn lợi bị thu hẹp. Nhưng ngay trước mắt, người sử dụng mạng cảm thấy nhẹ nhõm về lượng thư quảng cáo rơi vào hòm thư giảm đi, và bản thân họ lại có quyền cho phép công ty nào đó gởi quảng cáo hay không. Nhiều lợi ích lớn lao khác cho người sử dụng mạng đang được thiết lập. Các công ty phải đầu tư hệ thống an ninh mới để có khả năng bảo vệ dữ liệu. Một số công ty đang phải kiểm tra kho dữ liệu đã thu thập xem chúng có chính xác và hợp pháp không để lưu giữ lại. Và cuối cùng như chúng ta đang thấy, GDPR buộc các công ty công nghệ lớn phải thay đổi chính sách. Thí dụ như Apple đã thiết lập công cụ cho khách hàng châu Âu tải về các dữ liệu mà công ty đang giữ của họ hay của thiết bị mà họ đang sử dụng. GDPR không chỉ có tác dụng tại châu Âu hay đối với công dân của 28 nước thuộc EU, mà trong nhiều trường hợp đang lan rộng đến toàn thế giới.

Án phạt Google do vi phạm luật chống độc quyền

Trong thông cáo báo chí công bố ngày 18-7 trên trang http://europa.eu/rapid/press-release_IP-18-4581_en.htm, Ủy ban châu Âu đã nêu rõ vi phạm của Google bao gồm cả lịch sử vi phạm luật chống độc quyền của họ tại châu lục này, đồng thời đưa ra biện pháp buộc công ty công nghệ phải thực hiện. Bloomberg News cho biết Ủy ban châu Âu đã cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị thị trường của hệ điều hành Android bằng cách kết hợp mặc định các công cụ tìm kiếm và ứng dụng Chrome vào hệ điều hành. Google cũng bị cáo buộc chận các nhà sản xuất điện thoại tạo thiết bị chạy phiên bản Android được phân nhánh. Khoản tiền phạt 5 tỉ đô la Mỹ này đã vượt qua khoản tiền phạt kỷ lục trước đây EU áp đặt cho Google trị giá 2,7 tỉ đô la do thiên vị kết quả tìm kiếm. Google vẫn đang kháng nghị án phạt năm ngoái và việc này dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nhưng sẽ không chỉ là Google mà các công ty công nghệ khổng lồ khác của Mỹ như Facebook, Intel, Microsoft đều có thể phải đối mặt với các án phạt liên quan đến luật cạnh tranh này.

Android từ lâu đã được coi là phần mềm nguồn mở, nhưng Google đã từ từ thêm vào đó các phần mềm của Google Play Services những các thỏa thuận liên quan. Cùng với các thỏa thuận chống phân mảnh với các nhà sản xuất trên phiên bản Android của Google, hầu hết các thiết bị cầm tay sử dụng hệ điều hành Android hiện nay đều được cung cấp kèm theo phần mềm và dịch vụ của Google. Cùng với khoản tiền phạt nặng nhất cho đến nay, Google còn phải đối mặt với nhiều năm giám sát để bảo đảm không còn lạm dụng sự thống trị thị trường của mình nữa. Google đang cố kháng án, vì nếu thất bại trong phiên xử phúc thẩm dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm thì công ty này phải thực hiện những thay đổi lớn trên nền tảng Android. Cho đến nay, lượng quảng cáo của tập đoàn vẫn không suy giảm và Google cùng với các công ty con khác của tập đoàn Alphabet vẫn thống trị thị trường quảng cáo số (digital ads). Nếu thất bại, Google cũng sẽ đánh mất ảnh hưởng trên các nhà sản xuất điện thoại. Nhưng CEO của Google Sundar Pichai tin tưởng rằng công ty sẽ tìm ra phương cách để đưa Android phục vụ khách hàng ở mọi nơi.

Vào tháng 3 năm nay, công ty nghiên cứu thị trường quảng cáo eMarketer dự báo Google tiếp tục chiếm lĩnh ưu thế trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số, với thị phần 37% cho năm 2018, thấp hơn so với 39% của năm 2017, nhưng ở trong điều kiện áp lực này Alphabet cũng buộc phải tìm kiếm những nguồn lợi bổ sung khác, từ điện toán đám mây, YouTube, và công nghệ xe tự lái. Tại Mỹ, hai công ty chiếm lĩnh thị trường quảng cáo số lớn nhất là Google và Facebook sẽ nắm 56,8% thị trường, thấp hơn mức 58,5% của năm 2017. Google dự kiến thu về 39,92 tỉ đô la tiền quảng cáo trong năm 2018, và Facebook có thể đạt 21 tỉ đô la cùng với khả năng bổ sung 5,48 tỉ từ Instagram. Thu nhập từ quảng cáo trên Amazon có thể tăng thêm 63,5%, vượt quá con số 2 tỉ đô la, trong khi Snapchat nhắm đến 1 tỉ đô la, và Twitter 1,12 tỉ đô la, giảm từ 1,5% thị trường quảng cáo xuống còn 1%, nhưng eMarketer cho rằng thu nhập quảng cáo của mạng xã hội này sẽ tăng trở lại trong năm 2019.

