Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

lengockhanhi

Film critic
Hôm qua Nhi ngồi nhớ lại tuổi thơ của mình, chợt nhận ra có những thứ khi đó mình thấy quí giá, nhưng người xung quanh lại xem thường, và đến lượt mình ngày nay cũng xem thường. Đó là những thứ được bao cấp bởi nhà nước trong gần chục năm, có thứ rõ ràng giá trị cao, có cái dở, kém nhưng lại từng mang lại niềm vui cho những đứa trẻ như mình, chúng đều bị quên lãng theo thời gian.

Nhà nước bao cấp đã làm được những gì cho khán giả yêu điện ảnh ? Thực ra họ đã làm rất nhiều thứ, với lòng nhiệt tình và tất cả những gì có trong tay, nhưng qui luật muôn đời là: tư nhân bao giờ cũng làm tốt hơn và có nhiều tiến bộ đi trước nhà nước. Đó là nguyên nhân khiến khán giả nhanh chóng quay lưng lại với điện ảnh bao cấp.

Những điều tốt nhất mà điện ảnh bao cấp đã làm được có thể kể như sau:

1. Truyền hình: Đây là nguồn cung cấp phim miễn phí (và có giai đoạn, cũng như ở 1 số vùng địa lý, nó là nguồn phim duy nhất). Chương trình chiếu phim luôn là chương trình được yêu thích nhất trên sóng truyền hình. Nhi sống ở TP. HCM và ban đầu chỉ xem được kênh 9, sau này mới có thêm kênh 7, rồi đài tỉnh Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình dương Sống Bé, đài VTV... Đài nào có nhiều phim hay, độc đáo là NHi chuyển sang ủng hộ đài đó, nhớ cảnh cả nhà dựng an ten, 1 người trèo lên nóc quay quay để tìm sóng, còn 1 người ở dưới theo dõi màn hình, vui không thể tả. Thế hệ 8X không thể quên được có 1 thời mình biết đến phim ảnh chỉ nhờ màn ảnh TV, và nhiều bộ phim kinh điển ngày nay muốn tìm cũng không ra, nhưng ngày đó lại được xem hoàn toàn không mất tiền. Nhược điểm duy nhất của truyền hình, đó là khán giả không có quyền lựa chọn.

2. Làm phim để phục vụ khán giả: Vào những năm 80, phim Việt do nhà nước làm ra là nguồn phim duy nhất tại rạp chiếu, và đó là thời mà khán giả đến rạp đông hơn bao giờ hết. Nhi còn nhớ khung cảnh hỗn loạn, chen chúc nhau của hàng trăm người trước rạp chiếu bóng để xem phim Ván Bài Lật Ngửa. Mặc dù lạc hậu về kỹ thuật hàng chục năm so với thế giới, nhưng điện ảnh VN khi đó rất khác với ngày nay, họ làm phim không phải vì tiền bạc, mà vì sự đam mê và hoàn toàn để phục vụ khán giả. Nếu những phim đó chỉ nhằm mục đích tuyên truyền chính trị hay làm rồi bỏ vào kho, thì chúng không thể lôi kéo khán giả đến rạp đông như thế được.

3. Phát hành phim nước ngoài: Sau khi phong trào đầu VHS nở rộ, nhà nước cũng tham gia cung cấp phim, mà họ phân biệt là phim trong luồng và ngoài luồng. Thực sự phim trong luồng chất lượng cũng không cao hơn ngoài luồng là bao nhiêu, nhưng chúng khá sạch và lành mạnh. Đa số phim Mỹ, Hong Kong của Fafilm phát hành thập niên 80 đều có nội dung vui tươi, nhẹ nhàng, có nhiều giá trị nhân bản và nhiều bộ làm Nhi khóc, cười thoải mái. Ngày nay xem lại mới thấy những phim đó đều có điểm số IMDB cao. Thuyết minh phim của nhà nước cũng rõ ràng, dễ hiểu và truyền cảm chứ không lầu bầu vô nghĩa như phim ngoài luồng. Cũng có một số phim hành động hay trong danh mục này. Nhược điểm duy nhất của phim trong luồng chính là họ kiểm duyệt quá chặt và luôn chậm trễ so với bên ngoài. 1 năm sau khi phụ đề VN xuất hiện ngoài luồng, Fafilm mới phát hành phim phụ đề, nhưng tốc độ 1 vài phim của họ không thấm vào đâu so với hàng chục phim mỗi tuần tại các chợ trời.

