Giá xăng: Câu hỏi về văn hóa quản lý và kinh doanh

cuong.nomore

Active Member
Nguồn:

http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5129/index.aspx

Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về vấn đề an ninh năng lượng cho mục đích an ninh, quốc phòng, còn lĩnh vực năng lượng tiêu dùng cần thực sự để thị trường điều tiết.

Thiết nghĩ, dân chủ, bình đẳng trong quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm là khát khao, là nhu cầu chính đáng của con người, của nhân loại. Trong thời đại WTO, quyền được đối xử bình đẳng của người tiêu dùng là nguyên tắc tối thượng, trong đó có quyền được tiệm cận thông tin. Tuy nhiên cái sự tăng, giảm giá xăng của chúng ta xem ra đã quay lưng lại với quyền cơ bản của người tiêu dùng.

Lý lẽ có thuyết phục?

Từ thuở xăng A92 giá dưới 10.000 đồng/lít cho đến khi nó leo thang đến giá ngất ngưởng 19.000 đồng/lít người dân Việt Nam được nghe đến thuộc lòng lý lẽ giải thích của các cơ quan quản lý và các DN kinh doanh xăng dầu, rằng do giá dầu thế giới tăng cao, mà Nhà nước thì không thể tiếp tục lấy ngân khố quốc gia để bù lỗ cho xăng dầu, vì thế cần để qui luật thị trường điều tiết giá cả, từng bước cởi trói cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự do “tung tăng”.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đã đến lúc người dân cần được biết rõ ràng
Chính phủ thực chất đang điều hành theo cơ chế nào? Ảnh: VNN

Gần đây, khi giá dầu thế giới giảm nhanh chóng đến mức thấp nhất trong thời gian qua thì các nhà quản lý, các DN kinh doanh xăng dầu Việt Nam cứ từ từ, nhỏ giọt giảm giá theo kiểu “ban ơn” cho người tiêu dùng.

Giải thích cho thái độ ứng xử này, các cơ quan quản lý nói rằng đó là quyền của các doanh nghiệp, còn DN thì như ông Phó Tổng GĐ Tổng công ty xăng dầu giải thích hiên ngang trước công luận rằng: Không phải giá dầu thế giới ngày hôm nay giảm thì ngay ngày mai giá bán lẻ tại VN có thể giảm ngay, rằng Nhà nước qui định phải dự trữ năng lượng tiêu dùng 30 ngày, rằng nếu ký hợp đồng hôm nay thì khoảng 30 ngày sau cái lô hàng mua được giá rẻ đó mới về đến Việt Nam, rằng doanh nghiệp của ông phải làm nhiệm vụ bình ổn giá theo nhiệm vụ Chính phủ giao v.v…

Ảnh: ketoantruong.com.vn
Câu hỏi đặt ra rất rõ rằng, khi tăng giá thì người ta căn cứ vào giá thế giới hiện tại và không hề giải thích rằng những lít xăng đang đổ vào từng cái tàu đánh cá xa bờ, từng chiếc máy sản xuất của người nông dân, từng chuyến xe tải lưu thông hàng hóa và từng chiếc xe máy cần mẫn chuyên chở hàng chục triệu người lao động Việt Nam đến công sở, nhà máy…đã được ký hợp đồng từ trước đó 30 ngày và lúc ấy giá dầu thế giới đâu phải như vậy?

Câu hỏi nữa đặt ra là, sao trong cơ chế thị trường, có hơn chục DN kinh doanh xăng dầu mà hàng nghìn cây xăng bán lẻ nhất loạt bán 1 giá, tăng như nhau mà giảm cũng như nhau, vậy ai điều tiết giá này? Nếu là dành cơ chế thị trường cho vấn đề xăng dầu thì lý do gì các DN không cạnh tranh nhau bằng giá, bằng chất lượng dịch vụ?

Đâu là văn hóa của người quản lý và kinh doanh?

Tôi còn nhớ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, loạt bài về văn hóa doanh nhân được đăng tải trên các báo, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng, văn hóa doanh nhân trước hết phải thể hiện ở trách nhiệm với cộng đồng. Cái cách mà chúng ta nhìn thấy của các DN kinh doanh xăng dầu ứng xử với người tiêu dùng Việt Nam trong việc giảm giá xăng dầu vừa qua rõ ràng không thể tìm thấy trách nhiệm này.

Giải thích cho việc này, tôi liên tưởng tới hình ảnh một người tôi quen rất giàu có, thế nhưng trong mỗi lần dọn nhà, ông ta không dám vứt bỏ bất cứ một thứ đồ dùng cũ nát nào dù là nhỏ nhất. Vô hình chung ông ta biến căn nhà đồ sộ của mình thành kho chứa đồ cũ, làm cho nó trở nên khấp khểnh và ô nhiễm.

Đó có lẽ chính là phẩm chất không thể lớn lên, không thể tự nắm tóc mình nhấc mình lên khỏi mặt đất của các DN kinh doanh ở nước ta, lợi nhuận bao nhiêu cũng không vừa lòng, dành chút quyền lợi cỏn con cho khách hàng từ kho tiền khổng lồ của mình vẫn thấy "ngậm ngùi".

Với nền tảng văn hóa quản lý và kinh doanh như thế, người tiêu dùng trở nên "thấp cổ bé họng", và còn lâu lắm mới hy vọng vị thế đổi chiều.

Đọc thêm ở đây:

http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5129/index.aspx
 
Bên trên