Luật cạnh tranh nhắm tới việc tái lập thế cân bằng

Trước mắt, các nhà đầu tư tại Google vẫn cảm thấy hài lòng vì thu nhập cao, nhưng về lâu về dài họ có thể thấm đòn, cũng như những gì đang diễn ra với Facebook khi tốc độ tăng trưởng khách hàng của mạng xã hội này chậm lại. Với các công ty nhỏ sự tăng trưởng khách hàng đã đủ ý nghĩa nhưng đối với các tập đoàn và công ty lớn, chỉ việc tốc độ tăng trưởng khách hàng chậm lại sẽ ảnh hưởng ngay đến giá trị cổ phiếu. Ngay bây giờ, sự thống trị của Google trong quảng cáo trực tuyến đã bị thách thức bởi cuộc chiến chống độc quyền của EU hôm 18-7 vừa qua. Bên cạnh đó, áp lực từ phía các chính phủ về việc cải thiện nền tảng Android buộc Google phải tăng thêm các khoản đầu tư. Điều này cho thấy những phân tích dựa trên con số của quý 2-2018 sẽ không đủ giá trị khi nhìn về tương lai mà cả Google cũng như nhiều công ty công nghệ lớn tại Mỹ phải đối phó hay đáp ứng với cả hai luật, chống độc quyền cạnh tranh và chống lạm dụng thông tin cá nhân mà Ủy ban châu Âu đã đưa vào áp dụng.

Trở lại với việc bảo vệ quyền riêng tư, việc ICANN tuân thủ GDPR và nhất là việc Microsoft cùng một số tập đoàn khác mở rộng phạm vi áp dụng GDPR ra các nước khác có thể dẫn đến những ảnh hưởng mở rộng của bộ luật bảo vệ dữ liệu này. Để chuẩn bị cho việc áp dụng mở rộng, tập đoàn Microsoft đã đưa ra hướng dẫn cho các công ty sử dụng các nền tảng Microsoft Cloud và Microsoft 365, nơi họ thu thập, phân tích, khai thác và lưu trữ dữ liệu đám mây. Hướng dẫn viết: “Microsoft là tập đoàn có kinh nghiệm thâm sâu trong việc bảo vệ dữ liệu, quán quân trong việc bảo vệ quyền riêng tư, luôn tuân thủ các quy định phức tạp, và hiện đang áp dụng những điều luật của cả Mỹ và châu Âu. Chúng tôi tin tưởng rằng GDPR là một bước quan trọng để minh bạch hóa và mang lại quyền riêng tư cho mỗi cá nhân. Chúng tôi muốn giúp quý vị hướng tới việc kinh doanh cốt lõi trong khi vẫn chuẩn bị hiệu quả cho việc áp dụng GDPR”. Văn bản viết tiếp: “Chúng tôi cam kết áp dụng luật GDPR xuyên suốt các dịch vụ đám mây của chúng tôi và cung cấp sự bảo đảm tương tự trong những cam kết hợp đồng”.

Nhưng việc tuân thủ luật cạnh tranh sẽ khó khăn hơn hay đúng ra là phức tạp hơn khi mà các công ty Mỹ từ lâu muốn thao túng độc quyền, đặc biệt ưu thế để quảng cáo ra bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Nguồn lợi từ quảng cáo rất lớn, và như trường hợp Google, lợi nhuận từ chính sách hiện hành của họ lớn hơn nhiều khoản mất đi bởi những án phạt. Doanh thu quý 2 năm nay của Alphabet là 32,66 tỉ đô la Mỹ, trong đó kinh doanh quảng cáo chiếm tới 86%. Mảng kinh doanh quảng cáo mang về cho hãng tới 28,1 tỉ đô la, so với mức 22,7 tỉ của năm ngoái. Lợi nhuận ròng giảm xuống còn 3,2 tỉ đô la từ mức 3,5 tỉ của quý 1 do hãng đã khấu trừ khoản tiền phạt 5 tỉ đô la của EU. Như vậy nếu không bị khoản tiền phạt của EU thì Alphabet đã có thể kiếm được tới 8,2 tỉ đô la. Các nền tảng của Alphabet cũng như của Google, vì vậy, được thiết kế nhằm hỗ trợ dịch vụ quảng cáo, và cũng hỗ trợ cho việc giữ thế độc quyền bằng việc tích hợp các phần mềm và những điều khoản thỏa thuận vào trong hợp đồng khai thác hệ điều hành di động Android là một chiến lược không dễ bị gỡ bỏ.

Theo Thời báo vi tính Sài Gòn​
 
Bên trên