4. Báo chí là kênh thông tin về điện ảnh duy nhất: Vào thập niên 80-90, lúc đó chưa có internet, nên dĩ nhiên không có IMDB hay báo mạng như bây giờ. VN giống như 1 ốc đảo cách ly với thế giới bên ngoài. Sự thực là khán giả ngoài nhu cầu xem phim, còn có nhu cầu về thông tin, kiến thức điện ảnh. Những tin tức về giải Oscar, Cannes, thông tin về đạo diễn, diễn viên, về kỹ thuật điện ảnh và không thể thiếu những bài phê bình phim. Những tin tức này chỉ tìm thấy trên báo hay tập san, thế hệ của Nhi biết đến thếg iới bên ngoài qua nhẽng ấn phẩm như Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới, báo Tuổi Trẻ chủ nhật, báo Điện ảnh... từ đó mới không bị lạc hậu và mù thông tin phim ảnh.

5. Và ngay cả khi họ bó tay không làm gì cả...

Theo luật pháp, hình thức cho thuê băng vidéo ngày đó của tư nhân chắc chắn là vi phạm 100%, nhưng sự thật là người ta chưa bao giờ ngăn cấm người dân xem phim một cách triệt để (như các nước cực đoan: Iran, Bắc hàn...). Họ chỉ làm theo hình thức hay phong trào, nên chúng ta không bao giờ bị đói phim ảnh suốt chục năm nay. Nhi tin chắc là người VN xem phim nhiều hơn dân Châu Âu và Mỹ, chúng ta có quá nhiều thời gian để phung phí và băng dĩa thì rẻ mạt.

Ngày nay, cả nhà nước và tư nhân đều bị khán giả bỏ rơi. Từ ngày có phong trào HD, mỗi người có thể tự lo cho bản thân mình, họ không cần ai bao cấp, cũng không cần cửa hàng băng dĩa nữa. Thông tin điện ảnh dư thừa. Người ta trở nên tự do hơn, và nhiều khi, ích kỉ hơn.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mk_48

New Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Đúng là ngày xưa có những bộ phim kinh điển rất hay như "Ván bài lật ngửa", "Bao giờ cho đến tháng mười"... bây giờ cũng chỉ kiếm được DVD, chất lượng vốn cũng không được đẹp :(
 
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Ngày nay, cả nhà nước và tư nhân đều bị khán giả bỏ rơi. Từ ngày có phong trào HD, mỗi người có thể tự lo cho bản thân mình, họ không cần ai bao cấp, cũng không cần cửa hàng băng dĩa nữa. Thông tin điện ảnh dư thừa. Người ta trở nên tự do hơn, và nhiều khi, ích kỉ hơn.

Câu này chuẩn nhất thời điểm bây giờ, người ta tự do hơn, ích kỷ hơn, down phim về bỏ đấy, có khi chả buồn xem nữa. Cảm ơn Nhi vì nhắc lại một thời để nhớ.
 
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Kí ức ùa về khi nhớ lại cả xóm tập trung tại nhà có tivi đễ xem. vui ko đâu tả xiết
chả bù bay giờ nhà nào biết nhà đó :(
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Lần đầu tiên bố em mua được 1 chiếc TV cũ (dùng bóng đèn bán dẫn như mấy cái ampli đèn bây giờ), cả nhà vui như tết

Lần đầu tiên em được vinh dự thay mặt gia đình vác về chiếc đầu băng VHS (Sharp VC-V8b - nhớ như in), mấy bố con vui như hội, ngồi xuýt xoa xem hết phim Terminator II

Lần đầu tiên nâng cấp lên đầu VHS HIFI, đưa cái băng xịn vào nó sáng đèn HIFI, âm thanh theo con ngựa chạy từ bên trái sáng bên phải màn hình, sướng như tỏ tình thành công.

