Nhiều người không dám nhận việc ở TikTok vì sợ 'văn hóa 996'

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nhiều ứng viên người Anh quyết định bỏ việc hoặc từ chối lời mời tuyển dụng ở TiKTok sau khi tự trải nghiệm hoặc nghe đồn về văn hóa làm việc 996 khắc nghiệt tại đây.

tiktk_rkfa.jpeg


Theo CNBC, văn hóa 996 phổ biến ở một số công ty Trung Quốc, yêu cầu nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần, vị chi họ phải làm tổng cộng 72 tiếng mỗi tuần. Trong khi đó, tiêu chuẩn làm việc ở Anh và Mỹ là 40 tiếng/tuần, dù vẫn có nhiều nhân viên tăng ca. Thời gian làm việc hơn 48 giờ/tuần ở Anh bị xem là bất hợp pháp.

TikTok của ByteDance từ chối bình luận khi được hỏi về văn hóa và giờ giấc làm việc ở công ty.

Một nhân viên giấu tên kể với CNBC rằng mình được mời vào vị trí truyền thông ở TikTok nên đã đọc trước nhận xét về TikTok trên Glassdoor - trang web tập hợp đánh giá ẩn danh của nhân viên về các công ty. Người này rút ra một điều: "Vấn đề phổ biến nhất tôi thấy trên Glassdoor là sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bên cạnh đó là những giờ làm việc điên cuồng đến hiện tại vẫn không thay đổi. [Công việc] không đáng đến vậy".

Nguồn tin chia sẻ thêm: "Tôi ngừng thảo luận rất nhanh khi nhận thấy họ không linh hoạt về địa điểm làm việc và chính sách". Vài tuần sau đó, người này tiếp tục được mời vào một vị trí tương tự ở ByteDance, nhưng môi trường ở ByteDance hay TikTok không khác gì nhau.

Một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cấp cao cũng đã từ chối làm việc ở TikTok dù nhà tuyển dụng đưa ra mức lương hơn 100.000 bảng Anh/năm (tương đương 139.000 USD), chưa kể tiền thưởng. Người này cũng đã đọc trước các đánh giá trên Glassdoor nên rất phân vân.

CNBC phỏng vấn 4 cựu nhân viên TikTok từng có trải nghiệm không vui tại công ty. Những người này cho biết TikTok là môi trường làm việc độc hại nhất họ từng trải qua. Trong suốt năm đầu tiên làm việc, họ chỉ có 4 - 5 ngày cuối tuần được nghỉ ngơi. Một ngày làm việc ở TikTok kéo dài 15 giờ đồng hồ, và nhà tuyển dụng xem đó là điều bình thường.

Một nhân viên chia sẻ: "Ai cũng phàn nàn nhưng cuối cùng đều chấp nhận, có thể là vì lương tốt". Người khác lại bảo không thích "văn hóa kém minh bạch" của TikTok vì công ty thường lảng tránh mỗi khi nhân viên hỏi về các chính sách.

TikTok đang tuyển dụng nhân viên trên khắp thế giới đẩy nhanh mục tiêu trở thành ứng dụng mạng xã hội toàn cầu, gồm những việc như kiểm duyệt nội dung, xử lý vấn đề kỹ thuật và chính sách.

Vì muốn cải thiện văn hóa làm việc, TikTok thuê cựu nhân viên Facebook Michal Osman làm trưởng bộ phận văn hóa ở châu Âu vào tháng 1 năm nay. Nhưng bà Michal Osman chỉ đến sau khi hàng chục nhân viên "dứt áo ra đi".

Người trong ngành cho hay: "Tôi biết TikTok đã thảo luận với rất nhiều người. Tôi biết họ sẽ khó tuyển dụng vì đang thiếu người có thể lãnh đạo cả phòng thí nghiệm (AI)".

Dù có nhiều ứng viên ngần ngại làm việc ở TikTok, công ty vẫn tăng số nhân sự ở châu Âu từ 1.600 nhân viên (số liệu tháng 9.2020) lên đến hơn 3.000 vào thời điểm hiện tại, nhiều người trong số đó là cựu nhân viên Facebook, Google.

Dù Glassdoor được xem như một nền tảng hữu ích để ứng viên hiểu hơn về nhà tuyển dụng, nhưng mọi thứ đều là chủ quan. Ai cũng có thể đăng bài và thường nhận xét quá tích cực hoặc quá tiêu cực về công ty của mình.

Song song đó, có những nhân viên cho biết họ chưa hề trải nghiệm văn hóa 996 tại đây. Họ tiết lộ công ty cấm các buổi họp mặt làm việc vào trưa thứ tư và chiều thứ sáu. Winnie Akadjo là nhân viên mới nhất gia nhập TikTok với tư cách là người quản lý hoạt động dành cho người sáng tạo. Tuy đã đọc qua đánh giá về công ty trên Glassdoor, cô vẫn muốn mạo hiểm và tự tin mình có thể đảm đương công việc tại đây.

TikTok xếp hạng 30 trong danh sách những nơi làm việc tốt nhất ở Anh, theo khảo sát của Great Place to Work. Các công ty sẽ phải trả một khoản tiền để xuất hiện trong danh sách, nhưng Great Place to Work khẳng định khảo sát được thực hiện dựa trên trải nghiệm và đánh giá ẩn danh của các nhân viên.

Theo Thanh Niên​
 
Bên trên