Những ký ức phim ảnh không bao giờ quên.
 

thich_xem_phim

Active Member
Tuy có 1 số "đứa con" do được "bố mẹ" nuông chiều quá mức đâm hư nhưng không vì thế mà phủ nhận hoàn toàn vai trò công lao to lớn của "bố mẹ" trong việc hình thành những "đứa con" có ích cho xã hội. Bạn có dám quăng con mình ra ngoài đời để nó tự bươn chải 1 mình khi nó còn là 1 đứa trẻ không hay bạn vẫn phải bao cấp cho nó ít nhiều cho tới lúc nó trưởng thành? Thế mà có 1 số "đứa con" dù mới chỉ đạt 1 vài thành công nhỏ nhoi nhưng đã vội vàng quay lưng xem "bố mẹ" mình như những gánh nặng. Buồn thay!
 

vietlong04

Active Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Ngày nay, cả nhà nước và tư nhân đều bị khán giả bỏ rơi. Từ ngày có phong trào HD, mỗi người có thể tự lo cho bản thân mình, họ không cần ai bao cấp, cũng không cần cửa hàng băng dĩa nữa. Thông tin điện ảnh dư thừa. Người ta trở nên tự do hơn, và nhiều khi, ích kỉ hơn.

Ở đâu như Vn khi mua một đĩa film bom tấn chỉ với 1$ đọc trên blog của người nước ngoài thấy cũng buồn cười. Giờ ai cũng có thể tự chọn cho mình một bộ film phù hợp với sở thích cá nhân và thưởng thức, ít bị rằng buộc, chữ "ích kỉ" của chị Nhi em chỉ hiểu được là về mặt share film. Như một mod từng nói, coi một bộ film là học thêm được một điều, học thêm được nhiều điều hay thì có thể bạn dành chút thời gian chia sẽ hay giới thiệu nó cho những người khác!!
 

namdhcd01

Active Member
Ðề: Re: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Lần đầu tiên bố em mua được 1 chiếc TV cũ (dùng bóng đèn bán dẫn như mấy cái ampli đèn bây giờ), cả nhà vui như tết

Lần đầu tiên em được vinh dự thay mặt gia đình vác về chiếc đầu băng VHS (Sharp VC-V8b - nhớ như in), mấy bố con vui như hội, ngồi xuýt xoa xem hết phim Terminator II

Lần đầu tiên nâng cấp lên đầu VHS HIFI, đưa cái băng xịn vào nó sáng đèn HIFI, âm thanh theo con ngựa chạy từ bên trái sáng bên phải màn hình, sướng như tỏ tình thành công.

Những ký ức phim ảnh không bao giờ quên.
Nhớ không nhầm thì bác Chip sinh năm 80, 81 gì đó có nghĩa là đầu 8, mà Nhi cũng tự nói "thế hện 8X" chắc Nhi và Chip bằng tuồi nhau thôi.
Bài viết của Nhi lúc nào cũng làm mình quan tâm.
 

namdhcd01

Active Member
Ðề: Re: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Tuy có 1 số "đứa con" do được "bố mẹ" nuông chiều quá mức đâm hư nhưng không vì thế mà phủ nhận hoàn toàn vai trò công lao to lớn của "bố mẹ" trong việc hình thành những "đứa con" có ích cho xã hội. Bạn có dám quăng con mình ra ngoài đời để nó tự bươn chải 1 mình khi nó còn là 1 đứa trẻ không hay bạn vẫn phải bao cấp cho nó ít nhiều cho tới lúc nó trưởng thành? Thế mà có 1 số "đứa con" dù mới chỉ đạt 1 vài thành công nhỏ nhoi nhưng đã vội vàng quay lưng xem "bố mẹ" mình như những gánh nặng. Buồn thay!
Bạn so sánh như thì quá khập khiễng, một đằng là trách nhiệm, qui luật, và thiên chức... lại đem đi so sánh với qui luật phát triển Kinh tế.
 

love_yejin

Huyền Thoại
Ðề: Re: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Nhớ không nhầm thì bác Chip sinh năm 80, 81 gì đó có nghĩa là đầu 8, mà Nhi cũng tự nói "thế hện 8X" chắc Nhi và Chip bằng tuồi nhau thôi.

oạch, lão Chip mà 8X á, làm gì già thế, 9X đấy bạn :))
 

tuanrambo9999

Well-Known Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Một thời thơ ấu đã qua ....... ước gì............?
 

Hải Đăng

New Member
Nhưng cũng chính vì ko còn cái gọi là bao cấp nên:
- Người ta ko còn nhiều dịp xum vầy để cùng xé seal, thưởng thức 1 thiết bị điện tử hay 1 bộ phim hay
- Đâu rồi những thước phim vn chất lượng xem xong cứ phải suýt xoa mãi
- Có bao nhiêu đứa trẻ được xem phim chiến tranh, lịch sử hay chỉ là đánh đấm, sex vô hồn, suy đồi suy nghĩ, ko hợp lứa tuổi
- Thế giới ngày càng phát triển về mặt vật chất nhưng tinh thần thì luôn bị bỏ ngõ....

Chết thật, trước giờ xem ảnh cứ nghĩ anh Chip 7x hay 6x gì đấy.
Đừng nghe giang hồ chém gió lão ấy 7x đó bác, mà lần đầu nhìn em thấy già như...bố em 5x =))
 

suonggiomuadong

Active Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

bao cấp
thiếu thì thấy cái gì cũng good
ngày xưa bánh trung thu éo có mà ăn
1000đ/cái là quá ngon
uống xiro thì tuyệt cú mèo

nhưng bây giờ
1 phần cũng vì lợi nhuận
một phần vì dư thừa
cái bánh trung thu ngày ấy .. nhìn là vứt, ko buồn nhớ, không còn cảm giác thèm

phim cũng vậy là món ăn tinh thần
nhưng thời buổi này khi internet phát triển
phim down thoải mái
ăn thua là có điều kiện hay không để coi được bluray cỡ to
nhưng đã chán với nó rất nhiều
phim xưa thì đón xem cho bằng được
phim nay down về bỏ đó, có khi ko biết có xem chưa
 
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Cái thời ấy, 93-95 thôi, cả xóm 1 tivi đen trắng, 2 cái acqui 12V loại nhỏ, mỗi ng đến xem là 200đồng (tiền công với tiền điện). Ngày ngày ba đạp xe lên tuốt trên phố sạc bình, Bình yếu thì mắc nối tiếp 2 bình lại, xem tạm. Cái ăng ten dễ phải mười , mười lăm mét. Mưa to mà nhà nhỏ, không vấn đề, mở cửa, để tivi sát cửa, anh em cô bác hè nhau ra sân đội áo mưa, ngồi coi, World Cup mà.
 

phucluong

Active Member
Re: Ðề: Re: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Nhớ về 1 thời khó khăn ko thể quên
 
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Một thời thiếu thốn gian khổ nhưng nhớ lại vẫn thấy vui. Cám ơn Nhi đã nhắc lại!
 

steaven

New Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Tivi JVC 14" màu nhà mình vẫn còn chạy đây, tới khi có đầu VHS mới mod thêm 2 cái jack bông sen để xem băng ,đồ Japan đời đầu thật bá đạo!!! Nhớ hồi nhỏ coi Phạm Công Cúc Hoa cứ khóc bù lu bù loa :))
 

vutronghuyen

Active Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Đọc bài của Nhi làm mình gợi nhớ đến thời bao cấp còn nhỏ,tối tối trèo lên bậc cửa sổ thò hai chân qua song sắt của phòng CA kinh tế thời đó có cái tivi chạy bóng đèn điện tử bật hơn 10 phút mới lên hình muỗi trong tivi nhiều, muỗi ngoài đốt sưng chân nhưng được xem những bộ phim thời đó để lại những rung cảm mà nay khó tìm lại được.
 

onggia93

Active Member
Ðề: Bao cấp điện ảnh: Những gì họ đã làm cho khán giả

Rất tiếc về công nghệ lưu trữ phim nhựa của chúng ta kém quá. Nên các phim nhựa cũ và hay có đưa lên DVD thì cũng không đảm bảo chất lượng.
Không biết có cách nào "remastered" lại không?
Nhắc lại cac phim nhựa cũ, tôi lại nhớ đến các tuồng cải lương cũ và hay trên tivi (Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, ...).
Cũng chịu chung 1 số phận là chất lượng lưu trữ kém qua!.
Thật là đáng tiếc!
 
Bên trên